Bài viết này đã được cùng viết bởi Danielle Jacks, MD. Danielle Jacks là bác sĩ y khoa của Ochsner Clinic Foundation tại New Orleans. Cô đã nhận bằng bác sĩ của trường Oregon Health and Science University năm 2016.
Có 10 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 2.423 lần.
Có lẽ bạn cảm thấy tiêm tĩnh mạch là một thủ thuật khó, nhưng có một số chiến thuật có thể giúp bạn tiêm thuốc đúng cách. Đừng cố gắng tiêm tĩnh mạch trừ khi bạn đã được huấn luyện. Nếu bạn là chuyên gia y tế đang học cách tiêm thuốc hoặc nếu bạn cần tiêm thuốc cho bản thân, đầu tiên hãy chuẩn bị ống tiêm. Sau đó, tìm tĩnh mạch và tiêm thuốc từ từ. Luôn sử dụng thiết bị vô trùng, tiêm thuốc vào mạch máu và theo dõi biến chứng sau khi tiêm thuốc.
Các bước
Chuẩn bị trước khi tiêm
-
1Rửa tay. Trước khi chạm vào thuốc và kim tiêm, hãy rửa tay thật kỹ bằng nước ấm và xà phòng. Chà xà phòng giữa hai bàn tay trong 20 giây. Sau đó, xối nước rửa hết xà phòng và lau khô tay hoàn toàn bằng khăn vải hoặc khăn giấy sạch.
- Để giảm thiểu rủi ro nhiễm trùng hoặc nhiễm bệnh, bạn cũng nên đeo găng tay y tế vô trùng dùng một lần. Găng tay không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng bạn có thể phải đeo trong môi trường y tế.[1]
- Nếu bạn cần tính thời gian khi rửa tay, hãy hát nhẩm bài happy birthday 2 lần. Thời gian này khoảng 20 giây.[2]
-
2Đâm kim vào lọ thuốc và kéo pít-tông. Lấy một ống tiêm sạch chưa sử dụng và đâm kim vào lọ thuốc. Kéo pít-tông của ống tiêm để rút một lượng thuốc đúng yêu cầu. Chỉ tiêm thuốc đúng với liều lượng đã được bác sĩ chỉ định. Đừng tiêm nhiều hơn hoặc ít hơn. Làm theo các hướng dẫn bổ sung của bác sĩ về việc chuẩn bị thuốc.[3]
- Luôn kiểm tra để đảm bảo thuốc an toàn khi sử dụng. Thuốc trong lọ không được có bụi bẩn hay biến màu, lọ thuốc không bị nứt và không có dấu hiệu hư hỏng.
-
3Cầm ống tiêm sao cho kim hướng lên và đẩy hết không khí ra ngoài. Sau khi rút đủ lượng thuốc yêu cầu vào ống tiêm, bạn hãy xoay ống tiêm để kim hướng lên. Sau đó, búng nhẹ vào thân ống tiêm để đưa tất cả bọt khí lên bề mặt. Đẩy pít-tông vừa đủ để ép không khí thừa ra khỏi ống.[4]
- Luôn đảm bảo không khí đã được đẩy hết ra khỏi ống trước khi tiêm thuốc.
-
4Đặt ống tiêm lên bề mặt phẳng và sạch. Sau khi đẩy không khí ra ngoài, đậy nắp bảo vệ lên đầu kim và đặt ống tiêm lên bề mặt vô trùng để chuẩn bị trước khi dùng. Đừng để kim tiếp xúc với bất kỳ bề mặt chưa vô trùng nào.[5]
- Nếu bạn làm rơi kim hoặc vô tình chạm vào nó, bạn phải chuẩn bị lại một ống tiêm mới.
Quảng cáo
Tìm tĩnh mạch
-
1Cho bệnh nhân uống 2-3 cốc nước. Khi cơ thể đủ nước, máu được bơm qua các mạch máu nhiều hơn và khiến mạch máu trở nên to hơn, dễ thấy hơn. Bạn sẽ khó tìm thấy tĩnh mạch của người bị thiếu nước. Nếu bạn nghi ngờ một người nào đó bị thiếu nước, hãy yêu cầu họ uống 2-3 cốc nước trước khi tiêm.[6]
- Nước ép hoa quả, trà hoặc cà phê tách caffein có thể cung cấp nước cho cơ thể.
- Nếu người bệnh bị mất nước nghiêm trọng, họ có thể phải truyền dịch. Tiếp tục tìm tĩnh mạch nếu họ không thể uống nước hay chất lỏng khác.
-
2Tìm tĩnh mạch trên cánh tay gần khuỷu tay. Tĩnh mạch tại khu vực này của cánh tay là an toàn nhất để tiêm thuốc, và chúng cũng dễ thấy hơn. Bạn nên hỏi bệnh nhân xem họ muốn được tiêm ở cánh tay nào. Quan sát cánh tay đó để xem có tìm được tĩnh mạch hay không. Nếu không tìm thấy, bạn cần đưa tĩnh mạch lên bề mặt.[7]
- Khi cần phải tiêm thuốc thường xuyên, bạn hãy tiêm luân phiên hai cánh tay để ngăn ngừa vỡ tĩnh mạch.
- Đặc biệt thận trọng nếu bạn định tiêm thuốc vào bàn tay hay bàn chân. Tĩnh mạch ở đây thường dễ thấy, nhưng chúng khá mỏng manh nên có thể vỡ dễ dàng. Tiêm vào các khu vực này cũng gây đau nhiều. Nếu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thì bạn đừng tiêm vào bàn chân, vì điều này rất nguy hiểm.
- Đừng bao giờ tiêm thuốc vào cổ, đầu, bẹn hay cổ tay! Có các động mạch lớn ở cổ và bẹn, do đó bệnh nhân sẽ dễ bị quá liều, phải cắt bỏ chân hoặc tay, thậm chí tử vong.
-
3Quấn ga-rô quanh cánh tay để đưa tĩnh mạch lên bề mặt. Quấn ga-rô đàn hồi nằm cách vị trí tiêm thuốc khoảng 5-10 cm. Sử dụng nút thắt đơn hoặc đơn giản là nhét hai đầu ga-rô dưới vòng quấn để giữ cố định. Để tiêm thuốc vào mặt trong khuỷu tay, bạn nhớ phải quấn ga-rô ở mỏm trên của khối cơ nhị đầu thay vì ngay bên trên nó.
- Ga-rô nên được quấn sao cho dễ tháo ra. Đừng bao giờ sử dụng dây thắt lưng hay dây vải cứng khác vì nó sẽ làm biến dạng tĩnh mạch.[8]
- Nếu tĩnh mạch quá khó thấy, hãy cân nhắc quấn ga-rô trên vai để ép máu xuống cánh tay.
-
4Hướng dẫn người bệnh nắm và mở bàn tay. Bạn có thể đưa quả bóng y tế cho họ và yêu cầu họ bóp và thả quả bóng nhiều lần. Quan sát xem tĩnh mạch có dễ nhìn thấy hơn không sau khoảng 30-60 giây.[9]
-
5Ấn ngón tay vào tĩnh mạch. Sau khi tìm thấy tĩnh mạch, bạn sẽ đặt một ngón tay lên đó. Dùng ngón tay này ấn nhẹ lên xuống trong 20-30 giây. Động tác này sẽ khiến tĩnh mạch nở ra và dễ thấy hơn.[10]
- Đừng ấn quá mạnh! Bạn chỉ nên dùng lực nhẹ để sở nắn tĩnh mạch.
-
6Chườm ấm trên khu vực đó nếu bạn vẫn chưa thấy tĩnh mạch. Chườm ấm sẽ giúp tĩnh mạch giãn ra và dễ nhìn thấy hơn. Nếu bạn cần làm ấm vị trí tiêm, hãy đặt một chiếc khăn ẩm vào lò vi sóng 15-30 giây, sau đó đắp khăn lên tĩnh mạch. Bạn cũng có thể ngâm vị trí cần tiêm trực tiếp trong nước ấm.[11]
- Các lựa chọn khác để làm ấm toàn bộ cơ thể bao gồm uống thức uống nóng, như trà hoặc cà phê, hoặc tắm nước ấm.
