Bài viết này đã được cùng viết bởi Alexander Ruiz, M.Ed.. Alexander Ruiz là chuyên gia tư vấn giáo dục và giám đốc giáo dục của Link Educational Institute, một doanh nghiệp dịch vụ phụ đạo tại Claremont, California, chuyên cung cấp các chương trình giáo dục theo ý khách hàng, phụ đạo các môn học và luyện thi, tư vấn ứng tuyển đại học. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, Alexander hướng dẫn sinh viên cách phát triển sự tự nhận thức và trí tuệ cảm xúc, đồng thời đạt được các kỹ năng và mục tiêu của giáo dục đại học. Ông có bằng cử nhân tâm lý học của Đại học Quốc tế Florida và bằng thạc sĩ giáo dục của Đại học Nam Georgia.
Có 14 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 31.023 lần.
Có phải bạn gặp khó khăn khi học tập? Bạn ngủ thiếp đi trên giường với bài học về thời kỳ Trung Cổ, hay bị phân tâm vì những thứ trên bàn ăn trong khi phải học thuộc bảng tuần hoàn hóa học? Vậy thì, tạo một không gian học tập tốt hơn sẽ giải pháp dành cho bạn. Với trang thiết bị phù hợp, với việc sắp xếp và lên kế hoạch, cộng thêm vài nét độc đáo của riêng mình, bạn sẽ tạo được một góc học tập để học có hiệu quả hơn.
Các bước
Trang bị không gian học tập
-
1Chọn bàn ghế phù hợp. Bạn cần tạo cảm giác thoải mái, nhưng không thoải mái đến mức mất tập trung hoặc ngủ thiếp đi (Hóa ra chiếc giường không phải là nơi tốt nhất để làm bài tập ở nhà.)[1] Bạn cũng cần có đủ không gian để bày những thứ cần thiết.
- Tìm chiếc bàn có chiều cao thích hợp sao cho khi bạn ngồi vào thì mặt bàn cao từ eo đến lồng ngực và bạn có thể dễ dàng đặt khuỷu tay lên mặt bàn mà không phải khom vai tới trước. Hai bàn chân cũng phải đặt được thoải mái trên sàn.[2]
- Sử dụng ghế phù hợp với chiều cao của bạn. Có lẽ bạn không nên dùng các loại ghế kiểu cách với các tính năng xoay, lăn, ngả người, nâng cao, v.v… nếu chúng chỉ khiến bạn phân tâm.
- Nếu dùng máy tính, bạn cần có đủ không gian để đặt máy tính cách xa mắt khoảng 45 -75 cm.
-
2Đảm bảo có đủ ánh sáng. Góc học tập quá tối sẽ khiến bạn không những dễ ngủ gật mà còn mỏi mắt hơn, dẫn đến giảm hứng thú học tập. Ánh sáng chói như đèn huỳnh quang cũng gây hại cho mắt.[3] Dùng đèn bàn để tập trung ánh sáng vào không gian học và thêm một ngọn đèn bàn gần đó hoặc đèn trần để chiếu sáng toàn bộ khu vực.[4]
- Nếu có ánh sáng tự nhiên thì tất nhiên là bạn nên tận dụng. Lưu ý rằng ánh sáng tự nhiên tràn vào phòng qua cửa sổ tuy giúp bạn khỏe khoắn và dễ chịu, nhưng sự cám dỗ nhìn qua cửa sổ có thể phá hỏng buổi học của bạn.[5] Hãy cân nhắc gắn rèm hoặc mành cửa xuyên sáng, hoặc quay ra hướng khác.
-
3Tập trung dụng cụ học tập. Đặt sẵn mọi học cụ cần thiết trong tầm tay để không phải mất thì giờ lóng ngóng đi tìm thước kẻ hoặc bút chì khi đang học.[6]
- Sắp xếp các dụng cụ học tập cơ bản như bút bi, bút chì, tẩy, giấy viết, giấy ghi chú, bút dạ quang và những học cụ khác ở những chỗ nhất định trên bàn hoặc trong ngăn kéo gần đó.
- Để từ điển bỏ túi, từ điển đồng nghĩa và máy tính truyền thống ở bên cạnh, cho dù chiếc điện thoại của bạn có thể thay thế được tất cả những thứ này. Nếu sử dụng điện thoại để làm phép chia dài hoặc kiểm tra lỗi chính tả, bạn sẽ rất dễ bị quyến rũ bởi hàng trăm thứ có thể gây phân tâm trên điện thoại.[7]
-
4Sắp đặt mọi thứ ngăn nắp. Tận dụng các ngăn kéo bàn học để cất những thứ cần thiết trong tầm tay mà không phải bày la liệt trên mặt bàn. Nếu bàn không có đủ ngăn kéo (hoặc không có ngăn kéo nào), bạn có thể dùng các hộp hoặc thùng gỗ nhỏ xếp vòng quanh mặt bàn.
- Sắp xếp các tài liệu học theo từng khóa học/môn học trong các bìa hồ sơ hoặc kẹp hồ sơ. Đánh dấu rõ ràng từng tập tài liệu và cất ở nơi dễ lấy.
- Bạn cũng có thể sắp xếp các nhiệm vụ được giao và các ghi chú bằng cách sử dụng bảng ghi thông báo, bảng ghim và lịch treo tường.
- Để có thêm ý tưởng, bạn hãy tìm đọc các bài viết về cách sắp xếp bàn học của wikiHow.
-
5Sắp xếp cả các tập tin trong máy vi tính. Mọi thứ trong máy vi tính của bạn cũng cần phải được sắp xếp ngăn nắp như những vật dụng xung quanh góc học tập. Có bao giờ bạn muốn tìm lại một bản thảo của bài luận đã viết mà không sao tìm ra chưa? Hay bạn đánh mất các thông tin cần thiết để ôn tập cho bài kiểm tra vật lý vì không tài nào nhớ được mình đã lưu ở đâu? Hãy tạo các thư mục cụ thể cho từng môn học và lưu tất cả các tập tin vào vị trí thích hợp.[8]
- Đặt tiêu đề rõ ràng để bạn có thể dùng tính năng tìm kiếm khi cần đến. Đừng dùng những cái tên dễ thương để thay thế cho các tiêu đề mô tả. Và đừng quên đặt tên cho các bản nháp!
-
6Cân nhắc dùng đồng hồ báo thức. Điều này tùy thuộc vào cá tính của bạn. Liệu chiếc đồng hồ có tạo động lực cho bạn học thêm một tiếng nữa không, hay lại nhắc bạn rằng 15 phút nữa là đến chương trình yêu thích của bạn (hoặc khiến bạn nghĩ rằng “Mình chỉ mới học được có bấy lâu thôi à?!)?[9]
- Thử dùng đồng hồ báo thức để đặt ra mục tiêu học có liên quan đến thời gian. Bạn cũng có thể dùng tính năng báo giờ trên điện thoại hoặc dùng đồng hồ đeo tay. Đặt ra một khoảng thời gian nhất định để học, chẳng hạn như 30 phút. Đừng cho phép mình xao lãng trong khoảng thời gian này. Khi hết giờ, bạn hãy nghỉ giải lao một chút để tự thưởng cho mình![10]
- Bạn cũng có thể thử dùng đồng hổ bấm giờ để tính thời gian chính xác hơn, nhất là khi bạn đang chuẩn bị cho các kỳ thi như SAT hoặc ACT.
- Nếu tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ kiểu cũ khiến bạn sốt ruột, hãy dùng đồng hồ điện tử.
