Bài viết này có đồng tác giả là Lydia Shedlofsky, DO, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 14 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Ghẻ là một bệnh ngoài da do một loại ký sinh trùng nhỏ xíu sống trong da gây ra với biểu hiện là các nốt mẩn đỏ sần sùi và ngứa. Chỉ nghĩ đến ghẻ thôi là có lẽ bạn đã thấy nổi da gà rồi, nhưng đừng xấu hổ nếu bạn bị nhiễm ghẻ! Ai cũng có thể bị ghẻ và không có liên quan gì đến tình trạng thiếu vệ sinh.[1] Bệnh này cũng có thể chữa được và thường khỏi trong vòng 1 tuần với các phương pháp điều trị thích hợp. Các bác sĩ thường cho dùng kem benzyl benzoate để diệt cái ghẻ và trị mẩn đỏ, nhưng có thể bạn cũng quan tâm đến các liệu pháp tự nhiên tại nhà. Tuy không hiệu nghiệm như kem bôi ngoài da được bác sĩ kê toa, nhưng một số liệu pháp tại nhà cũng có tác dụng. Trước khi thử tự chữa trị, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định đúng là bạn bị ghẻ. Sau đó, bạn có thể thử xem các liệu pháp tại nhà có hiệu quả với bạn không.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:Các phương thuốc bôi ngoài da
Chắc hẳn là bạn muốn tiêu diệt ghẻ càng sớm càng tốt để tiếp tục cuộc sống bình thường. Bác sĩ thường kê đơn thuốc kem bôi ngoài da có chứa benzyl benzoate như một phương pháp trị ghẻ hiệu quả nhất, nhưng các nghiên cứu cho thấy một số liệu pháp tự nhiên cũng có tác dụng. Sau khi đã được xác định mắc bệnh ghẻ, bạn có thể thử dùng một số phương thuốc bôi ngoài da để xem có hữu ích không. Nếu không, hãy chuyển sang dùng kem bôi ngoài da do bác sĩ kê toa.
-
1Dùng gel lô hội như một liệu pháp tự nhiên hiệu quả. Một nghiên cứu ở phạm vi nhỏ cho thấy gel lô hội có hiệu quả trị ghẻ tương đương với các loại kem kê toa, đem lại kết quả đầy hứa hẹn như một loại thuốc thay thế. Hãy thử thoa gel lô hội tươi hoặc tinh khiết lên vùng da mẩn ngứa hàng ngày xem có hiệu quả không.[2]
- Nghiên cứu không cho biết chính xác thời gian các bệnh nhân sử dụng gel lô hội là bao lâu. Các loại kem trị ghẻ thường có hiệu quả sau 1 tuần, do đó bạn cũng nên dùng gel lô hội tối thiểu trong thời gian tương đương.[3]
-
2Thoa kem dầu tràm trà lên vùng da mẩn đỏ. Các loại kem bôi ngoài da chứa dầu tràm trà 5-6% cho thấy một số hiệu quả trong điều trị ghẻ. Hãy thử thoa kem mỗi ngày một lần trong 30 ngày xem liệu pháp này có giúp bạn khỏi bệnh không.[4]
- Các nghiên cứu này sử dụng kem hoặc gel có chứa dầu tràm trà thay vì dầu nguyên chất. Việc sử dụng dầu tràm trà đậm đặc chưa được nghiên cứu.
-
3Diệt cái ghẻ bằng dầu đinh hương. Dầu đinh hương có chứa các hoá chất diệt được cái ghẻ trong phòng thí nghiệm. Thử xoa dầu đinh hương lên vùng da mẩn ngứa trong 24 tiếng để diệt cái ghẻ.[5]
-
4Thử dùng dầu neem. Dầu neem cũng có thể diệt được cái ghẻ sau 24 tiếng. Các nghiên cứu cho thấy dầu neem nồng độ 20mg/mL có hiệu quả diệt cái ghẻ. Thử xoa dầu lên vùng da mẩn ngứa và để yên trong 24 tiếng xem có hữu hiệu không.[6]
-
5Tránh dùng thuốc tẩy bôi lên da. Một số website nói rằng thuốc tẩy diệt được cái ghẻ và giúp bạn trị bệnh này. Vấn đề là thuốc tẩy sẽ gây kích ứng và làm rát da. Đây không phải là liệu pháp được khuyến nghị, do đó bạn chỉ nên dùng thuốc tẩy cho việc lau dọn.[7]
- Có một số website cho rằng giấm cũng diệt được cái ghẻ. Tuy không nguy hiểm như thuốc tẩy, nhưng liệu pháp này có thể không hiệu quả.
-
6Đến bác sĩ để nhận toa thuốc nếu các liệu pháp tại nhà không có hiệu quả. Phương pháp trị ghẻ thông dụng nhất là kem do bác sĩ kê toa để diệt cái ghẻ và trứng của chúng. Thông thường, bạn sẽ phải thoa kem lên toàn bộ cơ thể từ cổ trở xuống và để nguyên trong 8-10 tiếng vì cái ghẻ có thể lan ra ngoài vùng da mẩn đỏ ban đầu. Đôi khi bạn chỉ cần thoa thuốc một lần, nhưng có thể bạn phải thoa lại nếu bác sĩ chỉ định. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.[8]
- Thuốc trị ghẻ thông dụng nhất là permethrin. Nếu không có hiệu quả, bác sĩ có thể cho bạn dùng indane, crotamiton, hoặc ivermectin.
- Nếu bạn sống cùng nhà với những người khác, có lẽ bác sĩ sẽ khuyến nghị mọi người dùng thuốc tương tự vì ghẻ rất dễ lây lan.
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:Giảm nhẹ các triệu chứng
Ngay cả khi các liệu pháp trên diệt được cái ghẻ, tình trạng ngứa ngáy có thể vẫn tiếp diễn trong vài tuần. Thật không may, bạn phải chờ cho vùng da mẩn đỏ tự khỏi trước khi hết ngứa. May mắn là bạn có thể làm dịu ngứa với một số liệu pháp tại nhà đơn giản cho đến khi hết mẩn đỏ.
-
1Chườm lạnh lên vùng da ngứa. Biện pháp này giúp làm tê da và dịu ngứa. Thử nhúng khăn vào nước lạnh cho ướt và chườm lên vùng da mẩn ngứa để giảm nhẹ các triệu chứng.[9]
- Nếu vùng da mẩn ngứa là ở bàn tay hoặc bàn chân, bạn cũng có thể ngâm chân tay trong nước mát thay vì chườm lạnh.
-
2Ngâm bồn tắm nước mát hoà bột yến mạch. Biện pháp này sẽ hữu ích trong trường hợp vùng da mẩn ngứa chiếm diện tích lớn trên cơ thể. Tích nước mát vào bồn tắm và hoà bột yến mạch vào nước để làm dịu da.[10]
- Nước ấm hoặc nóng có thể gây kích ứng da và khiến cơn ngứa càng trầm trọng hơn. Tốt nhất là bạn nên dùng nước mát.
- Chỉ riêng bồn tắm nước mát cũng có hiệu quả dù không có bột yến mạch.[11]
-
3Dùng kem trị ngứa cho đến khi triệu chứng thuyên giảm. Các loại kem kháng histamine như lotion calamine có tác dụng giảm ngứa cho đến khi bệnh ghẻ được trị khỏi hoàn toàn. Sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm.[12]
-
4Uống thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Nếu kem bôi ngoài da không đủ làm dịu ngứa, có thể thuốc kháng histamine sẽ hiệu quả hơn. Hãy hỏi bác sĩ trước để đảm bảo an toàn và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.[13]
- Các thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm Benadryl, Zyrtec, Claritin, và Allegra.[14]
- Thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, do đó bạn cần tránh lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi uống thuốc.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:Phòng tránh tái nhiễm
Không may là bệnh ghẻ rất dễ lây, và cái ghẻ có thể lan sang những người khác. Nhưng đừng quá lo lắng – bạn chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản để diệt trừ ghẻ trong nhà và quần áo. Dù mất công sức một chút, nhưng bạn có thể đảm bảo bản thân và những người khác trong nhà không bị tái nhiễm ghẻ.
-
1Giặt toàn bộ ga gối trải giường và quần áo trong nước nóng. Cái ghẻ có thể sống trong quần áo và vải trải giường rồi xâm nhập lại vào da ngay cả sau khi bạn đã bắt đầu điều trị. Vào ngày bắt đầu trị ghẻ, bạn hãy gom tất cả đồ vải bỏ vào máy giặt và giặt chế độ nước nóng, sau đó sấy ở nhiệt độ cao. Sức nóng sẽ giết chết tất cả cái ghẻ.[15]
- Giặt khô cũng có hiệu quả. Nhớ nói với người xử lý quần áo là bạn có ghẻ để họ cẩn thận.
- Những thứ mà hơn 1 tuần qua bạn không đụng đến có thể an toàn. Cái ghẻ không thể sống lâu như vây khi rời khỏi con người.
- Tiếp tục giặt giũ theo cách này cho đến khi khỏi bệnh.
-
2Để đồ giặt của bạn cách xa đồ của những người khác. Ghẻ là bệnh dễ lây và có thể lan truyền sang những người khác qua quần áo hoặc vải trải giường. Nếu bạn sống chung nhà với những người khác, hãy để riêng quần áo của bạn ra nơi khác, ngay cả đồ sạch, để phòng tránh lây ghẻ.[16]
-
3Bọc kín các vật dụng của bạn trong túi ni lông khoảng 1 tuần nếu không giặt được. Cái ghẻ khi rời xa con người thường sẽ chết trong 2-3 ngày. Nếu có thứ gì đó khó giặt, chẳng hạn như gối dựa lưng ghế sofa hoặc đệm ngồi, bạn có thể bọc kín trong túi ni lông và để yên trong 1 tuần. Như vậy cái ghẻ bên trong sẽ chết hết.[17]
- Nếu không có túi ni lông, bạn có thể để các đồ vật của mình ở một nơi không có người lui tới, chẳng hạn như gara để xe. Đảm bảo không ai đụng đến những vật dụng này ít nhất là vài ngày. Đây là biện pháp hữu ích đối với những vật dụng có kích thước lớn như ghế hoặc các đồ đạc khác.[18]
-
4Hút bụi toàn bộ thảm và đồ nội thất trong nhà. Cái ghẻ cũng có thể lây lan qua thảm, ghế sofa, ghế tựa và các món đồ khác trong nhà. Vào ngày bắt đầu điều trị, bạn hãy hút bụi mọi thứ mà cái ghẻ có thể sống trong đó.[19]
- Cũng như đồ vải, những thứ mà hơn 1 tuần qua bạn không chạm đến có thể không có cái ghẻ còn sống.
-
5Đừng tiếp xúc cơ thể với bất cứ ai cho đến khi khỏi hẳn. Không tiếp xúc cơ thể nghĩa là không ôm, không ngồi cùng nhau hoặc quan hệ tình dục. Tránh tất cả những kiểu tiếp xúc này cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.[20]
- Không dùng chung giường hoặc ghế sofa với những người khác. Cái ghẻ có thể lây lan theo đường này.
- Nhớ rằng nếu một người khác bị nhiễm ghẻ thì có thể phải 2-4 tuần sau họ mới có triệu chứng.
Quảng cáo
Thông tin y khoa quan trọng
Bạn có thể sợ hãi khi biết mình bị nhiễm ghẻ, nhưng bệnh này có thể chữa được! Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ thuyên giảm đáng kể trong vòng 1 tuần sau khi điều trị. Một số liệu pháp tại nhà thực sự hiệu quả, do đó bạn có thể thử tự điều trị. Nếu không thấy có cải thiện nào, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ và dùng thuốc kê toa. Dù thế nào thì bạn cũng khỏi và không gặp rắc rối kéo dài.
Lời khuyên
- Ghẻ có thể lây truyền ngay cả khi bạn giữ vệ sinh tốt và tắm rửa hàng ngày. Bệnh này không liên quan đến chuyện ở bẩn.
- Đừng bận tâm điều trị cho thú cưng. Loại ghẻ sống trên người không sống được trên các động vật khác.[21]
Cảnh báo
- Đừng xem nhẹ bệnh ghẻ. Ghẻ có thể tiến triển thành một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hơn hoặc gây nhiễm trùng da.[22]
Tham khảo
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/scabies/
- ↑ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19274696/
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000830.htm
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4751955/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2920318/
- ↑ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24974121/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441921/
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/diagnosis-treatment/drc-20377383
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/diagnosis-treatment/drc-20377383
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/diagnosis-treatment/drc-20377383
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000830.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000830.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000830.htm
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/allergies/in-depth/allergy-medications/art-20047403
- ↑ https://www.aad.org/public/diseases/a-z/scabies-self-care
- ↑ https://www.azdhs.gov/documents/preparedness/epidemiology-disease-control/healthcare-associated-infection/advisory-committee/subcommittee/scabies-pamphlet.pdf
- ↑ https://www.cdc.gov/parasites/scabies/prevent.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/symptoms-causes/syc-20377378
- ↑ https://www.aad.org/public/diseases/a-z/scabies-self-care
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/scabies/
- ↑ https://www.aad.org/public/diseases/a-z/scabies-self-care
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/symptoms-causes/syc-20377378