Bài viết này có đồng tác giả là Tyler Radford, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 6.325 lần.
Hoa hồng là một trong những loài hoa cổ điển đậm đà sắc hương nhất mà bạn có thể trồng trong vườn nhà. Phải, “hoa hồng nào mà chẳng có gai”, nhưng những đóa hoa lộng lẫy này thực ra không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Mọi thứ chúng cần là một chút quan tâm, một nơi có ánh nắng và thoát nước tốt. Nếu muốn biết cách trồng và chăm sóc cây hoa hồng để có những đóa hồng rực rỡ tô điểm cho ngôi nhà thêm vui mắt, bạn hãy làm theo các bước sau đây.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 4:Chuẩn bị trồng cây
-
1Chọn giống hoa hồng. Bất cứ loài hoa hồng nào cũng sẽ đem lại vẻ đẹp cho khu vườn nhà bạn, nhưng quan trọng là bạn cần kiểm tra xem giống hoa hồng nào sinh trưởng tốt nhất trong vùng bạn ở bằng cách xem sách hướng dẫn về các giống hoa hồng của từng vùng. Bạn cũng có thể cân nhắc về hình dáng và kích thước của hoa. Sau đây là một vài giống hoa hồng đẹp và phổ biến nhất:
- Hồng Floribunda. Đây là giống hoa hồng có màu sắc phong phú nhất; cây có dạng thân bụi và nở nhiều hoa. Hoa mọc thành từng cụm 3-15 bông thay vì mỗi lần chỉ nở một bông. Cây có thể mọc riêng lẻ từng bụi, nhưng sẽ rất ấn tượng khi bạn trồng thành nhiều hàng nối tiếp nhau.
- Hồng trà lai. Đây là một trong những giống hoa hồng phổ biến nhất, mọc thành các bụi thẳng, mỗi cành mang một hoa. Có lẽ đây là giống hồng mà bạn đã từng thấy nhiều nhất ở các tiệm hoa.
- Hồng Grandiflora. Những cây hồng tuyệt đẹp này là giống lai giữa hồng Floribunda và hồng trà lai. Chúng có thể cao đến 1,8 m và ra những cụm hoa hồng trà lai cổ điển.
- Hồng bụi và hồng cảnh quan. Giống hồng này có nhiều hình dáng và kích cỡ, có thể phù hợp với bất cứ cảnh quan nào. Chúng mọc gần sát mặt đất, có sức đề kháng sâu bệnh tốt và ít đòi hỏi công chăm sóc hơn các giống hồng khác, hoa nở rất bền.
- Hồng leo. Những bông hồng này tô điểm cho mọi khu vườn và thường được trồng quanh hàng rào hoặc trên giàn. Chúng mọc ra những nhánh dài, uốn cong mang nhiều hoa, có thể quấn quanh các cột, bao phủ tường hoặc các vật kiến trúc có thể dựa được.
- Hồng tỷ muội. Đây là giống hoa hồng nhỏ nhất và có thể mọc cao từ 15 cm đến 60 cm, hoa nở liên tục và rất tuyệt khi trồng trong chậu, có thể làm hàng rào và trồng trong những không gian nhỏ.
- Hồng cây. Giống hồng này có phần thân rễ cứng và được ghép vào một cành dài, cành này sau đó được ghép vào ngọn của một bụi hoa hồng. Loại hồng này trông rất đẹp, nhưng chúng đòi hỏi phải được chăm sóc nhiều hơn để có thể sống qua mùa đông.
-
2Quyết định nên trồng cây rễ trần hay trồng cây trong chậu. Đây là sự khác biệt quan trọng mà bạn cần quyết định, vì cây rễ trần và cây trong chậu có cách trồng khác nhau một chút. Cả hai đều phải trồng trong đất để rễ cây phát triển, nhưng bạn phải chọn một trong hai phần dưới đây để biết cách trồng loại hoa hồng bạn thích. Sau đây là những điều bạn cần biết về hai loại cây này:[1]
- Hoa hồng rễ trần. Những cây hồng này không có hoa khi bạn mới mua về, nhưng điều đó cũng không tệ. Như vậy có nghĩa là bụi cây sẽ dồn năng lượng để ra rễ mà không phải nuôi dưỡng hoa. Bạn có thể trồng loại này sớm hơn, vào thời điểm sáu tuần trước ngày sương giá trung bình trong mùa xuân của những năm trước và không muộn hơn thời điểm đó 2 tuần. Nếu được trồng đúng thời điểm và đúng phương pháp, những cây hoa hồng này sẽ phát triển nhanh hơn hoa hồng trong chậu.
- Hoa hồng trong chậu. Những cây hồng này có ưu điểm là đã có sẵn hoa, vì thế trông sẽ đẹp hơn khi bạn đem trồng trong vườn. Loại này thường được bán trong chậu cỡ 4 lít hoặc lớn hơn. Bạn nên cẩn thận hơn về việc trồng đúng thời điểm vào mùa xuân vì chúng dễ có khả năng bị đóng băng do sương giá hơn.
-
3Chọn vị trí trồng. Vị trí trồng hoa sẽ định đoạt số phận cây hoa hồng của bạn, bất kể ban đầu chúng có đẹp và khỏe thế nào. Bạn nên tìm nơi nhận được ánh nắng trực tiếp ít nhất 5-6 tiếng mỗi ngày, nhất là buổi sáng. Bạn cũng nên trồng hoa hồng gần những phương tiện che chắn như bức tường hoặc hàng rào nếu ở trong vùng có nhiều gió. Sau đây là một số yếu tố khác mà bạn cần nhớ khi chọn một vị trí hoàn hảo cho những cây hồng của bạn:[2] [3]
- Ở vùng khí hậu nóng, bạn sẽ cần bóng râm để bảo vệ hoa hồng khỏi ánh nắng mặt trời vào lúc gay gắt nhất. Cố gắng trồng hoa ở nơi có ánh nắng buổi sáng và bóng mát buổi chiều. Ở vùng khí hậu lạnh, hoa hồng cần một bức tường hoặc hàng rào ấm áp để che chở cho chúng khỏi bị giá lạnh.
- Đất trồng hoa hồng phải có độ thoát nước tốt. Trước khi trồng, bạn hãy đào một hố đất và đổ nước vào để chắc chắn rằng nước có thể rút đi hết chỉ trong vài tiếng. Nếu đất quá ẩm, rễ cây có thể bị thối rữa. Trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc trồng hoa hồng trên vườn nâng.
- Đảm bảo đất trồng không quá rắn chắc hoặc nhiều cát. Việc trộn thêm các vật liệu hữu cơ như phân bò khô, vỏ cây vụn hoặc phân trộn sẽ giúp cho đất đạt đến độ chắc thích hợp.
- Tránh trồng hoa hồng gần các cây thân gỗ hoặc bụi rậm. Chúng sẽ cạnh tranh chất dinh dưỡng, nước, ánh sáng, và thường thì phần thua sẽ thuộc về hoa hồng.
- Đất trồng hoa hồng không những phải thoát nước tốt mà còn nên có độ pH từ 6.5 đến 7.
-
4Thu thập vật liệu để trồng hoa. Việc có cây hoa hồng và vị trí thích hợp là một khởi đầu tốt, nhưng bạn còn cần thêm các vật liệu khác để trồng cây. Sau đây là những thứ bạn cần:
- Phân bón
- Lớp phủ
- Kéo cắt cây
- Găng tay làm vườn
- Phân trộn hoặc đất trồng hoa hồng
- Thuổng
- Xẻng
- Chậu nước
Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 4:Trồng cây rễ trần
-
1Trồng hoa hồng vào khoảng thời gian 6 tuần trước ngày có sương giá trung bình của những năm trước và không muộn hơn 2 tuần sau đó. Đây là thời gian tốt nhất để trồng hoa hồng rễ trần. Bạn phải trồng cây ngay khi mua về, vì vậy hãy đảm bảo có sẵn mọi thứ bạn cần.
-
2Đào một hốc đất lớn hơn kích thước của cây. Hốc đất phải lớn hơn bộ rễ và đất bám xung quanh để rễ có thể bám vào khi cây mọc. Đây là điều bạn cần làm khi trồng cây hoa hồng rễ trần. Tuy nhiên nhiều khi hoa hồng được bán thành từng bộ ba cây, và việc trồng hoa hồng thành cụm cũng là ý hay. Nếu định trồng nhiều cây, bạn cần đảm bảo chúng cách nhau ít nhất 60 cm - 90 cm để rễ cây có không gian phát triển.[4]
-
3Trộn một ít phân trộn vào đất. Trộn đều cho đến khi bạn tạo thành một ụ đất ở dưới đáy hốc đất vừa đào.
-
4Đặt cây hoa hồng lên ụ đất. Nếu ở trong vùng khí hậu nóng, bạn nên đặt cây hoa hồng sao cho mắt ghép ở gốc cây chỉ vừa đủ nhô lên trên mặt đất. Nếu trời lạnh hơn, mắt ghép nên được chôn ở độ sâu khoảng 2,5 cm đến 5 cm dưới mặt đất. Phần rễ cần được phủ kín đất, nhưng phần thân cây phải ở trên mặt đất.
