Bài viết này có đồng tác giả là Robert Dhir, MD, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 19 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 5.794 lần.
Dòng nước tiểu chảy chậm có thể gây cảm giác bực bội và khó chịu. Có phải nước tiểu của bạn chảy yếu? Bạn thấy khó bắt đầu tiểu? Bạn không bao giờ có cảm giác đã trút cạn nước tiểu trong bàng quang? Với nam giới, phì đại tuyến tiền liệt thường là nguyên nhân phổ biến nhất. Tuy nhiên, các vấn đề về tiểu tiện cũng có thể do một số nguyên nhân khác ở cả nam và nữ. Các phương pháp điều trị y khoa, thuốc và một số liệu pháp tại nhà có thể giúp bạn cải thiện dòng chảy nước tiểu.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
-
1Đến gặp bác sĩ để kiểm tra tuyến tiền liệt sau tuổi 50. Tuyến tiền liệt là một tuyến nằm ở vị trí bên dưới bụng ở nam giới và sẽ chèn ép niệu đạo nếu bị phình to. Tình trạng này khiến nước tiểu chảy chậm, khó bắt đầu xả nước tiểu, tiểu nhỏ giọt và dòng chảy yếu. Phì đại tuyến tiền liệt là chứng bệnh rất phổ biến ở nam giới sau 60 tuổi.[1] Tình trạng này còn gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH), tức là tuyến tiền liệt phình to nhưng không gây ung thư. Nếu bạn gặp rắc rối trong việc tiểu tiện, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra BPH.
- BPH rất phổ biến, nhưng ung thư tuyến tiền liệt – dù hiếm gặp hơn nhiều – cũng có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và dẫn đến các triệu chứng khó tiểu tiện. Bạn cần phải kiểm tra tuyến tiền liệt định kỳ bắt đầu từ tuổi 50 (hoặc sớm hơn nếu trong gia đình có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt).[2]
-
2Điều chỉnh thói quen đi tiểu. Có một số thay đổi đơn giản trong thói quen tiểu tiện mà bạn có thể thực hiện để giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Một số thói quen mà bạn có thể thử thực hiện bao gồm:[3]
- Tiểu hai lần. Cố gắng xả nước tiểu hai lần mỗi khi đi tiểu.
- Thả lỏng và chậm rãi. Thử hít thở vài hơi sâu trong khi chờ nước tiểu bắt đầu chảy. Hãy thong thả và đừng lo lắng nếu quá trình này diễn ra hơi lâu. Bạn có thể thử đọc sách hoặc tạp chí trong khi chờ đợi.
- Ngồi xuống để tiểu. Nếu bạn thường đứng tiểu thì tư thế ngồi có thể giúp bạn thư giãn và dễ tiểu hơn.
- Mở vòi nước. Tiếng nước chảy cũng có thể giúp bạn buồn tiểu. Nếu không thể mở vòi nước, bạn hãy cố gắng tưởng tượng âm thanh nước chảy.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Có thể bạn cảm thấy khổ sở vì nước tiểu chảy chậm và muốn càng ít đi đi tiểu càng tốt, nhưng việc uống không đủ nước có thể khiến tình hình trầm trọng thêm. Hãy uống nước suốt ngày và tránh uống vào buổi tối muộn để bạn không phải dậy nhiều lần trong đêm.
- Tránh các chất gây mất nước. Bất cứ thứ gì dẫn đến mất nước đều có thể khiến bạn khó tiểu tiện hơn. Bạn nên tránh chất cồn và bất cứ loại thuốc nào có thể gây mất nước hoặc khó tiểu. Hỏi bác sĩ nếu bạn không chắc các loại thuốc nào có thể gây ra vấn đề.
-
3Uống saw palmetto extract (chiết xuất cọ lùn). Bạn có thể mua chiết xuất cọ lùn dưới dạng thực phẩm chức năng tại các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe.[4] Cọ lùn là một loài thực vật giống cây cọ và được sử dụng như một loại dược liệu đã hàng chục năm nay.[5] Một số người nhận thấy loại thực phẩm chức năng này giúp giảm nhẹ các triệu chứng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, mặc dù chưa được chứng minh về mặt khoa học. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng trước khi sử dụng.
- Mua chiết xuất cọ lùn dưới dạng viên nang 160mg và uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trừ khi có sự hướng dẫn khác của bác sĩ. Đọc kỹ nhãn thuốc và nhớ mua sản phẩm có chứa “85-95% fatty acids (axit béo) và sterols (xterol).”
-
4Uống thuốc kê toa để điều trị các triệu chứng nhẹ. Nhóm thuốc chẹn alpha thường được kê toa nhiều nhất cho nam giới có các triệu chứng khó chịu nhẹ. Việc sử dụng nhóm thuốc này có thể dẫn đến huyết áp thấp và chóng mặt khi ngồi hoặc đứng, vì vậy bạn hãy cẩn thận khi bắt đầu uống. Nhóm thuốc này bao gồm tamsulosin (Flomax), terazosin (Hytrin), doxazosin (Cardura), alfuzosin (Uroxatral), và silodosin (Rapaflo).[6] [7]
- Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc ức chế alpha-reductase như finasteride (Proscar) hoặc dutasteride (Avodart) để điều trị phì đại tuyến tiền liệt.[8]
- Không uống terazosin hoặc doxazosin nếu bạn uống Viagra hoặc một loại thuốc khác để điều trị rối loạn cương dương, trừ khi bác sĩ có chỉ định khác.
-
5Phẫu thuật để điều trị các triệu chứng trung bình đến nghiêm trọng. Nhiều phương pháp điều trị y khoa có thể loại bỏ hoặc phá hủy một phần tuyến tiền liệt thông qua niệu đạo. Bạn sẽ được gây mê hoặc gây tê để không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật và có thể nằm viện qua đêm hoặc về nhà trong ngày. Bạn và bác sĩ sẽ quyết định loại phẫu thuật nào trong số sau đây là thích hợp nhất:[9]
- TURP, hay cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo: một phần tuyến tiền liệt được loại bỏ để cải thiện dòng nước tiểu; thủ thuật này có thể gây phản ứng phụ, chẳng hạn như rối loạn xuất tinh.
- Cắt đốt tuyến tiền liệt: Một phần tuyến tiền liệt được đốt bằng nhiệt hoặc ánh sáng; phương pháp này tốt hơn cho bệnh nhân nam vì ít gây chảy máu hơn phương pháp TURP.
- Một số thủ thuật ít xâm lấn ít gây phản ứng phụ và có thể thực hiện trong một ngày mặc dù các vấn đề tiểu tiện có thể tái phát sau đó bao gồm: mở rộng niệu quản bằng thủ thuật rạch tuyến tiền liệt, cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng tần số vô tuyến, trị liệu bằng nhiệt vi sóng hoặc nâng tuyến tiền liệt.
-
6Phẫu thuật loại bỏ tuyến tiền liệt. Nếu sức khỏe của bạn nói chung là tốt và tuyến tiền liệt quá lớn (trên 100 g) hoặc gây ra các triệu chứng rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng sống, bạn có thể chọn phương án loại bỏ tuyến tiền liệt bằng phẫu thuật.[10]
- Bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu thường xuyên có máu trong nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết tiểu tái đi tái lại, sỏi bàng quang, các vấn đề về thận hoặc không thể đi tiểu.[11]
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu cho vùng chậu và bàng quang
-
1Tập bài tập Kegel. Bài tập Kegel có ích cho cả nam và nữ, có tác dụng tăng cường sức mạnh sàn chậu, cải thiện dòng nước tiểu và khả năng kiểm soát việc tiểu tiện.[12] Bạn có thể tập bài tập Kegel ở bất cứ đâu, chỉ cần làm theo hướng dẫn sau:[13]
- Khi đang tiểu, bạn hãy siết chặt các cơ ngăn dòng nước tiểu giữa chừng – đó là các cơ bạn muốn luyện tập. Bạn có thể tập ở bất cứ tư thế nào.
- Siết chặt các cơ này, giữ trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác trên nhiều lần liên tiếp.
- Dần dần tập siết các cơ trong 10 giây, tiếp đó nghỉ 10 giây. Cố gắng thực hiện 3 nhịp và lặp lại 10 lần mỗi ngày.
- Không siết các cơ bụng, chân hoặc mông. Chỉ tập trung vào các cơ sàn chậu.
-
2Dùng dụng cụ nâng đỡ bàng quang. Đôi khi, quá trình sinh nở qua ngã âm đạo, ho dữ dội hoặc rặn nhiều có thể làm yếu các cơ có chức năng nâng đỡ bàng quang, khiến bàng quang thụt vào âm đạo, còn gọi là chứng sa bàng quang. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện và gây ra vấn đề nếu bạn có cảm giác đầy hoặc bị chèn ép trong âm đạo hay vùng chậu với cảm giác khó chịu hơn khi rặn, bạn cảm thấy như đi tiểu không hết, bạn bị són tiểu trong khi giao hợp, bạn trông thấy hoặc sờ thấy chỗ phồng trong âm đạo.[14]
- Hỏi bác sĩ về việc sử dụng vòng nâng – một dụng cụ nâng đỡ bàng quang được đặt vào âm đạo.
- Trong các trường hợp nặng, bạn có thể được phẫu thuật để tăng cường các cơ và dây chằng vùng chậu.
-
3Dùng kem estrogen. Hầu hết những phụ nữ bị són tiểu hoặc nước tiểu chảy yếu thường gặp rắc rối sau khi mãn kinh – do mức estrogen giảm, da và mô sẽ mỏng và yếu đi. Kem estrogen dành cho âm đạo có thể giúp củng cố vùng da và mô xung quanh. Bạn hãy hỏi bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản phụ khoa xem liệu các vấn đề trong việc tiểu tiện của bạn có thể được cải thiện bằng cách sử dụng estrogen “tại chỗ” không.[15]
-
4Chườm ấm lên vùng bụng dưới. Bạn có thể đặt một chai nước nóng hoặc túi chườm ấm lên vùng bụng dưới, giữa rốn và xương mu. Tương tự như đối với các cơ khác, sức nóng có thể giúp thả lỏng bàng quang và tiểu tiện dễ dàng hơn.[16]
- Bạn cũng có thể thử tắm vòi sen nước nóng hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước ấm.
-
5Trao đổi với bác sĩ về thuốc cholinergic. Thuốc cholinergic giúp tăng khả năng co thắt bàng quang, từ đó cải thiện việc tiểu tiện nếu tình trạng dòng nước tiểu chảy yếu có nguyên nhân từ các vấn đề thần kinh. Thuốc bethanechol hydrochloride (Urecholine) thường được bác sĩ chỉ định nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ, vì vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ xem thuốc này có phù hợp với bạn không.[17]
- Hỏi bác sĩ về tình trạng của bạn, ví dụ như “Các vấn đề về tiểu tiện của tôi là do nguyên nhân nào gây ra?” và “Loại thuốc nào có hiệu quả? Các tác dụng phụ nào có thể xảy ra?”
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:Điều trị các nguyên nhân y khoa gây ra các vấn đề về dòng chảy nước tiểu
-
1Điều trị dòng nước tiểu chảy yếu do đau vùng háng. Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng là một nguyên nhân khiến dòng nước tiểu chảy chậm hoặc yếu ở nam giới. Bạn cũng thường thấy đau ở vùng háng hoặc vùng chậu, có thể ớn lạnh hoặc sốt. Hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên kèm theo tiểu khó.[18]
- Bệnh viêm tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn.
-
2Tìm phương pháp điều trị nếu bạn có cảm giác bỏng rát khi đi tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. UTI có thể gây viêm và sưng khiến dòng nước tiểu bị chặn.[19] Bạn cần đến gặp bác sĩ để được điều trị nếu có các triệu chứng của UTI như:[20]
- Cảm giác buồn tiểu khủng khiếp
- Bỏng rát hoặc đau khi tiểu
- Lượng nước tiểu ít trong mỗi lần đi tiểu hoặc nước tiểu chảy yếu
- Nước tiểu đục, màu hồng, đỏ hoặc nâu
- Đau ở giữa vùng chậu
- Nước tiểu có mùi rất nồng
-
3Điều trị táo bón. Đôi khi, tình trạng táo bón và phân cứng có thể chèn ép niệu đạo hoặc bàng quang và ngăn nước tiểu bài tiết. Nếu bạn không tiểu được hoặc nước tiểu chảy yếu kèm táo bón, hãy cố gắng giảm táo bón và chờ xem có dễ tiểu hơn không.[21]
- Uống thêm nước, ăn mận và tránh uống sữa để giúp giảm táo bón.
- Uống thuốc nhuận tràng không kê toa như Miralax hoặc Colace, hoặc thử dùng thuốc thụt trị táo bón Fleet enema.[22] Bạn có thể nhờ dược sĩ tư vấn.
-
4Kiểm tra mô sẹo. Nếu bạn đã từng phẫu thuật tại vùng bụng dưới thì có thể mô sẹo đã hình thành. Bạn nên đến gặp bác sĩ để dược đánh giá và trao đổi về các bệnh lý, các phương pháp phẫu thuật hoặc các vấn đề y khoa liên quan đến bàng quang, thận, niệu đạo, âm đạo hoặc tuyến tiền liệt. Đôi khi các mô sẹo có thể được loại bỏ bằng tiểu phẫu để dành nhiều khoảng trống hơn cho dòng chảy nước tiểu.[23]
- Vùng có sẹo cũng có thể được nong rộng bằng dụng cụ nong, có tác dụng làm giãn vùng bị ảnh hưởng và giúp nước tiểu chảy tốt hơn. Thủ thuật này thường phải thực hiện nhiều lần.[24]
-
5Ngừng uống các loại thuốc làm giảm khả năng tiểu tiện. Bạn nên tránh nhóm thuốc kháng histamine như Benadryl và nhóm thuốc chống sung huyết như pseudoephedrine có trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm. Các thành phần trong các loại thuốc này có thể gây khó tiểu hơn.[25]Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:Giữ đủ nước trong cơ thể
-
1Duy trì nước trong cơ thể. Dòng nước tiểu chảy chậm có thể chỉ là do bạn bị mất nước. Nam giới nên uống mỗi ngày khoảng 13 cốc nước và các chất lỏng khác (khoảng 3 lít), và nữ giới nên uống 9 cốc (2,2 lít).[26] Uống nhều hơn nếu bạn đổ mồ hôi nhiều, tập thể dục thể thao hoặc sống trong vùng khí hậu nóng. Nước, nước quả và nước trà cũng được tính vào lượng chất lỏng.
- Nước tiểu ít và đậm màu có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước.
-
2Hạn chế muối trong chế độ ăn. Một chế độ ăn nhiều muối có thể khiến cơ thể trữ nước, dẫn đến lượng nước tiểu cũng ít đi. Bạn có thể giảm muối trong chế độ ăn bằng cách tránh các thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên và các loại bánh ăn vặt. Hãy tăng hương vị cho bữa ăn bằng các loại gia vị và thảo mộc thay vì muối ăn.
-
3Uống thuốc lợi tiểu . Nếu bạn mắc một căn bệnh khiến cơ thể trữ nước thừa – chẳng hạn như suy tim – bác sĩ có thể kê toa thuốc lợi tiểu. Thuốc này có tác dụng tăng lượng nước tiểu. Thuốc lợi tiểu chỉ nên được sử dụng trong các trường hợp nhất định, vì vậy bạn cần trao đổi vấn đề khó tiểu tiện với bác sĩ và hỏi xem thuốc lợi tiểu có phù hợp với bạn không.Quảng cáo
Lời khuyên
- Chế độ ăn nhiều chất béo sẽ góp phần dẫn đến tình trạng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt trong những năm sau, vì vậy bạn hãy áp dụng chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo với rau và ngũ cốc nguyên hạt trong suốt cuộc đời.[27]
Cảnh báo
- Mọi cuộc phẫu thuật đều có rủi ro. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và lợi ích của các phương pháp phẫu thuật khác nhau.
- Chỉ uống thuốc theo hướng dẫn và trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng trước khi dùng.
Tham khảo
- ↑ http://www.nytimes.com/health/guides/disease/enlarged-prostate/print.html
- ↑ https://www.cancer.org/cancer/prostate-cancer/early-detection/acs-recommendations.html
- ↑ http://www.webmd.com/men/prostate-enlargement-bph/benign-prostatic-hyperplasia-bph-home-treatment
- ↑ http://www.nytimes.com/health/guides/disease/enlarged-prostate/print.html
- ↑ http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/saw-palmetto
- ↑ https://www.uptodate.com/contents/benign-prostatic-hyperplasia-bph-beyond-the-basics
- ↑ http://reference.medscape.com/drugs/alpha-blockers-antihypertensives
- ↑ http://reference.medscape.com/drugs/5-alpha-reductase-inhibitors
- ↑ https://www.uptodate.com/contents/benign-prostatic-hyperplasia-bph-beyond-the-basics
- ↑ https://www.uptodate.com/contents/benign-prostatic-hyperplasia-bph-beyond-the-basics
- ↑ http://www.nytimes.com/health/guides/disease/enlarged-prostate/print.html
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-incontinence/in-depth/bladder-control-problems/art-20044228?pg=2
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/kegel-exercises/art-20045283
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cystocele/basics/symptoms/con-20026175
- ↑ https://www.kkh.com.sg/HealthPedia/Pages/FemaleUrinaryDisordersVoidingDisorders.aspx
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/003143.htm
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/321273-medication#2
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostatitis/home/ovc-20271415
- ↑ https://www.bcm.edu/healthcare/care-centers/obstetrics-gynecology/conditions/urinary-retention
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-tract-infection/basics/symptoms/con-20037892
- ↑ https://www.bcm.edu/healthcare/care-centers/obstetrics-gynecology/conditions/urinary-retention
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation/diagnosis-treatment/treatment/txc-20252759
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/003143.htm
- ↑ https://www.kkh.com.sg/HealthPedia/Pages/FemaleUrinaryDisordersVoidingDisorders.aspx
- ↑ https://www.uptodate.com/contents/benign-prostatic-hyperplasia-bph-beyond-the-basics
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
- ↑ https://www.drmcdougall.com/misc/2010nl/oct/prostate.pdf