Bài viết này đã được cùng viết bởi Robert Borer, DC. Tiến sĩ Borer là một Bác sĩ nắn chỉnh xương sống ở Michigan, nơi ông điều hành một doanh nghiệp trị liệu thần kinh cột sống do gia đình sở hữu cùng với vợ, Tiến sĩ Sherri Borer. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ Y học Thần kinh Cột sống của Trường Cao đẳng Palmer ở Iowa vào năm 1999. Phòng khám của ông đã giành được giải thưởng Lựa chọn của Bệnh nhân năm 2015 ở Saline, Michigan.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 2.919 lần.
Trên thực tế bạn có thể cảm nhận chứng đau cổ ở các mức độ khác nhau, từ đau nhẹ cho tới đau nhói. Biện pháp chữa trị tại nhà thường chỉ hiệu quả với trường hợp đau nhẹ hay không thường xuyên đau, nhưng khi đau cổ nặng hoặc đau mãn tính, bạn cần phải tìm biện pháp điều trị chuyên nghiệp. Dưới đây là một số biện pháp thường dùng để trị đau cổ.
Các bước
Tự Điều trị tại Nhà
-
1Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Bạn có thể chọn các thuốc như aspirin, ibuprofen, và naproxen.[1]
- Các thuốc kháng viêm này giúp giảm sưng và cuối cùng triệt tiêu cơn đau.
- Trước khi uống thuốc không kê toa, bạn phải chắc chắn mình không đang sử dụng bất kì loại thuốc được chỉ định nào khác mà có thể tương tác tiêu cực với thuốc định uống. Ngoài ra, bạn cũng phải biết chắc mình không có vấn đề nào khác về sức khỏe ngăn cản khả năng uống những loại thuốc này. Ví dụ, người bị loét dạ dày nên tránh uống thuốc aspirin.
- Lưu ý rằng thuốc không kê toa chỉ giúp giảm đau tạm thời. Bạn không nên để cảm giác bớt đau tức thời đó đánh lừa mình vì tình trạng căng cứng cơ cổ sẽ còn tệ hại hơn nếu bạn vận động nó quá mức.
-
2Chườm nóng và lạnh. Chườm nóng hay chườm lạnh đều hỗ trợ trị đau cổ, nhưng muốn có kết quả tốt nhất thì bạn phải luân phiên áp dụng giữa chườm nóng và lạnh.
- Bắt đầu chườm túi đá từ 7 tới 20 phút. Trước tiên bạn nên chườm lạnh vì hơi lạnh giúp giảm sưng. Bạn có thể làm túi chườm lạnh bằng cách dùng chiếc khăn tắm bọc túi đá hay túi củ quả đông lạnh, và không bao giờ được chườm đá trực tiếp vào da.
- Tắm nước ấm, sử dụng bình nước nóng hay đệm làm nóng (cài ở mức thấp) để chườm vào phía sau cổ. Mỗi lần chườm từ 10 tới 15 phút hoặc ít hơn.[2] Sức nóng sẽ làm dịu chỗ đau cơ, nhưng có thể khiến sưng nhiều hơn nếu bạn chườm quá nhiều.
- Dành thời gian cho cổ nghỉ ngơi. Bạn có thể luân phiên chườm nóng và lạnh suốt cả ngày nếu cần, nhưng giữa các lần chườm bạn phải để cơ cổ nghỉ ngơi ít nhất 30 phút, đó là thời gian để cơ cổ ổn định lại.
-
3Thư giãn cổ. Nằm thẳng trên lưng nhiều lần xuyên suốt ngày để cổ có cơ hội thả lỏng sau thời gian căng sức giữ thẳng đầu.
- Không nằm sấp vì tư thế này đòi hỏi phải xoắn cổ, bạn cần giữ thẳng cổ khi nằm.
- Nếu cổ không đau tới mức buộc phải nằm nghỉ ngơi, bạn vẫn nên giảm cường độ làm việc trong vài ngày. Tối thiểu bạn không được nâng vật nặng hay có động tác xoắn cổ trong 2 hay 3 tuần đầu tiên. Tránh chạy bộ, đá bóng, chơi gôn, múa ba-lê, nâng tạ, hay các bài tập cần phải gắng sức.[3]
- Không nằm nghỉ quá nhiều. Nếu bạn không làm gì mà suốt ngày chỉ nằm quanh quẩn thì cơ cổ sẽ yếu dần. Vì vậy khi bạn buộc phải quay trở lại với công việc hằng ngày, rất có khả năng cơ cổ lại bị đau. Tốt nhất bạn nên xen kẽ giữa các khoảng thời gian nghỉ ngơi với hoạt động không cần dùng nhiều sức.
-
4Nâng đỡ cổ. Quấn khăn quanh cổ hay mặc áo len cổ lọ để hỗ trợ phần nào cho cổ trong suốt ngày dài. Thay vào đó bạn có thể đặt chiếc gối kê cổ phía sau đầu trong lúc làm việc.
- Thông thường bạn không cần thiết phải sử dụng gối kê cứng. Nếu không quen dùng, gối kê cứng sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng, khiến bạn bị đau ở các khu vực khác trên cơ thể như đau lưng. Chỉ cần gối kê mềm là đủ để hỗ trợ cho cổ.
-
5Nhẹ nhàng co giãn cổ. Bạn di chuyển cổ qua lại một cách từ từ, với mỗi lần xoay bạn giữ yên cổ trong 30 giây.
- Tập trung giãn cổ về hai bên và phía trước, không ưỡn ngược ra sau quá xa vì như vậy sẽ làm cổ đau nhiều hơn.
- Chỉ ưỡn cổ trong chừng mực cơn đau cho phép. Bạn không được đẩy cổ vượt quá khả năng chịu đựng của mình, và không thực hiện động tác giãn cổ quá nhanh.
-
6Cẩn thận mát xa cổ. Dùng các ngón tay nhẹ nhàng xoa lên phía sau cổ, gần chỗ đau trong 3 phút.
- Không được xoa bóp mạnh tay, và bạn phải dừng ngay nếu chỉ xoa nhẹ cũng làm cổ đau hơn.
- Nếu bạn không thể cong cánh tay ra sau do bị đau thì nên nhờ bạn bè hay người thân xoa bóp chỗ đau giùm mình.
-
7Để ý tư thế cơ thể. Khi ngồi hay nằm bạn phải giữ cổ tương đối thẳng, nhưng không cố gắng gồng cứng cổ để duy trì vị trí này.
- Đây là phương pháp mang tính lâu dài, vì tư thế phù hợp là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa đau cổ không tái phát.
- Nằm thẳng trên lưng hoặc nằm nghiêng khi ngủ. Không nằm sấp vì tư thế này làm vặn cổ vào vị trí không tự nhiên. Bạn không nên nằm gối quá cao khiến gập cổ, nhưng cũng không nằm gối quá thấp vì chúng không thể hỗ trợ nâng đầu.
- Tránh ngồi quá lâu với đầu cúi gập hay nghiêng về trước. Bạn nên dành các khoảng thời gian cho cổ nghỉ ngơi trong ngày, để giãn và xoay cổ qua lại.
Quảng cáo
Tìm Biện pháp Điều trị Y khoa
-
1Điều trị bằng nắn khớp. Bác sĩ chuyên thực hiện kỹ thuật nắn khớp có thể dùng lực xoa bóp nhẹ để đẩy khớp xương bị trật về đúng vị trí.
- Điều trị bằng nắn khớp là phương pháp an toàn và hiệu quả để loại bỏ nguyên nhân gây đau cổ, ngoài ra còn được áp dụng để điều chỉnh dây thần kinh bị chèn ép là nguyên nhân gây đau cổ. [4]
- Hầu hết các chuyên viên nắn khớp đều kết hợp vật lý trị liệu và mát xa vào công việc của họ.
-
2Nhờ bác sĩ kê thuốc trị đau cổ. Sau nhiều ngày sử dụng mà cơn đau không phản ứng với thuốc không kê toa thì bác sĩ có thể phải kê thuốc giảm căng cơ hay thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
- Thuốc giảm căng cơ làm giảm tình trạng căng cứng và cảm giác khó chịu gây ra do cơ cổ làm việc quá sức.
- Một số thuốc chống trầm cảm làm tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh bên trong tủy sống, từ đó giảm số lượng tín hiệu đau gởi về não bộ.[5]
-
3Áp dụng vật lý trị liệu. Các bài tập cổ do chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn và việc kéo giãn cổ có thể giảm đau tức thời, đồng thời làm cơ bắp khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa đau cổ trong tương lai.
- Chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập và cách kéo giãn cổ để hỗ trợ quá trình phục hồi lâu dài. Họ có thể yêu cầu bạn thực hiện những động tác này ngay tại phòng khám để kiểm tra, nhưng sau đó chủ yếu bạn phải tập ở nhà.
- Kéo giãn cổ là bài tập vật lý trị liệu được thực hiện nhờ vào hệ thống các quả tạ và ròng rọc, luôn được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia. Bài tập này hiệu quả với chứng đau cổ có liên quan tới sự kích ứng của rễ dây thần kinh.[6]
-
4Sử dụng đai cổ y tế. Đai cổ là dụng cụ kê cứng ở cổ, giúp trị đau bằng cách giảm áp lực đè lên cơ cổ.
- Bạn chỉ nên đeo đai cổ trong thời gian không quá hai tuần, vì nếu đeo quá lâu nó sẽ khiến các cơ ở cổ yếu dần.
-
5Tham khảo về việc tiêm steroid. Nếu chọn phương pháp này thì bác sĩ sẽ tiêm chất corticosteroid vào rễ dây thần kinh và vào khớp xương hay cơ trên cổ.
- Đây là phương pháp điều trị đặc biệt hữu ích đối với chứng đau cổ do thấp khớp.
- Tương tự như vậy, bác sĩ có thể tiêm một loại thuốc gây tê như lidocaine vào cổ.
-
6Tìm hiểu về lựa chọn phẫu thuật. Phẫu thuật thường chỉ là lựa chọn trong các ca rất nặng khi rễ dây thần kinh hay tủy sống là nguyên nhân gây đau cổ.[7]
- Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đau cổ đều không bắt nguồn từ các nguyên nhân nghiêm trọng như vậy, do đó phẫu thuật ít khi được sử dụng.
-
7Liệu pháp châm cứu. Với phương pháp này, chuyên viên châm cứu (có giấy chứng nhận) đâm các cây kim đã được vô trùng vào huyệt điểm dọc theo cơ thể để giải trừ cơn đau.
- Các nghiên cứu cho thấy kết quả trái ngược về tính hiệu quả của phương pháp này đối với chứng đau cổ, nhưng cũng đáng để bạn cân nhắc nếu bị đau cổ mãn tính.
-
8Nhờ chuyên viên mát xa. Nếu bạn được mát xa bởi một chuyên viên đã qua đào tạo thì hiệu quả trị đau có thể sẽ kéo dài.
- Bạn cũng nên cân nhắc tới chuyên viên mát xa nếu sau khi bạn tự xoa bóp nhẹ bằng tay mà cơn đau giảm bớt.
-
9Tìm hiểu về phương pháp TENS. Với phương pháp kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS), các điện cực được đặt gần với da và chúng sẽ bắn xung điện ngắn vào đó để làm giảm cơn đau.[8]Quảng cáo
Cảnh báo
- Tìm biện pháp điều trị y khoa ngay lập tức nếu đau cổ khiến bạn không thể chạm cằm xuống ngực. Sự căng cứng cổ với mức độ nghiêm trọng như vậy có khả năng là dấu hiệu của bệnh viêm màng não.
- Đi khám bệnh nếu triệu chứng đau không thuyên giảm sau một tuần điều trị tại nhà, nếu đau cổ do chấn thương gây ra, khiến bạn không thể ngủ hay nuốt trôi, hoặc nếu kèm theo sự tê cứng hay mất sức trong hai cánh tay.
Những thứ bạn cần
- Thuốc giảm đau không kê toa
- Túi chườm lạnh và nóng
- Khăn quấn cổ, áo len cổ lọ, hay gối kê cổ
- Thuốc giảm đau có kê toa hay thuốc tiêm (tùy chọn)
Tham khảo
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/neck-pain/DS00542/DSECTION=lifestyle-and-home-remedies
- ↑ http://www.guardian.co.uk/lifeandstyle/2011/may/17/three-minute-fix-crick-neck
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003025.htm
- ↑ http://eastcobbhealth.com/neck-pain-pinched-nerve.html
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/pain-medications/PN00044
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/neck-pain/DS00542/DSECTION=treatments-and-drugs
- ↑ http://www.webmd.com/pain-management/guide/neck-shoulder
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/neck-pain/DS00542/DSECTION=alternative-medicine
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2746624/