- Đừng bao giờ tiêm thuốc cho người nào đang ngâm trong bồn tắm. Tùy vào ảnh hưởng của thuốc, họ có thể bị chết đuối.[12]
-
7Sau khi tìm thấy tĩnh mạch, vệ sinh vị trí cần tiêm bằng cồn tẩy rửa. Đảm bảo khu vực cần tiêm sạch sẽ trước khi tiêm thuốc. Sau khi tìm thấy tĩnh mạch có thể dùng được, bạn sẽ dùng cồn lau rửa vị trí đó.[13]
- Nếu không có bông gòn tẩm cồn sẵn, bạn hãy nhúng bông gòn vô trùng vào cồn isopropyl để làm sạch vị trí cần tiêm.
Quảng cáo
Đâm kim và tiêm thuốc
-
1Đâm kim vào tĩnh mạch ở góc 45 độ so với cánh tay. Tháo nắp đậy kim và cẩn thận đâm kim vào tĩnh mạch tại vị trí cần tiêm. Đâm kim sao cho thuốc sẽ được tiêm vào cùng hướng với dòng chảy của máu. Vì tĩnh mạch vận chuyển máu đến tim, nên bạn sẽ tiêm thuốc theo hướng chảy về tim. Nhớ định vị mặt vát của mũi kim hướng lên trên khi đâm kim.[14]
- Nếu bạn không biết chắc hoặc thắc mắc về cách đặt kim, hãy hỏi bác sĩ hay y tá trước khi tiêm tĩnh mạch.
- Chỉ tiêm thuốc khi bạn đã xác định rõ tĩnh mạch cần tiêm. Thuốc để tiêm tĩnh mạch nếu được tiêm vào các bộ phận khác của cơ thể có thể gây nguy hiểm và thậm chí là tử vong.
-
2Kéo pít-tông về phía sau để xác nhận kim đã nằm trong tĩnh mạch. Cẩn thận kéo pít-tông về phía sau một chút và xem máu có được rút vào ống tiêm hay không. Nếu không có máu thì có nghĩa kim chưa nằm trong tĩnh mạch và bạn phải rút kim ra và đâm lại. Nếu có máu thì nghĩa là bạn đã châm trúng tĩnh mạch và có thể tiến hành bước kế tiếp.[15]
- Nếu máu chảy ra với áp lực khá mạnh, có màu đỏ tươi và sủi bọt, nghĩa là bạn đã đâm kim vào động mạch. Lập tức rút kim ra và ấn vào vị trí tiêm tối thiểu 5 phút để cầm máu. Đặc biệt thận trọng nếu bạn đâm trúng động mạch cánh tay ở mặt trong khuỷu tay, vì máu thoát khỏi mạch máu quá nhiều có thể ảnh hưởng đến chức năng bàn tay. Thử lại với cây kim mới khi máu đã cầm.[16]
-
3Tháo ga-rô trước khi tiêm thuốc. Nếu bạn quấn ga-rô trước khi đâm kim thì cần tháo ga-rô vào lúc này. Tiêm thuốc khi tay vẫn quấn ga-rô có thể khiến tĩnh mạch bị vỡ.[17]
- Nếu bệnh nhân đang nắm bàn tay thì bạn yêu cầu họ thả lỏng bàn tay.
-
4Nhấn pít-tông chậm để tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Điều quan trọng là phải tiêm thuốc chậm để tránh làm tĩnh mạch quá áp. Nhấn pít-tông với tốc độ chậm và ổn định cho tới khi thuốc được tiêm hết vào cơ thể.[18]
-
5Từ từ rút kim ra và ấn vào chỗ được tiêm. Sau khi tiêm thuốc xong, rút kim ra từ từ và lập tức ấn vào vị trí được tiêm. Đắp một miếng gạc hoặc miếng bông gòn vào chỗ tiêm 30-60 giây để cầm máu.[19]
- Nếu máu chảy nhiều và không cầm, hãy gọi điện cho số cấp cứu.
-
6Băng vị trí vừa tiêm. Đắp một miếng gạc vô trùng lên vị trí vừa tiêm, sau đó dán băng keo y tế để giữ gạc cố định. Bước này giúp duy trì áp lực trên vị trí đó sau khi bạn bỏ ngón tay ra.
- Sau khi bạn băng xong vị trí vừa tiêm, quy trình tiêm thuốc đến đây là hoàn thành.
-
7Tìm sự chăm sóc y tế đối với các trường hợp khẩn cấp. Có nhiều biến chứng cần phải đề phòng sau khi tiêm thuốc. Bạn có thể nhận thấy vấn đề ngay sau khi tiêm, hoặc trong vài ngày sau đó. Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu:[20]
- Bạn đâm trúng động mạch và không thể cầm máu.
- Khu vực tiêm thuốc bị nóng, đỏ và sưng.
- Bạn tiêm thuốc vào chân và chân bị đau, sưng hay không vận động được.
- Vị trí tiêm thuốc bị áp xe.
- Cánh tay hay chân chuyển sang màu trắng và lạnh buốt sau khi được tiêm thuốc.
- Bạn vô tình để kim đâm vào người sau khi đã dùng cây kim đó tiêm cho người khác.
Quảng cáo
Cảnh báo
- Hãy tìm sự hỗ trợ nếu bạn định tiêm ma túy. Trao đổi với bạn bè hoặc người thân để nhờ họ giúp đỡ.
- Đừng tiêm thuốc cho bản thân hay người khác trừ khi bạn đã được đào tạo. Tiêm thuốc vào tĩnh mạch có nhiều rủi ro hơn là tiêm thuốc vào cơ hoặc dưới da.
- Đừng tiêm bất kỳ thuốc gì trừ khi được bác sĩ chỉ định.
Những thứ bạn cần
- Khăn ẩm và ấm (tùy chọn)
- Bóng y tế (tùy chọn)
- Xà phòng
- Nước
- Khăn giấy sạch
- Găng tay y tế dùng một lần
- Thuốc được kê toa
- Ống và kim tiêm vô trùng
- Cồn tẩy rửa (Isopropyl)
- Bông gòn vô trùng
- Ga-rô
- Gạc vô trùng
- Băng keo y tế
Tham khảo
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK138495/
- ↑ https://www.cdc.gov/features/handwashing/index.html
- ↑ http://www.drugs.ie/resourcesfiles/guides/mqi_safer_injecting_guide.pdf
- ↑ https://www.fridaymonday.org.uk/taking-drugs/safer-use/tips-for-safer-injecting/preparing-to-inject/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK138495/
- ↑ http://librarypdf.catie.ca/PDF/ATI-70000s/70095.pdf
- ↑ http://librarypdf.catie.ca/PDF/ATI-70000s/70095.pdf
- ↑ http://www.drugs.ie/resourcesfiles/guides/mqi_safer_injecting_guide.pdf
- ↑ http://www.kantrowitz.com/cancerpoints/findingveins.html
- ↑ http://www.injectingadvice.com/v4/index.php/articles/harm-reduction-practice/144-raising-a-vein-part-3
- ↑ http://www.kantrowitz.com/cancerpoints/findingveins.html
- ↑ http://www.drugs.ie/resourcesfiles/guides/mqi_safer_injecting_guide.pdf
- ↑ https://www.fridaymonday.org.uk/taking-drugs/safer-use/tips-for-safer-injecting/the-injecting-process/
- ↑ https://harmreduction.org/wp-content/uploads/2012/02/therighthit-goodneedleinsertion.pdf
- ↑ https://harmreduction.org/wp-content/uploads/2012/02/therighthit-goodneedleinsertion.pdf
- ↑ http://www.drugs.ie/resourcesfiles/guides/mqi_safer_injecting_guide.pdf
- ↑ https://harmreduction.org/wp-content/uploads/2012/02/therighthit-goodneedleinsertion.pdf
- ↑ https://harmreduction.org/wp-content/uploads/2012/02/therighthit-goodneedleinsertion.pdf
- ↑ https://harmreduction.org/wp-content/uploads/2012/02/therighthit-goodneedleinsertion.pdf
- ↑ http://www.drugs.ie/resourcesfiles/guides/mqi_safer_injecting_guide.pdf