Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Hosta là loài cây lâu năm với đặc điểm lá to, tán lá đầy đặn và hoa nhỏ. Hosta sinh trưởng mạnh trong bóng râm, nhưng nhiều giống cây cũng đòi hỏi một lượng ánh sáng nhất định. Hầu hết những người làm vườn đều mua cây hosta ở các tiệm bán cây cảnh hoặc vườn ươm khi muốn trồng thêm hoa hosta trong vườn, nhưng bạn có thể tách các cây đang trồng hoặc gieo hạt để nhân giống cây.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Chuẩn bị đất trồng cây

  1. 1
    Chờ thời điểm thuận lợi. Cây hosta không quá nhạy cảm với độ lạnh, do đó bạn có thể trồng cây ngay khi đất đã đủ ấm để làm việc vào mùa xuân. Mùa xuân và cuối mùa hè là thời điểm lý tưởng để trồng hosta, vì đây là giai đoạn sinh trưởng mạnh, và cây sẽ bén rễ dễ dàng.
    • Nếu định trồng cây vào cuối mùa hè, bạn nên trồng trước khi đợt sương giá đầu tiên xuất hiện ít nhất 6 tuần.[1]
  2. 2
    Chọn vị trí có bóng râm thích hợp. Hosta là loài cây ưa bóng râm và chỉ cần rất ít ánh nắng mặt trời – mặc dù chúng sẽ không phát triển mạnh trong bóng râm hoàn toàn. Vị trí lý tưởng nhất để trồng hosta là nơi không có gió mạnh và mưa đá, râm mát trong khoảng từ giữa trưa đến 4 giờ chiều và nhận được ánh sáng gián tiếp.[2]
    • Bạn có thể trồng hosta dưới cây gỗ to để bảo vệ cây khỏi nắng, gió và mưa đá. Nhớ đừng trồng quá sát rễ cây gỗ để cây hosta không phải cạnh tranh chất dinh dưỡng.
    • Mức độ ưa bóng râm của cây hosta tùy vào giống cây. Nói chung, cây có lá vàng có thể chịu được ánh nắng nhiều hơn cây có lá trắng, xanh dương hoặc xanh lá. Cây hosta xanh dương cần được che nắng nhiều nhất.[3]
    • Cây hosta cũng sinh trưởng tốt ở các góc tòa nhà vẫn có chút nắng nhẹ.
  3. 3
    Điều chỉnh và xới đất. Xới khoảnh đất định trồng cây đến độ sâu khoảng 20 cm bằng dụng cụ xới đất cầm tay, máy xới hoặc cuốc.[4] Điều chỉnh đất bằng các vật chất hữu cơ có tác dụng làm tơi đất, ngăn chặn động vật gặm nhấm và tăng nhẹ độ axit trong đất.
    • Các vật chất hữu cơ thích hợp cho hosta bao gồm phân chuồng hoặc phân trộn đã ủ mục, rêu than bùn và lớp phủ bằng lá cây.
    • Độ pH lý tưởng cho cây hosta nằm trong khoảng 6 - 6.5.
    • Cây hosta không đòi hỏi không gian rộng. Nếu bạn định trồng từng cây, hố trồng cây chỉ cần rộng tương đương kích thước bộ rễ.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Trồng cây

  1. 1
    Ngâm cây. Đôi khi cây hosta đem từ vườn ươm về được đựng trong bao với bộ rễ trần. Trong trường hợp này, quan trọng là phải ngâm rễ cây để chuẩn bị cho cây trước khi trồng.[5]
    • Chọn xô hơi nhỏ hơn ngọn cây một chút.
    • Đổ nước lạnh vào xô. Gác ngọn cây trên miệng xô sao cho rễ cây nhúng vào nước bên dưới. Thực hiện tương tự với từng cây.
    • Ngâm cây ít nhất một tiếng đồng hồ trước khi trồng. Nếu chưa trồng ngay, bạn cứ ngâm cây trong nước để giữ ẩm bộ rễ.
  2. 2
    Gỡ rễ cây. Ngay trước khi trồng, bạn hãy lấy cây ra khỏi xô và nhẹ nhàng dùng tay gỡ rễ cây. Cẩn thận dùng các ngón tay chải các sợi rễ cho khỏi rối và đảm bảo mọi sợi rễ duỗi theo đúng chiều mà chúng mọc ra.[6]
    • Cây hosta dễ bị rối rễ, nhất là cây trồng trong chậu. Cây có thể bị thít chặt nếu bạn cứ cố trồng cây vào đất với bộ rễ rối.
  3. 3
    Đào hố và trồng cây. Đào một hố cho mỗi cây trong khu đất đã chuẩn bị trước đó với chiều rộng hố khoảng 75 cm, sâu 30 cm. Đặt từng cây vào mỗi hố đất, đảm bảo rễ cây không bị rối. Lấp đất tơi lên hố nhưng không nén đất xung quanh rễ. Đảm bảo chỉ lấp đất lên rễ cây, còn toàn bộ phần ngọn cây phải ở trên mặt đất.[7]
    • Tưới kỹ cho từng cây ngay sau khi trồng.
    • Trồng các cây hosta cách nhau một khoảng đủ rộng để tạo điều kiện cho cây phát triển tối đa. Khoảng cách này tùy vào giống cây hosta. Nếu không chắc chắn, bạn hãy chừa một khoảng 75 cm giữa các cây.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Chăm sóc cho cây khỏe mạnh

  1. 1
    Rải lớp phủ bề mặt. Lớp phủ sẽ giúp giữ độ ẩm cho đất, ngăn ngừa cỏ dại và bảo vệ cây khỏi loài vật gặm nhấm. Sau khi trồng cây, bạn hãy rải một lớp phủ lên mặt đất xung quanh cây.
    • Vât liệu phủ vườn lý tưởng cho cây hosta là vỏ cây vụn, lá thông hoặc lá cây mục.
  2. 2
    Cung cấp độ ẩm liên tục cho cây. Tưới đẫm nước sau khi trồng cây. Duy trì độ ẩm đều và liên tục trong suốt vòng đời của cây. Những cây tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thậm chí còn cần nhiều nước hơn để phòng chống cháy lá.
    • Cung cấp cho cây hosta 2,5 cm nước mỗi tuần trong suốt mùa sinh trưởng của cây vào mùa xuân và mùa hè.[8]
  3. 3
    Cắt tỉa lá chết vào mùa thu. Cây hosta sẽ bước vào thời kỳ ngủ đông trong mùa thu và mùa đông, tức là chúng sẽ không phát triển và không cần nhiều chất dinh dưỡng. Khi mùa thu đến, bạn hãy tỉa cây hosta bằng cách cắt bỏ các lá chết hoặc vàng.[9]
    • Những chiếc lá héo úa vẫn tiếp tục hút chất dinh dưỡng của cây, vì vậy bạn có thể giúp cây tiết kiệm năng lượng bằng cách loại bỏ những chiếc lá này vào mùa thu.
  4. 4
    Chuẩn bị cho cây sống qua mùa đông. Hosta là loài cây cứng cáp và sẽ sống sót qua mùa đông, nhưng chúng sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nếu được chuẩn bị cho những tháng lạnh giá. Sau khi mặt đất đóng băng, bạn hãy phủ kín mặt đất xung quanh cây bằng lá rụng và đắp nhiều lá hơn quanh ngọn cây.[10]
    • Để nguyên lớp lá phủ trên cây hosta cho tới khi qua đợt sương giá cuối cùng trong mùa xuân.
    • Phủ vật liệu hữu cơ lên cây cũng là cách để giữ nhiệt và độ ẩm trong đất.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Cây hosta nói chung không cần phân bón, thường thì chất dinh dưỡng duy nhất mà cây có thể cần là ni tơ.
  • Bạn cũng có thể trồng cây hosta trong chậu. Chọn chậu trồng hoa có kích thước phù hợp với cây: Chỉ nên chừa khoảng rộng không vượt quá 5-7,5 cm so với các rễ cây dài nhất. Rải một lớp sỏi dưới đáy chậu cây để đảm bảo độ thoát nước tốt.

Về bài wikiHow này

Katie Gohmann
Cùng viết bởi:
Chuyên gia làm vườn
Bài viết này đã được cùng viết bởi Katie Gohmann. Kinda Gohmann là thợ làm vườn chuyên nghiệp tại Texas. Cô đã làm vườn tại nhà và trở thành thợ làm vườn chuyên nghiệp từ năm 2008. Bài viết này đã được xem 1.859 lần.
Chuyên mục: Làm vườn
Trang này đã được đọc 1.859 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo