Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Khi bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong lối mòn hoặc không tìm thấy hạnh phúc với cuộc sống đang diễn ra hàng ngày, có lẽ bạn sẽ muốn thay đổi mọi thứ. Thiết lập lại cuộc sống nghe thật to tát và dường như có quá nhiều việc phải làm, nhưng chỉ cần dần dần thực hiện từng vài bước nhỏ là bạn có thể tạo nên những thay đổi to lớn. Đừng quên rằng chỉ riêng việc nhận biết bản thân cần phải thay đổi cũng đã là một bước tiến lớn, và như vậy là bạn đã khởi hành trên con đường mới của mình!

1

Hình dung về cuộc sống mà bạn mơ ước

  1. Nghĩ về tương lai mà bạn thực sự mong muốn. Nếu bạn có thể hình dung được cuộc sống mơ ước của mình sẽ như thế nào, bạn sẽ có nhiều khả năng biến ước mơ thành hiện thực hơn. Hãy mường tượng thật cụ thể về những điều bạn muốn, và đừng ngần ngại thay đổi nếu bạn nhận thấy mình đang tiến về một hướng khác.[1]
    • Dành một khoảng thời gian mỗi ngày hình dung bản thân đang sống cuộc sống trong mơ, tưởng tượng cả về cảm giác của bạn khi đó. Việc hình dung các mục tiêu của bản thân có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn tiến tới hoàn thành các mục tiêu – hơn nữa, nó còn giúp bạn biết rõ những mục tiêu nào là quan trọng nhất.[2]
    • Bắt đầu bằng một bức tranh toàn cảnh, sau đó dần dần đi vào từng chi tiết.
    Quảng cáo
2

Xác định các giá trị cốt lõi của bạn

  1. Tự hỏi bản thân rằng cuộc sống hiện tại của bạn có phù hợp với những giá trị cốt lõi mà bạn coi trọng hay không. Giá trị cốt lõi là những niềm tin và nhận thức dẫn dắt những suy nghĩ và hành vi của bạn trong suốt cuộc đời. Phần lớn mọi người có khoảng 5 đến 7 giá trị cốt lõi. Để tìm được các giá trị cốt lõi của bản thân, hãy nghĩ về những điều mà bạn thực sự muốn giữ gìn, sau đó ngẫm xem cuộc sống của bạn có phản ánh những niềm tin đó không.[3]
    • Nếu một trong các giá trị cốt lõi của bạn là dành nhiều thời gian vui vầy với người thân, nhưng công việc của bạn lại khiến bạn bỏ lỡ những cột mốc quan trọng và những sự kiện đặc biệt của gia đình, có lẽ bạn nên ngẫm lại xem mình có thực sự hài lòng với sự nghiệp không.
    • Mặc dù những giá trị này là những điều mà bạn tin tưởng sâu sắc, nhưng chúng sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu bạn thực sự muốn có một khởi đầu mới thì hẳn đã đến bạn lúc nên cân nhắc xem điều gì là quan trọng nhất đối với mình.
3

Đặt ra các mục tiêu trong cuộc sống

  1. Đặt ra các mục tiêu SMART. SMART là các chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh specific (cụ thể), measurable (đo lường được), achievable (có thể đạt được), results-oriented (hướng đến kết quả), và time-bound (có giới hạn thời gian). Nếu các mục tiêu của bạn đáp ứng tất cả các tiêu chí đó, khả năng bạn đạt được mục tiêu sẽ cao hơn nhiều so với khi bạn chỉ có một ý tưởng mơ hồ về những thứ mà "một ngày nào đó" mình sẽ có.[4]
    • Nghĩ đến những thứ có thể cản trở con đường hướng tới các mục tiêu của bạn, sau đó lập kế hoạch để vượt qua những trở ngại đó.
    Quảng cáo
4

Chia nhỏ các mục tiêu thành các bước có thể thực hiện được

  1. Bắt đầu bằng những việc mà bạn có thể làm ngay. Đừng chỉ nhắm vào mục tiêu cuối cùng khiến bản thân bị choáng ngợp. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ về các bước cụ thể cần thực hiện để hoàn thành các mục tiêu đó. Như vậy, bạn có thể tập trung vào những việc cần làm tiếp theo, và mọi việc sẽ tiến triển dễ dàng hơn.[5] Bạn cũng sẽ có thêm động lực khi thấy mình từng bước đạt được các mục tiêu nhỏ trên con đường chinh phục các mục tiêu lớn hơn.[6]
    • Đừng quên đặt ra các phần thưởng khích lệ bản thân khi đã làm được một điều gì đó. Ví dụ, nếu bạn cai thuốc lá thành công, hãy lấy số tiền mua thuốc lá trước kia để sắm một chếc áo mới, một chuyến đi chơi hoặc một buổi ra ngoài ăn tối với bạn bè.
5

Buông bỏ những thứ không đem lại niềm vui cho bạn trong cuộc sống

  1. Nhìn lại cuộc sống của bản thân và suy ngẫm về từng thứ một. Bạn có thể viết ra giấy nếu muốn. Hãy nghĩ về những tài sản bạn có, vị trí của bạn, thậm chí những người hiện diện trong cuộc đời bạn. Những thứ đó có đem lại niềm vui cho bạn không? Nếu câu trả lời là không, hãy nghĩ xem bạn có thể loại bỏ nó bằng cách nào.
    • Điều này có thể áp dụng cho mọi thứ, từ việc cân nhắc giữ lại một chiếc áo đến việc tham gia một hoạt động mà bạn đã từng yêu thích. Hãy tỉnh táo – ngay cả một thứ từng đã khiến bạn rất vui có thể cũng không còn giá trị đó nữa.
    • Hiển nhiên là ai cũng có bổn phận không mấy thích thú trong cuộc sống, nhưng nếu có bất cứ thứ gì liên tục khiến bạn kiệt sức hoặc quá tải thì bạn thực sự nên cân nhắc xem mình đã phải tiêu tốn bao nhiêu năng lượng cho nó.
    Quảng cáo
6

Dành thời gian thanh lọc tâm trí

  1. Dành một khoảng thời gian yên tĩnh mỗi ngày để suy ngẫm. Trong thế giới ồn ào và bận rộn này, một ngày của bạn dễ dàng ngập chìm trong email, mạng xã hội, tivi, âm nhạc và tán gẫu. Tuy nhiên, có một điều thực sự cần thiết là dành một khoảng thời gian thoát khỏi mọi âm thanh huyên náo, nhất là khi bạn đang cố gắng thiết lập lại cuộc sống. Trong suốt thời gian này, bạn hãy suy ngẫm về các mục tiêu, những ưu tiên của bạn và những gì bạn đang làm hoặc cần làm để đạt được những mục tiêu đó.[7]
    • Ví dụ, bạn có thể dành ra 15 phút vào đầu ngày hoặc cuối ngày chỉ để tận hưởng khoảng thời gian yên tĩnh một mình.
    • Nhiều người thích các hoạt động thư giãn như thiền và yoga, hoặc có thể bạn chỉ thích ngồi ở một góc yên tĩnh một mình bên tách cà phê.
7

Chăm sóc sức khoẻ thể chất

  1. Tận dụng cơ hội này để chăm sóc bản thân. Khi bạn muốn bắt đầu lại cuộc sống, hãy nghĩ lại xem có phải bạn đang cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng các thực phẩm tốt cho sức khoẻ không, hay là bạn chỉ tiện đâu ăn đó và thoả mãn khẩu vị của mình. Bên cạnh đó, hãy cố gắng dành thì giờ cho một hoạt động yêu thích mỗi tuần ít nhất vài lần. Bạn sẽ dễ duy trì được thói quen tập luyện hơn nếu tìm được hoạt động mà bạn có hứng thú thay vì chỉ tự nhủ rằng mình cần phải tập thể dục.[8]
    • Ví dụ, bạn có thể dạo một vòng quanh khu phố những khi trời đẹp, hoặc rủ bạn bè cùng đi bộ trong công viên. Bạn cũng có thể chơi một môn thể thao, học một lớp khiêu vũ hoặc đạp xe.
    • Khi cảm thấy khoẻ khoắn, bạn có thể xác định rõ về những điều bạn mong muốn trong cuộc sống dễ dàng hơn. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn – và điều này sẽ giúp bạn ra các quyết định đúng đắn.
    Quảng cáo
8

Dọn dẹp môi trường xung quanh

  1. Dọn dẹp không gian sống để có suy nghĩ tích cực hơn. Quyết định thay đổi cuộc sống là một cơ hội tuyệt vời cho việc tổng vệ sinh nhà cửa. Một căn phòng bừa bộn luộm thuộm thực sự có thể tác động đến cảm nhận của bạn về cuộc sống. Hãy loại bỏ mọi thứ bạn không cần đến nữa và sắp xếp lại không gian sao cho tiện sử dụng khi cần.[9]
    • Khi mọi thứ xung quanh gọn gàng ngăn nắp, bạn sẽ dễ dàng tập trung vào những thay đổi khác mà bạn muốn có trong cuộc sống. Hơn nữa, nó còn giúp bạn có cảm giác hài lòng hơn về bản thân!
9

Ở bên cạnh những người ủng hộ mình

  1. Dành thời gian cho những mối quan hệ khiến bạn hạnh phúc. Khi bạn quyết định khởi đầu lại mọi thứ, hãy nghĩ về những người hiện diện trong cuộc sống của bạn. Nếu có ai đó luôn đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ, hãy liên lạc với họ thường xuyên hơn. Dù chỉ một cuộc gọi ngắn hoặc một dòng tin nhắn cũng có thể giúp bạn phấn chấn hơn mỗi khi bạn cần được khích lệ.[10]
    • Không phải lúc nào bạn cũng tránh được những người gieo năng lượng độc hại, nhưng bạn có thể hạn chế thời gian ở bên cạnh họ.
    • Những khi bạn cảm thấy quá tải vì những âu lo, hãy tìm đến những người tích cực và ủng hộ bạn – họ có thể giúp bạn có cái nhìn mới về những vấn đề đang khiến bạn phiền muộn.[11]
    Quảng cáo
10

Bước ra khỏi vùng an toàn

  1. Thúc đẩy bản thân thử những điều mới mẻ. Bạn sẽ khó mà thay đổi cuộc sống nếu chỉ quanh quẩn với những việc quen thuộc bao lâu nay vẫn làm. Ngay cả những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như thử khám phá một nhà hàng hoặc viện bảo tàng mới, cũng có thể giúp bạn có một cái nhìn tươi mới. Việc bước ra khỏi lối mòn sẽ giúp bạn tự tin hơn và tìm được thêm những cảm hứng sáng tạo.[12]
    • Đừng ngại tạo nên những thay đổi lớn – hãy đăng ký một lớp học mà bạn luôn muốn theo đuổi, hoặc in danh thiếp quảng cáo một nghề tay trái mà bạn đã ấp ủ bao lâu nay. Nếu cứ sợ thất bại thì bạn sẽ chẳng bao giờ nắm bắt được cơ hội mà biết đâu nó sẽ dẫn đến thành công lớn trong đời bạn.
11

Bắt đầu phá vỡ những thói quen xấu

  1. Tìm những thói quen khác thay thế cho những hành vi không lành mạnh. Ai cũng có một vài thói quen xấu, và có thể là bạn cũng biết mình có thói quen nào không tốt. Những hành vi như hút thuốc, ăn uống vô độ và lười vận động đều có thể huỷ hoại những nỗ lực thay đổi cuộc sống của bạn. Nhưng đừng nản lòng – bạn có thể giải quyết những thói quen xấu thông qua những thay đổi tích cực thay vì chỉ biết áy náy, sợ hãi và hối tiếc.[13]
    • Ví dụ, thay vì cứ trách móc bản thân vì không tập thể dục nhiều hơn, bạn có thể quyết định đi bộ 20 phút bốn buổi mỗi tuần.
    • Đừng chỉ vì lỡ vi phạm vài lần mà đầu hàng – phá vỡ một thói quen không phải là công việc dễ dàng! Nếu cần, bạn nên bắt đầu giảm dần dần cho đến khi hoàn toàn từ bỏ được một thói quen xấu.[14]
    Quảng cáo
12

Viết nhật ký biết ơn

  1. Mỗi ngày ghi lại một điều mà bạn biết ơn. Đôi khi, việc thiết lập lại cuộc sống chỉ đơn giản là thay đổi cách suy nghĩ. Đây là một chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả. Bạn có thể làm việc này bằng cách tạo thói quen tìm kiếm những điều mà bạn biết ơn vào cuối mỗi ngày. Hãy viết ra những điều này trong nhật ký để bạn có thể xem lại mỗi khi cảm thấy chán nản.[15]
    • Khi tìm kiếm những điều tích cực xung quanh mình, bạn sẽ có nhiều cơ may nhận được những thứ tốt đẹp đó. Điều này có thể giúp bạn bắt đầu xem xét tình huống dưới một góc nhìn mới, và nó có thể tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng mà bạn cần có để bắt đầu lại cuộc sống.
13

Học cách chống lại những ý nghĩ tiêu cực

  1. Cố gắng thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực. Nếu bạn nhận thấy mình đang có ý nghĩ tiêu cực về một người, một nơi chốn hoặc một sự việc, hãy đảo ngược ý nghĩ đó. Việc này đòi hỏi bạn phải luyện tập, nhưng hãy cố gắng tìm một điều gì đó tích cực về con người, nơi chốn hoặc sự việc đó. Khi bạn có cái nhìn lạc quan hơn, nó sẽ tác động đến cả những lĩnh vực khác trong cuộc sống mà bạn còn chưa nghĩ đến.[16]
    • Ví dụ, nếu sắp tới bạn đến thăm mẹ vợ, thay vì nghĩ đến việc phải ăn các món bà nấu dở tệ, hãy hình dung đến khu vườn tuyệt đẹp của bà.
    • Bạn có thể áp dụng cả cách này cho chính bản thân mình. Ví dụ, khi bạn phạm phải một sai lầm, đừng nghĩ rằng “Mình chẳng bao giờ làm được việc gì ra hồn”. Thay vào đó, bạn hãy tự nhủ “Mình sẽ rút kinh nghiệm và lần sau sẽ làm tốt hơn."
    Quảng cáo
14

Suy ngẫm về quá khứ nhưng đừng chìm đắm trong quá khứ

  1. Hãy tìm các bài học từ những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng đừng mãi nuối tiếc. Dù là bạn khơi lại những trải nghiệm đau khổ đã qua hay luyến tiếc “những ngày xưa tươi đẹp”, cuộc sống của bạn vẫn là những gì xảy ra hôm nay, và điều quan trọng là phải chấp nhận. Nếu bạn vẫn tiếp tục sống với quá khứ thì nó sẽ ngăn cản bạn tiến lên phía trước. Thay vào đó, hãy suy ngẫm về những gì mà bạn đã trải qua. Hãy tự hỏi bản thân có rút ra được bài học nào từ những trải nghiệm đó để tránh lặp lại sai lầm cũ.[17]
    • Ví dụ, bạn có thể nhận thấy mình luôn phải gắng sức vì không thể từ chối lời nhờ vả của bất cứ ai. Thay vì thất vọng với bản thân, bạn hãy quyết định đặt ra các ranh giới với những người khác.[18]
15

Tha thứ cho bản thân và những người khác

  1. Buông bỏ những oán giận trong lòng. Cảm giác oán ghét – dù là đối với bản thân hoặc những người khác – sẽ rút cạn năng lượng của bạn mà không đem lại bất cứ điều gì tốt đẹp. Nếu bao lâu nay bạn vẫn giữ nỗi oán giận với ai đó, vậy thì việc thiết lập lại cuộc sống sẽ là một cơ hội tuyệt vời để xem lại vai trò của bản thân trong đó, và hãy quên nó đi. [19]
    • Khi trở thành nạn nhân của những hành động của những người khác trong quá khứ thì nghĩa là bạn đã đặt hạnh phúc của mình vào tay họ, cho dù họ có biết hay không.
    • Tâm sự với một người khác cũng là một giải pháp hữu ích. Đôi khi người ngoài cuộc có thể giúp bạn hiểu ra những điều mà một mình bạn không nhìn thấy.
    Quảng cáo
16

Nhớ rằng sự kết thúc không phải lúc nào tồi tệ

  1. Đừng sợ phải rời xa điều gì đó. Một khởi đầu mới là một cơ hội để trút đi những gánh nặng không cần thiết trong cuộc sống. Thì giờ là vàng bạc. Để có thể tập trung làm những gì bạn muốn, hãy rời bỏ những sự việc, con người và vị trí không còn giúp ích gì cho bạn. Đừng ngại thay đổi – biết đâu lại có điều gì đó tuyệt vời đang chờ bạn ở ngã rẽ tiếp theo![20]
    • Khi hài lòng và hạnh phúc hơn trong cuộc sống, bạn sẽ quan tâm hơn tới những con người và công việc mà bạn muốn gìn giữ.

Bài viết wikiHow có liên quan

Tập Thiền cho Người mới bắt đầuTập Thiền cho Người mới bắt đầu
Vượt qua Ham muốn Dục vọngVượt qua Ham muốn Dục vọng
Kiềm chế Cơn đói Nhanh chóngKiềm chế Cơn đói Nhanh chóng
Tránh nóng Mùa hè Không cần Điều hòaTránh nóng Mùa hè Không cần Điều hòa
Ngừng Suy nghĩ về Tình dụcNgừng Suy nghĩ về Tình dục
Bỏ Chứng nghiện Xem SexBỏ Chứng nghiện Xem Sex
Vượt qua Cơn nghiện Sử dụng Điện thoại Di đôngVượt qua Cơn nghiện Sử dụng Điện thoại Di đông
Trở thành Người hướng nội Nếu bạn là Người hướng ngoạiTrở thành Người hướng nội Nếu bạn là Người hướng ngoại
Sống Thoải máiSống Thoải mái
Đối phó với việc không có bạn bèĐối phó với việc không có bạn bè
Ký tên lên thẻ tín dụngKý tên lên thẻ tín dụng
Ra đi thanh thảnRa đi thanh thản
Thay đổi toàn bộ tính cáchThay đổi toàn bộ tính cách
Trở thành người hữu ích và đóng góp cho xã hộiTrở thành người hữu ích và đóng góp cho xã hội
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Guy Reichard
Cùng viết bởi:
Huấn luyện viên cuộc sống
Bài viết này đã được cùng viết bởi Guy Reichard. Guy Reichard là huấn luyện viên cuộc sống và người sáng lập của Coaching Breakthroughs, một công ty hành nghề huấn luyện cuộc sống nghề nghiệp tại Toronto, Ontario, Canada. Ông làm việc với khách hàng để tạo ra ý nghĩa, mục đích và sự yên bình trong cuộc sống của họ. Guy có hơn 10 năm huấn luyện phát triển cá nhân và nâng cao sự kiên cường, giúp khách hàng khám phá con người thật của họ và kết nối với những giá trị sâu bên trong. Ông là huấn luyện viên nghề nghiệp được Adler và Liên đoàn Huấn luyện viên Quốc tế chứng nhận. Ông có bằng cử nhân tâm lý học của Đại học York năm 1997 và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học York năm 2000. Bài viết này đã được xem 12.711 lần.
Trang này đã được đọc 12.711 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo