Bài viết này đã được cùng viết bởi Lisa Bryant, ND. Tiến sĩ Bryant được cấp bằng Bác sĩ chuyên ngành thiên nhiên liệu pháp và chuyên gia y học tự nhiên tại Portland, Oregon. Cô đã hoàn thành chương trình nội trú tại khoa Y học thiên nhiên liệu pháp cho gia đình tại Đại học Y khoa Quốc gia năm 2014.
Có 26 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.095 lần.
Chóng mặt hay cảm giác quay cuồng có nguyên nhân phổ biến nhất là từ bệnh chóng mặt lành tính do tư thế (BPPV) gây ra, đây là vấn đề cơ học xảy ra ở tai trong. Bệnh BPPV phát triển khi một số hạt sỏi ở tai trong bung ra và rơi vào ống tai, là nơi chứa nhiều dịch lỏng mà lẽ ra không được có vật thể lạ rơi vào. Khi số lượng sỏi tích lũy nhiều dần ở một trong các ống tai, chúng làm gián đoạn sự di chuyển của dịch lỏng, là chất để cảm nhận chuyển động của đầu. Kết quả là tai trong gửi tín hiệu cảm nhận chuyển động sai về não, khiến bạn có cảm giác quay cuồng hoặc giống như không gian đang quay xung quanh bạn. Có một số cách tự điều trị chứng chóng mặt mà bạn nên thử. Tuy nhiên, khi triệu chứng này xuất hiện bạn nên đi khám bệnh ngay để loại trừ khả năng mắc các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tim, đột quỵ, xuất huyết hay có khối u.[1] [2]
Các bước
Áp dụng cách điều trị được y học xác nhận
-
1Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong và sau khi chóng mặt. Nghỉ càng nhiều càng tốt, dù trong thế giới hiện đại ngày nay chúng ta khó có thời gian để nghỉ, nhưng việc này có thể giảm tối đa tác động của chứng chóng mặt.[3] [4]
- Bất kì khi nào thấy chóng mặt bạn nên ngồi hoặc nằm xuống ngay. Chuyển động bất ngờ - đôi khi chỉ cần có cử động - sẽ khiến cảm giác chóng mặt nặng hơn.
- Tránh nguồn phát ra ánh sáng mạnh, như tivi, đèn hoặc màn hình điện thoại vì chúng làm triệu chứng nặng thêm.
- Khi chóng mặt bạn không được lái xe hay vận hành máy móc nặng, tránh những nơi có đèn nhấp nháy như máy chơi game, rạp chiếu phim, sàn nhảy v.v...
-
2Uống nước. Thiếu nước có thể gây ra chóng mặt vì nó giảm lưu lượng máu, dẫn đến thiếu ôxi cung cấp cho não. Bên cạnh đó, hệ thống giữ thăng bằng ở tai trong sử dụng dịch lỏng để truyền thông tin về mức chất lỏng trong cơ thể, đáp lại thông tin đó não bộ sẽ phát tín hiệu tạo cảm giác thăng bằng. Thường xuyên cung cấp nước đặc biệt khi tập thể dục và bị tiêu chảy sẽ có thể giảm tối đa chứng chóng mặt.[5]
- Cơ thể cần 2,2-3 lít chất lỏng mỗi ngày. Bạn uống loại chất lỏng nào cũng được nhưng nước lọc là tốt nhất. Nước không chứa calo rỗng, chất caffein và cũng không lợi tiểu, không giống như sô đa, cà phê, trà và nước ép hoa quả.[6]
-
3Thử dùng gừng. Nhiều thủy thủ Trung Quốc trong hàng thế kỷ đã dùng gừng để chống say sóng, và ngày nay người ta dùng gừng để chống chóng mặt. Bạn có thể cho gừng vào đồ ăn, trà hoặc thậm chí ăn trực tiếp không qua chế biến.[7]
- Gừng có tác dụng chống huyết áp cao, giảm axít trong máu và giúp tuần hoàn máu tốt hơn, nhờ đó giảm chóng mặt. Người ta tin rằng trong gừng có những chất kiểm soát được sự khích động nên giúp dạ dày bớt khó chịu và giảm chóng mặt.
- Pha trà gừng bằng cách cho một lát gừng vào cốc nước sôi. Bạn có thể dùng tới ba củ nhỏ mỗi ngày, nhưng thông thường chỉ cần một củ hoặc một muỗng canh nước ép gừng là đủ cho cơ thể.
