X
Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Bài viết này đã được xem 16.136 lần.
Mốt xỏ khuyên rốn ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Vì nhiều lý do, một số người chọn cách tự xỏ khuyên rốn. Nếu định tự xỏ khuyên tại nhà, bạn hãy đọc tiếp bài viết này. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng xỏ khuyên ở cơ sở chuyên nghiệp bao giờ cũng an toàn hơn.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 3:
Chuẩn bị xỏ khuyên
-
1Chuẩn bị dụng cụ thích hợp. Dụng cụ thích hợp là yếu tố rất cần thiết khi xỏ khuyên rốn; nếu không, lỗ xỏ khuyên có thể tiến triển xấu hoặc bị nhiễm trùng nặng.[1] Để xỏ khuyên rốn một cách an toàn nhất có thể, bạn sẽ cần:
- Một kim xỏ khuyên vô trùng cỡ 14G, một khuyên rốn cỡ 14G làm bằng thép không gỉ, titan hoặc bioplast, cồn tẩy rửa hoặc gạc tẩm cồn, bút đánh dấu có thể dùng trên cơ thể, một kẹp xỏ khuyên và vài miếng bông gòn.
- Bạn không nên dùng kim khâu, kim băng hay súng bấm khuyên để xỏ khuyên rốn, vì những vật này không an toàn và không đem lại kết quả tốt.
-
2Tạo môi trường sạch sẽ. Trước khi bắt đầu xỏ khuyên rốn, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm trùng.[2] Xịt mặt bàn bằng chất khử trùng (không phải thuốc sát trùng).
-
3Rửa tay. Đừng quên rửa bàn tay (và cả cẳng tay) trong nước ấm! Mọi thứ đều phải hoàn toàn vô trùng. Một biện pháp an toàn hơn nữa là đeo găng tay latex (nếu là găng tay vô trùng và không bỏ ra ngoài). Lau khô tay bằng khăn giấy – không dùng khăn vải xốp, vì đó có thể là nơi vi khuẩn trú ngụ.[3]
-
4Khử trùng kẹp, kim xỏ khuyên và khuyên rốn. Những dụng cụ mới (bạn nên mua dụng cụ xỏ khuyên mới) thường ở trong bao bì vô trùng. Tuy nhiên, nếu dụng cụ không có bao bì hoặc đã được dùng rồi, bạn sẽ phải khử trùng trước khi xỏ khuyên.
- Bạn cũng có thể khử trùng bằng cách ngâm các dụng cụ trong cồn tẩy rửa khoảng 1-2 phút.
- Lấy các dụng cụ ra khỏi cồn (đeo găng tay latex nếu có thể) và đặt tất cả lên tờ khăn giấy sạch cho thật khô.
-
5Lau sạch vùng da xung quanh rốn. Trước khi xỏ khuyên, bạn cần làm sạch kỹ xung quanh rốn để loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt da. Tốt nhất là bạn nên dùng gel sát trùng chăm sóc da chuyên để xỏ khuyên (như Bactine) hoặc cồn tẩy rửa.[4]
- Tẩm nhiều cồn hoặc chất sát trùng vào bông gòn và lau kỹ vùng da sắp xỏ khuyên. Chờ cho khô hoàn toàn trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
- Nếu dùng cồn để sát trùng, điều quan trọng là bạn cần dùng cồn có nồng độ isopropanol trên 70% để đạt hiệu quả sát trùng cần thiết.
- Nếu cần, bạn hãy dùng tăm bông hoặc một vật tương tự để sát trùng trong rốn. Nhớ làm sạch cả bên trên và bên dưới vị trí định xỏ khuyên.
-
6Đánh dấu vị trí xỏ khuyên. Trước khi xỏ khuyên, bạn nên xác định điểm kim đâm vào và điểm kim đâm ra, vì vây việc dùng bút đánh dấu điểm vào và ra của kim xỏ khuyên là ý hay. Lỗ xỏ khuyên nên cách rốn khoảng 1 cm.[5]
- Người ta thường xỏ khuyên bên trên rốn thay vì bên dưới, nhưng bạn có thể chọn vị trí tùy theo ý thích.
- Dùng gương nhỏ cầm tay để kiểm tra xem hai điểm đánh dấu có thẳng hàng theo chiều dọc hoặc chiều ngang không. Chỉ thực hiện việc này trong tư thế đứng, vì bụng của bạn sẽ bị gập lại khi ngồi và bạn không thể canh thẳng được.
-
7Nghĩ xem có nên gây tê vùng da xỏ khuyên không. Một số người sợ đau có thể muốn gây tê vùng da xung quanh rốn bằng đá viên gói trong khăn trước khi xỏ khuyên.
- Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng da sẽ bi cứng và dai khi được làm tê bằng nước đá khiến cho kim khó xuyên qua hơn.
- Một cách khác là dùng tăm bông thoa một chút gel gây tê (như loại gel gây tê nướu trước khi tiêm) vào vùng da.
-
8Lúc này, bạn có thể vặn “đầu” chiếc khuyên rốn và tháo ra (để nguyên phần đuôi khuyên). Như vậy bạn sẽ không phải lúng túng khi đang phải giữ cố định cả kẹp và kim.Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:
Xỏ khuyên
-
1Kẹp vùng da đã lau sạch. Bây giờ bạn có thể bắt đầu xỏ khuyên! Dùng kẹp xỏ khuyên để kẹp vùng da rốn và kéo ra xa người một chút.[6]
- Điểm đâm kim vào được đánh dấu nên ở giữa nửa dưới của kẹp, và điểm đâm kim ra sẽ ở giữa nửa trên của kẹp.
- Nhớ cầm kẹp bằng tay không thuận, vì bạn cần dùng tay khỏe và vững vàng hơn để cầm kim.
-
2Chuẩn bị kim. Bạn cần dùng kim xỏ khuyên vô trùng cỡ 14G. Loại kim này rỗng ở giữa, giúp bạn dễ dàng đeo khuyên rốn vào khi bạn đẩy kim qua.[7]
-
3Xỏ kim từ dưới lên. Canh đầu nhọn của kim trùng với điểm đánh dấu ở phần dưới của kẹp. Hít một hơi sâu và đẩy chiếc kim xuyên qua da với một động tác mượt mà, đảm bảo đầu ra của kim trùng với điểm đánh dấu ở phần trên của kẹp.
- Đừng bao giờ xuyên kim từ trên xuống. Bạn cần phải nhìn thấy điểm ra của kim, mà việc này thì không thể nếu bạn xuyên kim từ trên xuống.
- Tư thế đứng khi xỏ khuyên là tốt nhất, vì bạn sẽ dễ thao tác nhất và quan sát được việc đang làm khi đứng. Nhưng nếu sợ bị choáng ngất, bạn hãy nằm xuống khi xỏ khuyên (không ngồi!)
- Đừng lo nếu lỗ xỏ khuyên có chảy máu chút ít – hiện tượng này là hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần dùng tăm bông sạch nhúng dung dịch muối để lau sạch máu.
-
4Đeo khuyên rốn. Đặt đuôi trang sức đã tháo đầu vào lỗ rỗng của kim (trang sức sẽ gần như bằng hoặc nhỏ hơn kim một chút) và đẩy kim ra cùng với trang sức. KHÔNG kéo kim ra. Bạn cần phải giữ nguyên sự tiếp xúc giữa kim và khuyên rốn để sự chuyển tiếp được mượt mà. Chiếc kim sẽ rơi ra khỏi đuôi trang sức khi ra khỏi da, vì vậy bạn cần sẵn sàng bắt lấy.[8]
- Cố gắng đừng kéo kim ra quá sớm trước khi trang sức đã xuyên qua hẳn!
- Lấy đầu trang sức mà bạn đã tháo ra trước đó vặn lại vào đuôi trang sức. Tuyệt vời! Vậy là rốn của bạn đã được đeo khuyên!
-
5Rửa tay và lau lỗ xỏ khuyên. Ngay sau khi hoàn tất, bạn hãy rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, sau đó dùng bông gòn nhúng dung dịch muối hoặc dung dịch rửa vết thương và lau xung quanh lỗ xỏ khuyên thật nhẹ nhàng.[9]
- Đây là chế độ vệ sinh trong ngày đầu tiên và tất nhiên là quan trọng nhất. Bạn nên dành vài phút để lau rửa thật kỹ.
- Đừng kéo lỗ xỏ khuyên. Bạn hãy lau rửa và để yên cho lỗ xỏ khuyên lành lại. Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu chạm vào hoặc nghịch khuyên.
Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:
Thực hiện đúng các bước chăm sóc sau khi xỏ khuyên
-
1Chăm sóc lỗ xỏ khuyên. Công việc của bạn vẫn chưa xong đâu! Nhớ rằng lỗ xỏ khuyên mới cũng là vết thương hở, vì vậy một điều cực kỳ quan trọng là bạn phải duy trì chế độ vệ sinh nghiêm ngặt trong vài tháng sau đó. Bạn sẽ phải tiếp tục thực hiện việc này cho đến khi lỗ xỏ khuyên lành hẳn để ngăn ngừa nhiễm trùng và ngứa.[10]
- Rửa lỗ xỏ khuyên bằng xà phòng diệt khuẩn mỗi ngày một lần. Tránh dùng cồn tẩy rửa, oxy già hoặc thuốc mỡ, vì các chất này có thể gây khô và kích ứng da nếu dùng hàng ngày.
-
2Rửa bằng dung dịch muối. Một cách rất hay để lỗ xỏ khuyên sạch và không bị nhiễm trùng là rửa bằng dung dịch muối. Bạn có thể mua dung dịch muối ở hiệu thuốc hoặc ở cơ sở xỏ khuyên, hoặc tự pha nước muối ở nhà bằng muối biển không chứa i ốt với 1 cốc nước ấm.[11]
- Nhúng tăm bông vào dung dịch và cẩn thận lau xung quanh cả hai đầu của lỗ xỏ khuyên.
- Đẩy nhẹ trang sức từ đầu này ra đầu kia để lau rửa cả trang sức.
-
3Tránh bơi lội ở bất cứ vùng nước nào. Dù là sông, hồ hay bồn tắm nước nóng, bạn cần tránh ngâm nước trong vài tháng đầu, vì nước có thể là nơi trú ngụ của vi khuẩn và dễ dàng gây nhiễm trùng cho lỗ xỏ khuyên.[12]
-
4Chờ một thời gian cho lỗ xỏ khuyên lành. Nếu bạn thấy có dịch trong hoặc trắng thì nghĩa là vết thương đang lành bình thường. Bất cứ thứ gì có màu hoặc mùi đều là dấu hiệu nhiễm trùng và cần phải được bác sĩ kiểm tra.[13]
- Một số chuyên gia khuyến khích thực hiện chế độ chăm sóc nghiêm ngặt trong 4-6 tháng sau khi xỏ khuyên rốn. Sau 2 tháng, bạn hãy đánh giá tình trạng lỗ xỏ khuyên.
- Đừng nghịch khuyên! Bạn cần để yên cho lỗ xỏ khuyên lành lại trước khi thay khuyên. Bạn có thể thay đầu trang sức, nhưng đừng động đến phần đuôi. Hành động này không những gây đau mà còn làm chậm quá trình chữa lành.
-
5Chú ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng. Ngay cả khi có vẻ như đã lành, lỗ xỏ khuyên vẫn có thể bị nhiễm trùng. Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng (các dấu hiệu bao gồm sưng, đau, chảy máu hoặc rỉ dịch), bạn hãy chườm ấm cách 3-4 tiếng một lần, sau đó rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng và bôi kem kháng sinh.[14]
- Nếu không thấy đỡ trong vòng 24 tiếng, bạn hãy gọi cho bác sĩ.
- Nếu không muốn đến bác sĩ, bạn có thể đến gặp thợ xỏ khuyên. Họ sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ chăm sóc và cung cấp cho bạn các sản phẩm chuyên dụng.
- Đừng bao giờ tháo khuyên rốn ra khi điều trị nhiễm trùng – hành động này sẽ chỉ khiến ổ nhiễm trùng có nguy cơ bị kẹt bên trong lỗ xỏ khuyên.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Tìm hiểu về việc xỏ khuyên rốn. Bạn phải chắc chắn là muốn xỏ khuyên rốn và tự tin khi thực hiện tại nhà.
- Đừng chạm vào lỗ xỏ khuyên mới. Bạn chỉ nên chạm vào khi lau rửa vết thương bằng xà phòng diệt khuẩn.[15]
- Để ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu có nghi ngờ nào, bạn hãy đến gặp bác sĩ.
- Nếu không tự tin khi tự xỏ khuyên, bạn hãy tìm thợ xỏ khuyên chuyên nghiệp.
Cảnh báo
- Không dùng các vật gia dụng sẵn có trong nhà để xỏ khuyên. Chúng không an toàn và có thể gây nhiễm trùng.
- Việc xỏ khuyên có thể gây sẹo nếu sau này bạn không đeo khuyên.
- Bạn có thể gặp nguy hiểm khi tự xỏ khuyên. Nếu quá thích xỏ khuyên rốn, tốt nhất là bạn nên đến cơ sở xỏ khuyên chuyên nghiệp.
- Việc này không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi.
- Đừng dùng súng bấm khuyên. Súng bấm khuyên rất mất vệ sinh và nó xỏ khuyên bằng lực mạnh.
Những thứ bạn cần
- Kim rỗng cỡ 14 G vô trùng. Bạn cũng có thể dùng kim cannula để xỏ trang sức cho dễ hơn.
- Bút đánh dấu
- Cồn tẩy rửa hoặc các chất sát trùng da khác
- Kẹp/nhíp
- Trang sức vô trùng (cỡ 14G và 18mm để chừa chỗ khi vết thương sưng to. Khuyên bioplast hoặc bioflex là tốt nhất vì nó có thể uốn theo cơ thể và cắt ngắn được khi vết thương bớt sưng).
- Găng tay latex vô trùng (không bắt buộc, nhưng bạn nên sử dụng)
Tham khảo
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=F4V0Vq5DkcY
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WHkQhwo3PM0
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WHkQhwo3PM0
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WHkQhwo3PM0
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WHkQhwo3PM0
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=F4V0Vq5DkcY
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=F4V0Vq5DkcY
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=F4V0Vq5DkcY
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WHkQhwo3PM0
- ↑ https://uhs.berkeley.edu/health-topics/body-piercings
- ↑ https://www.safepiercing.org/aftercare.php
- ↑ https://www.safepiercing.org/aftercare.php
- ↑ https://www.safepiercing.org/aftercare.php
- ↑ https://myhealth.alberta.ca/Health/aftercareinformation/pages/conditions.aspx?hwid=abk1292
- ↑ https://www.safepiercing.org/aftercare.php
Về bài wikiHow này
Ngôn ngữ khác
Français:se percer soi même le nombril
Português:Fazer seu Próprio Piercing no Umbigo
Bahasa Indonesia:Menindik Pusar Anda Sendiri di Rumah
Čeština:Jak si udělat piercing pupíku
Nederlands:Je eigen navel piercen
العربية:ثقب سرتك في المنزل
Trang này đã được đọc 16.136 lần.
Bài viết này đã giúp ích cho bạn?
Quảng cáo