-
5Dùng xẻng dằm đất xung quanh rễ cây. Điều này giúp loại bỏ các túi khí có hại cho cây hoa hồng. Sau đó vỗ đất xung quanh bộ rễ cho chặt hơn một chút. Tiếp tục lấp đất vào cho đến khi đầy khoảng ¾ hốc đất. Nếu lấy tay dằm đất, bạn cần coi chừng gai.
-
6Đổ nước vào hốc đất. Để cho nước thấm sâu vào đất và tiếp tục đổ nước vào hốc. Tỉa bớt cành cây sao cho chúng còn độ cao khoảng 20 cm. Cắt chéo cách khoảng 0,5 cm bên ngoài mắt chồi.
-
7Đắp một mô đất bên trên gốc cây. Điều này sẽ giúp thân cây không bị khô kiệt. Trong vòng hai tuần, cây sẽ đâm chồi, và bạn có thể loại bỏ mô đất.
-
8Giậm chân lên mô đất. Đây là một mẹo của những người làm vườn để giúp cây giữ nước tốt hơn và khỏi ngã rạp sau cơn gió đầu tiên.[5]Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 4:Trồng cây bán trong chậu
-
1Trồng vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Đây là thời gian mà bạn thường thấy người ta bán cây hoa hồng và là khi đợt sương giá cuối cùng chắc chắn đã qua. Những cây hoa hồng này thường dễ bị hư hại vì sương giá hơn, do đó bạn phải trồng đúng mùa để tránh rủi ro.[6]
-
2Giảm độ ẩm trong cây hoa hồng. Nếu cây được để trong chậu một thời gian hoặc còn độ ẩm quá cao, bạn hãy chờ cho đến khi độ ẩm giảm xuống một chút để dễ trồng hơn. Nếu cây quá ẩm, bộ rễ sẽ không phát triển tốt, và bạn có thể mất vài cây hoa hồng khi lấy chúng ra khỏi chậu.
-
3Đào hốc đất. Hốc đất phải sâu bằng chậu cây và rộng ít nhất gấp đôi. Điều này sẽ đảm bảo rằng hốc đất lớn hơn bộ rễ và đất bám xung quanh để rễ có thể lan rộng ra. Dùng thuổng hoặc xẻng để đào hốc đất.
-
4Lấy cây ra khỏi chậu. Cây hoa hồng có thể được trồng trong chậu nhựa hoặc hộp các-tông. Cách để lấy chậu ra sẽ hơi khác nhau tùy từng loại chậu.
- Nếu là chậu nhựa, bạn hãy dùng hai tay đỡ cành chính của cây, lật chậu cây nằm ngang và nhẹ nhàng bóp vào chậu. Trượt cây ra khỏi chậu.
- Nếu là hộp các-tông, đầu tiên bạn cần gỡ đáy hộp ra, sau đó bóc các mặt hộp ra khi đặt hộp vào hốc đất. Bóc các mặt hộp cũng tương tự như bạn bóc một quả cam.[7]
-
5Làm tơi đất xung quanh bộ rễ. Điều này sẽ giúp rễ cây tiếp xúc nhiều hơn và dễ đâm vào đất hơn. Động tác này cũng giúp gỡ các rễ cây bị rối do trồng trong chậu nhỏ. Kích thích bộ rễ bằng cách cào nhẹ cho đến khi chúng rời ra.
-
6Đặt bụi cây hồng vào giữa hốc đất. Lấp lại bằng loại đất trồng trong chậu thông thường.
-
7Sửa sang đất trộn xung quanh rễ cây. Vừa lấp đất vừa vỗ xuống để loại bỏ các túi khí và giúp cây hoa hồng trong chậu phát triển khỏe mạnh.
-
8Tưới nước cho cây. Tưới nước lên cây, chờ cho nước thấm xuống đất và tưới thêm lần nữa để cây có sự khởi đầu tốt. Nếu có vật liệu phủ vườn hữu cơ như vỏ cây, lá thông hoặc dăm bào, bạn có thể rải lên mặt đất để giữ độ ẩm trong đất.Quảng cáo
Phần 4
Phần 4 của 4:Chăm sóc cây hoa hồng
-
1Tưới cây thường xuyên trong 3-4 tuần đầu sau khi trồng. Thông thường bạn nên tưới khi 5 cm lớp đất bề mặt đã khô. Cây hoa hồng cần nhiều chất dinh dưỡng và độ ẩm để có thể phát triển khỏe mạnh.[8]
-
2Tiếp tục tưới đẫm nước vào nền đất. Bốn tuần sau khi trồng, bạn nên bắt đầu tưới đẫm nước cách khoảng 2 tuần một lần. Tưới vào buổi sáng là tốt nhất.
-
3Đắp lớp phủ vườn. Sử dụng lớp phủ vườn dày khoảng 7,5 cm - 15 cm để kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ và để ngăn chặn cỏ dại mọc lên. Lớp phủ vườn cũng giúp giữ các dưỡng chất thiết yếu cần cho sự phát triển khỏe mạnh của cây hoa hồng. Xem bài Cách để trồng hoa hồng của wikiHow để có thêm thông tin về cách chăm sóc cây sau khi trồng.
-
4Cắt tỉa cây. Việc cắt tỉa sẽ giúp cây hoa hồng khỏi phát triển quá rậm rạp, đồng thời giữ cho cây khỏe mạnh và cứng cáp. Mọi thứ bạn cần chỉ là kéo cắt cây và để mắt đến những cành lá cần loại bỏ. Bạn có thể cắt các thân rễ (chồi của rễ cây) – là những cây mới mọc ra từ rễ của cây mẹ - và những cành khác nhỏ hơn cây bút chì đan chéo vào nhau hoặc không theo đúng hình dạng mong muốn của bạn.
-
5Bảo vệ cây hoa hồng khỏi nhiệt độ lạnh. Vào những tháng mùa đông hoặc khi trời trở lạnh trái mùa, có thể bạn cần ra tay bảo vệ những cây hoa hồng xinh xắn để chúng có thể sống sót qua mùa đông. Bạn nên cắt tỉa bớt cây hoa hồng đến độ cao còn khoảng 60 cm để chúng khỏi bị hư hại vì băng giá và gió mạnh. Sau đó, bạn nên dùng dây buộc các cành lại với nhau để bảo vệ cây khỏi những cơn gió.[9]
- Mỗi cây hoa hồng cần một ụ đất hoặc phân trộn tơi, mới xung quanh gốc.
- Bạn có thể đắp thêm một lớp cỏ khô hoặc rơm lên ụ đất để tăng cường bảo vệ cây.
- Khi mùa xuân đến, bạn có thể dỡ bỏ các vật liệu bảo vệ cây.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Không tưới cây hoa hồng vào thời gian cuối ngày để phòng ngừa bệnh nấm.
- Tốt nhất là nên trồng hoa hồng vào mùa xuân. Chọn vị trí thoáng khí để trồng. Cây hoa hồng sẽ không phát triển được ở những nơi chật chội hoặc ngột ngạt.
- Một số người trồng hoa hồng khuyên nên xịt nước lên lá hoa hồng để ngăn ngừa rệp.
- Cây hoa hồng ưa nước, nhưng chúng có thể bị bệnh nấm và vi khuẩn nếu không được nhận ánh nắng mặt trời đầy đủ để làm khô lá và cánh hoa. Bạn nên trồng hoa hồng ở vị trí có nắng buổi sáng và kéo dài ít nhất 6 tiếng mỗi ngày.
- Một số người trồng hoa hồng cũng dùng nước xà phòng xịt lên cây để ngăn ngừa rệp. Bạn nên hỏi các nhà làm vườn trong vùng về việc này.
- Hoa hồng có thể sinh trưởng tốt ở vùng sa mạc, nhưng chúng đòi hỏi được tưới nhiều nước.
- Nếu ở Mỹ, bạn có thể đến văn phòng phát triển nông nghiệp địa phương để tìm sự trợ giúp của chương trình Master Gardener.
- Những cây hoa hồng trong hộp hoặc trong gói nên được trồng sớm hơn. Hồng trong chậu thường dễ trồng khi thời tiết ấm áp hơn, và vì vậy nên trồng muộn hơn.
- Chương trình Master Gardener thường có ở các trường đại học địa phương ở Mỹ.
Cảnh báo
- Luôn kiểm tra cây để đề phòng bệnh.
Tham khảo
- ↑ http://www.regannursery.com/index.cfm/fuseaction/home.showpage/pageID/63/index.htm
- ↑ http://aggie-horticulture.tamu.edu/southerngarden/rosejanne.html
- ↑ http://www.gardeners.com/Growing-Roses/5074,default,pg.html
- ↑ http://www.almanac.com/plant/roses
- ↑ http://www.youtube.com/watch?v=CFDAiOcMO2o
- ↑ http://www.dummies.com/how-to/content/how-to-plant-potted-roses.html
- ↑ http://www.bhg.com/gardening/flowers/roses/planting-container-grown-roses/
- ↑ http://www.almanac.com/plant/roses
- ↑ http://www.rose.org/winter-protection/