Bài viết này đã được cùng viết bởi Melinda Meservy. Melinda Meservy là chuyên gia về thực vật và chủ sở hữu của Thyme and Place, một cửa hàng chuyên cung cấp các loại cây cảnh và quà tặng tại Thành phố Salt Lake, Utah. Trước khi bắt đầu kinh doanh riêng, Melinda làm việc trong lĩnh vực cải tiến quy trình và hoạt động kinh doanh và phân tích dữ liệu. Melinda lấy bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Utah, được đào tạo về các phương pháp lean và agile và đã được cấp chứng chỉ cố vấn viên chuyên nghiệp. Thyme and Place cung cấp cây cảnh và chậu trồng cây trang trí trong nhà, dụng cụ làm vườn và tư vấn về các loại cây phù hợp với không gian và lối sống của bạn.
Có 13 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 12.533 lần.
Cây ngọc bích (còn có tên là phỉ thúy) là loài cây mọng nước. Cây ngọc bích dễ trồng và dễ bảo dưỡng, vì thế mà chúng trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người yêu cây cối. Loài cây này không đòi hỏi nhiều nước và có thể sống nhiều năm. Ngoài ra, bạn cũng dễ dàng nhân giống cây ngọc bích bằng những cành nhỏ. Nếu muốn tự tay trồng cây ngọc bích, bạn hãy học các kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây.
Các bước
Trồng cây ngọc bích từ cành
-
1Chọn cành. Nếu có một cây ngọc bích to (hoặc biết người nào đó có trồng), bạn có thể trồng thêm nhiều cây bằng cách cắt các cành từ cây to. Cố gắng chọn phần có cành dày và lá tươi tốt.[1]
- Dùng kéo tỉa cây sạch và sắc để cắt cành. Nhớ để lại vài cm giữa đầu dưới của cành với những chiếc lá trên cành để bạn không phải cắt bỏ lá khi cắm cành xuống đất.
-
2Chờ cho cành cây khô đi một chút. Bạn nên đợi vài ngày cho đoạn cành khô đi và đóng vảy để giúp cho cây ngọc bích nhỏ của bạn được khỏe mạnh trong thời gian ra rễ. Bạn chỉ cần để đoạn cành cây ở nơi khô ráo cho khô đi một chút, khi mặt cắt của cành đóng một lớp vảy bên trên.[2]
- Cành cây càng to thì thời gian đợi càng lâu. Nếu là vào mùa đông, có thể bạn cũng phải đợi lâu hơn so với những tháng mùa hè ấm áp.
-
3Sử dụng hoóc môn kích thích ra rễ. Hoóc môn kích thích ra rễ là hỗn hợp của các hoóc môn thực vật giúp các đoạn cành cây mọc tốt hơn.[3] Bạn có thể tự pha chế hoặc mua loại hoóc môn này.
- Nếu mua hoóc môn bán sẵn, bạn nên tuân theo hướng dẫn của sản phẩm. Tuy nhiên, thông thường bạn sẽ nhúng trực tiếp cành cây vào hoóc môn ra rễ ngay trước khi trồng.[4]
- Để tránh làm ô nhiễm chai hoóc môn, bạn hãy rót một lượng nhỏ vào chậu. Dùng lượng thuốc trong chậu để thực hiện bước này và bỏ đi phần còn thừa. Như vậy phần thuốc còn lại trong chai vẫn sạch.
- Bước này không bắt buộc. Mặc dù hoóc môn kích thích ra rễ giúp tăng cơ hội cho cây mọc, nhưng cây ngọc bích có khả năng tự ra rễ mà không cần hoóc môn.
-
4Đổ loại đất thích hợp vào chậu trồng cây. Không nên sử dụng đất trồng cây thông thường cho cây ngọc bích vì loại đất này thường quá chặt khiến cho cây khó bén rễ. Thay vào đó, bạn hãy mua loại đất dành riêng cho cây mọng nước hoặc tự trộn đất và thêm một nắm cát vào để tăng độ thoát nước. Điều quan trọng mà bạn cần nhớ là cây ngọc bích cần đất có độ thoát nước tốt.[5]
- Bạn có thể tự làm đất trồng cây bằng cách trộn hỗn hợp cát, đá trân châu và một loại phân trộn. Loài cây mọng nước ưa loại đất có độ khả năng thoát nước dễ dàng, vì vậy quan trọng là bạn nên tránh dùng đất trồng cây thông thường. Bạn có thể tìm mua mọi nguyên liệu trên ở vườn ươm.[6]
- Nếu lo cây không thoát nước tốt, bạn hãy dùng chậu đất sét thay vì chậu nhựa. Nhớ rằng chậu phải có lỗ thoát nước dưới đáy. Nếu có đĩa hứng nước lót dưới đáy chậu, bạn nhớ đổ nước đi.
- Cây ngọc bích không cần nhiều không gian, vì vậy bạn chỉ cần dùng chậu nhỏ nếu trồng một cành nhỏ.
-
5Trồng cây. Dùng ngón tay hay bút chì để chọc một lỗ nhỏ trong đất (chỉ rộng vừa đủ để cắm cành cây). Đặt cành cây vào lỗ sao cho kín đoạn đã nhúng thuốc kích thích ra rễ (nếu có sử dụng). Nếu không dùng hoóc môn, bạn chỉ cần cắm cành cây vào đất đủ sâu để cây có thể tự đứng thẳng.[7]
- Nén đất xung quanh cành cây. Bạn không nên nén quá chặt để khỏi làm giảm khả năng thoát nước. Chỉ nén vừa đủ để cành cây đứng vững trong chậu.
- Nếu cách trồng trực tiếp cành cây xuống đất không thành công, bạn hãy thử ngâm cành trong nước cho ra rễ. Ngâm cành trong bình nước sao cho đầu cành vừa đủ nhô lên khỏi mặt nước. Cành cây sẽ bắt đầu ra rễ, sau đó bạn có thể đem ra trồng.[8]
-
6Đặt cây tại vị trí có nắng. Cây con cần được trồng ở nơi có nắng nhưng không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào để tránh cháy lá. Trong vòng 3--4 tuần, bạn sẽ thấy ngọn cây đâm chồi. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy cây đã bén rễ.[9]
- Đừng nóng lòng tưới nước trong thời gian cây ra rễ. Việc tưới cây sẽ tăng nguy cơ thối rữa và giết chết cây đang mọc rễ.
- Khi cây đã bén rễ, bạn có thể cân nhắc chuyển cây sang chậu to hơn nếu muốn.
- Nếu thấy cây có vẻ như không mọc rễ nhưng mới chỉ trồng được vài tuần, bạn hãy thử chờ thêm một thời gian nữa. Loài cây mọng nước thường rất dễ mọc rễ, vì vậy cây chưa mọc rễ có thể là do chưa đến lúc. Bạn cũng có thể nhẹ tay rút cành cây lên để kiểm tra xem rễ đã mọc ra chưa. Tuy nhiên, bạn đừng thường xuyên làm như vậy, vì điều này chỉ làm chậm lại quá trình ra rễ.[10]
Quảng cáo
Chăm sóc cây ngọc bích
-
1Để cho cây khô đi trước khi tưới. Cây ngọc bích thuộc loài cây mọng nước, và điều này có nghĩa là dù cần có nước nhưng chúng không cần nhiều nước. Nếu bạn sờ vào đất và thấy ẩm thì tức là cây chưa cần tưới. Ngược lại, nếu thấy lá cây bắt đầu vàng úa thì bạn biết là cây đang bị thiếu nước.[11]
- Chọc ngón tay vào đất sâu khoảng một đốt ngón tay. Nếu thấy khô thì bạn có thể tưới được. Nếu thấy đất vẫn ẩm thì nghĩa là cây chưa cần được tưới nước.[12]
- Vào những tháng mùa đông, cây sẽ ít cần tưới nước hơn bình thường, vì vậy bạn nhớ kiểm tra đất.[13]
- Nhiều người khuyên nên tưới cho cây mọng nước bằng cách ngâm chậu cây trong chậu nước để cây hút nước từ dưới đáy chậu. Tuy nhiên, bạn cũng nên tưới vào chậu cây từ trên xuống. Điều cốt yếu nhất là nước phải thoát hết ra ngoài qua đáy chậu.
- Không để cây ngọc bích bị úng nước. Nhớ đổ nước đi nếu thấy nước chảy xuống đĩa lót dưới đáy chậu.
- Cố gắng đừng để lá cây bị ướt khi tưới.
-
2Đặt cây ở khu vực có nắng. Cây ngọc bích cần nhiều ánh nắng mặt trời, nhưng điều này không có nghĩa là chúng cần ánh nắng toàn phần suốt ngày. Bạn nên tránh đặt cây ở cửa sổ hướng nam vì cây sẽ dễ bị cháy lá. Thay vào đó, bạn hãy tìm nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào 3-5 tiếng mỗi ngày.[14]
- Di chuyển cây theo từng bước. Ví dụ, khi cây đang được đặt trong góc tối râm mát mà muốn dời cây ra bệ cửa sổ có nhiều ánh sáng, bạn đừng nhấc chậu cây lên và đặt ngay lên bệ cửa sổ. Sự thay đổi đột ngột như vậy có thể khiến lá cây bị cháy và rụng. Thay vào đó, bạn hãy di chuyển cây dần dần để cây có thời gian thích nghi. Ví dụ, bạn hãy dời cây ra khỏi góc tối đến một vị trí có nắng mặt trời chiếu vào một tiếng đồng hồ mỗi ngày và để cây ở đó vài ngày trước khi đem cây ra khu vực nhiều nắng hơn một chút. Tiếp tục như vậy cho đến khi bạn đặt cây vào nơi bạn thích.
-
3Giữ cho cây gọn gàng. Bạn nên nhặt hết lá cây rụng trong chậu và cắt tỉa để cây được khỏe mạnh. Bạn có thể tỉa cây ngọc bích theo ý thích, nhưng tránh làm xáo trộn cành chính của cây quá nhiều, kẻo làm chết cây.[15]
- Cắt bớt các chồi mới để cây giữ được dáng sum suê và bớt gầy guộc.
-
4Duy trì nhiệt độ thích hợp cho cây. Cây ngọc bích rất cứng cỏi và dễ sống, vì vậy bạn không phải lo lắng nhiều về nhiệt độ. Bạn có thể để cây ở nơi có nhiệt độ phòng, không đặt ở cửa sổ hướng nam, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào phần lớn thời gian trong ngày.[16]
- Vào mùa đông, cây ngọc bích ưa nhiệt độ mát hơn một chút (khoảng 13 độ C).
Quảng cáo
Bảo dưỡng cây ngọc bích
-
1Thay đất trồng cây 2-4 năm một lần. Mặc dù cây có thể sống trong chậu không thay đất trong nhiều năm miễn là bạn không tưới quá nhiều nước, nhưng việc thay đất 2 hoặc 4 năm một lần sẽ giúp bạn kiểm tra xem rễ cây có bị hư tổn hoặc thối rữa không. Ngoài ra, đất khô và mới sẽ đảm bảo cho cây tiếp tục phát triển tươi tốt.[17]
- Nếu cây ngọc bích bạn trồng đã nhiều năm và không còn tươi tốt nữa, bạn nên thay đất để giúp cây phục hồi.
-
2Lau bụi trên lá cây. Nếu cây bám bụi, bạn có thể dùng vải mềm để lau bụi. Có một cách khác là đem cây ra ngoài trời khi có mưa để nước mưa rửa trôi bụi bặm.[18]
- Tuy nhiên, nếu lá bị ướt, bạn cần đảm bảo lá cây có thể khô hoàn toàn. Cây có nước đọng trên lá có thể bị thối rữa hoặc nhiễm nấm.
-
3Cẩn thận với tình trạng nhiễm sâu bọ. Tuy không phải là vấn đề phổ biến, nhưng cây ngọc bích có thể bị nhiễm sâu bọ. Nếu thấy có những con rệp sáp nhỏ trên cây, bạn có thể dùng bông gòn tẩm ít cồn tẩy rửa để lau sạch lá cây.[19]
- Tìm những vệt nhỏ, trắng và mịn như bông trên lá cây. Đó là một dấu hiệu cho thấy trên cây có rệp. Ngoài ra, bạn có thể dùng kính lúp để xác định nhện đỏ, vốn rất khó quan sát bằng mắt thường vì chúng quá nhỏ.[20]
- Tránh sử dụng xà phòng trừ sâu trên cây, vì lá cây có thể bị hư tổn.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nếu trồng cây ngọc bích ngoài trời, bạn cần đem cây vào nhà trong những tháng mùa đông, trước khi sương giá xuống.
Cảnh báo
- Cây ngọc bích có thể gây ngộ độc cho chó và mèo. Nếu nhà có nuôi chó mèo, bạn nhớ đặt cây ngọc bích xa tầm với của chúng, hoặc cân nhắc trồng loại cây khác không độc với chó mèo.[21]
Tham khảo
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://www.gardenfundamentals.com/rooting-hormones-what-are-they/
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://extension.psu.edu/plants/gardening/fact-sheets/general-gardening/homemade-potting-media
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://www.shopterrain.com/article/propagating-succulents
- ↑ http://getbusygardening.com/propagating-jade-plants/
- ↑ http://garden.sffood.net/how-to-propagate-succulents/
- ↑ http://www.clemson.edu/extension/hgic/plants/indoor/foliage/hgic1507.html
- ↑ http://getbusygardening.com/tips-for-jade-plant-care/
- ↑ http://www.healthyhouseplants.com/index.php/plant-of-the-month/jade.html
- ↑ http://succulent-plant.com/families/crassulaceae/moneyplant.html
- ↑ http://getbusygardening.com/tips-for-jade-plant-care/
- ↑ http://www.almanac.com/plant/jade
- ↑ http://davesgarden.com/guides/articles/view/2224/
- ↑ http://oldfashionedliving.com/jadeplant.html
- ↑ http://www.clemson.edu/extension/hgic/plants/indoor/foliage/hgic1507.html
- ↑ http://succulent-plant.com/families/crassulaceae/moneyplant.html
- ↑ http://www.aspca.org/pet-care/animal-poison-control/toxic-and-non-toxic-plants/jade-plant