Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Đôi khi thật khó mà tập trung làm bài tập về nhà, nhất là vào những lúc bạn cảm thấy như thà làm bất cứ việc gì còn hơn. Có thể đầu óc của bạn cứ mải để ở chiếc điện thoại, cái bụng rỗng đang réo ùng ục, hay có lẽ bạn chỉ muốn nằm lăn ra ngủ một lúc. Nhưng không sao, bạn có thể đánh bại những thứ gây phân tâm và tập trung trở lại chỉ với một vài thay đổi đơn giản trong thói quen học tập.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 16:
Cất hết mọi thứ khiến bạn khó tập trung

  1. 1
    Nếu bạn không thể rời mắt khỏi điện thoại, hãy để nó ở xa tầm với. Bạn có thể cất vào ngăn kéo bàn học hoặc cho vào túi. Gập máy tính lại hoặc tắt máy tính bảng nếu bạn không cần dùng chúng để làm bài tập. Tắt tivi hoặc những bản nhạc khiến bạn mất tập trung.[1]
    • Một số người thực ra lại tập trung tốt hơn khi có một chút tiếng ồn xung quanh. Nếu tiếng nhạc khe khẽ êm dịu có thể giúp ích cho bạn thì nó hoàn toàn ổn! Nhưng nếu bạn cảm thấy phân tâm thì hãy tắt nhạc đi.
    Quảng cáo

Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 16:
Chặn các ứng dụng và trang web trên máy tính hoặc máy tính bảng

  1. 1
    Nếu bạn phải làm bài tập trên thiết bị nào đó thì thật là không dễ tập trung. Các ứng dụng như Forest, Screen Time, và OurPact có thể giúp bạn tránh các nguồn gây xao lãng thường gặp. Nếu bạn còn nhỏ, hãy nhờ bố mẹ hoặc người lớn nào đó cài đặt một trong những ứng dụng này giúp bạn.[2]
    • Ví dụ, bạn có thể cần chặn các ứng dụng hoặc website như Facebook hoặc YouTube khi đang học bài.
    • Nếu bạn thường để âm thanh thông báo trên thiết bị, hãy tắt đi để chúng không làm phiền bạn. Chiếc máy tính bảng kêu liên hồi vì thông báo trên Facebook sẽ rất phiền đấy!

Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 16:
Làm lần lượt từng bài tập

  1. 1
    Hiệu suất làm việc của bạn sẽ kém đi khi làm nhiều việc cùng lúc. Nếu bạn đang làm bài tập toán thì đừng cố nghe bài giảng sinh vật qua video. Có thể bạn tưởng rằng mình đang làm được nhiều việc hơn, nhưng thực ra thì bạn đang đi chậm lại mà không biết! Hãy hoàn thành cho xong một bài tập trước khi chuyển sang làm bài khác.[3]
    • Bạn cũng đừng cố tranh thủ nhắn tin cho bạn bè hoặc nói chuyện với người nhà trong khi làm bài tập.
    Quảng cáo

Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 16:
Chia các bài tập thành các nhiệm vụ nhỏ hơn

  1. 1
    Tập trung vào từng nhiệm vụ để công việc được dễ dàng hơn. Liệt kê các bước cần làm cho từng bài tập. Hoàn tất từng bước một trước khi chuyển sang bước tiếp theo.[4] Thậm chí bạn có thể cài chuông hẹn giờ để không dành quá nhiều thời gian cho từng phần.[5]
    • Ví dụ, nếu phải đọc một chương sách và viết bài cảm nhận, hãy bắt đầu bằng việc xem lướt qua các tiêu đề để nắm được các điểm quan trọng, sau đó đọc toàn bộ chương sách và ghi chú. Tiếp theo là lập dàn ý cho bài cảm nhận, sau đó viết bài và hoàn tất bằng việc kiểm tra lỗi.
    • Nếu bạn có hơn một bài tập phải làm, hãy lên danh sách những việc cần làm và đặt nhiệm vụ khó nhất hoặc quan trọng nhất lên trên cùng.

Phương pháp 5
Phương pháp 5 của 16:
Chuyển hướng tập trung lại khi tâm trí đi lan man

  1. 1
    Tâm trí bị xao lãng là điều hoàn toàn tự nhiên. Nếu bạn nhận thấy đầu óc bắt đầu mơ màng hoặc nghĩ ngợi vẩn vơ mà không chú tâm vào bài tập thì cũng đừng tự trách mắng mình. Điều này rất thường xảy ra! Bạn chỉ cần nhẹ nhàng hướng tâm trí quay lại với bài tập. Dần dần bạn sẽ làm tốt hơn sau một thời gian tập luyện.[6]
    • Tập trung vào một thứ gì đó cụ thể để kéo tâm trí trở về hiện thực cũng là một cách hữu ích. Ví dụ, hãy chú tâm vào hơi thở hoặc bất cứ âm thanh nào bạn nghe được ở xung quanh.
    • Nếu bạn cùng học với bạn bè hoặc anh chị em trong nhà, hãy nhờ họ hỗ trợ. Họ có thể nói những câu như “Cậu có tập trung không đấy?” hoặc vỗ vai bạn nếu họ nhận thấy bạn đang xao lãng.[7]
    Quảng cáo

Phương pháp 6
Phương pháp 6 của 16:
Dùng một vật gì đó để giữ tập trung

  1. 1
    Một số người tập trung tốt hơn nếu họ có một vật nào đó trong tay. Hãy vớ lấy một quả bóng giảm stress, con quay giảm stress hoặc móc chìa khoá – bất cứ thứ gì mà bạn có thể mân mê trong tay khi đang học.[8] Nếu bạn cần để tay rảnh, hãy bắt miệng phải bận rộn bằng cách nhai một thanh kẹo cao su, một thanh cà rốt hoặc miếng ngậm silicone.
    • Đây là những công cụ tuyệt vời để giúp người này tập trung nhưng lại có thể khiến người khác xao lãng. Đừng tiếp tục sử dụng nếu chúng khiến bạn phân tâm.

Phương pháp 7
Phương pháp 7 của 16:
Chuyển động hoặc giãn duỗi trong khi học

  1. 1
    Khoa học đã chứng minh rằng chúng ta học và suy nghĩ tốt hơn khi chuyển động. Khi ngồi yên một chỗ quá lâu, bạn sẽ rất dễ chán, bồn chồn và xao lãng. Thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy, đi vài bước hoặc vươn vai, thậm chí bạn có thể làm vài động tác nhảy jumping jack hoặc chạy tại chỗ vài phút. Đứng khi học bài cũng là một cách tuyệt vời để cải thiện khả năng tập trung.[9]
    • Thử ngồi trên quả bóng tập hoặc ghế bập bênh khi đang làm bài tập. Sự chuyển động có thể giúp bạn giữ tập trung.
    Quảng cáo

Phương pháp 8
Phương pháp 8 của 16:
Biến bài học thành trò chơi thú vị hơn

  1. 1
    Giả vờ như bạn đang thi đố vui. Cài chuông báo giờ xem thử bạn có thể hoàn thành bao nhiêu câu hỏi đúng trong 5 phút. Dùng thẻ học để tự kiểm tra kiến thức cũng là một cách hay. Nếu bạn biết đặt ra những mục tiêu và thử thách nhỏ cho bản thân thì ngay cả những môn học khô khan nhất cũng sẽ khiến bạn hứng thú![10]
    • Bạn cũng có thể rủ bạn bè hoặc anh chị em trong nhà biến bài học thành trò chơi. Ví dụ, từng người lần lượt đố nhau và ghi điểm cho mỗi câu trả lời đúng. Ai giành được nhiều điểm nhất thì người đó thắng.
    • Nếu không thích trò chơi có quy tắc, bạn hãy thử đặt ra một câu chuyện về những gì bạn đang làm. Ví dụ, nếu bạn đang học môn lịch sử, hãy tưởng tượng bạn đang sống trong thời đại mà bạn đang học.

Phương pháp 9
Phương pháp 9 của 16:
Tìm bạn học cùng

  1. 1
    Chọn ai đó chăm chỉ và không làm bạn phân tâm. Đó có thể là một bạn học cùng lớp, một người bạn hoặc anh chị em của bạn – miễn là họ chú tâm hoàn thành công việc chứ không ham chơi! Nếu không thể gặp nhau vì ở xa, các bạn có thể cùng học với nhau qua Skype hoặc FaceTime.[11]
    • Thậm chí bạn có thể tập hợp một nhóm học tập nhỏ. Các bạn có thể trao đổi các ghi chép, thay nhau hỏi đáp, hoặc chỉ cùng nhau ngồi yên lặng làm bài.
    Quảng cáo

Phương pháp 10
Phương pháp 10 của 16:
Nạp năng lượng bằng các món ăn vặt lành mạnh và uống nước

  1. 1
    Khó có ai tập trung được khi đang đói hoặc khát. Bạn hãy để chai nước hoặc bình giữ nhiệt bên cạnh và nhấp vài ngụm nước mỗi khi bắt đầu cảm thấy mệt hoặc mất tập trung.[12] Chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn vặt phòng khi thấy đói. Một số thức ăn phù hợp khi đang học bài bao gồm:[13]
    • Táo cắt lát với bơ đậu phộng
    • Các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân
    • Sữa chua Hy Lạp
    • Salad hoa quả
    • Sô cô la đen

Phương pháp 11
Phương pháp 11 của 16:
Nghỉ giải lao mỗi giờ một lần

  1. 1
    Đặt chuông hẹn giờ nếu bạn không nhớ giờ nghỉ. Khoảng thời gian dài ngồi học liên tục sẽ khiến bạn khó tập trung hơn.[14] Trong thời gian nghỉ giải lao 15 phút, bạn có thể làm vài động tác giãn cơ, nhảy múa theo nhạc, ăn vặt hoặc thậm chí xem một đoạn video vui nhộn.[15]
    • Bạn cũng có thể dùng chuông báo để đảm bảo giờ nghỉ không kéo dài quá lâu. Đừng quên là càng sớm trở lại với công việc thì bạn càng sớm hoàn thành nhiệm vụ!
    • Nếu cảm thấy thực sự bồn chồn, bực bội hoặc phân tâm, bạn cứ nghỉ trước thời gian đã định. Hãy cho mình vài phút để thư giãn, sau đó thử bắt đầu lại.
    Quảng cáo

Phương pháp 12
Phương pháp 12 của 16:
Chọn thời gian mà bạn cảm thấy tỉnh táo và thoải mái nếu có thể

  1. 1
    Khả năng tập trung sẽ cao hơn vào những lúc chúng ta khoẻ khoắn nhất. Ví dụ, có thể bạn cảm thấy tỉnh táo nhất vào buổi chiều, buổi tối, thậm chí vào sáng sớm trước giờ đến trường. Bạn sẽ tập trung tốt hơn khi làm việc vào những khoảng thời gian đó![16]
    • Tạo thông lệ học bài vào cùng một thời gian mỗi ngày. Ví dụ, nếu bạn thuộc loại “cú đêm”, hãy thử học bài ngay sau bữa ăn khuya mỗi đêm.[17] Bạn sẽ cảm thấy nhiệm vụ không quá nặng nề khi đã tạo thành thói quen.
    • Không phải lúc nào bạn cũng chọn được thời gian hoàn hảo để làm bài tập ở nhà, nhưng một thông lệ quen thuộc vẫn có thể giúp bạn sẵn sàng khi đến giờ làm việc! Một khi đã chọn được thời gian phù hợp, bạn nên cố gắng bám vào đó.

Phương pháp 13
Phương pháp 13 của 16:
Chọn không gian học tập yên tĩnh và thoải mái

  1. 1
    Cố gắng tìm một góc học tập sáng sủa và có không gian rộng rãi. Nếu có thể, hãy chọn một khu vực mà bạn không bị quấy rầy vì những thứ gây phân tâm như tivi mở lớn hoặc hoặc mấy đứa em đùa nghịch ồn ào. Dọn một khoảng trống trên bàn để có chỗ đặt các vật dụng cần thiết, và nhớ chọn chiếc ghế ngồi thoải mái.[18]
    • Nếu đang ở nhà, hãy yêu cầu mọi người bớt ồn trong khi bạn đang học.
    • Cẩn thận khi học trong phòng riêng – nếu đang ở nơi thường dành để ngủ hoặc thư giãn thì bạn rất khó mà chuyển sang “chế độ học”! Hãy dành ra một góc học tập, và đừng học trên giường.[19]
    • Đôi khi khó mà tìm được một không gian học vừa ý, nhất là khi còn có những người khác xung quanh. Nếu bạn không tìm được nơi nào yên tĩnh, hãy thử đeo tai nghe chống ồn. Nghe tiếng ồn trắng hoặc nhạc không lời êm dịu để khử bớt các tiếng ồn xung quanh.
    Quảng cáo

Phương pháp 14
Phương pháp 14 của 16:
Sắp xếp tài liệu và dụng cụ học tập

  1. 1
    Bạn sẽ dễ tập trung hơn nếu dễ dàng tìm được vật dụng khi cần. Cất dụng cụ học tập trong hộp bút hoặc ngăn bàn, sắp xếp tài liệu vào bìa hồ sơ theo từng môn học để dễ theo dõi.[20]
    • Nếu bạn thích nhấm nháp thứ gì đó trong khi học, hãy để món ăn vặt ra trước khi bắt đầu ngồi học.
    • Nếu trên bàn có những thứ không cần cho việc học, bạn nên dọn đi trước khi bắt đầu. Cất các bài làm đã hoàn thành vào bìa hồ sơ và dọn sạch rác.

Phương pháp 15
Phương pháp 15 của 16:
Chuyển sang chỗ khác để học nếu bạn bắt đầu chán

  1. 1
    Sự thay đổi khung cảnh có thể đánh thức bộ não và giúp bạn tập trung trở lại. Hãy thử chuyển sang một phòng khác, ra ngoài trời, thậm chí học ở một địa điểm hoàn toàn khác (như phòng học ở thư viện chẳng hạn). Biết đâu một môi trường khác sẽ giúp bạn tỉnh táo và hứng khởi hơn.[21]
    • Ngay cả một thay đổi nhỏ trong không gian học tập cũng có thể giúp ích. Ví dụ, bạn có thể trang trí thêm thứ gì đó mới trong góc học tập hoặc chuyển qua ngồi ở cạnh bàn đối diện.
    • Nghe có vẻ lạ, nhưng một chút âm thanh nền thực sự có thế giúp bạn tập trung! Đó là một lý do mà nhiều người làm việc hiệu quả hơn trong quán cà phê hoặc giảng đường.
    Quảng cáo

Phương pháp 16
Phương pháp 16 của 16:
Tự thưởng bản thân một món quà thú vị khi học xong

  1. 1
    Chọn thứ gì đó hấp dẫn để bạn có động lực hoàn thành bài học. Trước cả khi bắt đầu ngồi vào học, bạn hãy dành một phút nghĩ xem mình sẽ làm gì sau đó. Cứ mỗi lần bạn tự thưởng cho mình sau khi làm xong một việc là bạn sẽ háo hức bắt tay vào việc tiếp theo![22]
    • Ví dụ, bạn có thể chơi game, xem một tập của chương trình TV yêu thích, hoặc gọi cho một người bạn để tán gẫu.

Lời khuyên

  • Thử tập thiền chánh niệm để giúp bản thân tập trung và thư giãn.[23] Tìm kiếm các video hướng dẫn thiền chánh niệm trực tuyến hoặc dùng các ứng dụng như Calm hoặc Smiling Mind để thực hành. Càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng dễ dàng sử dụng kỹ năng chú tâm khi cần thiết – như khi làm bài tập về nhà chẳng hạn.

Bài viết wikiHow có liên quan

Về bài wikiHow này

Josh Jones
Cùng viết bởi:
Gia sư
Bài viết này có đồng tác giả là Josh Jones, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể. Bài viết này đã được xem 4.898 lần.
Trang này đã được đọc 4.898 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo