Bài viết này đã được cùng viết bởi Pippa Elliott, MRCVS. Elliott là bác sĩ thú y với hơn ba mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thú y và điều trị bệnh cho thú cưng. Cô tốt nghiệp Đại học Glasgow năm 1987 với bằng bác sĩ phẫu thuật thú y. Cô đã làm việc tại một phòng khám thú y tại quê nhà hơn 20 năm.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 1.282 lần.
Dù là cho chú cún của mình ăn ở ngoài sân hay trong nhà, có lẽ không ít lần bạn phát bực vì bị lũ ruồi quấy rầy. Có nhiều phương pháp để xử lý ruồi bu quanh bát nước hoặc thức ăn của chó, và nhiều cách chỉ cần dùng những thứ mà có lẽ bạn đã có sẵn trong nhà.
Các bước
Ngăn chặn ruồi
-
1Sử dụng phương pháp cho chó ăn theo định lượng hoặc theo thời lượng. Cho ăn theo định lượng nghĩa là bạn tính toán chính xác lượng thức ăn đủ cho chó ăn mỗi bữa và đem ra đúng chừng đó. Bạn nên cho chó ăn mỗi ngày hai bữa, cách nhau khoảng 8-12 tiếng. Cho ăn theo thời lượng nghĩa là bạn cho chó ăn trong một khoảng thời gian nhất định và cất đi khi đã hết giờ dù thức ăn vẫn còn. Dần dần, chú cún của bạn sẽ hiểu rằng không phải nó muốn ăn bao lâu cũng được và sẽ ăn hết trong khoảng thời gian mà bạn đặt ra.[1] Cả hai phương pháp này đều nhằm giải quyết tình trạng thức ăn thừa để lại trong bát vốn rất hấp dẫn với lũ ruồi.
- Nếu vẫn muốn cho chó nhấm nháp thức ăn cả ngày, bạn nên đặt bát thức ăn và bát nước cách xa nhau để ngăn ngừa thức ăn khô bị ướt. Thức ăn ẩm ướt sẽ thu hút ruồi bu đến.
-
2Nhanh chóng dọn sạch phân chó. Ruồi cũng sẽ bu đến chất thải của chó như bu đến thức ăn vậy. Hiển nhiên là thức ăn thì phải để ra ngoài cho chó ăn, nhưng phân chó thì không có lý do gì để lại trong sân một phút nào. Hãy dọn sạch chất thải của chó ngay sau khi nó đã “xong việc”, rồi bạn sẽ thấy số lượng ruồi giảm đi.[2]Bác sĩ thú yPippa Elliott, MRCVS
Bác sĩ thú yBác sĩ thú y Pippa Elliott cho biết: "Bạn cần phải dọn phân chó ngay lập tức vì nhiều lý do. Các loài ký sinh trùng phổ biến, chẳng hạn như giun đũa toxocara, có thể lây nhiễm vào đất và trở thành mối nguy hại cho sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em."
-
3Loại bỏ môi trường sinh sản của ruồi. Ruồi sinh sôi trong những khu vực ẩm ướt hoặc có nước, nơi chúng có thể tiếp cận với rau cỏ hoặc chất thải của động vật, kể cả rác, phân trộn và nhiều thứ khác nữa. Chỉ cần 2-3 tuần là giòi sẽ biến thành ruồi, và một khi đã nở, lũ ruồi thường sẽ quẩn quanh nơi chúng đã sinh ra. Vì vậy, việc dọn dẹp những khu vực sinh sản của ruồi và luôn giữ môi trường sạch sẽ là cách để ngăn ngừa lũ ruồi mới phát sinh.
- Đối với chó chủ yếu sống ở ngoài trời, chẳng hạn như chó lao động, môi trường sinh sản tiềm ẩn của ruồi chính là những chú chó. Bạn có thể loại bỏ môi trường sinh sản này của ruồi bằng cách giữ cho chó sạch sẽ và khô ráo, đồng thời xử lý ngay các vết thương hở của chó.[3]
-
4Gắn lưới chống côn trùng cho cửa sổ và cửa ra vào. Hầu hết những con ruồi xuất hiện trong nhà là do chúng tìm được khe hở ở đâu đó để vào nhà – chẳng hạn như các chỗ rách trên lưới chống côn trùng. Cách tốt nhất để ngăn ruồi bay vào nhà là chặn lối vào của chúng. Sửa chữa hoặc thay mới lưới chống côn trùng là một cách hay để bắt đầu việc này.
- Nhớ mở và đóng cửa nhanh mỗi khi ra vào nhà để ngăn ruồi bay vào. Hết sức hạn chế để cửa mở, vì cánh cửa mở chẳng khác nào lời mời gọi ruồi và những loài côn trùng khác vào nhà!
Quảng cáo
Xua đuổi ruồi
-
1Treo bịch nước gần bát thức ăn của chó. Bạn có thể dùng bất cứ túi ni lông trong có khoá kéo cỡ vừa nào cũng được. Đổ nước vào đầy nửa túi ni lông, kéo chặt khoá túi hoặc buộc lại để loại bỏ hầu hết không khí trong túi. Treo bịch nước gần bát thức ăn hoặc nước uống của chó.[4] Nước đựng trong túi ni lông sẽ tạo ra hiện tượng khúc xạ ánh sáng khiến cho lũ ruồi bối rối và bay đi.[5]
- Bạn có thể treo bao nhiêu bịch nước xung quanh nhà tuỳ thích. Các bịch nước sẽ ngăn ngừa ruồi lảng vảng quanh nhà gần như ngay lập tức.
-
2Xua đuổi ruồi bằng dầu oải hương. Nhúng một miếng mút hoặc mảnh vải nhỏ vào dầu oải hương không pha loãng (khoảng nửa cốc đến 1 cốc) và để cho ngấm. Bỏ miếng mút hoặc mảnh vải đã ngấm dầu oải hương vào hộp thiếc có nắp đậy trong vòng 1 ngày. Một ngày sau, bạn hãy mở nắp hộp và đặt gần bát thức ăn hoặc nước uống của chó, nhưng nhớ đừng để chó với tới. Thỉnh thoảng, bạn cần phải rót thêm dầu oải hương khi thấy tinh dầu oải hương giảm hiệu lực.
- Tránh để dầu oải hương đậm đặc tiếp xúc với da.
- Ngoài dầu oải hương, bạn có thể dùng dầu sả, khuynh diệp, bạc hà hăng, bạc hà cay hoặc cỏ chanh, nhưng các loại dầu này cần được pha loãng với nước hoặc cồn với tỷ lệ 1:3.
-
3Xua đuổi ruồi bằng đinh hương và chanh. Cắt đôi 2 quả chanh và cắm 6-12 nụ đinh hương vào từng mảnh chanh. Nhớ cắm sao cho đầu nụ đinh hương hướng ra ngoài. Đặt các mảnh chanh gần bát thức ăn hoặc nước uống của chó nhưng ngoài tầm với của chúng.
- Nếu không có chanh hoặc không thích dùng chanh, bạn chỉ cần cho đinh hương vào túi vải thưa và đặt gần bát thức ăn của chó. Những chiếc túi thơm như vậy không những hiệu quả mà còn đẹp nữa!
-
4Xịt nước cỏ chanh. Nhỏ 10-12 giọt tinh dầu cỏ chanh vào ¼ cốc nước nóng đựng trong bình xịt. Lắc bình và xịt nước xung quanh những khu vực mà ruồi thường tụ tập, chẳng hạn như các cửa sổ và cửa ra vào.[6] Bạn có thể xịt xung quanh khu vực cho chó ăn, nhưng tránh xịt trực tiếp vào bát ăn của chó hoặc bất cứ bề mặt nào mà chú cún của bạn có thể liếm phải.
- Nước cỏ chanh cũng có thể dùng để diệt ruồi ngay tại chỗ bằng cách xịt trực tiếp vào con ruồi.
- Bạn có thể dùng nước xà phòng nếu không muốn tốn tiền mua dầu cỏ chanh vốn khá đắt. Dù không có hương thơm dễ chịu như cỏ chanh, nhưng nước xà phòng cũng có tác dụng xua đuổi ruồi tương tự.
-
5Trồng các loài hoa và thảo mộc mà ruồi không ưa. Húng quế, oải hương, nguyệt quế, cúc ngải, bạc hà, cửu lý hương, ngải tây, cúc vạn thọ vốn không phải là những loài cây yêu thích của ruồi. Bạn hãy trồng những cây hoa và thảo mộc này ngoài trời, gần nơi cho chó ăn để xua đuổi ruồi. Bạn cũng có thể trồng những cây này trong chậu và đặt gần bát ăn của chó trong nhà.[7]
-
6Rải các lát dưa chuột gần khu vực cho chó ăn uống. Đặt các lát dưa chuột (bên trong hoặc ngoài nhà) gần bát thức ăn và nước uống của chó.[8] Nhớ đừng để dưa chuột ở nơi chó tiếp cận được. Hẳn là bạn không muốn phải liên tục bù lại các lát dưa chuột bị chú cún của bạn xơi hết!Quảng cáo
Tiêu diệt ruồi
-
1Tự làm giấy bẫy ruồi. Thay vì dùng các sản phẩm bán sẵn, bạn có thể tự chế giấy bẫy ruồi bằng các nguyên liệu không độc hại. Lấy bất cứ loại giấy nào cắt thành các dải rộng khoảng 5 cm và dài tuỳ thích. Chọc một lỗ ở một đầu dải giấy để xỏ dây treo. Trộn ½ cốc xi rô ngô với ¼ cốc đường để tạo thành hỗn hợp dính. Phết hỗn hợp này lên cả hai mặt của mỗi dải giấy và treo gần bát thức ăn của chó (treo đủ cao để chú cún của bạn không với tới được). Thay các dải giấy khác khi bạn thấy nhiều xác ruồi dính vào giấy.[9]
-
2Bẫy ruồi giấm bằng giấm táo. Rót giấm táo vào cốc (hoặc bát, ly thuỷ tinh hay các vật đựng khác). Bọc miệng cốc bằng màng bọc thực phẩm và buộc lại bằng dây chun, đảm bảo màng bọc trên miệng cốc phải căng như mặt trống. Dùng tăm châm nhiều lỗ trên màng bọc, sau đó đặt bẫy gần bát thức ăn và nước uống của chó, nhưng đừng để cho chó tiếp cận được. Nhớ đổ giấm cũ và thay giấm mới trong bẫy khi cần.[10]
- Một nguyên liệu khác để làm bẫy ruồi thay cho giấm táo là rượu vang. Rượu vang cũng được dùng thay giấm táo để thu hút và giết chết ruồi. Bạn có thể thêm một chút xà phòng vào rượu vang để lũ ruồi không trốn thoát được. Tất nhiên là bạn phải chịu tốn rượu vang để làm bẫy kiểu này, do đó vấn đề của bạn có lẽ là phải cắn răng chịu tốn kém!
-
3Bẫy ruồi bằng mật ong hoặc mứt. Cắt một chai nước soda/nước quả/nước có ga cỡ nhỏ làm hai phần, phần đáy lớn hơn phần đầu. Rót nước vào phần đáy chai với vài giọt nước rửa bát. Lật ngược phần đầu chai và đặt vào phần đáy chai (tức là miệng chai sẽ hướng xuống mặt nước). Phết mật ong hoặc mứt quả vào miệng chai gần mặt nước. Đặt bẫy ở gần bát thức ăn và nước uống của chó – nhưng nhớ là ở ngoài tầm với của chúng (có lẽ chó cũng thích món này không kém gì lũ ruồi!)[11]
-
4Mua và lắp đèn bẫy côn trùng. Đèn bẫy côn trùng được thiết kế để sử dụng ngoài trời hơn là dùng trong nhà và cần có ổ cắm điện. Đèn bẫy côn trùng phát ra ánh sáng thu hút nhiều loại côn trùng và hạ gục chúng bằng dòng điện khi chúng đến gần.
- Lưu ý rằng ruồi thường không bị ánh sáng thu hút, và đèn bẫy côn trùng có thể không hiệu quả bằng các phương pháp khác.
Quảng cáo
Cảnh báo
- Ngay cả các nguyên liệu tự nhiên cũng có thể độc hại đối với chó. Tốt nhất là bạn nên đặt các sản phẩm diệt ruồi hoặc xua đuổi ruồi ở ngoài tầm với của chó. Nếu thấy lo lắng, bạn có thể hỏi bác sĩ thú y về các chất có thể gây hại cho chó trước khi áp dụng bất cứ biện pháp nào.
- Ngoài các phương pháp tự nhiên, bạn cũng có thể mua các sản phẩm chứa hoá chất tại siêu thị hoặc thông qua công ty kiểm soát côn trùng. Nếu quyết định sử dụng sản phẩm chứa hoá chất, bạn cần chọn các sản phẩm an toàn cho người, chó và các vật nuôi khác.
Tham khảo
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/dog-care/feeding-your-adult-dog
- ↑ http://pets-animals.blurtit.com/252583/how-can-i-keep-flies-away-from-my-dog-house-and-dog-food
- ↑ http://www.petful.com/pet-health/summer-dangers-pets/
- ↑ http://www.waycooldogs.com/a-ziplock-bag-of-water-and-4-pennies-no-flies/
- ↑ http://tnfarmbureau.org/content/pennies-bags-water-make-flies-flee
- ↑ http://www.rapidhomeremedies.com/get-rid-of-flies.html
- ↑ http://www.rapidhomeremedies.com/get-rid-of-flies.html
- ↑ http://www.homeremedyshop.com/16-home-remedies-to-get-rid-of-flies/
- ↑ http://www.rapidhomeremedies.com/get-rid-of-flies.html