Quảng cáo
Loại bỏ những yếu tố gây phân tâm
-
1Giảm tình trạng bừa bộn. Điều này liên quan đến việc sắp xếp bàn học hợp lý, nhưng cũng có nghĩa là bạn cần để mắt dọn dẹp các đống lộn xộn gồm giấy tờ, bút viết, những cuốn sách để mở và những thứ khác chất chồng trên bàn khi học bài. Mặt bàn ngổn ngang những thứ linh tinh sẽ khiến bạn căng thẳng, quá tải và mất hứng thú học tập.[11]
- Dù sao thì nghỉ giải lao một chút cũng tốt, thế nên bạn hãy tranh thủ thời gian này để dọn dẹp lại chỗ học tập trước khi trở lại học tiếp.
- Sự bừa bộn có thể gây ra sự phân tâm không đáng có. Bạn chỉ nên để trước mặt những thứ cần dùng trong buổi học. Góc học tập bừa bộn có thể cũng khiến đầu óc bạn rối tinh.[12]
-
2Cách ly chiếc điện thoại. Thật khó mà chống lại được sự cám dỗ của chiếc điện thoại khi bạn đang học bài. Có lẽ điện thoại thông minh vừa là công cụ tuyệt vời lại vừa là vật gây phân tâm lớn nhất. Hãy đặt điện thoại ra xa khi học bài, bằng không bạn sẽ lướt Facebook hoặc nhắn tin cho bạn bè mà thậm chí còn không nhận ra là mình đã cầm điện thoại lên.[13]
- Tắt điện thoại hoặc để chế độ im lặng để những tiếng chuông báo không lôi kéo bạn ra khỏi bài học. Bạn cũng nên thử đặt điện thoại xa ngoài tầm với để khỏi vớ lấy nó theo phản xạ.[14]
- Nếu bạn dùng điện thoại như công cụ tính toán hoặc học tập, hãy cân nhắc cài điện thoại ở chế độ máy bay, tức là ngắt mạng không dây và kết nối di động. Bạn có thể cài đặt lại chế độ bình thường trong thời gian nghỉ giải lao (ngắn).[15]
-
3Ngăn chặn mọi âm thanh gây xao lãng. Một số người làm việc rất hiệu quả với “tiếng ồn trắng” hay những âm thanh nền như ở quán cà phê vốn không quá nổi bật khiến bạn phải phân tâm. Một số người khác lại cần một không gian làm việc hoàn toàn tĩnh lặng. Bạn hãy tìm xem kiểu nào có hiệu quả với mình và sắp xếp không gian học tập theo kiểu đó.[16]
- "Cùng lúc làm được nhiều việc” chỉ là chuyện hoang đường. Bạn không thể vừa xem ti vi hoặc lướt Facebook mà vừa học cùng lúc, dù bạn có nghĩ rằng mình “thực sự” là người có khả năng đa nhiệm.[17] Hãy tập trung học và đặt qua một bên những thú tiêu khiển như xem ti vi hay nghe nhạc để tận hưởng vào thời gian rảnh.
- Nếu góc học tập của bạn ở trong phòng chung, hoặc bức tường mỏng không ngăn được tiếng ti vi ai đó đang xem, hay tiếng nói chuyện của mọi người và những âm thanh khác khiến bạn bị phân tâm, hãy cố gắng ngăn chặn các tiếng ồn đó bằng âm thanh nền của mình.
- Thử chọn các âm thanh như tiếng mưa rơi hoặc tiếng ồn trắng; có nhiều trang web và ứng dụng cung cấp các mẫu âm thanh này. Nếu thích âm nhạc hơn, bạn hãy thử mở nhạc cổ điển êm dịu hoặc ít ra là nhạc không lời. Bạn cần một âm thanh giúp khử những âm thanh gây xao lãng, nhưng bản thân nó không được khiến bạn phân tâm.[18]
- Nếu được chọn lựa, bạn không nên dùng tai nghe. Nhiều người dường như giảm sự tập trung và khả năng nhớ thông tin khi đeo tai nghe, có lẽ là vì âm thanh của nó không dễ hòa nhập với môi trường xung quanh.[19]
-
4Dành riêng một không gian chỉ để học. Nếu học bài trên giường, bạn sẽ dễ liên tưởng đến giấc ngủ (hoặc ngủ thật). Nếu không gian học của bạn cũng là nơi bạn thường chơi game, tâm trí bạn sẽ kết nối nó với các trò chơi; còn nếu đó là chiếc bàn ăn thì bạn lại nghĩ đến việc ăn uống, v.v…. Nhiều khả năng bạn sẽ bị phân tâm bởi các liên tưởng đó.[20]
- Nếu có thể tạo ra một không gian riêng – cho dù chỉ là một góc phòng, một ngách tường, một chiếc tủ tường rộng, v.v…, bạn hãy dành riêng khu vực đó chỉ để học và liên kết sự hiện diện của mình ở đó với việc học.
