Bài viết này đã được cùng viết bởi Alicia Cook. Alicia Cook là nhà thơ chuyên nghiệp sống tại Newark, New Jersey. Với hơn 12 năm kinh nghiệm, Alicia chuyên về thơ ca và sử dụng nền tảng của mình để động viên cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi chứng nghiện ngập và đấu tranh phá bỏ kỳ thị đối với chứng nghiện ngập và bệnh tâm thần. Cô có bằng cử nhân tiếng Anh và cử nhân báo chí của Đại học Georgian Court và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Saint Peter. Alicia là nhà thơ có sách bán chạy nhất với nhà xuất bản Andrews McMeel Publishing và tác phẩm của cô đã được đăng trên nhiều phương tiện truyền thông như NY Post, CNN, USA Today, HuffPost, LA Times, American Songwriter Magazine và Bustle. Cô được Teen Vogue vinh danh là một trong 10 nhà thơ trên mạng xã hội mà độc giả nên biết và album thơ của cô, “Stuff I’ve Been Feeling Lately” đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Goodreads Choice 2016.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 10.018 lần.
Nếu bạn chịu khó luyện tập đôi chút thì sẽ không gặp khó khăn gì trong việc sử dụng ngôi thứ ba khi viết lách. Với mục đích học thuật, viết ở ngôi thứ ba có nghĩa là người viết phải tránh sử dụng các đại từ nhân xưng như “tôi” hoặc “bạn”. Với mục đích sáng tác, có sự khác nhau giữa góc nhìn của các ngôi thứ ba thông suốt, ngôi thứ ba giới hạn, ngôi thứ ba khách quan và ngôi thứ ba giới hạn theo phân đoạn. Hãy chọn cách nào phù hợp với dự án viết lách của bạn.
Các bước
-
1Sử dụng ngôi thứ ba cho mọi bài viết học thuật. Đối với bài viết trang trọng như nghiên cứu và tranh luận, bạn nên sử dụng ngôi thứ ba. Ngôi thứ ba sẽ giúp bài viết của bạn khách quan hơn và ít mang tính cá nhân. Với những bài viết học thuật và chuyên môn, cảm giác khách quan này sẽ giúp người viết có vẻ như ít thiên kiến, và do đó cũng đáng tin cậy hơn.[1]
- Ngôi thứ ba sẽ giúp bài viết duy trì sự tập trung vào các sự kiện và bằng chứng thay vì ý kiến cá nhân.
-
2Sử dụng đúng các đại từ. Ngôi thứ ba chỉ những người “ngoài cuộc”. Bạn có thể sử dụng tên hoặc dùng đại từ ngôi thứ ba để viết về một người nào đó.
- Các đại từ ngôi thứ ba gồm: anh ấy, cô ấy, nó, họ.
- Tên của những người khác cũng được cân nhắc cho phù hợp với cách dùng ngôi thứ ba.
- Ví dụ: “Smith lại nghĩ khác. Theo nghiên cứu của ông, các tuyên bố trước đây về vấn đề này là không chính xác.”
-
3Tránh các đại từ ngôi thứ nhất. Ngôi thứ nhất thể hiện một quan điểm mà người viết phát biểu từ góc nhìn cá nhân của mình. Góc nhìn này khiến cho bài viết trở nên quá cá nhân và bảo thủ. Bạn nên tránh sử dụng ngôi thứ nhất trong các bài luận học thuật.[2]
- Các đại từ ở ngôi thứ nhất bao gồm: tôi, chúng tôi.[3]
- Vấn đề của việc sử dụng ngôi thứ nhất là ở chỗ, với bài viết mang tính học thuật, ngôi thứ nhất có vẻ quá cá nhân và chủ quan. Nói cách khác, nó có thể khó thuyết phục người đọc rằng các quan điểm và ý kiến trong bài viết là khách quan và không bị tác động bởi cảm xúc cá nhân. Thông thường, khi sử dụng ngôi thứ nhất trong bài viết học thuật, người ta thường dùng các cụm từ như “tôi cho là”, “tôi tin rằng” hoặc “theo tôi”.
- Sai: “Mặc dù Smith tin là như vậy, tôi cho rằng lập luận của ông không đúng.”
- Đúng: “Mặc dù Smith tin là như vậy, những chuyên gia khác cùng lĩnh vực lại không đồng ý.”
-
4Tránh sử dụng đại từ ngôi thứ hai. Ngôi thứ hai chỉ góc nhìn nhắm trực tiếp đến người đọc. Góc nhìn này thể hiện sự tương đồng quá lớn với người đọc bởi bạn đang nói với họ như thể bạn quen biết họ. Ngôi thứ hai không bao giờ nên sử dụng trong các bài viết học thuật.[4]
- Các đại từ chỉ ngôi thứ hai bao gồm: bạn, quý vị.[5]
- Một vấn đề lớn của ngôi thứ hai là nó mang giọng điệu như phán xét. Nó đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai người đọc tác phẩm của bạn tại khoảnh khắc đó.
- Sai: “Nếu đến ngày nay mà bạn vẫn phản đối thì hẳn là bạn không biết gì về sự thật.”
- Đúng: “Những người mà đến ngày nay vẫn phản đối thì hẳn là họ không biết gì về sự thật.”
-
5Đề cập đến chủ ngữ bằng đại từ hoặc danh từ chung. Đôi khi, người viết cần đề cập đến một người với những từ ngữ không xác định. Nói cách khác, có thể họ cần đề cập một cách chung chung hoặc nói về một người nào đó. Đây là lúc mà người viết thường rất dễ bị cám dỗ sử dụng ngôi thứ hai. Một danh từ hoặc đại từ ngôi thứ ba không xác định sẽ thích hợp trong trường hợp này.
- Các danh từ ngôi thứ ba không xác định thường được sử dụng trong bài viết học thuật bao gồm: người viết, người đọc, các cá nhân, học sinh, một sinh viên, một huấn luyện viên, người ta, một người, một phụ nữ, một người đàn ông, một đứa trẻ, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà văn, các chuyên gia.
- Ví dụ: “Mặc dù có những lời phản đối, các nhà nghiên cứu vẫn kiên trì với những tuyên bố của họ.”
- Các đại từ ngôi thứ ba không xác định bao gồm: một người, bất cứ người nào, người ta, mọi người, không ai, một người khác, mỗi người, cả hai, ai đó, mọi thứ.
- Sai: “Bạn có thể bị thuyết phục dù thiếu mọi dữ kiện.”
- Đúng: “Người ta có thể bị thuyết phục dù thiếu mọi dữ kiện.”
-
6Cẩn thận với các đại từ số ít và số nhiều. Một lỗi mà người viết thường mắc phải khi viết ở ngôi thứ ba là vô tình chuyển sang đại từ số nhiều trong khi chủ ngữ nên ở số ít.
- Trường hợp này thường xảy ra khi người viết muốn tránh các đại từ chỉ giới tính “anh ấy” và “cô ấy. Lỗi ở đây là việc sử dụng đại từ số nhiều “họ” để thay thế.[6]
- Sai: “Nhân chứng muốn cho lời khai nặc danh. Họ sợ bị làm hại nếu tên của họ lan truyền ra ngoài.”
- Đúng: “Nhân chứng muốn cho lời khai nặc danh. Người này sợ bị làm hại nếu tên của mình lan truyền ra ngoài.”
Quảng cáo
-
1Chuyển trọng tâm từ nhân vật này sang nhân vật khác. Khi dùng góc nhìn của ngôi thứ ba thông suốt, vai trò của người dẫn chuyện được chuyển từ người này sang người khác thay vì chỉ đi theo các suy nghĩ, hành động và lời nói của một nhân vật. Người dẫn chuyện biết mọi thứ về từng nhân vật cũng như bối cảnh và có thể tiết lộ hoặc giữ lại bất cứ suy nghĩ, cảm giác hoặc hành động nào.
- Ví dụ, một câu chuyện có thể bao gồm bốn nhân vật: William, Bob, Erika, và Samantha. Các ý nghĩ và hành động của từng nhân vật cần được khắc họa từ nhiều góc nhìn khác nhau xuyên suốt câu chuyện. Các suy nghĩ có thể được diễn đạt trong cùng một chương hoặc một đoạn.
- Ví dụ: “William nghĩ rằng Erika đang nói dối, nhưng anh vẫn muốn tin rằng cô làm vậy là có lý do chính đáng. Samantha cũng tin là Erika đang nói dối, nhưng cô cảm thấy ghen vì Tony nghĩ tốt về cô gái khác.”
- Người viết ở ngôi thứ ba nên tránh chuyển góc nhìn của các nhân vật một cách đột ngột trong một cảnh. Về mặt kỹ thuật thì điều này không vi phạm nguyên tắc của ngôi thứ ba thông suốt, nhưng nó thường được xem là cách dẫn chuyện lười biếng.
