Bài viết này đã được cùng viết bởi Supatra Tovar, PsyD, RD. Tiến sĩ Supatra Tovar là nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép (PSY#31949), chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký, chuyên gia thể dục và chủ sở hữu của Dr. Supatra Tovar and Associates. Tiến sĩ Tovar đã làm việc trong các lĩnh vực giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng lâm sàng và tâm lý học. Với hơn 25 năm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe toàn diện, bà thực hành Liệu pháp Tâm lý Sức khỏe Toàn diện. Bà kết hợp kiến thức về tâm lý, chế độ ăn uống và thể dục của mình để giúp những người đang đấu tranh với chứng trầm cảm, tăng cân, rối loạn ăn uống, chuyển đổi cuộc sống và các mối quan hệ. Tiến sĩ Tovar có bằng Cử nhân Sinh học Môi trường của Đại học Colorado Boulder, bằng Thạc sĩ Khoa học Dinh dưỡng từ Đại học Bang California, Los Angeles và bằng PsyD về Tâm lý Sức khỏe Lâm sàng của Đại học Quốc tế Alliant, Los Angeles.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 7.317 lần.
Làm chị rất thú vị, tuy nhiên nó cũng đi kèm với trách nhiệm to lớn. Cho dù bạn không nhận ra, các em nhỏ đang noi theo tấm gương của bạn. Thậm chí các em đang bắt chước hành động của bạn. Dù sẽ có nhiều áp lực, bạn có thể tận dụng vai trò của mình để tạo ra sức ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của các em. Hãy làm một người chị tốt bằng cách vun đắp cho tình chị em thân thiết, trở thành một hình mẫu lý tưởng, và đối xử tử tế với em.
Các bước
Xây dựng tình chị em
-
1Hỗ trợ các em trong những sự kiện quan trọng. Một yếu tố quan trọng để trở thành một người chị tốt là dành thời gian cho em và thể hiện rằng em rất quan trọng đối với bạn. Nếu em bạn sắp có một bài kiểm tra hoặc buổi phỏng vấn xin việc, hãy động viên em! Hoặc nếu em sắp nhận được một phần thưởng, hãy chắc rằng bạn sẽ tham dự buổi lễ nếu có thể.[1]
- Tặng em một tấm thiệp hoặc món quà để thể hiện niềm tự hào của bạn dành cho em mình.
- Hãy nói “Chúc em hôm nay thi tốt nhé” hoặc “Chúc mừng em được nhận vào hội nhóm sinh viên giỏi nhất nha. Chị rất tự hào về em”.
-
2Chia sẻ bữa ăn cùng nhau. Thỉnh thoảng bạn nên cùng nhau ăn trưa hoặc ăn tối. Bạn có thể ăn cùng nhau ngẫu nhiên, bất ngờ, hoặc tạo thói quen hằng tuần/hằng tháng. Sử dụng cơ hội này để trò chuyện với nhau và hạn chế chơi điện thoại.
- Nếu bạn có thể lái xe, hãy dẫn em mình ra ngoài ăn hamburger hoặc kem.
- Nếu bạn không đủ tuổi, hoặc không muốn lái xe, hãy cùng nhau làm bánh sandwich và đi chơi ở công viên.
-
3Cùng nhau chơi các hoạt động vui nhộn. Hãy vui vẻ với các em! Bạn có thể đi xem một bộ phim hành động mới chiếu mà hai chị em rất muốn xem. Hoặc sắp tới bạn cần đi mua sắm cho buổi khiêu vũ - hãy cân nhắc dẫn em đi cùng.
- Tổ chức một ngày đi chơi biển, chạy bộ ngoài trời, hoặc chơi bowling.
- Sắp xếp một ngày làm thủ công mỹ nghệ. Bạn có thể thử làm một dự án cùng nhau, hoặc dạy em cách để làm việc gì đó mà bạn tự tin.
-
4Chia sẻ những bí mật. Nếu em bạn là người đáng tin cậy, hãy chia sẻ những bí mật với họ. Việc này sẽ giúp em cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự với bạn về những bí mật thầm kín của mình. Hãy cân nhắc độ tuổi của em bạn và chỉ nói với họ những điều phù hợp.[2]
- Chẳng hạn, nếu em bạn trên 13 tuổi, có lẽ sẽ ổn khi kể cho họ nghe về nụ hôn đầu của bạn.