-
4Dùng thuốc chống say xe. Các thuốc chống say xe có thể mua không cần toa như meclizine hay dimenhydrinate có thể trị chứng chóng mặt. Tuy nhiên bạn chỉ nên uống khi thật sự cần thiết để tránh lệ thuộc vào thuốc. Tốt hơn bạn nên xử lý nguyên nhân gây ra chóng mặt thay vì lạm dụng thuốc.[8]
- Nhờ bác sĩ tư vấn trước khi tự uống thuốc điều trị chóng mặt. Họ sẽ cho bạn biết nên uống loại thuốc nào và liều dùng phù hợp là bao nhiêu.
Quảng cáo
Áp dụng cách điều trị chưa được y học xác nhận
-
1Ăn nhiều hạnh nhân hơn. Hạnh nhân là một trong những loại hạt tốt nhất chứa rất nhiều vitamin A, B và E. Ăn năm hạt hạnh nhân mỗi ngày sẽ rất có lợi trong việc điều trị chóng mặt, bất kể là ăn trực tiếp, nghiền ra hay trộn vào thức ăn.[9]
- Người ta chưa rõ cơ chế tác động thế nào nhưng cho rằng chính vitamin B và E trong hạnh nhân giúp triệt tiêu gốc tự do là nguyên nhân gây chóng mặt.
- Bạn nên ngâm hạnh nhân trong nước một giờ trước khi ăn.
-
2Sử dụng chanh trong bữa ăn. Dùng vỏ chanh hoặc vắt vài giọt nước ép vỏ chanh vào thức ăn mỗi ngày không chỉ làm tăng thêm hương vị mà còn bổ sung chất chống ôxi hóa và khoáng vi lượng, là những chất có hiệu quả với chứng chóng mặt.
- Chanh giàu vitamin C giúp triệt tiêu gốc tự do gây ra chóng mặt. Bạn có thể vắt chanh vào nước ép táo có pha gừng nếu muốn.[10]
-
3Sử dụng giấm táo và mật ong. Trong hàng thế kỷ người ta đã biết mật ong có thể dùng làm thuốc. Bạn pha hai phần mật ong với một phần giấm táo và uống một muỗng canh hỗn hợp này 2 hay 3 lần mỗi ngày.[11]
- Hỗn hợp mật ong và giấm táo có thể ngăn chặn hoặc điều trị chóng mặt, vì sự kết hợp này cho phép máu lưu thông tới não tốt hơn.
-
4Pha thức uống chống buồn nôn. Khi chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bạn hòa bốn hạt tiêu đen nghiền mịn, bảy tới tám giọt nước cốt chanh và một nhúm muối nhỏ vào cốc nước ấm. Khuấy đều trước khi uống. [12]
- Hỗn hợp này chỉ nên dùng để giải trừ chóng mặt cấp tính, không được uống đều đặn mỗi ngày. Nó giúp làm dịu cơn buồn nôn đi kèm với chóng mặt, vì axít trong chanh kết hợp với muối sẽ hạn chế kích thích dạ dày.
-
5Dùng quả lý gai, hay còn gọi là lý gai Ấn Độ. Loại quả này giàu vitamin C, vitamin A, chất chống ôxi hóa, flavonoid và pectin. Chúng duy trì dinh dưỡng và sức sống cho cơ thể. Vitamin C trong quả lý gai có tác dụng trung hòa gốc tự do và nhờ đó chống lại cảm giác chóng mặt.[13] Đây là cách điều trị thuộc về y học Ấn Độ cổ đại, một dạng y học tổng thể.
- Bạn có thể ăn sống 1-2 quả mỗi ngày, hoặc ép lấy nước, pha trà mỗi ngày và tốt nhất nên uống vào buổi sáng.[14]
- Ngoài ra bạn có thể dầm quả lý gai thành nước sốt và ăn chung với đồ ăn. Khoảng hai thìa canh hỗn hợp là đủ cho nhu cầu một ngày.
-
6Ăn sữa chua và dâu. Ăn hỗn hợp sữa chua/sữa đông với dâu tây tươi mỗi ngày cũng trị chứng chóng mặt gần như tức thời.[15]
- Ngay khi có dấu hiệu chóng mặt, bạn dùng một bát sữa chua nhỏ (khoảng 120 gam) và thêm vào năm hay sáu quả dâu tươi. Tuy nhiên, nếu bạn hay đau nửa đầu thì nên tránh ăn sữa chua vì trong sữa chua có chứa tyramin là chất xúc tác gây đau đầu.[16]
- Flavonoid có trong các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, lý gai và nam việt quất. Những loại quả này rất giàu chất chống ôxi hóa nên có hiệu quả điều trị chóng mặt. Bên cạnh đó vitamin C có trong quả mọng cũng rất có lợi cho tình trạng bệnh.
- Bạn có thể thêm hạnh nhân cắt nhỏ vào hỗn hợp sữa chua và quả mọng để tăng cường hiệu quả.
Quảng cáo
Thực hiện các bài tập
-
1Phương pháp chuyển dời sỏi tai Epley. Phương pháp Epley giúp tái lập cơ chế giữ thăng bằng ở tai trong bằng cách dịch chuyển các hạt sỏi trong cơ quan tiền đình (cơ quan giữ thăng bằng). Các hạt này mắc kẹt ở tai trong là nguyên nhân gây ra chóng mặt. Bạn có thể tự tập ở nhà, dù ban đầu bạn nên để chuyên gia y tế hướng dẫn vì phương pháp này đòi hỏi phải thực hiện một số thao tác nhanh. Lưu ý rằng phương pháp Epley hiệu quả với 90% các trường hợp nhưng ban đầu sẽ làm chóng mặt trầm trọng hơn. Bạn nên nhờ một người bạn hay người thân hỗ trợ để đảm bảo đầu tiếp đất đúng vị trí khi tập. Dưới đây là cách thực hiện:[17] [18]
- Ngồi trên giường. Đặt một chiếc gối phía sau sao cho khi bạn nằm thẳng ra, nó sẽ kê đúng vào vị trí hai vai.
- Xoay đầu 45 độ bằng cách nhìn sang bên phải.
- Nằm xuống thật nhanh và đặt vai lên trên gối, khi đó đầu bạn sẽ thấp hơn vai và mắt vẫn đang nhìn về phía phải 45 độ. Giữ nguyên vị trí đó trong 30 giây.
- Sau khi hết 30 giây bạn xoay đầu 90° sang bên trái, không nâng cao đầu trong khi chuyển động. Giữ nguyên vị trí này trong 30 giây.
- Xoay toàn bộ cơ thể và đầu thêm 90° nữa về bên trái và chờ trong 30 giây. Lúc này bạn đang nằm trên hông trái, đầu phải thấp hơn hai vai.
- Lập lại bài tập ba lần mỗi ngày để có kết quả tốt nhất.
-
2Phương pháp lộn nửa vòng. Đây cũng là một bài tập tốt nhưng không giống phương pháp Epley, bạn không cần người hỗ trợ khi tập. Một nghiên cứu phát hiện những bệnh nhân tập cả hai phương pháp sẽ giảm triệu chứng chóng mặt, nhưng nếu bạn chỉ tập lộn nửa vòng thì vừa giảm chóng mặt vừa gặp ít biến chứng hơn. Bạn sẽ phải thực hiện bài tập này nhiều lần để thấy hiệu quả. Cách làm như sau:[19] [20]
- Quỳ lên đầu gối và nhìn vào trần nhà trong vài giây.
- Chạm đầu xuống đất. Hơi ép cằm vào ngực sao cho đầu di chuyển về phía đầu gối, tiếp tục chờ cho đến khi chóng mặt dịu bớt (khoảng 30 giây).
- Xoay đầu về hướng có tai bị ảnh hưởng (nghĩa là nếu bạn chóng mặt ở bên trái thì quay đầu đối mặt với khủy tay trái). Giữ yên đầu ở vị trí này trong 30 giây.
- Sau đó nâng đầu lên bằng lưng trong tư thế bạn đang quỳ trên cả tay và chân, lúc này xương sống nằm trên đường thẳng. Giữ đầu nằm ở góc 45° đó và để yên tư thế trong 30 giây.
- Nâng cao đầu và lưng để trở về tư thế quỳ thẳng, nhưng vẫn giữ đầu nghiêng về phía vai có tai bị ảnh hưởng. Từ từ đứng thẳng dậy.
- Nghỉ ngơi 15 phút trước khi lập lại lần hai hoặc tập cho phía còn lại.
-
3Bài tập của Brandt Daroff. Bài tập này đòi hỏi phải vận động đầu và cơ cổ, có thể tự thực hiện ở nhà mà không cần bác sĩ giám sát. Thao tác chuyển động liên tục của đầu khi tập giúp bạn làm quen với cảm giác chóng mặt nhờ vào sự phân tán của các hạt trong cơ quan tiền đình.[21]
- Bắt đầu ở tư thế ngồi thẳng lưng. Nhanh chóng nằm xuống trên một bên hông với đỉnh mũi hướng lên một góc 45°. Giữ yên tư thế này trong 30 giây (hoặc đến khi hết chóng mặt), sau đó quay trở về tư thế ngồi. Tập tương tự cho phía hông bên kia.
- Bài tập này hiệu quả nhất khi bạn tập nhiều lần, ít nhất hai lần mỗi ngày.
-
4Tập "che mắt" mỗi sáng. Chính mối liên hệ giữa cơ mắt và tai trong giúp chúng ta giữ thăng bằng trong hoạt động hằng ngày trong khi đầu đang chuyển động. Tuy nhiên, sau khi bong ra các hạt sỏi tai khiến bạn nghĩ rằng mình đang di chuyển nhưng thực tế thì không, khiến mắt nhầm tưởng nên chuyển động theo và hệ quả là bạn thấy căn phòng như đang quay tròn. Đó là lý do vì sao bạn phải tăng cường sức khỏe cơ mắt. Theo thời gian khi cơ mắt khỏe dần, độ nhạy cảm của ống tai trong sẽ giảm và kéo theo tần suất cũng như độ nghiêm trọng của chứng chóng mặt giảm theo.[22]
- Ngay khi ngủ dậy bạn dùng tay che một trong hai mắt và nhắm mắt đó trong 20 giây, trong khi đó dùng mắt còn lại nhìn ra xa và tập trung vào một điểm. Sau đó chuyển bàn tay qua mắt kia và để mắt vừa che tập theo cách tương tự. Lập lại 10 lần mỗi ngày khi vừa thức dậy.
-
5Tập trung mắt nhìn một điểm cố định. Nhìn chằm chằm vào một điểm giúp bạn hết chóng mặt, đồng thời cải thiện thị lực và duy trì sự tập trung của mắt trong khi đầu đang chuyển động. Đó là lý do vì sao khi thực hiện động tác xoay vòng các vũ công phải nhìn vào "một điểm", và khi cơ thể đang quay họ phải liên tục tập trung tầm nhìn như vậy. Kỹ thuật này giúp họ xoay người mà không bị chóng mặt, và đó chính là nguyên lý mà chúng ta đang áp dụng ở đây. Tập trung nhìn vào một điểm nằm trước mắt trong lúc đang chóng mặt để từ từ lấy lại thăng bằng. Bạn có thể tập luyện như sau:[23]
- Nhìn thẳng về phía trước và tập trung vào một vật gì đó (như một chấm màu nhỏ) nằm ngang tầm mắt.
- Di chuyển đầu qua lại trong khi vẫn nhìn chằm chằm vào điểm này. Bạn tăng tốc độ quay đầu từ từ nhưng vẫn cố gắng nhìn cố định vào mục tiêu, và khi đó mục tiêu vẫn phải là một điểm rõ ràng chứ không nhòe đi. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt thì nên giảm chậm lại.
- Tiếp tục quay đầu qua lại trong một phút vì não bộ cần thời gian làm quen với tình trạng này.
- Tập luyện cho đến khi bạn có thể thực hiện bài tập từ ba tới năm lần mỗi ngày. Để làm được như vậy bạn cần có thời gian làm quen từ từ.
- Thay vì quay đầu qua lại bạn có thể tập bằng cách gật đầu lên xuống.
-
6Thực hiện động tác xoay đầu đơn giản. Trong khi đang ngồi thẳng lưng trên ghế, bạn cúi đầu xuống để cằm chạm vào ngực và bắt đầu xoay đầu theo chiều kim đồng hồ, làm một cách chậm rãi nhưng vững vàng và lập lại ba lần. Cách tập này giúp xả lỏng co thắt trong cơ và giảm chóng mặt.[24] [25]
- Lập lại ba lần theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Nghỉ 45 giây giữa mỗi lần đổi hướng xoay. Sau đó quay đầu về một trong hai phía, trong khi quay bạn dùng lòng bàn tay của phía đó chống lại chuyển động của đầu để kéo căng cơ cổ.
Quảng cáo
Thay đổi lối sống
-
1Tránh dùng các chất làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lên não. Bạn phải để ý tránh các chất làm thay đổi lượng máu cấp lên não, bao gồm caffein, sôcôla, rượu bia và nhiều loại thuốc phi pháp.[26]
- Chúng khiến dây thần kinh sưng lên, trong khi mạch máu co lại và dẫn tới cảm giác chóng mặt. Nếu muốn dùng các chất này bạn phải ăn no, nếu không tác động của chúng sẽ còn mạnh hơn.
-
2Ngủ đủ giấc. Ngủ không đủ giấc có thể gây ra hoặc làm chóng mặt nặng hơn. Để có giấc ngủ đủ vào ban đêm bạn nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Mỗi người có nhu cầu ngủ khác nhau, tuy nhiên người lớn thường phải ngủ từ bảy tới chín tiếng. Trẻ em và thiếu niên nên ngủ nhiều hơn.[27] [28]
- Cố gắng chờ tới giấc ngủ tối và tránh ngủ trưa nếu bạn đang cố tập thói quen ngủ ổn định mỗi đêm. Ngủ trưa là cách phục hồi năng lượng rất tốt khi bạn đang có giờ giấc ngủ ổn định, nhưng nó lại phản tác dụng khi bạn muốn thay đổi thói quen ngủ tối.
-
3Duy trì chế độ ăn lành mạnh. Chế độ ăn chống viêm đặc biệt hữu ích để giảm viêm, bao gồm các chứng rối loạn dẫn tới bệnh “viêm” các loại. Cách ăn này cũng cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt nếu bạn ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nguyên tắc chung của chế độ ăn chống viêm (tương tự chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải) như sau:[29]
- Cố gắng ăn thực phẩm ở dạng gần với dạng ban đầu hay dạng thiên nhiên của nó. Điều này có nghĩa bạn phải hạn chế ăn thực phẩm đã qua chế biến hay làm sẵn, cố gắng nấu từ dạng thô ban đầu bất kì khi nào được.
- Giảm tiêu thụ muối và đường bằng cách hạn chế ăn khoai tây chiên, bánh quy các loại, bánh nói chung và v.v...
- Sử dụng dầu ôliu làm dầu nấu ăn vì nó chứa nhiều chất béo có lợi.
- Tránh ăn thực phẩm chiên hoặc chứa nhiều chất béo, chẳng hạn bánh hành rán, khoai tây chiên, hamburger và xúc xích v.v...
- Hạn chế ăn thịt đỏ và chỉ ăn thịt gia cầm không da hoặc cá.
- Tăng lượng cá trong bữa ăn. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá cơm biển là nguồn cung cấp axít béo omega 3 dồi dào.
- Tăng lượng hoa quả, quả mọng và rau, bao gồm các loại quả và quả mọng có màu sáng, rau có lá như củ cải Thụy Sĩ, bó xôi, củ dền, cải bẹ xanh và cải xoăn. Bạn cũng nên bổ sung thêm bông cải xanh, súp lơ và cải Brussels, chúng có tính kháng viêm và ngăn ngừa ung thư.[30]
- Hành và tỏi cũng có chất kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch nên bạn có thể kết hợp vào thực phẩm hằng ngày.[31]
-
4Tập thể dục đều đặn. Nhu cầu vận động của mỗi người không giống nhau, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ thì người lớn nên tập bài tập làm tăng nhịp tim ở mức độ vừa phải tới mạnh (như đi bộ nhanh) ít nhất hai tiếng rưỡi mỗi tuần, kèm theo hai ngày tập bài tập làm tăng sức mạnh (như nâng tạ).[32] [33]
- Dù tập thể dục không thể chữa hết chóng mặt nhưng nó giúp nâng cao sức khỏe tổng quát, có lợi tương tự như việc thay đổi chế độ ăn vừa thảo luận bên trên.
-
5Tập yoga. Yoga có lợi cho chứng chóng mặt vì nó giải phóng sự co thắt các cơ ở cổ và giữ chúng dẻo dai hơn. Tập yoga ít nhất 30 phút mỗi ngày trong thời gian dài sẽ ngăn chặn được chóng mặt và nâng cao khả năng chịu áp lực. Nó cũng tăng cường khả năng giữ thăng bằng, khai thác tối đa năng lực tập trung của não bộ.[34] [35]
- Yoga tốt cho cả tinh thần và thể chất. Căng thẳng sẽ giảm bớt, cơ bắp thả lỏng hơn và bạn không còn chóng mặt thường xuyên như trước.
- Tuy nhiên nếu đang mắc chứng chóng mặt, bạn nên cho huấn luyện viên yoga biết trước giờ học để họ điều chỉnh một số thế tập sao cho phù hợp.
-
6Cân nhắc tìm chuyên gia giúp đỡ. Chóng mặt có thể là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó, vì vậy bạn nên nhờ chuyên gia tư vấn nếu chóng mặt xảy ra thường xuyên. Sau khi khám sức khỏe tổng quát bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng khác như bệnh lý ác tính hoặc khối u.
- Nếu đang sống ở Mỹ bạn có thể liên lạc với Hiệp hội Bệnh rối loạn Tiền đình (VEDA) để tìm các nhóm hỗ trợ và nguồn tài nguyên cần thiết.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Chứng chóng mặt hay cảm giác quay cuồng không giống như trạng thái mê sảng. Chóng mặt khiến người ta cảm thấy như đang chuyển động hoặc môi trường xung quanh đang thật sự xoay quanh họ.
Tham khảo
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001432.htm
- ↑ http://vestibular.org/understanding-vestibular-disorders/types-vestibular-disorders/benign-paroxysmal-positional-vertigo
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menieres-disease/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028251
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000692.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menieres-disease/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028251
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-living/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/3537898
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000692.htm
- ↑ http://www.home-remedies-for-you.com/health-tips/vertigo-home-remedies.html
- ↑ http://thehealthyeatingsite.com/apple-lemon-ginger-juice/
- ↑ http://homeremedies.ygoy.com/2009/03/09/home-remedies-for-vertigo-dizziness/
- ↑ http://homeremedies.ygoy.com/2009/03/09/home-remedies-for-vertigo-dizziness/
- ↑ http://www.findhomeremedy.com/natural-cure-for-vertigo/
- ↑ http://www.herbalremediesinfo.com/herbal-remedies-for-vertigo.html
- ↑ http://www.findhomeremedy.com/natural-cure-for-vertigo/
- ↑ http://vestibular.org/understanding-vestibular-disorders/treatment/vestibular-diet
- ↑ https://www.activator.com/wp-content/uploads/Home%20Epley%20Handouts.pdf
- ↑ http://www.ucdenver.edu/about/newsroom/newsreleases/Pages/two-home-exercises-treat-vertigo.aspx
- ↑ http://www.ucdenver.edu/about/newsroom/newsreleases/Pages/two-home-exercises-treat-vertigo.aspx
- ↑ http://www.ucdenver.edu/about/newsroom/spotlight/patientcare/Pages/Do-it-yourself-Vertigo-Treatment.aspx
- ↑ http://www.brainandspine.org.uk/vestibular-rehabilitation-exercises
- ↑ Timothy C. Hain, MD, departments of physical therapy and human movement science, neurology, and otolaryngology, Northwestern University, Evanston, Ill.
- ↑ http://www.brainandspine.org.uk/vestibular-rehabilitation-exercises
- ↑ Radtke, A. Neurology, July 2004; vol 63: pp 150-152. Joseph M. Furman, MD, PhD, departments of otolaryngology, neurology, bioengineering, and physical therapy, University of Pittsburgh, Pennsylvania
- ↑ http://www.physio-pedia.com/Benign_Paroxysmal_Positional_Vertigo:Continuing_Professional_Development_Package
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menieres-disease/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028251
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000692.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-living/adult-health/expert-answers/how-many-hours-of-sleep-are-enough/faq-20057898
- ↑ http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/anti-inflammatory/anti-inflammatory-diet.php
- ↑ http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/cruciferous-vegetables-fact-sheet
- ↑ http://www.researchgate.net/publication/235318835_Antioxidant_anti-inflammatory_and_antimicrobial_properties_of_garlic_and_onions
- ↑ http://www.cdc.gov/physicalactivity/everyone/guidelines/adults.html
- ↑ http://www.cdc.gov/physicalactivity/everyone/guidelines/adults.html
- ↑ http://www.findhomeremedy.com/yoga-posture-exercises-for-vertigo/
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000692.htm