-
2Tiết lộ bất cứ thông tin nào bạn muốn. Với góc nhìn của ngôi thứ ba thông suốt, người dẫn chuyện không bị giới hạn về suy nghĩ nội tâm và cảm xúc của nhân vật. Cùng với cảm xúc và suy nghĩ nội tâm của nhân vật, góc nhìn của ngôi thứ ba thông suốt cũng cho phép tác giả hé lộ các chi tiết về tương lai hoặc quá khứ trong câu chuyện. Người dẫn chuyện cũng có thể đưa ra ý kiến, quan điểm về đạo đức hoặc bàn về các loài vật và phong cảnh thiên nhiên, nơi mà các nhân vật không có mặt.[7]
- Về phương diện nào đó, ngôi thứ ba thông suốt có thể xem là một “vị thần” trong truyện. Tác giả có thể quan sát hành động bên ngoài của bất kỳ nhân vật nào vào bất kỳ lúc nào, nhưng không như người quan sát bị giới hạn, tác giả cũng có thể hé nhìn vào nội tâm của nhân vật đó theo ý muốn.
- Biết khi nào cần giấu thông tin. Cho dù tác giả có thể tiết lộ bất cứ thông tin nào theo ý muốn, nhưng thường thì sẽ có lợi hơn khi các chi tiết được hé mở dần dần. Ví dụ, nếu một nhân vật cần được bao quanh bởi màn sương bí ẩn thì việc hạn chế mô tả cảm xúc của nhân vật một thời gian trước khi tiết lộ động cơ của họ là cách làm thông minh.
-
3Tránh dùng đại từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Đại từ ngôi thứ nhất như “tôi” và “chúng tôi” chỉ nên xuất hiện trong các đoạn hội thoại. Đại từ ngôi thứ hai cũng vậy.
- Không sử dụng góc nhìn của ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong các phần tường thuật hoặc mô tả.
- Đúng: Bob nói với Erika, “Anh thấy chuyện này hơi đáng sợ. Em thấy thế nào?”
- Sai: Tôi nghĩ chuyện này thật đáng sợ, Bobb và Erika cũng thấy vậy. Bạn nghĩ thế nào?
Quảng cáo
-
1Chọn một nhân vật xuyên suốt. Khi viết dưới góc nhìn của ngôi thứ ba giới hạn, người viết có sự tiếp cận hoàn toàn với các hành động, suy nghĩ, cảm giác và niềm tin của một nhân vật. Tác giả có thể diễn tả như thể nhân vật đó đang suy nghĩ và phản ứng, hoặc có thể tiết chế và thể hiện một cách khách quan hơn.[8]
- Các suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật khác vẫn không được biết trong suốt câu chuyện. Cũng không có sự chuyển đổi góc nhìn giữa các nhân vật trong cách dẫn chuyện đặc biệt này.
- Không như cách viết ở ngôi thứ nhất mà trong đó người dẫn chuyện cũng là nhân vật chính, ngôi thứ ba giới hạn tạo một khoảng cách rõ rệt giữa nhân vật chính và người dẫn chuyện. Người viết có thể lựa chọn mô tả một thói xấu của nhân vật chính – điều mà nhân vật chính sẽ không sẵn sàng tiết lộ nếu họ cũng là người dẫn chuyện.
-
2Mô tả các hành động và ý nghĩ của nhân vật đó từ góc nhìn bên ngoài. Mặc dù trọng tâm vẫn đặt vào một nhân vật, người viết vẫn cần mô tả nhân vật đó như một thực thể độc lập. Người dẫn chuyện vẫn phải dùng ngôi thứ ba khi đi theo các suy nghĩ, cảm xúc và đối thoại nội tâm của nhân vật đó.[9]
- Nói cách khác, bạn sẽ không dùng các đại từ ngôi thứ nhất như “tôi”, “chúng tôi”, ngoại trừ các đoạn đối thoại. Người viết hiểu rõ suy nghĩ và cảm giác của nhân vật chính, nhưng nhân vật đó không nên đóng vai trò của người dẫn chuyện.
- Đúng:“Tiffany cảm thấy thật khủng khiếp sau trận cãi vã với bạn trai.”
- Đúng: “Tiffany nghĩ “Mình thấy thật khủng khiếp sau trận cãi vã với anh ấy.”
- Sai: “Tôi cảm thấy thật khủng khiếp sau khi cãi nhau với bạn trai.”
-
3Tập trung vào hành động và lời nói thay vì mô tả suy nghĩ và cảm giác của các nhân vật khác. Với góc nhìn này, người viết bị giới hạn trong suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật chính. Tuy nhiên, các nhân vật khác có thể được mô tả bên ngoài hiểu biết của nhân vật chính. Người dẫn chuyện có thể làm mọi việc mà nhân vật chính có thể làm, chỉ không xâm nhập được vào tâm trí của các nhân vật khác.[10]
- Lưu ý rằng tác giả có thể đưa ra giả định hoặc phỏng đoán về suy nghĩ của các nhân vật khác, nhưng các phỏng đoán này phải được diễn đạt qua cái nhìn của nhân vật chính.
- Đúng: “Tiffany cảm thấy thật khủng khiếp, nhưng nhìn vào nét mặt Carl, cô biết rằng anh cũng vậy, có khi còn tệ hơn.”
- Sai: “Tiffany cảm thấy thật khủng khiếp. Nhưng điều mà cô không biết là Carl còn cảm thấy tệ hơn.”
-
4Đừng tiết lộ mọi thông tin mà nhân vật chính không biết. Mặc dù người dẫn chuyện có thể lùi lại và mô tả bối cảnh hoặc các nhân vật khác, nhưng tất cả đều phải ở dưới góc nhìn của nhân vật đó. Đừng nhảy từ nhân vật này qua nhân vật khác chỉ trong một cảnh. Các hành động bên ngoài của các nhân vật khác chỉ có thể được biết khi nhân vật chính có mặt để chứng kiến các hành động đó.
- Đúng: “Tiffany nhìn qua cửa sổ và thấy Carl tiến đến gần nhà cô và bấm chuông cửa.”
- Sai: “Ngay khi Tiffany rời phòng, Carl thở phào nhẹ nhõm.”
Quảng cáo
-
1Chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác. Với ngôi thứ ba giới hạn phân đoạn, tác giả có thể có nhiều nhân vật chính với các suy nghĩ và quan điểm của họ lần lượt được trình bày. Bạn có thể đứng ở từng góc nhìn để tiết lộ các thông tin quan trọng và thúc đẩy diễn biến của câu chuyện.[11]
- Giới hạn số lượng các nhân vật dẫn chuyện. Bạn không nên có quá nhiều nhân vật khiến người đọc nhầm lẫn hoặc không phục vụ cho mục đích nào. Mỗi một nhân vật dẫn chuyện nên có một mục đích cụ thể qua một góc nhìn riêng. Hãy tự hỏi xem mỗi nhân vật dẫn chuyện đóng góp gì cho câu chuyện.
- Ví dụ, trong một truyện tình cảm lãng mạn có hai nhân vật chính là Kevin và Felicia tác giả có thể mô tả suy nghĩ của cả hai nhân vật tại các thời điểm khác nhau trong truyện.
- Một nhân vật có thể nhận được sự chú ý nhiều hơn những nhân vật khác, nhưng tất cả các nhân vật chính dẫn chuyện cân phải được chú ý tại một thời điểm nào đó trong truyện.
-
2Mỗi lần chỉ tập trung vào suy nghĩ và góc nhìn của một nhân vật. Mặc dù toàn bộ truyện có thể bao gồm nhiều góc nhìn, người viết chỉ nên tập trung lần lượt vào từng nhân vật một.
- Các góc nhìn khác nhhau không nên xuất hiện cùng lúc trong một không gian kể chuyện. Chỉ khi góc nhìn của một nhân vật kết thúc thì góc nhìn của nhân vật khác mới có thể bắt đầu. Hai góc nhìn của hai nhân vật không nên trộn lẫn trong cùng một không gian.
- Sai: “Kevin bị Felicia hút hồn ngay giây phút đầu tiên khi gặp cô. Trái lại, Felicia cảm thấy khó tin tưởng được Kevin”.
-
3Cố gắng tạo sự chuyển tiếp mượt mà. Dù tác giả có thể chuyển đổi qua lại giữa các góc nhìn của các nhân vật khác nhau, nhưng việc chuyển đổi tùy tiện có thể khiến câu chuyện trở nên khó hiểu.[12]
- Trong tác phẩm có độ dài bằng cuốn tiểu thuyết, thời điểm thích hợp để chuyển góc nhìn là khi bắt đầu một chương mới hoặc đoạn ngắt chương.
- Người viết cũng nên xác định nhân vật dẫn chuyện ngay khi bắt đầu đoạn, tốt nhất là câu đầu tiên. Nếu không, người đọc có thể mệt mỏi vì phải đoán.
- Đúng: “Felicia không muốn thừa nhận, nhưng bó hoa hồng Kevin đặt trên bậc cửa nhà cô quả là một bất ngờ đáng yêu.”
- Sai: “Bó hoa hồng để lại trên bậc cửa có vẻ như là một cử chỉ dễ thương.”
-
4Xác định người nào biết được điều gì. Ngay cả khi người đọc có thể nhận được thông tin từ góc nhìn của nhiều nhân vật, nhưng các nhân vật đó không có cùng một kiểu tiếp cận. Một số nhân vật không có cách nào biết được những gì các nhân vật khác biết.
- Ví dụ, nếu Kevin nói chuyện với bạn thân của Felicia để hỏi cảm giác của cô về anh, Felicia sẽ không biết hai người nói với nhau những gì, trừ khi cô chứng kiến cuộc đối thoại, hoặc nghe Kevin hoặc bạn cô kể lại.
Quảng cáo
-
1Mô tả hành động của nhiều nhân vật. Khi sử dụng ngôi thứ ba khách quan, người viết có thể mô tả các hành động và lời nói của bất cứ nhân vật nào tại bất cứ thời điểm nào và đưa vào truyện.
- Ở đây không cần thiết phải tập trung vào một nhân vật chính. Người viết có thể chuyển đổi giữa các nhân vật, đi theo các nhân vật khác nhau xuyên suốt câu chuyện mỗi khi cần thiết.
- Tuy nhiên, bạn cần tránh các đại từ ngôi thứ nhất như “tôi” và ngôi thứ hai như “bạn” trong truyện. Chỉ sử dụng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong các đoạn đối thoại.
-
2Đừng cố xâm nhập vào tâm trí của nhân vật. Không như dưới góc nhìn của ngôi thứ ba thông suốt, theo đó người dẫn chuyện len lỏi vào tâm trí mọi người, góc nhìn khách quan không xâm nhập vào tâm trí bất cứ ai.
- Tưởng tượng rằng bạn là một người qua đường vô hình đang quan sát các hành động và đối thoại của các nhân vật trong truyện. Bạn không phải là người biết hết mọi việc, vì vậy bạn không thể tiếp cận được những ý nghĩ nội tâm và cảm giác của bất cứ nhân vật nào. Bạn chỉ có thể mô tả hành động của nhân vật.
- Đúng: “Hết giờ học, Graham vội vàng rời khỏi lớp và về phòng ký túc xá.”
- Sai: “Hết giờ học, Graham lao ra khỏi lớp và vội vàng trở về phòng ký túc xá. Bải giảng khiến anh tức giận đến mức anh tưởng chừng như có thể hét lên với bất cứ ai anh gặp phải trên đường.”
-
3Mô tả thay vì giảng giải. Dù rằng không thể chia sẻ các suy nghĩ nội tâm của nhân vật, nhưng người viết ở ngôi thứ ba khách quan có thể mô tả các quan sát bên ngoài bộc lộ các ý nghĩ bên trong. Hãy mô tả điều gì đang diễn ra. Thay vì kể với người đọc rằng nhân vật đang tức giận, bạn hãy mô tả biểu cảm trên gương mặt của anh ta, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói để cho thấy anh ta đang tức giận.
- Đúng: “Khi không còn ai trông thấy, Isabelle bật khóc.”
- Sai: “Sự kiêu hãnh không cho phép Isabelle khóc trước mặt những người khác, nhưng cô cảm thấy như trái tim tan vỡ và bật khóc khi chỉ còn lại một mình”.
-
4Tránh đưa vào truyện các ý nghĩ của riêng bạn. Mục đích của người viết khi dùng ngôi thứ ba khách quan là để đóng vai một người tường thuật, không phải là người bình luận.
- Để cho người đọc rút ra kết luận của họ. Bạn hãy mô tả các hành động của nhân vật mà không phân tích hoặc giải thích rằng phải hiểu các hành động đó như thế nào.
- Đúng: “Yolanda ngoái nhìn qua vai ba lần trước khi ngồi xuống.”
- Sai: “Hành động này có vẻ kỳ lạ, nhưng Yolanda ngoái nhìn qua vai ba lần trước khi ngồi xuống. Thói quen vô thức này là dấu hiệu của chứng hoang tưởng trong trí não của cô.”
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ http://www.aims.edu/student/online-writing-lab/tools/point-of-view
- ↑ http://www.mesacc.edu/~paoih30491/PointofView.html
- ↑ http://www.grammar-monster.com/glossary/third_person.htm
- ↑ http://www.mesacc.edu/~paoih30491/PointofView.html
- ↑ http://www.grammar-monster.com/glossary/third_person.htm
- ↑ http://grammar.ccc.commnet.edu/grammar/pronouns.htm
- ↑ https://litreactor.com/columns/which-pov-is-right-for-your-story
- ↑ http://www.novel-writing-help.com/writing-in-the-third-person.html
- ↑ https://www.cla.purdue.edu/english/Theory/narratology/terms/limited.html