- Nếu không có điều kiện, bạn hãy làm tất cả những gì có thể để biến không gian đa năng thành không gian học tập. Dọn dẹp mọi thứ như thức ăn, bát đĩa, vật trang trí, v.v… trên bàn ăn. Cất hết các trò chơi game, đồ làm thủ công và những thứ tương tự.
-
5Tránh ăn vặt trong khi học. Học là nhiệm vụ vất vả và khiến bạn mau đói, nhưng hãy cẩn thận. Bạn sẽ rất dễ phân tâm khi vừa ăn vừa đọc sách. Càng tệ hơn nếu bạn ăn các thức ăn không tốt cho sức khỏe. Nếu cần phải ăn vặt, bạn nên chọn hoa quả tươi, rau củ hoặc các loại bánh ăn vặt làm từ ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như bánh quy.[21]
- Cố gắng tránh tiêu thụ quá nhiều đường và caffeine trong khi học. Những thứ này có thể khiến bạn bồn chồn và dẫn đến “suy sụp” sau đó.
- Thử để dành món ăn vặt cho giờ nghỉ giải lao. Khi đó bạn sẽ ý thức hơn về những thứ đang ăn, hơn nữa đó cũng là một cách hay để bạn tự thưởng cho mình vì đã hoàn thành tốt công việc.
- Tuy vậy, bạn cũng đừng phớt lờ nhu cầu của cơ thể. Hãy nhớ sắp xếp thời gian cho bữa ăn chính hoặc nghỉ ngơi và ăn nhẹ, hoặc dành ra một khoảng thời gian để nhấm nháp tách cà phê. Như vậy là bạn đang đồng thời chăm sóc cả trí não lẫn cơ thể.
Quảng cáo
Cá nhân hóa không gian học tập
-
1Tạo nên không gian của riêng bạn. Cố gắng đặt góc học tập ở nơi phù hợp với mình. Nếu cần yên tĩnh tuyệt đối, bạn nên tìm một góc riêng biệt, gác mái hoặc tầng hầm, phòng ngủ phụ, bất cứ nơi nào bạn tìm được. Nếu thích có chút tiếng động, bạn hãy chọn một nơi ở gần khu vực nhộn nhịp hơn (nhưng không nằm trong khu vực đó).[22]
- Nếu không thể tìm được không gian riêng để học, bạn hãy cho những người khác biết mỗi khi bạn đang học. Tùy cá tính của mình, bạn có thể ghi bảng “Xin đừng làm phiền”, “Vui lòng giữ yên lặng” hoặc “Này, đừng ồn chứ – tôi đang học đây!” và treo lên.
-
2Trang trí phòng học để tạo động lực cho bản thân. Trang trí góc học tập bằng những tấm áp phích hoặc tranh ảnh mà bạn yêu thích là một cách để bạn khích lệ bản thân tiếp tục phấn đấu. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo chúng không trở thành những yếu tố gây phân tâm thay vì tạo động lực.[23]
- Suy nghĩ xem điều gì có tác dụng khuyến khích bạn. Một bức ảnh chụp gia đình hay chú thú cưng đáng yêu của bạn? Một tấm áp phích quảng cáo chiếc xe mà bạn hy vọng được thưởng khi vượt qua kỳ thi này và đậu tốt nghiệp? Hay những bài kiểm tra môn hóa trước đây bị điểm kém mà bạn đang quyết tâm cải thiện? Hãy xác định xem bạn cần lực “đẩy” hay lực “kéo” (hay cây gậy hoặc củ cà rốt, tùy ý thích của bạn) để tiếp thêm động lực cho bản thân.
- Cách trang trí góc học tập cũng sẽ xác nhận nó là của bạn, cho dù chỉ là tạm thời nếu đó là bàn ăn hoặc không gian chung. Bạn cũng có thể bày vài vật lưu niệm dễ cất dọn sau khi học xong.
-
3Kích thích các giác quan. Nếu bạn có thể thêm sắc màu vào không gian học, hãy nhớ rằng các màu như xanh dương, tím và xanh lá thường đem lại cảm giác yên bình và cân bằng, trong khi các màu nóng hơn như đỏ, vàng và cam thường tạo cảm giác năng động, thậm chí bồn chồn.[24] [25]
- Như vậy, nếu bạn thường hồi hộp quá mức trước các kỳ thi, hãy cân nhắc dùng tông màu lạnh để trang trí; và nếu cần được thúc giục trong lúc học, bạn nên dùng các màu nóng.
- Đừng xem nhẹ các giác quan khác. Nhiều người nhận thấy một số mùi hương như hương chanh, hương hoa nhài, oải hương, hương thảo, quế và bạc hà có thể giúp họ cải thiện tâm trạng và hiệu suất làm việc. Bạn hãy thử dùng vài loại nến thơm hoặc tinh dầu khác nhau để tìm ra loại có hiệu quả.[26]
- Mặc dù những âm thanh như tiếng ồn trắng, tiếng mưa rơi hoặc nhạc cổ điển thường là các lựa chọn tốt để làm âm thanh nền trong lúc học bài, nhưng bạn có thể tự chọn các bản nhạc thật quen thuộc với mình. Hãy tạo một bản thu âm các bài hát bạn đã nghe đi nghe lại đến hàng nghìn lần; những bài hát này dễ hòa lẫn vào môi trường xung quanh hơn là một bài hát mới mà bạn chỉ muốn hát theo.[27]
-
4Đừng quá đà. Hãy nhớ rằng mục đích của không gian học tập là giúp bạn học hiệu quả hơn. Nếu bạn quá chăm chút sắp đặt góc học tập đến mức mất đi nhiều thời gian học thực sự thì nghĩa là bạn đang tự làm hại mình. Không gian học tập vốn là để hạn chế các yếu tố gây xao lãng không khéo lại biến thành thứ gây xao lãng.
- Hãy nhớ: Thà rằng bạn học ở nơi không hoàn hảo lắm còn hơn là ở nơi hoàn hảo mà lại không học.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Độ sáng cần thiết ở góc học tập sẽ tùy thuộc vào việc bạn đang làm. Điều quan trọng là bạn có thể nhìn thấy rõ mà không bị mỏi mắt hoặc khó chịu.
- Nghỉ giải lao khi cần thiết. Nếu bạn không tập trung vào việc đang làm thì công việc sẽ không có hiệu suất cao, trong khi một khoảng nghỉ ngơi ngắn ngủi cũng đem lại hiệu quả to lớn. Chỉ có điều là đừng nghỉ lâu quá; 5-10 phút là thời gian giải lao lý tưởng!
- Phòng học quá ấm áp có thể khiến bạn díp mắt lại. Nếu phòng quá lạnh, trí não của bạn có thể hoạt động chậm lại và trở nên thiếu tỉnh táo. Hãy chọn nhiệt độ thích hợp sao cho cả trí não và cơ thể của bạn hoạt động tốt nhất.
- Nghiên cứu cho thấy phần lớn học sinh sinh viên học hiệu quả nhất trong môi trường yên tĩnh. Nếu cảm thấy tiếng nhạc hoặc ti vi giúp mình hứng khởi hơn, bạn có thể mở âm lượng nhỏ. Nếu không, bạn nên rút phích điện ti vi để lỡ có bật lên thì nó cũng không hoạt động. Và nếu muốn mở nhạc, bạn hãy chọn nhạc không lời. Nhạc cổ điển, nhạc điện tử hoặc post-rock thường có hiệu quả. Âm nhạc phải êm dịu và thư giãn để không khiến bạn bị phân tâm.
- Không gian học tập cần phải yên tĩnh, thoải mái và không có các yếu tố gây xao lãng để giúp bạn vui vẻ và hứng thú. Hãy trang trí góc học tập bằng những bức ảnh hoặc các đồ vật yêu thích của bạn.
- Nếu thích nghe nhạc, bạn hãy chọn loại nhạc thư giãn.
- Nếu loại nhạc nền dành để học bài (nhạc không lời, thường là cổ điển) khiến bạn buồn ngủ, nhưng các bản nhạc hit mới lại gây phân tâm, hãy thử mở nhạc pop nhẹ nhàng. Loại nhạc này êm dịu và thư giãn, đủ để giúp bạn tỉnh táo nhưng không gây xao lãng.
- Góc học tập sẽ không mang lại nhiều lợi ích nếu bạn không thể sử dụng nó khi cần. Nếu bạn dùng chung góc học tập với người khác vì lý do nào đó, hãy lập thời gian biểu để biết khi nào thì bạn có thể sử dụng.
- Ghế ngồi không thoải mái thường khiến bạn khó chịu hoặc đau, dẫn đến tình trạng mất tập trung và học không hiệu quả. Ngược lại, ghế ngồi quá dễ chịu có thể khiến bạn quá thư giãn hoặc buồn ngủ. Hãy chọn loại ghế có thể ngồi trong thời gian dài mà vẫn giúp bạn duy trì sự tập trung. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo lưng không bị mỏi và mông không bị tê.
Tham khảo
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.scholastic.com/parents/resources/article/study-skills-test-taking/space-makes-you-want-to-study
- ↑ http://well.blogs.nytimes.com/2010/09/02/do-fluorescent-lights-trigger-migraines/?_r=0
- ↑ http://www.scholastic.com/parents/resources/article/study-skills-test-taking/space-makes-you-want-to-study
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.ctl.ua.edu/CTLStudyAids/StudySkillsFlyers/GeneralTips/creatingstudyenvironment.htm
- ↑ http://www.wyzant.com/news/stories/146/5_ways_to_create_the_perfect_study_space
- ↑ http://studymagazine.com/2010/11/22/creating-productive-work-study-environment/
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://stEatMore chickenudymagazine.com/2010/11/22/creating-productive-work-study-environment/
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://studymagazine.com/2010/11/22/creating-productive-work-study-environment/
- ↑ http://www.brightknowledge.org/knowledge-bank/study-support/homework-and-study-skills/top-tips-for-the-perfect-study-space
- ↑ http://www.wyzant.com/news/stories/146/5_ways_to_create_the_perfect_study_space
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.npr.org/2013/05/10/182861382/the-myth-of-multitasking
- ↑ http://www.brightknowledge.org/knowledge-bank/study-support/homework-and-study-skills/top-tips-for-the-perfect-study-space
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment
- ↑ http://www.ctl.ua.edu/CTLStudyAids/StudySkillsFlyers/GeneralTips/creatingstudyenvironment.htm
- ↑ http://www.scholastic.com/parents/resources/article/study-skills-test-taking/space-makes-you-want-to-study
- ↑ http://www.scholastic.com/parents/resources/article/study-skills-test-taking/space-makes-you-want-to-study
- ↑ http://www.apartmentguide.com/blog/how-to-make-a-study-space-in-your-home/
- ↑ http://www.wyzant.com/news/stories/146/5_ways_to_create_the_perfect_study_space
- ↑ http://www.wyzant.com/news/stories/146/5_ways_to_create_the_perfect_study_space
- ↑ http://www.wgu.edu/blogpost/improve-online-study-environment