wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 41 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.
Bài viết này đã được xem 17.253 lần.
Có phải bạn đang hối hận vì hình xăm trên người không? Khi việc xăm mình đang trở thành một ngành kinh doanh lớn thì càng ngày càng có nhiều người hối hận vì vết mực xăm trên da. Hiện có nhiều thủ thuật có thể giúp xóa những hình xăm không mong muốn, và nhiều phương pháp rất thành công. Không may là các liệu pháp tại nhà cũng nở rộ, và nhiều cách trong số đó không an toàn và kém hiệu quả. Sau đây là những điểu có thể bạn muốn biết về việc dùng muối để xóa hình xăm, kem theo đó là những thông tin hữu ích về việc xóa hình xăm không mong muốn.
Các bước
Biết những điều không được làm
-
1Bạn phải thật thận trọng khi xát muối lên hình xăm. Bất kể là bạn vừa mới xăm hoặc xăm đã lâu, việc dùng muối để xóa hình xăm là một việc làm nguy hiểm. Lý do như sau:
- Da có hai lớp - lớp hạ bì, tức lớp trong của da, và lớp biểu bì, tức lớp ngoài của da. Khi xăm hình, mực xăm sẽ đi qua lớp biểu bì, tức là lớp ngoài, và vào lớp hạ bì. Việc xát muối lên lớp biểu bì có thể dễ dàng nhưng vô hiệu. Bạn cần phải xát muối vào lớp hạ bì; và ngay cả khi bạn có thể làm mòn lớp ngoài cùng của da để tiếp cận mực xăm thì có lẽ điều đó cũng không đem lại kết quả tốt.[1]
- Việc xát muối lên hình xăm cũng sẽ gây cảm giác rất khó chịu. Ngoài ra, muối cũng có thể gây sạm da, nhăn nheo[2] , và có thể để lại sẹo. Bạn cần hiểu rằng việc thực hiện thủ thuật này tại nhà có thể dẫn đến tác dụng ngược và khiến hình xăm của bạn trông còn tệ hơn.
-
2Biết rằng ý tưởng này từ đâu mà có. Mặc dù có một số liệu pháp điều trị da dùng muối như một chất mài mòn nhẹ, nhưng có một lý do thuyết phục cho rằng muối là chất tẩy hình xăm tốt. Khi xăm mình, bạn sẽ được dặn là không ngâm hình xăm vào nước, đặc biệt là nước muối. Nếu không được ngâm vào nước muối nếu muốn giữ hình xăm, như vậy nghĩa là bạn có thể ngâm hình xăm vào nước muối nếu bạn không muốn giữ lại? Ít nhất thì đó cũng là một lý do.
- Việc ngâm hình xăm vào nước muối thực ra sẽ chỉ làm mực phân tán, loang ra, hoặc có thể nhạt màu. Nó không thể khiến hình xăm biến mất một cách thần kỳ. Có khả năng là hình xăm của bạn trông sẽ tệ hơn sau khi ngâm trong nước muối nếu mới xăm. Nếu đã xăm được nhiều tuần hoặc lâu hơn thì có lẽ là liệu pháp ngâm nước muối sẽ không có hiệu quả.
-
3Biết rằng thực sự có phương pháp dùng muối như một chất mài mòn. Việc dùng liệu pháp mài mòn bằng muối tại nhà có lẽ không phải là ý kiến hay nhất. Như đã đề cập ở trên, có khả năng là bạn sẽ tự làm mình tổn thương và sẽ lợi bất cập hại. Nhưng một số thủ thuật chuyên môn dùng muối để mài mòn có kết quả khá hứa hẹn.
- Theo một nghiên cứu của Đức ghi nhận trong dữ liệu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia, liệu pháp mài mòn bằng muối có "những kết quả hoàn toàn chấp nhận được” trong việc xóa hình xăm.[3] Trong nghiên cứu này, tình trạng nhăn da có xảy ra, nhưng không hình thành sẹo.
- Với thủ thuật xóa hình xăm bằng muối, thuốc gây tê sẽ được thoa lên hình xăm. Một thiết bị dạng súng được sử dụng để châm dung dịch muối vào lớp hạ bì và rút mực ra thay vì châm mực vào. Đây là thủ thuật ngược lại với quá trình xăm hình. Da sẽ lành lại trong vòng 6-8 tuần. Bạn nên yêu cầu được xem giấy chứng nhận trước khi đồng ý làm thủ thuật.
Cân nhắc các lựa chọn khác
-
1Sử dụng liệu pháp xóa hình xăm bằng laser. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất để xóa đi hình xăm không mong muốn. Bác sĩ hoặc chuyên viên thẩm mỹ sẽ bắn ánh sáng xung cường độ cao vào vết mực, giúp phân tán mực và giảm đáng kể vết mực nhìn thấy được trên da.
- Tùy vào kích thước hình xăm, thủ thuật laser sẽ có chi phí dao động từ 100 USD đến 1.000 USD. (Thủ thuật này ở Việt Nam có giá khoảng 100 -200 nghìn/1 cm2 ), là một trong những phương pháp xóa hình xăm hiệu quả nhất so với chi phí.
-
2Trao đổi với chuyên viên thẩm mỹ về phương pháp mài mòn da. Thủ thuật này rất giống với liệu pháp mài mòn da bằng muối được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia có tay nghề để lột đi các lớp da và tiếp cận mực xăm.
- Phương pháp mài da ít tốn kém hơn phương pháp dùng tia laser.[4] Phương pháp này thường gây đau như khi xăm, và vết mực vẫn còn thấy rõ hơn so với khi sử dụng phương pháp laser.
-
3Cân nhắc dùng phương pháp phẫu thuật lạnh và lột da bằng hóa chất. Với phương pháp phẫu thuật lạnh, mực xăm sẽ được đốt bằng ni-tơ lỏng. Phương pháp lột da bằng hóa chất làm da phồng rộp và bong ra, kéo theo một số mực xăm. Cả hai phương pháp này đều không được ưa chuộng lắm vì đều đắt tiền và gây đau đớn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cân nhắc trong trường hợp quá khẩn thiết.
-
4Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên viên thẩm mỹ về phương pháp phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Bác sĩ sẽ dùng dao mổ để loại bỏ lớp da có hình xăm và khép vùng da xung quanh.[5] Vết sẹo mới sẽ hình thành và phương pháp này cũng có thể gây đau đớn dù đã thoa thuốc tê.
Lời khuyên
- Sau mỗi lần áp dụng các phương pháp xóa hình xăm, bạn nên cân nhắc bôi thuốc mỡ diệt khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng và đắp gạc vô trùng lên vết thương.
- Đừng thất vọng nếu ban đầu không có kết quả. Bạn cần phải kiên nhẫn.
- Không chà xát quá mạnh vì điều này có thể gây đau đớn và chảy máu.
Cảnh báo
- Nếu có nghe câu thành ngữ “Xót như xát muối” thì bạn sẽ biết là hành động xát muối lên da sẽ khiến bạn có cảm giác như bị bỏng! Bạn phải hết sức thận trọng!
- Cách này có thể nguy hiểm và gây đau đớn cũng như để lại sẹo.
- Không xát muối lên vết thương hở.