Bài viết này có đồng tác giả là Luba Lee, FNP-BC, MS, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 22 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 19.793 lần.
Dù cảm giác nôn nao trong dạ dày là do tập thể dục, ăn quá nhiều, thậm chí do một bệnh nào đó, bạn sẽ rất khó chịu khi buồn nôn. Khi cảm thấy buồn nôn, hãy thử các mẹo và lời khuyên dưới đây để giảm nhẹ các triệu chứng. Nếu bạn thường xuyên bị buồn nôn và nôn, việc điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn tránh được các vấn đề về dạ dày trong tương lai. Để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng hoặc dai dẳng, bạn hãy hỏi bác sĩ về các thuốc chống buồn nôn.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:Giảm buồn nôn tức thời
-
1Ngồi và cố gắng thư giãn nếu bạn cảm thấy buồn nôn. Cơn buồn nôn sẽ càng tệ hơn khi bạn chuyển động, thế nên hãy dành ra vài phút chỉ ngồi yên. Có thể bạn sẽ thấy khó khăn, nhưng hãy cố gắng nghĩ về chuyện khác thay vì chỉ nghĩ đến cơn buồn nôn, nhờ đó bạn sẽ dễ chịu hơn và ít khả năng bị nôn ra.[1]
Ngồi yên và thư giãn
Ngồi thẳng người ở tư thế thoải mái. Tránh nằm, nhất là khi vừa ăn xong.
Hít chậm và sâu qua mũi và thở ra qua miệng. Điều này có thể giúp làm dịu căng thẳng và cảm giác say xe.
Đừng nghĩ đến cơn buồn nôn. Hãy hình dung một khung cảnh êm ả thanh bình, chẳng hạn như chốn bình yên thời thơ ấu của bạn, hoặc tưởng tượng bạn đang ngồi trên cánh đồng đẹp như tranh vẽ trong một ngày đẹp trời mùa xuân.
-
2Uống một cốc nước nóng hoặc tách trà làm dịu như trà cúc La Mã. Đun nóng một cốc nước, hoặc nếu có thể, hãy pha một tách trà nóng và chậm rãi nhấp từng ngụm. Hoa cúc La Mã từ xa xưa đã được dùng để giảm buồn nôn và các vấn đề khác về sức khoẻ. Nó làm dịu hệ tiêu hoá, giảm axit dạ dày và có thể giảm lo âu hoặc căng thẳng.[2]
- Chọn trà hoa cúc thảo mộc không chứa caffeine. Caffeine có thể khiến cảm giác nôn nao trong dạ dày càng khó chịu hơn.
-
3Mở cửa số hoặc ra ngoài hít thở không khí trong lành. Nếu thời tiết cho phép và bạn có thể ra ngoài trời, hãy thử ngồi ngoài hàng hiên hoặc ngoài sân. Bạn cũng có thể ngồi gần khung cửa sổ mở nếu không ra ngoài được.[3]
- Không khí tươi mát có thể giúp ích, nhưng lưu ý rằng thời tiết nóng ẩm hoặc ánh nắng mặt trời chói chang có thể khiến mọi thứ còn tệ hơn.
-
4Uống thuốc kháng axit hoặc thuốc chống buồn nôn. Một viên thuốc không kê toa có thể giúp bạn đỡ buồn nôn, thậm chí bạn có thể uống một viên trước khi bắt đầu một hoạt động có thể gây buồn nôn. [4] . Với chứng buồn nôn dai dẳng, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống buồn nôn. Hãy nhớ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Tôi nên thử uống loại thuốc nào?
Các thuốc như Pepto-Bismol và Kaopectate chứa bismuth salicylate có thể giúp ổn định dạ dày ngay lập tức.
Dùng dramamine 30-60 phút trước khi bắt đầu một hoạt động có thể gây buồn nôn hoặc say xe, chẳng hạn như chơi tàu lượn siêu tốc hoặc ngồi trong xe trên con đường ngoằn ngoèo.
Tránh uống nhiều thuốc chống buồn nôn cùng một lúc, và đừng bao giờ uống nhiều hơn liều lượng khuyến cáo.
-
5Thử dùng gừng để làm dịu dạ dày. Nhấp trà gừng, nhai hoặc mút kẹo gừng tự nhiên để làm dịu dạ dày.[5] Gừng có chứa các chất có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá và giảm buồn nôn.[6]
- Bạn có thể gọt và cắt lát một mẩu gừng khoảng 5 cm, đun sôi các lát gừng với 240 ml nước để làm trà gừng. Lọc bỏ các lát gừng, hoặc nếu thích, bạn có thể nhai gừng khi đã nguội.
- Nước có ga hương gừng ít đường cũng có thể giúp giảm cảm giác nôn nao trong bụng [7] . Tuy nhiên, hãy nhớ tránh các thức uống chứa caffeine.[8]
-
6Mút kẹo cứng có hương thơm dễ chịu. Thử ăn kẹo chanh, gừng hoặc bạc hà cay để làm dịu cơn buồn nôn. Kẹo cứng cũng giúp ích nếu trong miệng có vị khó chịu làm tăng cảm giác buồn nôn.[9]
- Các loại tinh dầu có hương thơm tương tự cũng có tác dụng chống buồn nôn.[10]
- Bạn có thể tìm các loại kẹo tự nhiên ở các cửa hàng bán thực phẩm tốt cho sức khoẻ.
-
7Đánh lạc hướng bản thân bằng việc đọc sách, nghe podcast hoặc xem các chương trình TV yêu thích. Hãy dùng sức mạnh của các thú tiêu khiển để quên đi cơn buồn nôn. Mặc bộ quần áo thoải mái và thư giãn với những việc dễ chịu mà bạn thích. Bạn có thể nhận thấy cơn buồn nôn sẽ biến mất sau 20 phút hoặc nửa tiếng.[11]Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:Điều chỉnh chế độ ăn
-
1Chọn các thức ăn thanh đạm và nhẹ bụng. Có lẽ bạn không muốn ăn uống gì khi buồn nôn, nhưng một chút thức ăn nhạt có thể giúp hấp thụ axit dạ dày và làm dịu dạ dày. Nếu không có chuyện gì khác, bạn nên tránh các thức ăn quá ngọt, quá cay và nhiều chất béo vốn có thể kích thích cơn buồn nôn.[12]
Làm dịu dạ dày bằng các thức ăn nhạt và nhẹ nhàng như:
Bánh quy (như bánh Saltine)
Chuối
Cơm
Táo
Bánh mì nướng -
2Uống nước trong các bữa ăn để hỗ trợ tiêu hoá. Bạn có thể giúp cơ thể pha loãng dịch tiêu hoá axit và hấp thụ chất dinh dưỡng bằng cách uống 1 cốc nước trước khi ăn 1-2 tiếng. Sau đó, hãy nhấp một ít nước trong khi ăn nếu bạn vẫn cảm thấy buồn nôn. Điều này tạo ra chuyển động ruột nhẹ nhàng và giúp giảm cơn buồn nôn do táo bón.[13]
-
3Ăn thức ăn lạnh hoặc nguội. Chờ cho thức ăn nguội một chút hoặc chọn rau quả tươi thay vì ăn thức ăn nóng khi bạn cảm thấy buồn nôn. Thức ăn nóng thường dậy mùi khiến cơn buồn nôn nặng hơn hoặc gây nôn nếu bạn có dạ dày mẫn cảm.[14]
- Các thức ăn ít mùi vị như bánh quy giòn có thể giúp bạn dễ chịu hơn so với các thức ăn có mùi vị mạnh.
-
4Xét nghiệm dị ứng và không dung nạp thực phẩm. Hỏi bác sĩ về việc xét nghiệm dị ứng nếu bạn để ý thấy một số thực phẩm thường khiến bạn buồn nôn. Xét nghiệm phản ứng trên da có thể giúp xác định dị ứng thực phẩm có khả năng gây buồn nôn.[15]
- Thông thường, chuyên gia về dị ứng sẽ tiến hành xét nghiệm chích da để xác định sự mẫn cảm của bạn với các thực phẩm khác nhau. Tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng thuốc kháng histamine trước khi đi xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.
- Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thực hiện chế độ ăn loại trừ để thử xem bạn mẫn cảm với các nhóm thực phẩm nào, chẳng hạn như gluten, sữa, đậu nành, lạc, trứng và ngô.
-
5Chuyển sang chế độ ăn ít xơ trước khi bắt đầu các hoạt động có thể gây buồn nôn. Chọn các thức ăn ít xơ, chẳng hạn như ngũ cốc hoặc nước quả tinh chế nếu bạn nhận thấy cảm giác buồn nôn nặng hơn khi tập thể dục.[16] Các loại thực phẩm này dễ tiêu hoá và di chuyển ra khỏi dạ dày nhanh hơn.
- Đa số mọi người sẽ ít buồn nôn hơn khi dạ dày rỗng hoặc có ít thức ăn thay vì ăn no.
- Ví dụ, nếu bạn dễ bị nôn khi tập chạy, hãy thử đổi sang dùng protein shake thay cho bánh kẹp thịt thông thường. Món ăn lỏng cho bữa trưa sẽ tiêu hoá nhanh hơn và ít gây buồn nôn hơn.
-
6Uống đủ lượng chất lỏng mỗi ngày theo khuyến nghị để giữ đủ nước cho cơ thể. Nước và các chất lỏng lành mạnh khác có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, nhờ đó có thể giúp bạn không bị nôn. Cung cấp đủ nước cho cơ thể là đặc biệt quan trọng khi bạn bị nôn nhiều hoặc đang buồn nôn. Tình trạng mất nước có thể làm tăng cảm giác buồn nôn, và ngược lại, nôn nhiều sẽ khiến cơ thể càng mất nhiều nước.
Uống các chất lỏng để tránh nôn
Nếu là nam, bạn cần uống 3,7 lít chất lỏng/ngày.
Nếu là nữ, hãy uống 2,7 lít/ngày.[17]Tránh uống nước thể thao và nước điện giải thường xuyên. Hàm lượng đường cao có thể gây buồn nôn với một số người.
Các chất lỏng khác có thể uống: nước có ga hương gừng, trà bạc hà, nước chanh, hoặc mút đá viên.
-
7Chọn các thức ăn mà bạn cảm thấy hấp dẫn. Hãy ăn bất cứ thức ăn nào mà bạn cảm thấy dễ ăn nhất khi đang buồn nôn. Đôi khi những món ăn ngon miệng có thể giúp dạ dày của bạn dễ chịu hơn.[18]
- Ví dụ, một món ăn đơn giản mà bạn thích như khoai tây nghiền có thể làm dịu cơn buồn nôn hơn một mẩu bánh mì nướng khó nuốt mà bạn cố gắng ăn chỉ vì nó là thức ăn thanh đạm.
- Bạn vẫn nên tránh các thức ăn quá ngọt, quá cay hoặc nhiều chất béo vốn có thể làm dạ dày nôn nao.
-
8Ăn vài chiếc bánh quy giòn trước khi ra khỏi giường để giảm buồn nôn buổi sáng. Để sẵn một gói bánh quy trên tủ đầu giường nếu bạn thường cảm thấy buồn nôn khi thức dậy. Một chút thức ăn nhạt trong bụng ăn vào trước khi ra khỏi giường sẽ giúp tăng lượng đường trong máu và ngăn ngừa buồn nôn.[19]
- Đây là một mẹo hay dành cho phụ nữ mang thai ốm nghén hoặc các bệnh nhân đang trải qua quá trình hoá trị liệu.
-
9Ngồi thẳng người trong khoảng một tiếng sau bữa ăn. Tạo điều kiện cho thức ăn lắng xuống bằng cách ngồi thẳng và để cho trọng lực hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá sau khi ăn. Tránh các bài tập cường độ cao hoặc nằm ngay sau khi ăn no, vì những việc này có thể gây buồn nôn.[20]
- Nếu bạn đã buồn nôn và cảm thấy dễ chịu hơn khi nằm, hãy thử nằm nghiêng bên trái để giúp tăng lưu thông máu thay vì nằm nghiêng bên phải.[21]
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:Tạo thói quen giúp ổn định dạ dày
-
1Giảm mức độ căng thẳng bằng thiền định. Tập thiền để giảm mức adrenaline và căng thẳng, hai yếu tố có thể gây buồn nôn và nôn. Vào tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, nhắm mắt và chỉ tập trung vào hơi thở trong 10 phút. Cố gắng không để các ý nghĩ lo âu nào len lỏi vào tâm trí và thả lỏng những điểm căng thẳng trong cơ thể.
- Thử dùng các ứng dụng thiền có hướng dẫn, chẳng hạn như Relax By Andrew Johnson, nếu bạn mới bắt đầu tập thiền.
-
2Tránh sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) trước khi tập thể dục. Nếu có uống thuốc NSAID như acetaminophen và ibuprofen, bạn nên uống sau khi thay vì trước khi tập thể dục. Các thuốc này có thể kích thích cơn buồn nôn nếu bạn uống trước khi vận động mạnh vì chúng gây khó chịu cho dạ dày.
- Điều này đặc biệt đúng nếu bạn tham gia các môn thể thao luyện sức bền, chẳng hạn như chạy việt dã hoặc ba môn phối hợp.
-
3Thỉnh thoảng dừng lại nghỉ khi đi xe đường dài. Để cho dạ dày ổn định bằng cách mỗi tiếng đồng hồ dừng xe lại nghỉ một lần nếu bạn thường buồn nôn khi đi xe. Việc ngừng nhìn vào quang cảnh di động và đặt chân trên mặt đất vững vàng trong 5 phút có thể giúp bạn bớt buồn nôn và bình thường trở lại.[22]
-
4Khởi động và thả lỏng sau khi tập thể dục. Dành ra 15 phút thực hiện các bài tập nhẹ hơn trước và sau bài tập chính để giúp dạ dày thích nghi với chuyển động của cơ thể. Bạn có thể buồn nôn hoặc nôn nếu lao vào tập hoặc ngừng tập đột ngột.
- Đi bộ và nhảy dây là những bài tập phù hợp để cơ thể làm quen khi bắt đầu và kết thúc buổi tập.
Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:Sử dụng thuốc và các liệu pháp thay thế
-
1Hỏi ý kiến bác sĩ về thuốc chống buồn nôn kê toa. Hỏi bác sĩ về thuốc Odansetron, Promethazine và các loại thuốc chống buồn nôn khác xem liệu nó có ích cho bạn không. Dù nguyên nhân gây buồn nôn là do hoá trị liệu hay ốm nghén, nhiều loại thuốc trên đây có thể giúp bạn đỡ buồn nôn và sinh hoạt bình thường.[23]
- Luôn luôn kể cho bác sĩ biết về các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà bạn đang sử dụng để họ có thể điều chỉnh chế độ điều trị cho phù hợp với bạn. Không uống cùng lúc nhiều loại thuốc chống buồn nôn, vì điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú để bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc dùng thuốc chống buồn nôn kê toa.
-
2Dùng Dramamine để thinh thoảng chống say xe. Uống 1 viên thuốc chống buồn nôn không kê toa, chẳng hạn như Dramamine, khoảng nửa tiếng trước khi khởi hành. Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi có thể uống Dramamine sau mỗi 4-6 tiếng khi cần để giảm say xe sau khi cơn buồn nôn xuất hiện.[24]
- Hỏi bác sĩ nhi khoa để biết Dramamine có an toàn cho con bạn không nếu trẻ chưa đến 12 tuổi.
-
3Đeo vòng tay bấm huyệt chống say xe ở cổ tay. Kích thích huyệt P6 (huyệt nội quan) – được cho là giúp giảm buồn nôn – bằng cách đeo vòng tay bấm huyệt, chẳng hạn như vòng Sea Bands. Loại vòng này không có tác dụng phụ và có thể đeo cả ngày an toàn nếu nó có hiệu quả với bạn.[25]
- Bạn cũng có thể kích thích huyệt này khi không đeo vòng bằng cách ấn vào mặt trong cổ tay, ở vị trí dưới nếp gấp cổ tay khoảng 2 đốt ngón tay.
-
4Uống probiotic. Thực phẩm bổ sung probiotic có thể giúp trị buồn nôn và nôn[26] . Probiotic có hiệu quả nhờ tác dụng khôi phục hệ vi sinh trong đường ruột. Có nhiều loại probiotic bán ở hiệu thuốc, và mỗi loại có thể có công thức hỗ trợ các vấn đề cụ thể. Uống thực phẩm bổ sung probiotic theo hướng dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.[27]Quảng cáo
Lời khuyên
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị buồn nôn mà không khỏi sau một ngày và không giữ được chất lỏng trong dạ dày. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm biện pháp chống lại cảm giác buồn nôn và bù lại lượng chất lỏng đã mất.[28]
- Nếu bạn thấy có máu trong bã nôn, hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Máu trong bã nôn là dấu hiệu cho thấy có vấn đề nghiêm trọng!
Tham khảo
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000122.htm
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2995283/
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000122.htm
- ↑ https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/treating-heartburn-over-counter-medicine
- ↑ https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/ginger
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2205121
- ↑ https://www.houstonmethodist.org/blog/articles/2020/feb/does-ginger-ale-actually-help-with-a-stomachache/
- ↑ https://uhs.umich.edu/diarrheavomiting
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ https://nccih.nih.gov/health/peppermintoil
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/digestion/faq-20058348
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/allergy-tests/about/pac-20392895
- ↑ https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/low-fiber-diet/art-20048511
- ↑ https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
- ↑ https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/8106-nausea--vomiting/care-and-treatment
- ↑ http://americanpregnancy.org/pregnancy-health/morning-sickness-relief/
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ http://www.cnn.com/2011/HEALTH/04/19/healthiest.sleep.position/index.html
- ↑ https://www.parents.com/health/stomach-ache/vomiting/
- ↑ https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/nausea-and-vomiting/nausea-and-vomiting.html
- ↑ https://familydoctor.org/antiemetic-medicines-otc-relief-for-nausea-and-vomiting/
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/motion-sickness/
- ↑ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19083380/
- ↑ https://mentalhealthdaily.com/2016/08/15/probiotics-side-effects-adverse-reactions-list/
- ↑ https://www.prevention.com/health/15-stomach-soothing-nausea-remedies