Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Bạn đang cần có thời gian nghỉ ngơi một chút? Dù đó là việc đột xuất hay là một chuyến đi nghỉ xa, xin nghỉ phép có lẽ đơn giản hơn bạn nghĩ đấy. Trong môi trường làm việc thời nay, một tin nhắn có thể giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi mà bạn xứng đáng được hưởng. Hãy đọc tiếp danh sách đầy đủ các lời khuyên và ví dụ của chúng tôi dưới đây về cách xin nghỉ phép qua tin nhắn nhé.

1

Soạn tin nhắn cẩn thận trước khi gửi

  1. Đảm bảo lời đề nghị của bạn phải rõ ràng và không có lỗi đánh máy. Tin nhắn gửi cấp trên để xin nghỉ phép nên trang trọng một chút và không có vẻ như được viết vội. Bạn càng nghiêm túc khi soạn tin nhắn thì cấp trên của bạn sẽ càng thấy rằng bạn tôn trọng họ và công việc của họ.[1] Sau đây là ví dụ về định dạng tiêu chuẩn:
    • Đầu tiên, hãy nói lời chào và nêu đề nghị rõ ràng. Ví dụ, “Em chào chị Hạnh. Em muốn xin phép nghỉ ngày thứ hai, 31/1.”
    • Nếu bạn xin nghỉ vào phút chót, hãy nói dứt khoát nhưng kèm lời xin lỗi. Ví dụ, “Em xin lỗi chị, nhưng hôm nay em không đến công ty được.”
    • Nói rõ rằng bạn xin nghỉ phép có lương hay không. Ví dụ, “Em muốn xin nghỉ phép 8 tiếng có lương,” hoặc “Em định nghỉ không lương trong thời gian này.”
    • Cuối cùng là lời cảm ơn. Ví dụ “Cảm ơn chị nhiều ạ!” hoặc, nếu bạn xin nghỉ đột ngột thì “Cảm ơn anh đã thông cảm.”
    Quảng cáo
2

Thể hiện sự tự tin khi nhắn tin xin nghỉ

  1. Hãy thẳng thắn thể hiện quyền của bạn trong lời đề nghị. Khi đề nghị được nghỉ phép, thường sẽ tốt hơn nếu bạn “báo” cho cấp trên biết là bạn muốn nghỉ thay vì “xin” được nghỉ. Bạn càng thiếu kiên quyết thì cấp trên của bạn càng dễ bác bỏ. Miễn là bạn tuân thủ quy định của công ty thì họ sẽ không thể từ chối.[2]
    • Ví dụ, "Em chào chị Lan. Em rất tiếc, nhưng em bị ốm nên hôm nay không đến văn phòng được.” hoặc “Em chào anh Thành. Em muốn được nghỉ phép có lương vào ngày 3 tháng 3 ạ.”
    • Lưu ý rằng cấp trên của bạn có thể không chấp nhận nếu đã có những người khác xin nghỉ trùng ngày bạn muốn nghỉ hoặc gần đây bạn đã lấy quá nhiều ngày nghỉ phép.
3

Viết tin nhắn ngắn gọn

  1. Đừng đưa vào quá nhiều chi tiết giải thích vì sao bạn cần nghỉ. Không như nhiều người nghĩ, bạn càng giải thích dài dòng rằng vì sao bạn xin nghỉ phép thì cấp trên của bạn lại càng dễ nghi ngờ. Hơn nữa, bạn có quyền giữ sự riêng tư ở mức độ nào đó. Hãy soạn lời đề nghị càng đơn giản càng tốt.[3]
    • Ví dụ, nếu định nghỉ để đi xem hòa nhạc ở thành phố khác, bạn chỉ cần nói “Em cần ra khỏi thành phố trong ngày đó.”
    • Nếu xin nghỉ ốm đột xuất, bạn không cần phải nói cụ thể bạn bị bệnh như thế nào. Bạn chỉ cần nói “Sáng nay thức dậy em cảm thấy không khỏe,” hoặc “Em bị cảm.”
    • Tuy nhiên, nếu thấy có các triệu chứng mà có thể phải nghỉ nhiều ngày, bạn hãy cho cấp trên biết là có lẽ bạn phải nghỉ hơn một ngày.
    Quảng cáo
4

Thành thật nêu lý do đột xuất khiến bạn phải nghỉ

  1. Bạn có quyền xin nghỉ để xử lý các sự cố bất ngờ. Nếu cần nghỉ vì có việc đột xuất xảy ra với bạn hoặc người thân, bạn nên nói thẳng thắn rằng bạn cần phải lo liệu chuyện khẩn cấp. Tương tự, nếu bạn cần xử lý khủng hoảng sức khỏe tâm thần, thể chất hoặc tình cảm, hãy thành thật thay vì bịa ra cái cớ nào đó. Thường thì cấp trên của bạn sẽ hiểu nếu bạn nhấn mạnh rằng bạn rất cần được nghỉ.[4]
    • Ví dụ, “Hôm nay em không thể đến công ty được. Người nhà em gặp chuyện đột xuất,” hoặc “Hôm nay trạng thái tinh thần của em không tốt nên em cần phải ở nhà.”
    • Mặc dù bạn có thể xin nghỉ khi thực sự không làm việc được, nhưng đừng lạm dụng lý do này, đặc biệt nếu bạn không sử dụng ngày nghỉ có lương hoặc ngày nghỉ ốm.
5

Tránh viện cớ nếu bạn không có lý do chính đáng

  1. Nói với cấp trên rằng bạn cần thời gian nghỉ vì “lý do cá nhân”. Nếu bạn cần một ngày nghỉ nhưng không có lý do chính đáng, đừng giả vờ bị ốm hoặc có việc khẩn cấp. Một câu chuyện bịa sẽ đặt bạn vào rủi ro bị phát hiện nói dối. Thay vào đó, hãy gửi một tin nhắn ngắn gọn cho cấp trên rằng bạn không thể đến công ty được.[5]
    • Ví dụ, nếu bạn muốn nghỉ một ngày để đi biển, đừng nói rằng “Em bị cúm.” Tin nhắn này sẽ gây lo lắng không đáng có cho họ.
    • Thay vào đó, hãy nói ngắn gọn và lịch sự rằng “Em cần nghỉ một ngày vì lý do cá nhân ạ. Em rất xin lỗi. Ngay mai em sẽ đi làm lại.”
    • Bạn có thể dùng “lý do cá nhân” để giải thích nếu bạn muốn nghỉ vì sức khỏe tinh thần nhưng lại lo rằng cấp trên không thông cảm.
    Quảng cáo
6

Ngỏ ý làm bù giờ

  1. Hãy chứng tỏ bạn biết rằng công việc của bạn là quan trọng. Tùy vào lĩnh vực công việc của bạn, bạn có thể thương lượng với cấp trên để làm bù giờ khi bạn đi làm lại. Như thế, cho dù cấp trên từ chối đề nghị của bạn, họ vẫn có thể thấy bạn không coi việc được nghỉ là đương nhiên.[6]
    • Tùy vào tính chất của công việc, bạn có thể làm thêm ca thay cho những người khác, làm thêm giờ hoặc ngoài giờ làm việc thông thường.
    • Ví dụ, “Cảm ơn anh đã cho em nghỉ ạ. Nếu cần, em có thể làm thêm giờ khi đi làm lại.”
    • Một cách khác là hỏi xem có nhiệm vụ nào bạn làm được ngoài giờ không. Ví dụ “Có việc gì em làm được mà không cần đến văn phòng không ạ?”
7

Nói rằng bạn có thể làm việc tại nhà

  1. Cho cấp trên biết rằng họ có thể liên lạc với bạn qua email hoặc tin nhắn. Nếu xin nghỉ ốm có lương, bạn có thể nhận làm một số việc tại nhà. Hãy nói với cấp trên rằng họ có thể liên lạc với bạn trong trường hợp khẩn cấp hoặc có câu hỏi nào đó. Đây là lời đề nghị chu đáo sau khi bạn gây bất tiện đột xuất cho họ, và nó chứng tỏ bạn không lợi dụng họ.[7]
    • Ví dụ. “Hôm nay em sẽ nghỉ ở nhà, nhưng nếu có cần gì thì anh cứ nhắn tin hoặc gửi email cho em cũng được ạ.”
    • Bạn chỉ cần đưa ra đề nghị này nếu bạn vẫn được trả lương cho ngày nghỉ. Nếu nghỉ không lương hoặc sử dụng thời gian nghỉ phép có lương, bạn không có bổn phận phải làm việc.
    • Tuy nhiên đây có thể là cách cư xử khéo léo nếu bạn cảm thấy ngại vì mình nghỉ quá nhiều và muốn giữ uy tín.
    Quảng cáo
8

Xin nghỉ nhiều ngày nếu bạn không chắc mình cần nghỉ bao lâu

  1. Nêu thời gian ước tính mà bạn sẽ nghỉ ốm hoặc nghỉ vì việc đột xuất. Nếu xin nghỉ vì bệnh, có thể bạn phải ở nhà vài ngày. Trong trường hợp này, bạn nên cho cấp trên biết rằng bạn không chắc phải nghỉ bao lâu, nhưng hãy ước chừng thời gian tương đối và cho họ biết bạn sẽ cập nhật thông tin cho họ.[8]
    • Thông thường, nếu hôm nay bạn xin nghỉ thì có lẽ bạn sẽ cần nghỉ cả ngày mai.
    • Ví dụ “Em bị cúm chị ạ. Để cho an toàn, em sẽ không đến văn phòng hôm nay và ngày mai. Em sẽ báo cho chị biết tình hình của em ngày mai.”
9

Gửi tin nhắn trong giờ làm việc

  1. Tránh làm phiền cấp trên vào ban đêm hoặc trong ngày cuối tuần. Khi nhắn tin xin nghỉ, tốt nhất là bạn nên xem đây là một đề nghị trong công việc. Nói cách khác, đừng nêu vấn đề ngoài giờ làm việc, khi cấp trên có thể đang tận hưởng thời gian nghỉ của họ. Hãy quan tâm đến quyền lợi của họ bằng cách gửi tin nhắn trong giờ làm việc.[9]
    • Điều này có hơi khác một chút nếu bạn đột nhiên cảm thấy cần phải nghỉ ngay khi vừa thức dậy. Trong trường hợp này, bạn nên gửi tin nhắn càng sớm càng tốt.
    • Tuy nhiên, nếu bạn có thể chờ được chấp thuận, chẳng hạn như bạn xin phép trước, hãy gửi tin nhắn vào giờ làm việc.
    Quảng cáo
10

Xin phép trước càng sớm càng tốt

  1. Thông báo cho cấp trên trước vài tuần hoặc vài tháng, nếu có thể. Nếu bạn lên kế hoạch xin nghỉ phép, hãy cho cấp trên biết ngày bạn định nghỉ ngay sau khi quyết định. Cấp trên của bạn sẽ dễ chấp nhận hơn nếu họ có thời gian sắp xếp khi bạn vắng mặt.[10]
    • Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn mới vào làm hoặc nếu bạn xin nghỉ vào khoảng thời gian trong năm mà những người khác có thể cũng muốn nghỉ, chẳng hạn như dịp lễ.
    • Nếu xin nghỉ ốm đột xuất, bạn nên báo cho cấp trên ngay khi vừa thức dậy và quyết định không đi làm.
    • Kiểm tra xem nơi bạn làm việc có quy định về thủ tục xin nghỉ phép không. Cấp trên của bạn có thể yêu cầu bạn phải tuân thủ quy trình và thời gian nghỉ.
11

Chuẩn bị tinh thần rằng đề nghị của bạn không được chấp thuận

  1. Lập kế hoạch dự phòng hoặc sẵn sàng thương lượng. Có khả năng cấp trên của bạn không chấp thuận cho bạn được nghỉ. Nếu lý do là bạn xin nghỉ vào đúng thời kỳ bận rộn hoặc có người đã xin nghỉ trùng ngày với bạn thì bạn có thể thương lượng. Nếu là do bạn xin nghỉ quá lâu, bạn cũng có thể tìm giải pháp thỏa hiệp.[11]
    • Nếu kế hoạch của bạn có thể thay đổi được, chẳng hạn như chưa mua vé máy bay, bạn có thể xin nghỉ vào ngày khác.
    • Nếu cấp trên của bạn nói rằng bạn xin nghỉ quá lâu, bạn có thể sắp xếp lại để nghỉ ít ngày hơn.
    • Nếu bạn làm việc trong ngành nghề mà có thể nhờ người khác làm thay, hãy hỏi xem đồng nghiệp nào làm thay ca cho bạn được không.
    Quảng cáo

Bài viết wikiHow có liên quan

Các lý do thuyết phục để xin nghỉ phép20 lý do thuyết phục để xin nghỉ phép
Xin thôi việc qua tin nhắnXin nghỉ việc qua tin nhắn (có ví dụ)
Tạo một Chữ ký Ấn tượngTạo một Chữ ký Ấn tượng
Trở thành nhà thiết kế thời trangTrở thành nhà thiết kế thời trang
Viết thư thăm dò sau khi nộp hồ sơ xin việcViết thư thăm dò sau khi nộp hồ sơ xin việc
Mua cổ phiếu (dành cho người mới bắt đầu)Mua cổ phiếu (dành cho người mới bắt đầu)
Trông giữ Trẻ emTrông giữ Trẻ em
Trở thành thợ xămTrở thành thợ xăm
Chào Tạm biệt Đồng nghiệpChào Tạm biệt Đồng nghiệp
Trở thành diễn viên lồng tiếng/người thuyết minhTrở thành diễn viên lồng tiếng/người thuyết minh
Bắt đầu một email trang trọngBắt đầu một email trang trọng
Trở thành Nhà Thiết kế Đồ họaTrở thành Nhà Thiết kế Đồ họa
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Nhân viên của wikiHow
Cùng viết bởi:
Người viết bài của wikiHow
Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.

Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Bài viết này đã được xem 3.878 lần.
Chuyên mục: Thế giới Làm việc
Trang này đã được đọc 3.878 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo