Bài viết này đã được cùng viết bởi Bess Ruff, MA. Bess Ruff là nghiên cứu sinh địa lý tại Florida. Cô đã nhận bằng Thạc sĩ Quản lý và Khoa học Môi trường tại Trường Quản lý & Khoa học Môi trường Bren, UC Santa Barbara năm 2016. Cô đã thực hiện công tác khảo sát cho các dự án quy hoạch không gian biển tại vùng biển Caribe và hỗ trợ nghiên cứu với tư cách là cộng tác viên của Nhóm Sustainable Fisheries.
Bài viết này đã được xem 14.413 lần.
Mọi nguyên tố cơ bản đều được hình thành từ electron, proton và nơtron. Electron là hạt mang điện tích âm tạo nên một phần của nguyên tử. Xác định số electron trong nguyên tử là một kỹ năng cơ bản trong hóa học. Việc này hết sức dễ dàng nếu như bạn biết cách sử dụng bảng tuần hoàn hóa học. Bên cạnh đó, những kỹ năng khác cũng quan trọng không kém là tính số nơtron và electron hóa trị (số electron nằm ở lớp vỏ ngoài cùng) của nguyên tố.
Các bước
Tính số electron trong nguyên tử trung hòa
-
1Chuẩn bị sẵn một bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Bảng này gồm nhiều ô được mã hóa theo màu, dựa vào cấu trúc nguyên tử để sắp xếp tất cả các nguyên tố đã biết. Tên của mỗi nguyên tố được liệt kê bằng 1, 2 hoặc 3 chữ cái viết tắt, bên cạnh đó là khối lượng nguyên tử và số hiệu nguyên tử.[1]
- Bạn có thể dễ dàng tìm thấy bảng tuần hoàn trong sách giáo khoa hoặc trên mạng.
-
2Tìm nguyên tố được đề cập trong bảng tuần hoàn. Các nguyên tố được sắp xếp theo số hiệu nguyên tử và được phân thành ba nhóm chính: kim loại, phi kim và á kim. Những nguyên tố này lại tiếp tục được chia thành các nhóm nhỏ bao gồm kim loại kiềm, halogen và khí hiếm.[2] Mỗi cột trong bảng được gọi là một nhóm và mỗi hàng là một chu kỳ.
- Nếu bạn biết thêm thông tin về nguyên tố (chẳng hạn như nhóm hoặc chu kỳ tuần hoàn) thì sẽ dễ dàng xác định hơn.
- Nếu chưa có thông tin nào về nguyên tố cần tìm, bạn chỉ cần tìm ký hiệu đó trong bảng tuần hoàn.
-
3Tìm số hiệu nguyên tử của nguyên tố. Trong mỗi ô vuông, số hiệu nguyên tử nằm ở góc trên bên trái hoặc chính giữa phía trên ký hiệu nguyên tố. Số hiệu nguyên tử chính là số proton bên trong hạt nhân nguyên tử.[3] Proton là các hạt mang điện tích dương cấu tạo nên nguyên tử. Bởi vì các electron mang điện tích âm nên một nguyên tố ở trạng thái trung hòa sẽ số proton và electron bằng nhau.
- Ví dụ: boron (B) có số hiệu nguyên tử là 5, tức là nguyên tử của nguyên tố này có 5 proton và 5 electron.
Quảng cáo
Tính số electron trong ion dương/âm
-
1Xác định điện tích của ion. Nếu nguyên tử nhận thêm hoặc bớt đi electron thì sẽ không thay đổi về bản chất mà chỉ khác về điện tích. Khi đó, ta sẽ có một ion, chẳng hạn như K+, Ca2+ hoặc N3-. Thông thường, điện tích được thể hiện bằng chữ nhỏ ở phía trên bên phải ký hiệu của nguyên tố.
- Electron là hạt mang điện âm, vì thế, khi nguyên tử nhận thêm electron thì nguyên tử trở thành ion âm.
- Ngược lại, khi mất đi electron thì nguyên tử sẽ trở thành một ion dương.
- Ví dụ: N3- có điện tích là -3, còn Ca2+ có điện tích là +2.
-
2Lấy số hiệu nguyên tử trừ đi điện tích đối với ion dương. Khi một ion có điện tích dương tức là nguyên tử của ion đó đã mất electron. Để tính số electron còn lại, hãy lấy số hiệu nguyên tử trừ đi điện tích của ion. Trong trường hợp này, số proton sẽ lớn hơn số electron.
- Ví dụ: Ca2+ có điện tích là +2, điều này cho thấy nguyên tử đã mất đi 2 electron so với trạng thái trung hòa về điện. Số hiệu nguyên tử của canxi là 20, vậy ion Ca2+ có 20 - 2 = 18 electron.
-
3Cộng số hiệu nguyên tử với điện tích nếu ion âm. Đối với trường hợp điện tích âm, ion đã nhận thêm electron. Để xác định số electron hiện có, hãy tính tổng của điện tích và số hiệu nguyên tử. Trong trường hợp này, số proton sẽ ít hơn số electron.
- Ví dụ: N3- có điện tích là -3, điều này cho thấy nguyên tử nitơ đã nhận thêm 3 electron so với trạng thái trung hòa. Số hiệu nguyên tử của nitơ là 7, vì thế ion N3- có 7 + 3 = 10 electron.
Quảng cáo