Bài viết này có đồng tác giả là Payam Daneshrad, MD, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.794 lần.
Chứng ù tai có biểu hiện như tiếng chuông reo hoặc tiếng kêu o o trong tai. Phơi nhiễm tiếng ồn, bít tắc do ráy tai, các vấn đề tim mạch, thuốc kê toa và rối loạn tuyến giáp đều có thể là nguyên nhân gây ù tai. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và phối hợp với bác sĩ để lập phác đồ điều trị. Trong nhiều trường hợp, chứng ù tai không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bạn có nhiều cách để giảm mức độ nghiêm trọng. Ví dụ, máy phát âm thanh, máy trợ thính và thuốc có thể giúp che lấp những âm thanh mà bạn nghe thấy trong tai. Nghiên cứu chứng ù tai là một lĩnh vực đang phát triển, do đó bạn có thể áp dụng các liệu pháp thử nghiệm.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:Giảm nhẹ các triệu chứng ù tai
-
1Che lấp tiếng chuông reo và tiếng kêu o o bằng máy phát âm thanh. Máy phát âm thanh giúp cho tiếng kêu trong tai giảm bớt nhờ tiếng ồn trắng, âm thanh thư giãn hoặc nhạc êm dịu. Các lựa chọn bao gồm các thiết bị nhỏ gắn trong tai, tai nghe, và máy tạo tiếng ồn trắng. Bạn cũng có thể thử dùng các thiết bị gia dụng như máy điều hòa, máy lọc không khí, quạt điện hoặc tivi vặn âm lượng nhỏ.[1]
- Mặc dù không chữa trị được chứng ù tai, nhưng liệu pháp âm thanh có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện khả năng tập trung và giúp bạn dễ ngủ hơn.
- Các thiết bị y tế trị liệu bằng âm thanh khá đắt tiền và không được bảo hiểm chi trả. Nếu bạn cần giải pháp ít tốn kém, hãy tìm các âm thanh nền hoặc nhạc êm dịu, thư giãn trên các dịch vụ phát nhạc hoặc video trực tuyến.
- Các âm thanh đều đều và trung tính, chẳng hạn như tiếng ồn trắng (nghe như tiếng “Shhh”), thường hiệu quả hơn các âm thanh có cường độ dao động như tiếng sóng vỗ.[2]
-
2Đối phó với chứng ù tai và giảm thính lực bằng máy trợ thính. Nếu bạn bị giảm thính lực, máy trợ thính sẽ giúp che lấp tiếng chuông reo và tiếng kêu o o trong tai bằng cách tăng âm lượng của các âm thanh bên ngoài. Bạn có thể nhờ bác sĩ tổng quát giới thiệu một chuyên gia thính học. Họ có thể giúp bạn lựa chọn và đeo máy trợ thính.[3]
- Nếu không bị giảm thính lực, bạn cũng có thể dùng máy trợ thính hoặc cấy thiết bị kích thích dây thần kinh thính giác hoặc che lấp tiếng kêu trong tai bằng tiếng ồn trắng.
- Máy trợ thính có giá khá đắt, nhưng hầu hết các chương trình bảo hiểm đều thanh toán chi phí cho máy trợ thính cơ bản.
-
3Hỏi bác sĩ về thuốc chống trầm cảm và chống lo âu. Các loại thuốc hướng tâm thần có thể giảm độ nặng của các triệu chứng, trị chứng mất ngủ liên quan đến chứng ù tai và giúp bạn đối phó với chứng ù tai dễ dàng hơn. Thuốc có hiệu quả nhất đối với các trường hợp ù tai nặng khi các triệu chứng gây căng thẳng, lo âu và trầm cảm.[4]
- Chứng ù tai có thể làm nặng thêm tình trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Các trạng thái cảm xúc và chứng ù tai có thể hình thành mối quan hệ tuần hoàn, tức là chúng kích hoạt hoặc làm trầm trọng lẫn nhau. Nếu bạn rơi vào hiệu ứng tuần hoàn này, bác sĩ có thể đề nghị bạn uống thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu.
- Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn như mờ mắt, khô miệng, buồn nôn, táo bón, bứt rứt, và giảm ham muốn tình dục. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào hoặc có các triệu chứng mới và bất thường nào khác, chẳng hạn như trầm cảm, có ý nghĩ tự tử hoặc dễ kich động.
-
4Tìm một chuyên gia trị liệu có kinh nghiệm điều trị chứng ù tai. Một chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn đối phó với chứng ù tai và ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống. Việc điều trị thường kết hợp một số biện pháp trị ù tai như thuốc hoặc liệu pháp âm thanh.[5]
- Nếu ở Mỹ, bạn có thể tìm chuyên gia trị liệu hoặc các chuyên gia y tế khác trong danh sách của hiệp hội ù tai Hoa Kỳ đăng tại https://www.ata.org/providers.
-
5Hỏi bác sĩ về các liệu pháp thử nghiệm. Hiện vẫn chưa có cách chữa khỏi chứng ù tai, nhưng các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, vì vậy bạn nên cởi mở với các liệu pháp thử nghiệm. Phương pháp kích thích não và dây thần kinh bằng điện và từ trường có thể điều chỉnh các tín hiệu thần kinh hoạt động thái quá gây ù tai. Các phương pháp này đang được phát triển, vì vậy bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia thính lực xem chúng có phù hợp với bạn không.[6]
- Các loại thuốc mới cũng có thể có mặt trên thị trường trong tương lai gần. Bác sĩ hoặc chuyên gia thính lực có thể cho bạn biết các phương pháp điều trị mới nổi bật.[7]
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:Kiểm soát ù tai bằng cách thay đổi lối sống
-
1Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn. Tình trạng phơi nhiễm tiếng ồn lớn có thể kích thích hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng ù tai. Bạn có thể đeo nút tai hoặc chụp tai chống ồn nếu phải làm việc trong môi trường ồn ào, trên công trường, khi sử dụng máy móc, máy hút bụi hoặc khi thực hiện bất cứ công việc nào gây nhiều tiếng ồn.[8]
-
2Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút. Các hoạt động cardio đều đặn đặc biệt hữu ích, vì vậy bạn hãy thử tăng cường vận động bàng cách đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội. Bên cạnh các lợi ích về sức khoẻ, việc tập thể dục có thể giúp cải thiện lưu thông máu, từ đó giúp giảm nhẹ các triệu chứng ù tai liên quan đến các vấn đề tim mạch.[9]
- Năng vận động cũng tốt cho sức khoẻ tâm thần.
- Nếu không thường xuyên tập thể dục, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện mới, đặc biệt nếu bạn đã từng gặp bất cứ vấn đề nào về sức khỏe.
-
3Thử áp dụng các phương pháp thiền và thư giãn. Stress có thể làm trầm trọng thêm chứng ù tai, vậy nên bạn hãy hít thở sâu và thư giãn nếu bắt đầu cảm thấy hồi hộp, lo âu hoặc choáng ngợp. Hít vào chậm rãi trong 4 tiếng đếm, nín thở trong 4 tiếng đếm và thở ra từ từ trong 4 tiếng đếm. Tiếp tục điều khiển hơi thở trong 1-2 phút hoặc cho đến khi bạn bình tâm trở lại.[10]
- Tưởng tượng khung cảnh thanh bình khi hít thở, chẳng hạn như bãi biển hoặc một kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
- Cố gắng tránh các tình huống và những con người căng thẳng. Nếu bạn đã có hàng núi công việc, đừng gồng gánh thêm trách nhiệm hoặc quá gắng sức.
- Các lớp yoga hoặc võ thuật cũng có tác dụng tăng cường sự chú tâm và thư giãn. Lớp học cũng là một thành phần xã hội giúp cải thiện tư duy tổng thể của bạn.
-
4Tránh caffeine, cồn, và nicotine. Thừ cắt giảm bia rượu và hạn chế uống trà, cà phê, nước ngọt và sô cô la chứa caffeine. Các chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và khiến chứng ù tai trầm trọng hơn. Nicotine đặc biệt có hại, do đó bạn nên xin lời khuyên của bác sĩ về các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá nếu cần.[11]
- Cắt giảm caffeine cũng là biện pháp hữu ích nếu bạn khó ngủ do chứng ù tai.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:Điều trị các bệnh tiềm ẩn
-
1Đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Chứng ù tai có biểu hiện như tiếng chuông reo hoặc tiếng kêu o o. Tuy nhiên, đó chỉ là triệu chứng chứ không thực sự là một căn bệnh, vì vậy bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân tiềm ẩn. Bác sĩ có thể khám lâm sàng và kiểm tra thính lực của bạn.[12]
- Các nguyên nhân khả dĩ gây ù tai bao gồm: phơi nhiễm tiếng ồn lớn, ráy tai gây bít tắc, các vấn đề về tim mạch, sử dụng thuốc kê toa và rối loạn tuyến giáp.
-
2Nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên gia nếu cần thiết. Mặc dù bạn có thể đến gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tổng quát để khám khi bị ù tai, nhưng bạn có thể được bác sĩ giới thiệu một chuyên gia thính lực hoặc bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Các bác sĩ chuyên khoa được trang bị tốt hơn và có thể giúp bạn lập phác đồ điều trị chứng ù tai dài hạn.
-
3Báo cho bác sĩ biết nếu bạn thường tiếp xúc với môi trường có nhiều tiếng ồn. Tổn thương thính lực do tiếng ồn lớn là một nguyên nhân phổ biến của chứng ù tai. Bạn có nguy cơ cao mắc chứng ù tai nếu bạn làm việc ở nhà máy, công trường xây dựng hoặc sử dụng thiết bị máy móc, thường xuyên nghe biểu diễn ca nhạc, làm nghề nhạc công hoặc ở nơi xảy ra các tiếng nổ lớn.[13]
- Bằng cách báo cho bác sĩ biết tình trạng phơi nhiễm tiếng ồn của mình, bạn có thể giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác.
-
4Cho bác sĩ biết về các loại thuốc bạn đang uống. Có đến hơn 200 loại thuốc được biết là nguyên nhân gây ra chứng ù tai hoặc khiến tình trạng trầm trọng hơn. Một số ví dụ là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc trị sốt rét, và thuốc lợi tiểu. Nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn nên hỏi bác sĩ xem có thể giảm liều lượng hoặc tìm thuốc thay thế khác có ít tác dụng phụ hơn không.[14]
-
5Nhờ bác sĩ rửa tai nếu bạn có ráy tai tích tụ. Ráy tai có thể làm tắc ống tai và làm giảm thính lực, gây kích ứng và ù tai. Nếu cần thiết, bạn có thể nhờ bác sĩ rửa ống tai bằng thuốc nhỏ tai hoặc thiết bị hút chuyên dụng.[15]
- Đừng tự rửa tai mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Bạn có thể thử áp dụng các liệu pháp tại nhà như nhỏ dầu em bé hoặc ô xy già bằng ống nhỏ giọt, nhưng chỉ nên thực hiện với sự chấp thuận của bác sĩ.
- Không dùng tăm bông để làm vệ sinh tai, vì tăm bông có thể gây kích ứng và đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai.
-
6Kiểm soát huyết áp và các vấn đề về mạch máu, nếu cần thiết. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc trị chứng ù tai liên quan đến chứng cao huyết áp hoặc các vấn đề về tuần hoàn máu. Bạn cần uống thuốc đúng theo chỉ dẫn và hỏi bác sĩ xem có cần điều chỉnh chế độ ăn hoặc nếp sinh hoạt không.[16]
- Ví dụ, có thể bạn cần hạn chế lượng muối nạp vào. Nếu thế, bạn nên dùng gia vị thảo mộc tươi hoặc khô thay cho muối khi nấu nướng, tránh các món ăn vặt chứa nhiều muối và không rắc thêm muối vào món ăn. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên cắt giảm chất béo và tập thể dục nhiều hơn.
-
7Uống thuốc trị bệnh rối loạn tuyến giáp, nếu cần thiết. Chứng ù tai có liên quan đến cả bệnh cường giáp và bệnh suy giáp. Bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng sưng tuyến giáp trong cổ họng và chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp. Nếu phát hiện có vấn đề, bác sĩ sẽ kê toa thuốc để điều hoà mức hoóc môn tuyến giáp.[17]
- Thuốc điều trị tuyến giáp thường phải uống vào các thời điểm nhất định trong ngày và vào lúc đói. Bạn cần cẩn thận tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ trong việc sừ dụng thuốc.
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://www.nidcd.nih.gov/health/tinnitus
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2686891/
- ↑ https://www.ata.org/managing-your-tinnitus/treatment-options/hearing-aids
- ↑ https://www.ata.org/managing-your-tinnitus/treatment-options/drug-therapies
- ↑ https://www.nidcd.nih.gov/health/tinnitus
- ↑ https://www.ata.org/managing-your-tinnitus/treatment-options/experimental-therapies
- ↑ https://www.ata.org/managing-your-tinnitus/treatment-options/drug-therapies
- ↑ https://www.nidcd.nih.gov/health/tinnitus
- ↑ https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/tinnitus
- ↑ https://www.ata.org/managing-your-tinnitus/treatment-options/general-wellness
- ↑ https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/tinnitus
- ↑ https://www.asha.org/public/hearing/tinnitus/
- ↑ https://www.nidcd.nih.gov/health/tinnitus
- ↑ https://www.aafp.org/afp/2004/0101/p120.html
- ↑ https://www.tinnitus.org.uk/ear-wax
- ↑ https://medlineplus.gov/tinnitus.html
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4948427/