- Giữ kín những bí mật của em, miễn là nó không ảnh hưởng đến sự an toàn hoặc đặt em vào tình huống nguy hiểm. Trong trường hợp đó, hãy trò chuyện để em hiểu lý do em không nên giữ bí mật, và đi cùng em gặp bố mẹ, người bảo hộ, hoặc một người lớn đáng tin cậy.
-
5Trò chuyện kỹ về mọi vấn đề. Cho dù bạn là một người chị lý tưởng, vẫn luôn có những vấn đề phát sinh. Khi có vấn đề, hãy lắng nghe những mối bận tâm của em và tôn trọng sự khác biệt. Cho dù em đang làm phiền bạn, hãy giữ bình tĩnh bằng cách hít thở sâu.[3]
- Bạn có thể nói “Chị bực mình vì bữa kia em lấy áo sơ mi của chị mà không xin phép. Chị sẽ cho em mượn đồ, nhưng mà em cần phải hỏi xin chị trước, được không nào?”
-
6Giữ liên lạc ít nhất mỗi tuần một lần nếu hai chị em ở riêng. Đảm bảo bạn duy trì liên lạc với em của mình nếu không sống chung nhà. Hãy gọi điện thoại cho em khi có thể, gửi tin nhắn suốt tuần, và hỏi thăm em vào những ngày quan trọng.[4]
- Bạn có thể tạo một nhóm trò chuyện để mọi người có thể nhắn tin cho nhau và chia sẻ những hình ảnh hài hước hoặc câu chuyện trong ngày.
Quảng cáo
Trở thành tấm gương sáng
-
1Nghe lời bố mẹ. Việc thể hiện sự tôn trọng với bố mẹ là rất quan trọng. Đôi khi, các em sẽ quan sát thái độ của bạn khi đưa ra sự lựa chọn. Bạn nên tôn trọng tất cả những quy định của bố mẹ, không nói xấu sau lưng, và luôn bày tỏ sự kính trọng họ.[5]
- Bạn cũng nên thể hiện sự tôn trọng với những người khác. Hãy tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi, và những người có quyền hạn khác.
- Giữ vệ sinh căn phòng sạch đẹp, về nhà trước “giờ giới nghiêm”, và tuân theo tất cả những quy định khác.
- Động viên em làm theo bạn, và nói cho em biết vì sao việc này lại quan trọng. Chẳng hạn, bạn có thể nói “Chị biết mẹ thật phiền khi lúc nào cũng bảo chị em mình dọn dẹp phòng, tuy nhiên một căn phòng ngăn nắp và gọn gàng luôn là một điều tuyệt vời. Mẹ sẽ rất vui khi chúng ta làm vậy!”
-
2Làm gương qua hành động có trách nhiệm. Nếu bạn chưa đủ tuổi thì đừng uống rượu bia và sử dụng thuốc. Hãy giữ hình ảnh trên mạng xã hội sạch sẽ và tránh đăng tải những thứ khiến gia đình phải xấu hổ.[6]
- Sử dụng ngôn ngữ văn minh. Đừng chửi thề hoặc tung tin đồn nhảm về những người khác trước mặt các em. Hãy trở thành một tấm gương sáng cho em.
-
3Phụ giúp công việc nhà. Bạn nên cho em thấy tầm quan trọng của việc phụ giúp công việc nhà. Hãy dọn dẹp phòng, và lau dọn các khu vực thường sinh hoạt. Rửa chén, bỏ rác, và nấu ăn nếu có thể.
- Khuyến khích em làm công việc vặt trong nhà.
- Nếu em còn quá nhỏ, hãy cân nhắc biến các việc vặt trong nhà thành một trò chơi vui nhộn. Chẳng hạn, mở nhạc sôi động khi dọn dẹp nhà.
-
4Xin lỗi khi bạn làm sai. Một người chị tốt nhất đôi khi cũng phạm sai lầm! Nếu đúng vậy, hãy xin lỗi ngay lập tức. Bạn cần chân thành và trung thực khi nói xin lỗi và rút ra kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm.[7]
- Bạn có thể nói “Chị xin lỗi vì đã trêu chọc bộ váy của em nha. Lẽ ra chị không nên nói những điều đó. Chị hứa sẽ không bao giờ chọc ghẹo quần áo của em nữa”.
-
5Bảo vệ em. Nếu bạn nhìn thấy em mình bị trêu chọc hoặc bị bắt nạt, hãy can thiệp. Đừng bao giờ để bất cứ ai sỉ nhục hoặc làm tổn thương em. Bạn cần bảo vệ em khỏi mọi mối nguy hiểm để em biết rằng bạn luôn hỗ trợ họ.[8]
- Nếu bạn nhìn thấy em mình bị bắt nạt, hãy nói “Để em tôi yên! Đi mà bắt nạt mấy đứa cùng trang lứa ấy!”
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có quyền hạn nếu em bạn bị thương, tuy nhiên đừng để em ở lại một mình. Hãy gọi nhờ giúp đỡ.
- Bạn cũng cần bảo vệ em trước bố mẹ. Chẳng hạn, nếu nghĩ rằng bố mẹ quá khắt khe với em, bạn có thể nói “Con biết em Tuấn không nên về khuya quá giờ giới nghiêm, tuy nhiên con cho rằng em phạm lỗi do vô tình và em không gây rắc rối gì cả. Có lẽ bố mẹ nên thoải mái hơn vì em đã chịu xin lỗi rồi”.
-
6Nói chuyện tử tế. Lời nói của bạn có sức mạnh to lớn. Một lời xúc phạm có thể khiến em ghi nhớ lâu hơn so với mười câu khen ngợi. Thậm chí khi cần dạy dỗ em, hãy làm vậy một cách tử tế. Bạn cũng nên nói chuyện lịch sự với người khác, và tránh la hét hoặc chửi rủa.[9]
- Chẳng hạn, nếu phát hiện em làm gì đó sai, hãy nói “Chị đã thấy em giấu một gói thuốc trong cặp. Em biết là bố mẹ không muốn em hút thuốc mà. Chị sẽ không mách tội em, nhưng mà chị thật sự lo lắng cho sức khỏe của em. Nếu chị biết em hút thuốc lần nữa, chị sẽ phải báo cho bố mẹ biết. Em có muốn phải giải thích việc này không nào?”
-
7Học tập hoặc làm việc chăm chỉ. Bạn nên thể hiện cho em mình hiểu giá trị của sự chăm chỉ và sự tận tâm. Sử dụng thời gian làm những việc có ích như đọc sách, học tập, và làm việc. Hãy tập trung ở lớp học và làm bài tập về nhà để đạt được điểm số tốt. Hãy đi làm đúng giờ mỗi ngày và làm việc chăm chỉ ở công ty để đạt được thành công.
- Trở thành một tấm gương sáng thông qua hành động. Bạn có thể khuyến khích em làm những việc tốt, tuy nhiên đừng ép buộc họ.
-
8Hãy trung thực. Cho dù sự thật mất lòng, hãy luôn nói thật. Nếu nhìn thấy bạn nói dối bố mẹ, em sẽ nghĩ rằng nói dối là một việc thú vị. Hãy trở thành một tấm gương sáng cho em bằng cách làm một người trung thực.[10]
- Hãy nhớ rằng đôi khi nói thẳng quá cũng không hay. Chẳng hạn, nếu ai đó đang mặc một cái đầm không đẹp, đừng khuyến khích em bạn nói: Cái đầm đó xấu quá!
- Đưa ra lời nhận xét mang tính xây dựng là chuyện bình thường nếu ai đó yêu cầu. Nếu ai đó hỏi rằng cái đầm mà họ đang mặc có xấu không, hãy gợi ý cho em nói: "Tớ nghĩ là cậu không hợp với màu nâu đâu. Một cái đầm xanh da trời hợp với màu mắt của cậu thì sao nào?"
Quảng cáo
Thực hiện những việc tử tế dành cho em
-
1Giúp em nâng cao lòng tự trọng. Hãy giúp em bạn yêu thương bản thân và cảm thấy tự tin. Bạn có thể làm được bằng cách khen ngợi khi em thành công. Hãy tập trung vào những đức tính tốt đẹp của em thay vì lỗi lầm.[11]
- Bạn có thể nói “Bình ơi, em chơi đàn vĩ cầm giỏi quá. Chị tin chắc là em đã luyện tập chăm chỉ”.
-
2Động viên khi em lo lắng. Thậm chí những đứa em tự tin nhất đôi khi cũng đối mặt với cảm giác bất an. Nếu em cảm thấy thiếu tự tin hoặc lo lắng về điều gì đó, hãy động viên em! Bạn nên nói rằng em có thể làm được bất cứ chuyện gì mà em đã chuẩn bị và cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của em.
- Chẳng hạn, nếu em lo lắng về một bài kiểm tra, hãy nói “Thanh ơi, chị đã thấy em học tập chăm chỉ nhiều tuần qua vì bài kiểm tra đó. Em đã chuẩn bị tốt rồi! Chị sẽ giúp em kiểm tra tối nay nếu em muốn”.
-
3Giúp đỡ em khi cần thiết. Khi em cần bạn, hãy có mặt để giúp đỡ. Bạn có thể giúp đỡ những việc như lấy món đồ gì đó ở kệ trên cùng hoặc tìm một công việc bán thời gian nếu em cần thêm tiền tiêu vặt.
- Đừng bao giờ ra vẻ em mắc nợ bạn vì bạn đã làm việc gì đó tử tế cho em. Điều này biến hành động đẹp trở nên ích kỷ vì bạn hành động vì lợi ích của bản thân chứ không phải vì em.
-
4Mua hoặc tự làm những món quà ý nghĩa để tặng em. Vào dịp lễ hội hoặc sinh nhật của em mình, bạn đừng chỉ mua món đồ gì đó nhàm chán mà ai ai cũng có; hãy tặng cho em một món quà mà em thật sự thích. Tặng quà mà nhắc em nhớ đến khoảng thời gian vui vẻ của hai chị em trước đây hoặc thứ gì đó mà cả hai chị em đều thích. Điều này sẽ chứng tỏ rằng bạn rất quan tâm đến em.[12]
- Chẳng hạn, bạn có thể mua cho em một cái áo len hoặc đĩa CD mà em thích.
- Bạn cũng có thể tự làm cho em một tác phẩm nghệ thuật như một bức tranh hoặc dọn dẹp phòng của em xem như một món quà.
-
5Làm những việc tử tế mang lại sự bất ngờ. Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn bằng cách mang lại điều bất ngờ tốt đẹp cho em, nhất là khi em bị căng thẳng hoặc cần được hỗ trợ.
- Chẳng hạn, nếu em sắp có một bài kiểm tra khó khăn nhưng phải làm nhiều việc nhà, hãy giúp em làm những công việc vặt đó để em có thêm chút thời gian ôn tập.
- Nếu em sắp tham gia một sự kiện hấp dẫn, hãy cho em mượn một vài món đồ của bạn.
-
6Chia sẻ với em. Bạn và em của mình nên chia sẻ bất cứ thứ gì có thể, dù đó là một trò chơi yêu thích trên máy tính hoặc một món đồ gia bảo. Hãy rộng lượng với nhau vì nếu bạn không tốt với em mình thì bạn sẽ tốt với ai đây?[13]Quảng cáo
Lời khuyên
- Hãy nhớ rằng em sẽ bắt chước những gì bạn làm, vì thế đừng trở thành một hình mẫu tiêu cực!
- Làm cho em cười vui vẻ.
- Cư xử tôn trọng bạn bè của em.
- Hãy nhớ rằng cũng ổn thôi khi bạn dành thời gian cho những người bạn của mình, và cho phép em cũng vui chơi với bạn bè của em.
- Luôn nói với em rằng bạn yêu thương em.
- Thử tìm điều gì đó mà hai chị em đều thích, chẳng hạn như một bài hát hoặc chương trình truyền hình đặc biệt và trò chuyện về chủ đề đó! Đây là một cách tuyệt vời để dành thời gian ở bên em.
- Thỉnh thoảng cùng em làm những việc mà em mong muốn.
- Đừng bao giờ trêu chọc hoặc bàn tán về em, vì khi em biết chuyện, bạn cũng sẽ để lại ấn tượng xấu. Như vậy, em sẽ xem bạn là một bà chị xấu tính.
==Tham khảo==
- ↑ https://www.realsimple.com/magazine-more/inside-magazine/life-lessons/close-siblings
- ↑ http://ideas.ted.com/the-art-and-science-of-sharing-a-secret/
- ↑ http://www.edcc.edu/counseling/documents/Conflict.pdf
- ↑ https://www.realsimple.com/magazine-more/inside-magazine/life-lessons/close-siblings
- ↑ http://learnenglishteens.britishcouncil.org/magazine/life-around-world/ten-golden-rules-surviving-life-your-parents
- ↑ https://blog.udemy.com/being-responsible/
- ↑ https://www.mindtools.com/pages/article/how-to-apologize.htm
- ↑ http://www.rootsofaction.com/role-model/
- ↑ https://www.mindbodygreen.com/0-4683/5-Tips-to-Speak-with-Love-Kindness.html
- ↑ https://tinybuddha.com/blog/4-tips-to-tell-the-truth-about-yourself-and-to-yourself/
- ↑ http://kidshealth.org/en/kids/sibling-rivalry.html#
- ↑ https://www.realsimple.com/health/mind-mood/habits-of-thoughtful-gift-givers
- ↑ https://imperfectfamilies.com/10-sharing-rules-every-sibling-know/