Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Câu chuyện này có vẻ khá quen thuộc – bạn nhận thấy trái tim mình đang dành cho một người bạn, nhưng bạn lại bối rối không biết phải tiếp tục như thế nào. Tệ nhất là người bạn ấy lại chẳng mảy may biết đến tình cảm của bạn, hoặc họ vẫn tiếp tục bằng lòng xem bạn chỉ là bạn bè. Dù đã rơi vào “vùng bạn bè” tiến thoái lưỡng nan, bạn cũng đừng từ bỏ hy vọng bởi có không ít mối tình đẹp khởi đầu từ tình bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hoàn cảnh của mỗi người một khác, thế nên bạn cần dành thời gian suy xét xem mình đang ở đâu trước khi tiến tới.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:

Hiểu cảm xúc của bản thân

  1. 1
    Tự hỏi liệu trong hoàn cảnh khác thì bạn có muốn hẹn hò với bạn ấy không. Trước khi quyết định mạo hiểm chuyển tình bạn sang tình yêu, bạn hãy cân nhắc xem người bạn đó có thực sự hợp với mình không. Đôi khi chúng ta phải lòng một người chỉ vì ta thường xuyên ở bên người đó. Điều này xảy ra là hoàn toàn bình thường, nhưng không có gì đảm bảo rằng hai bạn là một cặp xứng đôi. Bạn hãy tự hỏi mình những câu như:[1]
    • Bạn và bạn ấy có cùng các tiêu chuẩn về giá trị không?
    • Bạn ấy có phải là mẫu người khiến bạn rung động không?
    • Bạn ấy có sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc không?
    • Bạn có nghĩ họ xứng đôi với bạn không?
    • Liệu có vấn đề gì gây khó khăn cho quan hệ giữa bạn và bạn ấy trong tương lai không?
  2. 2
    Chấp nhận rằng tình bạn giữa bạn và người ấy sẽ thay đổi theo cách không thể đoán trước được. Một khi bạn đã thú nhận tình cảm dành cho bạn của mình, chắc chắn tình bạn giữa hai bên sẽ không còn như cũ nữa. Nếu họ đáp lại tình cảm của bạn, hai người sẽ bắt đầu hẹn hò yêu đương, nhưng bạn cũng không thể biết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Nếu họ không đáp lại bạn, có lẽ mối quan hệ giữa hai người sẽ có chút khó xử, ít nhất là trong một thời gian. Bạn cần phải hiểu và chấp nhận điều này trước khi quyết định thổ lộ tình cảm của mình.[2]
    • Nếu tình cảm của bạn dành cho người ấy mạnh đến mức bạn khó có thể chỉ xem họ là bạn bè, vậy thì hẳn là bạn sẽ không hối hận khi quyết định nói cho bạn ấy biết. Tình cảm của bạn không sớm thì muộn rồi cũng sẽ lộ ra.
    • Nếu chỉ mới cảm thấy xao động trước người bạn đó, có lẽ bạn nên chờ xem tình cảm của mình có phát triển lên không, hay nó chỉ là cảm xúc thoáng qua.
  3. 3
    Đừng bị ám ảnh bởi các dấu hiệu nhỏ nhặt ám chỉ rằng người ấy cũng thích bạn. Bạn rất dễ bị cuốn vào thói quen tìm kiếm manh mối trong mọi việc người ấy làm, từ cách họ đứng như thế nào đến việc họ có thường nhìn vào mắt bạn không. Tuy nhiên, con người không ai giống ai – có người thì lém lỉnh tán tỉnh ngay cả với bạn bè, nhưng có người lại rất dè dặt và sẽ ít khi để lộ ra ngoài dù họ rất thích bạn. Bạn có thể quan sát hành vi của người ấy để đoán xem họ có cởi mở với ý tưởng hẹn hò với bạn không, nhưng đừng mất quá nhiều thời gian vào việc này.
    • Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải phớt lờ mọi dấu hiệu rõ ràng. Ví dụ, nếu người ấy thường mô tả bạn giống như anh trai/em gái, có lẽ điều này ám chỉ rằng họ không có ý gì với bạn. Nếu họ rất trìu mến hoặc tình tứ khi bên bạn nhưng lại không làm vậy với những người khác thì có lẽ họ thích bạn đấy.
    • Cân nhắc dò hỏi những người bạn chung xem người ấy nghĩ gì về bạn. Họ có thể giúp bạn quyết định có nên thổ lộ tình cảm với người ấy không.
  4. 4
    Dừng lại một chút nếu bạn vẫn còn do dự. Đừng vội nghĩ đến việc thay đổi tình bạn. Dù rằng bạn không muốn dùng dằng cả đời, nhưng hành động vội vã cũng không phải là ý hay nếu bạn không chắc liệu đã đến lúc hay chưa, hoặc nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ tình cảm của mình. Hãy tập trung vào tình bạn đang hiện hữu – nếu những cảm xúc đó là thật, chúng sẽ không biến mất chỉ vì bạn dành chút thời gian để suy ngẫm.[3]
    • Nếu bạn thực sự rung động nhưng vẫn lưỡng lự không biết có nên nói cho người ấy biết không, hãy cân nhắc ít gặp người ấy hơn. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ cảm xúc của mình, và biết đâu đây lại là cơ hội để người ấy nhớ nhung bạn và nhận ra tình cảm của mình.
    • Nếu người ấy lại đang có bạn trai/bạn gái, hoặc có lý do nào đó mà bạn biết rằng bạn và người ấy chưa thể ở bên nhau lúc này, hãy thử hẹn hò với một người khác – nhưng đừng giả vờ thích người khác chỉ để cho người ta ghen.
    • Đừng cố gắng chôn giấu cảm xúc quá lâu – điều này có thể làm tích tụ nỗi thất vọng, thậm chí oán giận, và bạn dễ rơi vào thói quen chỉ nhìn vào những điều đẹp đẽ nhất ở người ấy mà không thấy được con người toàn diện của họ. Hãy dành thời gian suy xét cảm xúc của mình trước khi tiến tới, vì tình bạn là thứ quý giá mà bạn không nên mạo hiểm đem ra đánh cược.[4]
  5. 5
    Thành thật với bản thân về mối quan hệ mà bạn mong muốn. Hãy tự hỏi liệu bạn có đang tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc hay chỉ muốn được vui vẻ bên ai đó một thời gian. Nếu bạn không chắc mình đã muốn tìm một bến đỗ hay không, có thể là người bạn ấy chưa chắc đã thích hợp nhất để cùng bạn đi suốt cuộc đời. Một cuộc tình chóng vánh có vẻ thú vị thật đấy, nhưng đổi lại có thể bạn sẽ mất đi một người bạn thân thiết lâu năm.[5]
    • Tương tự, nếu bạn đã sẵn sàng cho một mối quan hệ gắn bó, nhưng bạn biết người ấy lại chưa muốn nghĩ đến chuyện lâu dài, vậy thì có lẽ giờ chưa phải là lúc tiến lên một bước mới.
    • Dù hai người có “thân mật” với nhau thì cũng không có nghĩa là bạn đã thoát ra khỏi vùng bạn bè. Nếu có gì xảy ra thì nó chỉ khiến cho mọi chuyện thêm khó xử với cả hai.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:

Tán tỉnh bạn ấy

  1. 1
    Tìm thêm thời gian chỉ có hai người bên nhau. Nếu mọi khi bạn và người ấy chỉ đi chơi chung với cả nhóm, hãy cố gắng nghĩ ra những hoạt động dành riêng cho hai người. Ban đầu thì không nhất định phải là một buổi hẹn hò chính thức - những khoảng thời gian chỉ có hai người bên nhau có thể giúp người ấy nhìn bạn với cái nhìn mới mẻ lãng mạn hơn. Thêm vào đó, càng có nhiều thời gian ở riêng bên cạnh người ấy thì bạn càng có nhiều cơ hội để thể hiện tình cảm của mình.
    • Ví dụ, hãy mời bạn ấy làm những việc mà bạn biết họ thích, chẳng hạn như đi xem hoà nhạc, đi dã ngoại hay cùng chơi thể thao với nhau.
    • Bạn cũng có thể tự nhiên rủ bạn ấy đi cùng bạn làm những việc lặt vặt, mua đồ ăn hoặc đi mua sắm.
  2. 2
    Dừng ánh nhìn lâu hơn bình thường một chút khi giao tiếp bằng mắt. Tán tỉnh một người bạn thuần khiết có thể ngượng nghịu đôi chút lúc ban đầu. Giao tiếp bằng ánh mắt sẽ là một cách đơn giản để giúp cho việc này dễ dàng hơn. Khi hai người liếc nhìn nhau, hãy mỉm cười và để ánh mắt lưu lại lâu hơn bình thường 2-3 giây – đừng nhìn lâu hơn để không trở thành cái nhìn chằm chằm đáng sợ – rồi nhìn đi chỗ khác và vẫn giữ nụ cười.[6]
    • Điều này có thể khiến bạn ấy có cảm giác như hai người cùng chia sẻ một bí mật nào đó, và họ sẽ cảm thấy gần gũi với bạn hơn.
  3. 3
    Phá vỡ rào cản tiếp xúc thân thể. Những cử chỉ nhỏ nhặt cũng có thể rất quyến rũ, vậy nên bạn đừng ngại đụng chạm người ấy nhiều hơn – tất nhiên là nếu họ thoải mái với điều đó. Hãy bắt đầu từ những cử chỉ nhỏ, chẳng hạn như chạm vào tay người ấy khi nói chuyện, ôm nhau khi gặp mặt, hay dựa vào vai họ khi hai người đứng cạnh nhau. Nếu thấy bạn ấy có vẻ thoải mái hoặc đáp lại, bạn có thể bắt đầu từ đó.[7]
    • Tăng dần mức độ tiếp xúc thân thể một cách chậm rãi và tế nhị. Nếu bạn của bạn căng thẳng, cau mày hoặc tránh né khi bạn chạm vào họ, hãy dừng lại và cân nhắc xin lỗi vì đã khiến họ khó chịu.
  4. 4
    Nói những lời khen chân thành. Khen ngợi là một cách tuyệt vời để làm cho người khác vui và tỏ cho họ biết cảm giác của bạn. Hãy cố gắng khen những điểm độc đáo ở người ấy – sẽ còn tốt hơn nếu bạn khen cá tính hoặc phong cách của họ thay vì tán tụng những đặc điểm ngoại hình mà họ không kiểm soát được.[8]
    • Ví dụ, thay vì nói “Em có đôi mắt đẹp hút hồn”, bạn có thể nói “Anh thích ánh mắt lấp lánh của em khi xem hình những con vật dễ thương” hoặc “Em thích những khi anh pha trò làm cho em vui!"
  5. 5
    Để ý phản ứng của người ấy khi bạn tán tỉnh. Tìm các dấu hiệu ở người ấy mách cho bạn biết họ bật đèn xanh cho bạn thả thính. Nếu bạn ấy thoải mái, mỉm cười, đụng chạm, dựa vào người bạn và nhìn vào mắt bạn thì có lẽ là họ cũng phải lòng bạn đấy! Nếu là vậy, bạn cứ tiếp tục tán tỉnh và xem mọi việc đi tới đâu.[9]
    • Nếu người ấy có vẻ cứng ngắc, không thoải mái hoặc bực bội, có lẽ là họ không có cảm giác lãng mạn với bạn. Nếu bạn thường nghe người ấy kể rằng họ thích những người khác, hoặc toàn tránh né mỗi khi nhắc đến tình yêu thì đó cũng là các dấu hiệu khác cho biết họ không có ý gì với bạn.[10]
    • Nếu bạn ấy có vẻ như phân vân không biết phải xử sự thế nào, có lẽ là họ cần thêm thời gian để thích nghi với ý tưởng này, hoặc có thể họ không nỡ làm bạn thất vọng. Hãy dành thời gian xem xét tình hình trước khi tiến tới.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:

Thể hiện rằng bạn thích người ấy

  1. 1
    Bắt đầu từ những việc nhỏ và từ từ tiến tới. Đừng kỳ vọng rằng tình bạn ngay lập tức biến thành tình yêu nồng thắm. Bạn cần cho người ấy thời gian để làm quen với việc này. Ban đầu hãy hẹn hò bình thường vài buổi đã, sau đó mới chính thức hẹn hò khi đến lúc thích hợp. Hãy vui đùa hơn, tình tứ hơn mỗi ngày một chút, rồi dần dần thể hiện những cử chỉ âu yếm khi thích hợp. Nếu cứ tấn công ào ạt ngay từ đầu thì bạn có thể khiến người ta sợ. [11]
    • Học cách đọc thái độ của người ấy. Nếu họ đáp lại bạn thì đó là dấu hiệu tốt. Nếu bạn của bạn thường im lặng hoặc nói lảng sang chuyện khác thì có lẽ họ không có cùng cảm giác với bạn, và đã đến lúc bạn nên tìm một đối tượng mới.
    • Tuy là vậy, bạn cũng đừng quá kín đáo—nhiều người rơi vào vùng bạn bè một phần cũng vì họ không thể hiện rõ là họ thích người kia.[12]
  2. 2
    Xây dựng hình ảnh bản thân để tạo vẻ tự tin. Khi làm bạn với ai đó, chúng ta thường khiêm nhường và tự châm biếm mình để vui cười. Tuy nhiên, nếu làm điều này quá thường xuyên thì bạn có vẻ như thiếu tự tin –và điều này không phải là nền tảng tốt nhất để xây dựng một mối quan hệ tình cảm. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng nói về mình với góc nhìn tích cực, và người mà bạn thầm thương cũng sẽ thấy bạn như vậy.[13]
    • Ví dụ, đừng bảo rằng “Chẳng ai thèm hẹn hò với mình cả” hoặc “Chắc mình ế cả đời quá.” Thay vào đó, bạn hãy thử nói “Em tin là rồi sẽ có người yêu em vì chính con người em!"
    • Bạn cứ thoải mái vui đùa với người ấy! Thực ra điều này lại hay. Chỉ cần bạn nhớ đừng tự lấy mình ra để pha trò quá thường xuyên.
    • Nếu bạn không thấy được mình tốt ở điểm nào, có lẽ đã đến lúc bạn lùi lại và khoan nghĩ đến chuyện hẹn hò ngay lúc này. Thay vào đó, hãy dành chút thời gian suy ngẫm xem điều gì đem lại hạnh phúc cho bạn trong cuộc sống. Sẽ rất khó để tìm được một mối quan hệ tốt đẹp nếu bạn không nhận thức được giá trị của mình.
  3. 3
    Nhờ người ấy giúp đỡ bạn. Bạn có tin không, người mà bạn phải lòng thực ra sẽ mến bạn hơn nếu họ có cơ hội để giúp đỡ bạn. Hãy nhờ họ làm những việc lặt vặt khi có dịp, chẳng hạn như chở bạn đi đâu đó, cho bạn mượn bút chì ở trong lớp hoặc giúp bạn làm dự án.[14]
    • Có thể bạn nghĩ rằng người ấy sẽ xiêu lòng nếu bạn liên tục giúp họ việc này việc kia, nhưng đáng tiếc là đôi khi điều này lại gây tác dụng ngược. Hãy ở bên người ấy khi họ cần bạn, nhưng bạn nên đợi họ lên tiếng nhờ thay vì lập tức lao vào giúp đỡ. Nếu lúc nào bạn cũng sẵn sàng túc trực, họ sẽ ít có khả năng xem bạn như người yêu.
  4. 4
    Thỉnh thoảng dành không gian riêng cho người ấy. Bạn có thể muốn ở bên cạnh người mình yêu thương từng giây từng phút, nhưng sự quan tâm quá mức của bạn có thể khiến người ta ngột ngạt. Hãy dành thời gian cho các hoạt động mà không có người ấy – nhớ rằng, ngay cả khi hai bạn đã là một đôi, bạn cũng nên có thời gian cho các sở thích và thú tiêu khiển của riêng mình.[15]
    • Hơn nữa, việc này có thể cũng là dịp để người ấy nhận ra họ nhớ bạn như thế nào khi không có bạn ở bên cạnh.
    Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:

Chuyển tình bạn thành tình yêu

  1. 1
    Đảm bảo rằng đã đến đúng lúc để bạn thổ lộ tình cảm. Khi cảm thấy đã sẵn sàng nói cho người ấy biết rằng bạn thích họ, hãy cố gắng tìm lúc nào đó yên tĩnh khi chỉ có hai người. Xem xét cả các chi tiết khác nữa – nếu người ấy đang trải qua khoảng thời gian căng thẳng hoặc vừa mới chia tay một mối tình lâu dài, có lẽ giờ chưa phải là lúc thích hợp để bạn tỏ tình.[16]
    • Nếu có những người khác ở gần đó, bạn của bạn có thể sẽ ngượng và không dám thể hiện cảm xúc thật của mình.
  2. 2
    Hãy thẳng thắn bày tỏ cảm xúc của bạn. Bảo bạn ấy rằng bạn có điều muốn nói và diễn đạt một cách đơn giản, chân thành. Cho người ấy cơ hội đáp lại nếu họ muốn.[17]
    • Bạn có thể nói “Anh hồi hộp quá không biết nói sao, nhưng anh thực sự rất thích em”, hoặc “Những lúc ở bên cạnh anh em thấy rất vui. Em cảm thấy phải cho anh biết là em rất mến anh."
    • Đừng biến cuộc đối thoại thành màn độc thoại lời lẽ sướt mướt rằng cuộc sống của bạn sẽ chỉ trọn vẹn nếu có người ấy sóng bước cùng bạn. Hãy cho người ấy biết rằng bạn có tình cảm với họ, đơn giản và trực tiếp.
    • Tránh mở lời khi cả hai không tỉnh táo. Mặc dù dường như bạn sẽ cảm thấy can đảm và tự tin, nhưng bạn và cả người ấy sẽ khó tin được những lời nói ra trong cơn say – và mọi thứ bỗng chốc trở nên rối tung.[18]
  3. 3
    Chấp nhận một cách lịch sự nếu họ từ chối. Đáng tiếc là trong cuộc sống sẽ có những lần bạn bị từ chối. Hãy nhớ rằng điều này không phản ảnh giá trị của cá nhân bạn – nó chỉ có nghĩa là người ấy không nghĩ rằng hai bạn là một đôi. Hãy mỉm cười và nói “Không sao, mình chỉ muốn nói với cậu như vậy thôi” và dừng lại ở đó. Đừng ép họ suy nghĩ lại – họ đã cho bạn câu trả lời rồi, và quan trọng là bạn phải tôn trọng điều đó.[19]
    • Nếu có thể đặt cảm xúc qua một bên, bạn vẫn có thể quay lại làm bạn với người ấy. Tuy nhiên, đừng làm vậy chỉ để gần gũi với họ nếu bạn vẫn nuôi hy vọng họ đổi ý. Điều này sẽ chẳng giúp được gì mà chỉ khiến bạn thêm đau khổ.
    • Dành thêm thời gian ở bên những người thân yêu để giữ tinh thần lạc quan. Bạn có thể thấy việc ghi lại cảm xúc trong nhật ký cũng hữu ích, hoặc bạn thích bận rộn với việc tập thể dục hoặc một sở thích để xua đi những ý nghĩ luẩn quẩn trong đầu.
    • Hãy tự hào rằng bạn đã dám thổ lộ tình cảm của mình. Phải dũng cảm lắm bạn mới làm được điều đó! Cho dù có bị từ chối thì vẫn còn tốt hơn là cả đời cứ mãi băn khoăn với câu hỏi “Nếu như?”
  4. 4
    Mời người ấy đi chơi nếu họ có vẻ như ưng thuận. Một khi bạn đã thú nhận tình cảm của mình thì đừng bỏ lửng đoạn kết – trừ khi họ từ chối ngay lập tức, hãy nói rằng bạn muốn mời họ đi chơi hoặc muốn làm bạn trai/bạn gái của họ. Tuy nhiên, bạn đừng ép người ta trả lời ngay – hãy nói rằng bạn sẵn sàng chờ đợi nếu họ cần thời gian để suy nghĩ. [20]
    • Ví dụ, bạn có thể nói đại loại như "Đối với anh em rất đặc biệt và tuyệt vời, anh rất muốn em làm bạn gái của anh."
  5. 5
    Đặt ra giới hạn mới nếu hai bạn bắt đầu hẹn hò. Nếu người ấy sẵn lòng cùng bạn tiến xa hơn, xin chúc mừng bạn! Tuy nhiên, dù bạn có vượt qua được bước khởi đầu thì chưa chắc là mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Có những điều chấp nhận được khi là bạn bè lại không phù hợp khi đã là người yêu. Hai bạn nên dành thời gian trò chuyện với nhau những điều này – cho người ấy biết điều gì bạn đồng ý, điều gì không, và hãy lắng nghe khi người ấy góp ý.[21]
    • Ví dụ, hai bạn có thể thoả thuận sẽ gặp nhau bao lâu một lần, ưu tiên dành thời gian rảnh cho nhau như thế nào, điều gì có thể và không thể chia sẻ với bạn bè chung.
    • Hãy linh hoạt – các giới hạn này có thể thay đổi khi mối quan hệ của bạn trở nên sâu sắc hơn. Điều này hoàn toàn tự nhiên và bình thường, và quan trọng là hai bạn cần thẳng thắn nói về những thứ phù hợp và không phù hợp với cả hai.
    • Đừng lo nếu ban đầu có đôi chút ngượng nghịu. Hãy cứ cùng cười với nhau khi hai bạn đang làm quen với sự thay đổi trong mối quan hệ.[22]
  6. 6
    Đừng lôi kéo những người bạn chung vào những vấn đề xảy ra giữa hai người. Nếu hai bạn có bạn bè cùng chơi chung, có lẽ bạn sẽ muốn chạy ngay đến với họ mỗi khi có chuyện cãi cọ với người ấy. Tuy nhiên, thật không công bằng khi bạn đặt những người bạn đó vào vị trí cố vấn tình cảm – họ có thể bị đẩy vào tình thế khó xử, và điều này có thể làm tổn hại tình bạn và cả tình yêu của bạn.
    • Nếu có các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh với người yêu, bạn có thể tâm sự với ai đó. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên chọn một người không phải là bạn chung của hai người, một người thân trong gia đình hoặc chuyên gia tư vấn.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Việc giấu kín cảm xúc có thể gây đau khổ và căng thẳng cho tình bạn. Nếu bạn thực sự yêu thương người bạn của mình, hãy thành thật với họ.
  • Nếu bạn cảm thấy như người ấy đang phát đi các tín hiệu mâu thuẫn, có thể là họ cũng thích bạn nhưng lại không biết phải xử lý cảm xúc của mình như thế nào để không làm tổn thương tình bạn.
  • Ngay cả khi bạn đã làm đúng mọi việc thì vẫn không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó người ấy sẽ muốn tiến xa hơn tình bạn. Nếu bạn không đạt được tiến triển nào, hãy tỉnh táo chấp nhận và tập trung vào vai trò của người bạn tốt nhất có thể.

Cảnh báo

  • Đừng cố gắng thể hiện tình cảm bằng các cử chỉ âu yếm nếu bạn của bạn không thoải mái. Ban đầu có thể họ ngại không muốn nói, nhưng hẳn là bạn không muốn đẩy người bạn thân thiết của mình ra xa.

Bài viết wikiHow có liên quan

Nhận biết các dấu hiệu chàng thầm yêu bạn17 dấu hiệu cho biết chàng thầm yêu bạn
Các dấu hiệu cho thấy nàng bị bạn thu hút15 dấu hiệu kín đáo cho thấy nàng bị bạn thu hút
HônHôn
Phản hồi khi người yêu nhắn tin nói rằng họ nhớ bạnPhản hồi khi người yêu nhắn tin nói rằng họ nhớ bạn
Các dấu hiệu tiết lộ người cũ sẽ quay lại với bạn15 dấu hiệu tiết lộ người cũ sẽ quay lại với bạn
Kể về bản thân trên ứng dụng hẹn hòKể về bản thân trên ứng dụng hẹn hò
Trả lời tin nhắn khen ngợiTrả lời tin nhắn khen ngợi
An ủi khi bạn gái buồnAn ủi khi bạn gái buồn
Khiến Nàng "Ham muốn" BạnKhiến Nàng "Ham muốn" Bạn
Tỏ tình với một cô gái mà không bị từ chốiTỏ tình với một cô gái mà không bị từ chối
Khẩu dâmKhẩu dâm
Chọn chủ đề nói chuyện với bố mẹ người yêu và tạo ấn tượng tốt10 chủ đề để nói chuyện với bố mẹ của người yêu
Rên khi quan hệ tình dụcRên khi quan hệ tình dục
Nhận ra một chàng trai đang thích mìnhNhận ra một chàng trai đang thích mình
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Christina Jay, NLP
Cùng viết bởi:
Người mai mối & Huấn luyện viên cuộc sống
Bài viết này đã được cùng viết bởi Christina Jay, NLP. Christina Jay là người mai mối và huấn luyện viên cuộc sống tại Toronto, Ontario, Canada. Christina là người sáng lập của Preferred Match (preferredmatch.ca), công ty của cô chuyên tìm tình yêu cho các cá nhân thành đạt và ưu tú. Cô có hơn 10 năm kinh nghiệm huấn luyện, lấy được chứng chỉ NLP (Neuro-linguistic Programming) thông qua Chương trình Đào tạo NLP Canada và có bằng cử nhân quản trị kinh doanh của Đại học Brock. Bài viết này đã được xem 10.296 lần.
Chuyên mục: Tình yêu
Trang này đã được đọc 10.296 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo