Bài viết này đã được cùng viết bởi Chris M. Matsko, MD. Tiến sĩ Matsko là bác sĩ đã nghỉ hưu có văn phòng làm việc tại Pittsburgh, Pennsylvania. Ông đã được trao giải thưởng Lãnh đạo xuất sắc của Đại học Pittsburgh Cornell. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Y Temple năm 2007. Ông có chứng chỉ Nghiên cứu từ AMWA vào năm 2016 và chứng chỉ Viết & biên tập nội dung y khoa từ Đại học Chicago vào năm 2017.
Có 11 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.887 lần.
Đau nhức nhũ hoa là vấn đề phổ biến ở cả nam và nữ. Tình trạng này có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, bao gồm ma sát với quần áo, quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, và thay đổi nội tiết tố (hormone). May mắn thay, có khá nhiều phương pháp mà bạn có thể sử dụng để xoa dịu tình trạng đau nhức nhũ hoa bất kể là vì nguyên nhân gì.
Các bước
Xoa dịu Nhũ hoa Đau nhức do Ma sát
-
1Xem xét dấu hiệu kích ứng nhũ hoa. Ma sát giữa da và quần áo là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau nhức nhũ hoa. Đây là vấn đề khá phổ biến đối với các vận động viên, và tình trạng này thường có tên gọi "runner's nipple" (đau nhức nhũ hoa ở người chạy bộ). Nếu đây là vấn đề mà bạn đang gặp phải, bạn sẽ chắc hẳn có thể nhận thức được những triệu chứng sau.[1] [2]
- Đau hoặc nhức nhối chung.
- Sưng đỏ.
- Khô.
- Nứt nẻ.
- Chảy máu.
-
2Rửa sạch nhũ hoa với nước và xà phòng dịu nhẹ. Tương tự như bất kỳ một tình trạng chấn thương da nào, ma sát nhũ hoa có thể gây viêm nhiễm. Để ngăn ngừa điều này, bạn nên rửa sạch khu vực này với nước ấm và xà phòng. Sau đó, lau khô da.[3]
- Tốt nhất là bạn nên để khô nhũ hoa tự nhiên. Nếu cần thiết, bạn có thể dùng khăn để thấm khô. Chà xát sẽ chỉ làm gia tăng sự kích ứng và đau đớn.
- Sử dụng chất khử trùng chẳng hạn như cồn sẽ khiến cho tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn.
-
3Bôi kem lanolin lên khu vực bị ảnh hưởng. Lanolin là sản phẩm được bào chế để bảo vệ da. Nó sẽ giúp dưỡng ẩm cho da, xoa dịu cơn đau, và làm lành vết nứt nẻ và trầy xước. Bạn có thể tìm mua kem có chứa lanolin tại các tiệm thuốc tây và siêu thị.[4]
- Để thay thế, bạn có thể bôi mỡ khoáng (petroleum jelly) lên nhũ hoang. Mỡ khoáng sẽ giúp duy trì độ ẩm và ngăn ngừa da không ma sát vào quần áo.[5]
-
4Áp đá viên lên da để xoa dịu cơn đau. Nếu bạn cảm thấy đau do da bị khô nẻ, bạn có thể áp một túi đá viên lên nhũ hoa để xoa dịu cơn đau.[6]
- Cho dù là bạn sử dụng túi đá viên bày bán ở siêu thị hoặc túi đá mà bạn tự chuẩn bị tại nhà, hãy nhớ bọc một chiếc khăn quanh nó. Áp đá trực tiếp vào da có thể gây phỏng lạnh.
- Không nên áp đá trên da lâu hơn 20 phút. Hành động này có thể gây tổn hại cho da. Nếu bạn vẫn còn cảm thấy đau, bạn nên cho phép da trở nên ấm trở lại trước khi tiếp tục áp đá lên da.
-
5Tiến hành biện pháp phòng ngừa khô nẻ. Một khi nhũ hoa của bạn đã hết đau nhức hoàn toàn, bạn nên tiến hành thực hiện biện pháp phòng ngừa vấn đề có thể phát sinh trong tương lai.[7]
- Mặc quần áo rộng rãi khi tham gia hoạt động thể thao. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn trang phục được làm từ chất liệu tổng hợp thay vì cotton vì cotton có thể làm trầy xước da.
- Chất liệu thấm hút độ ẩm (mồ hôi) (moisture wicking material) cũng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng toát mồ hôi tại khu vực này và ngăn ngừa da khô nẻ.
- Phụ nữ nên sử dụng áo lót thể thao vừa vặn. Áo lót không vừa vặn sẽ dễ bị xê dịch và ma sát với nhũ hoa.
- Bôi Vaseline hoặc mỡ khoáng vào nhũ hoa. Nó sẽ giúp bảo vệ da và ngăn ngừa khô nẻ.
- Bạn có thể sử dụng sản phẩm chuyên biệt để che nhũ hoa của bạn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng băng cá nhân để che đậy nhũ hoa của bạn, nhưng loại bỏ nó sẽ khá đau đớn, đặc biệt nếu bạn có lông ngực.
-
6Đi khám bệnh nếu vấn đề của bạn không được cải thiện trong một vài ngày. Cùng với sự chăm sóc phù hợp, tình trạng trầy xước nhũ hoa sẽ khỏi sau một vài ngày. Nếu không, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Kích ứng có thể là do nguyên nhân sức khỏe khác gây nên, chẳng hạn như bệnh eczema hoặc bệnh vảy nến, hoặc nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.[8]
Xoa dịu Nhũ hoa Đau nhức khi Cho Con Bú
-
1Chườm gạc ấm, ẩm lên nhũ hoa. Hơi ấm từ miếng gạc sẽ giúp xoa dịu nhũ hoa. Sử dụng phương pháp này ngay sau khi cho con bú sẽ không chỉ giúp xoa dịu cơn đau mà còn giúp làm sạch nhũ hoa.[9]
- Không nên thay thế gạc ấm bằng các biện pháp tạo nhiệt khác chẳng hạn như máy sấy tóc hoặc máy sưởi. Những biện pháp này đã được chứng minh là sẽ gây tổn hại cho da.[10]
- Nhũ hoa đau nhức là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ ngừng cho con bú, vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải chăm sóc nhũ hoa của mình để xoa dịu cơn đau.
-
2Chà xát một vài giọt sữa mẹ vào nhũ hoa. Dưỡng chất tự nhiên có trong sữa mẹ sẽ giúp bạn xoa dịu tình trạng đau nhức liên quan đến quá trình cho con bú. Sữa mẹ cũng có đặc tính kháng khuẩn, vì vậy, phương pháp này cũng sẽ giúp bạn ngăn ngừa viêm nhiễm. Để khô nhũ hoa tự nhiên sau khi chà xát sữa mẹ để da có thời gian hấp thụ càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt.[11]
-
3Bôi kem lanolin vào nhũ hoa sau khi cho con bú. Để bảo vệ da và ngăn ngừa đau nhức giữa những lần cho con bú, bạn có thể thoa kem lanolin vào nhũ hoa. Biện pháp này sẽ giúp dưỡng ẩm cho da và xoa dịu khu vực bị đau nhức. Bạn có thể tìm mua loại sản phẩm này tại hầu hết các tiệm thuốc tây và siêu thị.[12]
- Ngoài ra, bạn cũng có thể bôi mỡ khoáng lên nhũ hoa. Nó sẽ giúp duy trì độ ẩm và ngăn ngừa khu vực này không bị ma sát với quần áo mà bạn đang mặc.[13]
- Cho dù là bạn sử dụng kem lanolin hay mỡ khoáng, bạn nên để yên nó trên da cho đến khi bạn cần phải cho con bú để duy trì sự bảo vệ cho nhũ hoa. Trước khi cho con bú, hãy rửa sạch nhũ hoa với nước.[14]
-
4Áp đá viên vào nhũ hoa trước khi cho con bú. Nếu nhũ hoa của bạn bị đau nhức trước quá trình cho con bú, bạn có thể áp một túi đá viên lên da để xoa dịu cơn đau.[15]
- Cho dù là bạn sử dụng túi đá được bày bán sẵn trong siêu thị hoặc tự chuẩn bị tại nhà, bạn nên nhớ dùng khăn bọc quanh nó. Áp đá trực tiếp lên da có thể gây phỏng lạnh.
- Không nên để yên đá trên da quá 20 phút. Hành động này có thể gây tổn hại cho da.
-
5Uống thuốc giảm đau không cần kê toa. Nếu bạn cảm thấy quá đau nhức, bạn có thể uống thuốc giảm đau. Bạn nên nhớ bảo đảm rằng bạn kết hợp sử dụng thuốc giảm đau với các biện pháp khác được thiết kế để giúp nhũ hoa chữa lành, nếu không, bạn sẽ chỉ khiến cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn và không thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.[16]
- Trong trường hợp này, acetaminophen là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn, tuy nhiên, thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID) cũng sẽ đem lại hiệu quả. Cả hay loại này đều có thể được dùng trong quá trình cho con bú, nhưng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.[17] [18]
-
6Điều chỉnh tư thế. Nếu bạn gặp phải khá nhiều cơn đau nhức khi cho con bú, điều chỉnh tư thế có thể giúp ích được cho bạn. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn này để tìm hiểu thêm chi tiết về các tư thế cho con bú khác nhau.
-
7Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cơn đau không thuyên giảm. Cơn đau nhức kéo dài và nằm ngoài khả năng chịu đựng không phải là điều bình thường, và có lẽ bạn đang gặp phải vấn đề tìm ẩm khác. Bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ khám xem cơn đau của bạn có phải là vì nguyên nhân nào khác, hay chỉ là bạn cần phải điều chỉnh tư thế cho con bú của mình. Nhũ hoa bị nứt nẻ có thể sẽ phải cần đến thuốc kháng sinh bôi ngoài da.[19]
Xoa dịu Nhũ hoa Đau nhức do Thay đổi Nội tiết tố (Hormone)
-
1Xem xét tình trạng hormone của bạn khi nhũ hoa của bạn đau nhức. Thay đổi hormone trong cơ thể có thể khiến ngực và nhũ hoa trở nên sưng và đau. Thông thường, sự mất cân bằng trong lượng estrogen và progesterone chính là thủ phạm gây nên vấn đề này. Biến động trong lượng nội tiết tố là điều bình thường trong các trường hợp sau:
- Trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu.[20]
- Trước hoặc trong khi có kinh.[21]
- Khi phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn mãn kinh.[22]
- Nam giới cũng có thể gặp phải tình trạng này. Và thường là do sự mất cân bằng trong lượng estrogen và testosterone. Mặc dù nam giới không phải trải qua chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hoặc mãn kinh, biến động trong hormone là điều khá phổ biến.[23]
- Nhũ hoa đau nhức có thể là do béo phì hoặc sự chuyển hóa ngoại vi của estrogen trong tế bào chất béo. Điều này có thể gây nên căn bệnh nữ hóa tuyến vú ở nam giới.
-
2Chườm lạnh lên nhũ hoa. Nếu nhũ hoa đau nhức là do sự mất cân bằng trong lượng hormone, kem bôi ngoài da có thể sẽ không đem lại hiệu quả. Cách tốt nhất để xoa dịu cơn đau là chườm lạnh. Bạn nên nhớ bọc một chiếc khăn quanh túi đá viên và áp túi đá vào da không quá 20 phút. Nếu nhũ hoa của bạn vẫn còn đau, bạn có thể chườm lạnh thêm một lần nữa sau khi vùng da của bạn đã ấm trở lại cũng như triệu chứng đau nhức tiếp tục tái phát.[24]
-
3Uống thuốc giảm đau. Để đối phó với nhũ hoa đau nhức do thay đổi nội tiết tố, bạn có thể uống thuốc giảm đau không cần kê toa. Biện pháp này sẽ giúp làm giảm cơn đau và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.[25]
- Acetaminophen chính là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) sẽ làm giảm viêm và trong trường hợp này thì viêm nhiễm lại không phải là nguyên nhân khiến nhũ hoa của bạn đau nhức. Tuy nhiên, NSAID cũng có thể đem lại hiệu quả.[26] Bạn nên tránh sử dụng aspirin nếu bạn dưới 20 tuổi bởi vì hành động này sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng Reye.
-
4Lựa chọn sử dụng áo lót đem lại sự nâng đỡ tốt hơn. Nếu nhũ hoa và ngực của bạn bị đau nhức, chiếc áo lót đem lại sự hỗ trợ tốt hơn có thể giúp bạn giảm thiểu cơn đau. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang mang thai để ngăn ngừa áo lót bị kéo căng.[27]
- Bạn cũng có thể sử dụng áo lót thể thao khi ngủ. Nếu ngực của bạn xê dịch khi bạn ngủ, nó có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
-
5Đi khám bệnh nếu cơn đau không thuyên giảm. Nếu cơn đau nhức kéo dài hơn nhiều ngày đến 1 tuần, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe khác. Bạn nên đến bệnh viện để khám xem liệu bạn có đang gặp phải tình trạng bệnh lý tìm ẩm nào khác khiến nhũ hoa của bạn đau nhức.[28]
-
6Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc danazol. Nếu cơn đau vẫn kéo dài hoặc vượt quá khả năng chịu đựng của bạn, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc danazol cho bạn. Loại thuốc này được sử dụng để chữa trị nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, nhưng cũng có thể được dùng để điều trị sưng tấy và đau nhức ngực cũng như nhũ hoa. Tuy nhiên, nó sẽ đem lại tác dụng phụ đó là gây nam hóa có thể khiến bạn phải hạn chế việc sử dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu loại thuốc này có phù hợp với bạn.[29]
Lời khuyên
- Loại bỏ sử dụng caffein và bổ sung thêm Vitamin E và tinh dầu hoa anh thảo cũng sẽ đem lại hiệu quả trong việc giảm thiểu cơn đau ngực.
- Tránh sử dụng mật ong hoặc Vitamin E trên ngực khi đang trong giai đoạn cho con bú vì điều này có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.
- Chế độ ăn uống và tập thể dục có tác động rất lớn đến tình trạng đau nhũ hoa. Chế độ dinh dưỡng ít chất béo và nhiều carbohydrat đã được chứng minh có thể làm giảm cơn đau ngực theo chu kỳ.
Cảnh báo
- Đi khám bệnh bất kỳ khi nào bạn gặp phải cơn đau nhũ hoa dai dẳng hoặc không thể lý giải. Đau ngực thường không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng đây có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý khác chẳng hạn như ung thư vú.
Tham khảo
- ↑ http://www.shape.com/fitness/training-plans/running-tips-blisters-sore-nipples-and-other-runners-skin-problems-solved
- ↑ http://www.runaddicts.net/tips-tricks/how-to-prevent-nipple-irritation
- ↑ http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/chafing-causes-treatments
- ↑ http://www.skinsight.com/adult/nippleDermatitis.htm
- ↑ http://www.skinsight.com/adult/nippleDermatitis.htm
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.runaddicts.net/tips-tricks/how-to-prevent-nipple-irritation
- ↑ http://www.runaddicts.net/tips-tricks/how-to-prevent-nipple-irritation
- ↑ http://www.llli.org/faq/heal.html
- ↑ http://www.llli.org/faq/heal.html
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.llli.org/faq/heal.html
- ↑ http://www.skinsight.com/adult/nippleDermatitis.htm
- ↑ http://www.skinsight.com/adult/nippleDermatitis.htm
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/breastfeeding-and-medications/art-20043975?pg=2
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.whattoexpect.com/pregnancy/symptoms-and-solutions/breast-tenderness.aspx
- ↑ http://www.med-health.net/Sore-Nipples-and-Sore-Breasts.html
- ↑ http://www.med-health.net/Sore-Nipples-and-Sore-Breasts.html
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003165.htm
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003165.htm
- ↑ http://www.med-health.net/Sore-Nipples-and-Sore-Breasts.html
- ↑ http://www.health.state.mn.us/wic/nutrition/pdffiles/ebf2.pdf
- ↑ http://www.whattoexpect.com/pregnancy/symptoms-and-solutions/breast-tenderness.aspx
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003165.htm
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682599.html#how