Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 20.352 lần.
Dầu tràm trà được dùng như một sản phẩm trị mụn tự nhiên vì có khả năng kháng khuẩn, thích hợp để thay thế các hóa chất tổng hợp và không làm mất lượng dầu tự nhiên trên da. Bạn có thể thoa dầu tràm trà trực tiếp lên mụn hoặc thêm loại dầu này vào một số sản phẩm chăm sóc da. Khi biết cách sử dụng, dầu tràm trà sẽ trở thành một công cụ hiệu quả giúp bạn đánh bay mụn.
Các bước
Trị mụn bằng dầu tràm trà
-
1Mua dầu tràm trà nguyên chất. Đây là cách giúp bạn tránh được rủi ro thoa hóa chất hoặc nguyên liệu không rõ nguồn gốc lên da. Hãy đọc thông tin trên nhãn và đảm bảo đó là dầu tràm trà nguyên chất 100% vì các sản phẩm có nồng độ khác nhau.[1]
- Kể cả khi muốn pha loãng dầu tràm trà, bạn cũng nên mua loại dầu nguyên chất 100%. Như vậy, bạn sẽ kiểm soát được nguyên liệu dùng để pha loãng hoặc kết hợp với dầu.
-
2Rửa mặt. Dùng xà phòng hoặc sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ để rửa sạch vùng da bị mụn. Tiếp theo, bạn cần thấm khô nước trên da vì dầu tràm trà phải được thoa trên bề mặt khô. Thoa dầu tràm trà lên da sạch là một việc rất cần thiết để dầu dễ dàng phát huy tác dụng trị mụn.
-
3Thử dầu tràm trà trên da. Trước khi thoa dầu tràm trà lên mụn, bạn nên thử trên một vùng da khỏe mạnh. Chấm một giọt dầu lên tay hoặc một vùng da nào đó dễ thử và để yên trong vài phút. Nếu da không xuất hiện tình trạng kích ứng, bạn có thể thoa dầu tràm trà lên mụn.[2]
- Nếu dầu tràm trà gây kích ứng cho da, bạn có thể chọn không sử dụng hoặc pha loãng để tránh tình trạng kích ứng.
- Một số tác dụng phụ thường gặp của dầu tràm trà gồm có rát da, ửng đỏ hoặc khô da.[3]
-
4Làm sản phẩm trị mụn tại nhà (nếu cần). Nếu cảm thấy dầu tràm trà nguyên chất chưa pha loãng quá mạnh với da, tạo cảm giác khó chịu hoặc gây khô da, bạn nên thử làm sản phẩm trị mụn tại nhà với dầu tràm trà. Bạn chỉ cần nhỏ hai giọt dầu tràm trà vào hai thìa cà phê gel lô hội, nước hoặc dầu trung tính như dầu dừa hoặc dầu ô liu.
- Dầu tràm trà rất hiệu quả trong việc trị mụn mặc dù chỉ chiếm nống độ 5% trong dung dịch trị mụn.[4]
- Bạn cũng có thể thử pha dầu tràm trà với mật ong hữu cơ nguyên chất. Mật ong có khả năng kháng khuẩn và giúp da lành nhanh hơn. Dầu tràm trà kết hợp với mật ong sẽ tạo ra hỗn hợp hoặc mặt nạ dưỡng da rất tốt.
- Bảo quản sản phẩm trị mụn trong lọ thủy tinh để bạn có thể dễ dàng sử dụng khi cần.
-
5Thoa dầu tràm trà lên mụn. Đổ vài giọt dầu tràm trà hoặc dung dịch dầu pha loãng vào bông gòn, bông tẩy trang, khăn giấy hoặc đầu ngón tay, sau đó nhẹ nhàng chấm trực tiếp lên mụn.
- Một lượng dầu nhỏ có thể thẩm thấu vào da làm thông thoáng tuyến bã nhờn, sát trùng lỗ chân lông và làm khô mụn đầu trắng, mụn đầu đen và các loại mụn khác.
-
6Để dầu tràm trà trên mụn trong vài tiếng hoặc hoặc qua đêm. Thời gian này là để cho dầu thẩm thấu vào mụn và phát huy tác dụng. Sau một lúc, tình trạng ửng đỏ và sưng sẽ giảm, đồng thời lỗ chân lông sẽ được làm sạch. Rửa mặt với nước ấm và nhẹ nhàng thấm khô nước trên da sau khi dầu tràm trà đã phát huy hiệu quả.
- Bạn có thể rửa sạch dầu tràm trà bằng nước ấm hoặc dùng sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ (nếu cần).
-
7Lặp lại phương pháp này hằng ngày. Việc dùng dầu tràm trà để diệt khuẩn và làm sạch lỗ chân lông sẽ rất hiệu quả khi bạn sử dụng thường xuyên. Bạn có thể thoa dầu tràm trà vào bất kỳ thời điểm nào, buổi sáng hoặc buổi tối đều được.
- Phương pháp này sẽ giảm sự phát triển của mụn và tình trạng ửng đỏ xảy ra do sự viêm nhiễm tiếp diễn dưới bề mặt da.
Quảng cáo
Chăm sóc da bằng dầu tràm trà
-
1Dùng dầu tràm trà làm mặt nạ chăm sóc da tại nhà. Bạn có thể thêm vài giọt dầu tràm trà vào mặt nạ tự làm tại nhà để diệt khuẩn và làm khô mụn. Hãy thử làm mặt nạ chăm sóc da bằng các nguyên liệu tự nhiên.
- Khuấy 3-4 giọt dầu tràm trà với 2 thìa canh bột đất sét xanh - có bán ở hầu hết các cửa hàng sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Thêm một lượng nước vừa đủ để đất sét trở thành hỗn hợp bột có thể phết được. Thoa đều hỗn hợp lên mặt, để yên mặt nạ trên da ít nhất 20 phút, sau đó rửa mặt với nước ấm rồi thấm khô nước trên da.
- Khuấy 3 giọt dầu tràm trà, 1 thìa cà phê dầu jojoba và nửa quả cà chua băm nhuyễn. Thoa hỗn hợp trực tiếp lên da sạch rồi để yên khoảng 10 phút trước khi rửa mặt với nước ấm và thấm khô nước trên da.
- Thêm 5 giọt dầu tràm trà vào 1/4 cốc sữa chua nguyên chất (sữa chua thông thường hoặc sữa chua Hy Lạp đều được) và thoa lên mặt. Rửa sạch mặt với nước ấm sau 15-20 phút.
-
2Thêm dầu tràm trà vào sản phẩm tẩy tế bào chết tự làm tại nhà. Để tạo ra sản phẩm tẩy tế bào chết trị mụn hiệu quả, bạn khuấy dầu tràm trà với một ít nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong bếp. Khuấy 1/2 cốc đường, 1/4 cốc dầu vừng hoặc ô liu, 1 thìa canh mật ong và khoảng 10 giọt dầu tràm trà trong bát nhỏ. Nhẹ nhàng mát xa hỗn hợp lên da mặt ướt theo chuyển động tròn trong khoảng 2-5 phút. Rửa sạch mặt với nước ấm và sau đó thấm khô.[5]
- Sản phẩm tẩy tế bào chết này hơi mạnh với da bị mụn trứng cá nang, nhưng rất thích hợp với tình trạng mụn từ nhẹ đến trung bình.
- Vì dầu tràm trà và mật ong đều là chất bảo quản tự nhiên, bạn có thể làm lượng lớn sản phẩm tẩy tế bào chết rồi đổ vào lọ để sử dụng dần.
-
3Thêm dầu tràm trà vào sản phẩm rửa mặt hoặc sản phẩm dưỡng ẩm. Bạn chỉ cần thêm vài giọt dầu tràm trà vào sản phẩm dưỡng ẩm và rửa mặt hằng ngày là đủ để đánh bay mụn. Dùng 2-6 giọt dầu tùy theo độ đậm đặc mà bạn muốn.[6]
- Lưu ý, tránh để dầu dính vào mắt. Dầu tràm trà sẽ gây xót hoặc bỏng rát nếu dính vào mắt.
-
4Cho dầu tràm trà vào nước tắm. Thêm vài giọt dầu tràm trà vào nước tắm để làm sạch mụn ở ngực, lưng và những vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra, dầu tràm trà cũng có hương thơm dễ chịu trong khi tắm.
- Việc hít hơi nước có dầu tràm trà cũng giúp làm dịu tình trạng nghẹt mũi; vì vậy, bạn nên thử phương pháp này khi bị cảm hoặc dị ứng.[7]
-
5Mua sản phẩm chăm sóc da từ dầu tràm trà. Nhiều thương hiệu bắt đầu dùng dầu tràm trà trong các sản phẩm chăm sóc da vì khả năng kháng khuẩn và kháng viêm của loại dầu này. Nếu bạn cảm thấy loại dầu nguyên chất quá mạnh với da của mình hoặc không có thời gian tự làm sản phẩm từ dầu tràm trà, việc mua sản phẩm có dầu tràm trà là một lựa chọn hoàn hảo.[8]
- Sản phẩm rửa mặt, sản phẩm dưỡng ẩm, gel trị mụn từ dầu tràm trà đều là những mặt hàng phổ biến.
Quảng cáo
Cảnh báo
Tham khảo
- ↑ https://www.salisbury.edu/nursing/herbalremedies/tea_tree_oil.htm
- ↑ https://www.salisbury.edu/nursing/herbalremedies/tea_tree_oil.htm
- ↑ https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1021949813000082
- ↑ http://www.bioline.org.br/pdf?dv07006
- ↑ https://www.prevention.com/beauty/a20474999/how-to-use-tea-tree-oil/
- ↑ https://www.prevention.com/beauty/a20474999/how-to-use-tea-tree-oil/
- ↑ https://www.uwhealth.org/health/topic/special/tea-tree-oil/tn2873spec.html
- ↑ https://www.uwhealth.org/health/topic/special/tea-tree-oil/tn2873spec.html
- ↑ http://www.vetstreet.com/our-pet-experts/what-you-should-know-about-tea-tree-oil-toxicity-in-dogs-and-cats