wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 24 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 38.747 lần.
Một số loại giày có thể gây đau chân, nhưng không phải đôi giày nào cũng vậy. Để khỏi phải chịu đựng bàn chân đau đớn, trầy xước và phồng rộp, bạn có thể thử làm theo vài lời khuyên và một số mẹo trong bài viết này. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng một số đôi giày có kết cấu yếu và không thể sửa chữa được. Bạn hãy đọc tiếp để biết cách sửa đôi giày đau chân thành đôi giày thoải mái, hoặc ít nhất cũng có thể chịu đựng được.
Các bước
Dùng miếng dán vải moleskin, miếng đệm và đế lót trong giày
-
1Ngăn ngừa vết phồng rộp, trầy xước và vết cứa bằng cách dán các miếng vải nhung moleskin vào trong giày. Mua vài miếng dán moleskin ở cửa hàng giày (hoặc tại hiệu thuốc). Đặt miếng dán vào sau quai giày hoặc gót giày và dùng bút chì đánh dấu. Dùng kéo cắt thành hình dạng như ý muốn và bóc lớp giấy đằng sau miếng dán. Dán miếng moleskin vào sau quai hoặc gót giày.[1] [2]
- Cách này cũng có tác dụng ở những vị trí khác trong giày. Nếu chỗ gây trầy xước nằm bên trong giày, bạn có thể cắt miếng dán thành hình tròn hoặc hình oval nhỏ, hơi lớn hơn chỗ gây trầy xước một chút. Bóc lớp giấy đằng sau miếng dán và dán vào những vị trí đó.
- Bạn cũng có thể dán miếng moleskin trực tiếp lên chân và bóc ra vào cuối ngày.
-
2Ngăn ngừa ma sát và vết phồng rộp bằng cách dán miếng chống ma sát vào chân. Bạn có thể mua miếng dán này tại hiệu thuốc. Dán trực tiếp lên da, tại những nơi có thể bị trầy xước và phồng rộp.
- Không dán lên những vết phồng rộp sẵn có. Thay vì vậy, bạn nên mua miếng dán điều trị vết phồng rộp. Sản phẩm này trông giống như những miếng băng dính y tế, có thể dán lên vết phồng rộp, giúp vết phồng được êm và tránh nhiễm trùng.
-
3Cân nhắc dùng miếng dán chống đổ mồ hôi để giảm tiết mồ hôi. Mồ hôi và độ ẩm từ vết trầy xước có thể làm vết phồng rộp nặng hơn. Miếng dán chống đổ mồ hôi giúp giảm độ ẩm, do đó có thể giảm tình trạng phồng rộp.
-
4Dùng miếng lót bên trong giày để giữ bàn chân cố định, ngăn ngừa trầy xước và thâm tím. Khi bàn chân bị trượt bên trong giày, các vết phồng có thể hình thành dọc theo phía trước và phía sau bàn chân, nơi giày chà xát vào da. Nếu thấy bàn chân di chuyển quanh phần gót chân, bạn có thể đặt miếng lót gel vào trong giày để cố định bàn chân trong giày.
-
5Dùng miếng lót bàn chân để giảm đau cho phần trước của lòng bàn chân. Nếu phần trước lòng bàn chân trở nên đau nhức vào cuối ngày, có lẽ là đôi giày của bạn quá cứng, đặc biệt là giày cao gót. Bạn nên mua miếng đệm lót và dán vào phần trước đế giày, ngay vị trí lồi lên của lòng bàn chân. Miếng lót này thường có hình oval hoặc hình quả trứng.
- Nếu đôi giày xăng-đan của bạn có quai xỏ ngón, bạn nên cân nhắc mua đệm lót lòng bàn chân hình trái tim. Phần tròn hai bên của hình trái tim sẽ khớp với hai bên quai.[3]
-
6Dùng các miếng gel silicone hoặc miếng xốp dính để giảm áp lực lên những phần nhỏ hơn. Cả hai sản phẩm này đều có bán ở cửa hàng giày và hiệu thuốc. Các miếng gel silicone trong suốt và khó phát hiện, còn miếng xốp dính có thể cắt ra theo đúng hình dạng và kích cỡ.[4]
-
7Dùng miếng lót gót chân silicone hoặc đế lót giày nâng đỡ vòm bàn chân để làm dịu gót chân bị đau. Nếu gót chân đau, có lẽ phần sau đôi giày hoặc phần gót trong giày quá cứng. Cũng có thể là lòng bàn chân không được nâng đỡ đúng mức. Thử đặt vào trong giày miếng lót gót chân hoặc đế lót giày có tác dụng nâng đỡ vòm bàn chân. Cả hai sản phẩm này đều có thể cắt bớt cho vừa kích cỡ và có miếng dán để giữ cố định.[5]
- Miếng lót giày nâng đỡ vòm bàn chân thường được dán nhãn đúng với chức năng của nó; nếu bạn thấy khó tìm được loại này thì có thể tìm miếng lót giày có phần giữa dày hơn – tại vị trí đặt vòm bàn chân.
- Khi được đặt vào đôi giày chật, miếng lót giày có thể gây cảm giác chật chội và khó chịu. Nếu vậy, bạn hãy thử tìm loại mỏng hơn.
-
8Ngăn ngừa ngón chân bị bóp chặt ở mũi giày bằng cách nhờ thợ sửa giày cắt bớt gót giày. Đôi khi độ nghiêng quá lớn giữa gót giày và phần đầu bàn chân khiến bàn chân chúi về phía trước và các ngón chân bị bóp chặt ở mũi giày. Việc giảm độ cao gót giày có thể sửa chữa vấn đề này. Bạn đừng cố gắng tự thực hiện mà nên tìm thợ sửa giày làm giúp. Hầu hết những đôi giày cao gót có thể cắt bớt đi khoảng 2,5 cm.[6]Quảng cáo
Sửa chữa kích cỡ giày
-
1Biết rằng kích cỡ sai của giày sẽ gây đau như thế nào và cách sửa chữa vấn đề. Giày quá rộng cũng có thể gây đau như giày quá chật. Giày rộng không nâng đỡ tốt cho bàn chân và khiến bàn chân di chuyển quá nhiều trong giày, gây trầy xước và bóp chặt các ngón chân. Giày quá chật sẽ khiến bàn chân có cảm giác bó chặt và đau vào cuối ngày. May mắn là bạn có thể làm cho giày giãn ra một chút hoặc làm nhỏ lại bằng cách đặt một số vật liệu vào giày.
- Nhớ rằng có những chất liệu dễ làm giãn hơn các chất liệu khác.
-
2Thử đặt miếng lót giày vào trong đôi giày quá rộng. Miếng lót giày sẽ đệm thêm bên trong giày và giúp bàn chân khỏi di chuyển quá nhiều.
-
3Sử dụng miếng dán chống tuột gót chân nếu đôi giày quá rộng và bàn chân trượt về phía trước quá nhiều. Miếng dán chống tuột gót chân là miếng đệm hình oval có một mặt dính, có thể được làm từ gel hoặc xốp bọc vải moleskin. Bạn chỉ cần bóc miếng dán và dán vào bên trong giày, tại vị trí gót chân. Nó sẽ đệm thêm phía sau giày, ngăn ngừa gót chân trầy xước và giữ yên bàn chân.
-
4Lót len lông cừu vào phần mũi giày. Nếu đôi giày lười hoặc giày làm việc của bạn quá rộng khiến ngón chân liên tục trượt về phía trước và bị bóp chặt, bạn có thể thử lót vào phần mũi giày một ít len lông cừu. Vật liệu này thoáng khí, thoải mái và ít có khả năng bị nén chặt như khăn giấy.[7] Bạn cũng có thể thay thế len lông cừu bằng vài miếng bông gòn.
-
5Nới rộng giày bằng khuôn giữ dáng giày. Khuôn giữ dáng giày có tác dụng bảo vệ hình dạng của giày hoặc làm giãn giày, tùy vào độ dài hay độ rộng của nó. Lồng giày vào khuôn giữ dáng giày sau mỗi lần sử dụng. Phương pháp này công hiệu nhất đối với da thật và da lộn nhưng không có tác dụng với cao su hoặc nhựa.
-
6Nới rộng giày bằng khuôn làm giãn giày. Xịt dung dịch làm giãn giày và lồng khuôn làm giãn giày vào giày. Mỗi khuôn làm giãn giày có khác biệt đôi chút, nhưng hầu hết đều có tay cầm và nút vặn. Nút vặn dùng để điều chỉnh chiều dài, tay cầm điều chỉnh chiều rộng. Xoay tay cầm và nút vặn sao cho thật khít với giày, sau đó để nguyên như vậy khoảng 6-8 tiếng. Khi đã đủ thời gian, quay tay cầm và nút vặn ngược lại (để khuôn làm giãn giày nhỏ lại) và lấy khuôn ra khỏi giày. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho giày lười và giày làm việc.
- Có nhiều loại khuôn làm giãn giày, trong đó có cả loại dùng cho giày cao gót. Loại khuôn làm giãn hai chiều là hữu dụng nhất, vì nó có thể làm giãn cả chiều rộng và chiều dài của giày.
- Một số khuôn làm giãn giày có kèm các bộ phận dành cho các tật như biến dạng ngón chân cái. Bạn có thể gắn các bộ phận này trước khi sử dụng.
- Khuôn làm giãn giày chỉ có thể lồng vào giày và làm giày lỏng ra để khỏi có cảm giác quá khít hoặc chật nhưng không thể làm cho cả đôi giày có kích cỡ lớn hơn.
- Khuôn làm giãn giày có hiệu quả nhất đối với các chất liệu tự nhiên như da và da lộn. Nó cũng có tác dụng với một số chất liệu khác, nhưng không có hiệu quả lắm đối với chất liệu tổng hợp và nhựa.
-
7Nhờ thợ sửa giày nới rộng giày. Khi được nới rộng, những ngón chân sẽ có nhiều không gian hơn để chuyển động, nhờ đó cũng giảm được lực ép và cảm giác đau dọc bàn chân. Tuy nhiên phương pháp làm giãn chỉ có tác dụng với giày da và da lộn. Nếu bạn có đôi giày đắt tiền và không muốn làm hỏng khi tự làm giãn tại nhà thì việc đem đến thợ sửa giày là một ý kiến hay.
-
8Dùng nước đá để làm giãn đôi giày có vùng mũi giày quá bó. Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng cách đổ nước đầy một nửa túi ni lông có khóa kéo và khóa chặt sao cho không còn không khí bên trong túi và nước không tràn ra ngoài. Đặt túi nước vào phần mũi giày và bỏ giày vào ngăn đông lạnh. Để nguyên như vậy cho đến khi nước đông thành đá, sau đó lấy giày ra khỏi ngăn đông. Lấy túi đá ra và xỏ chân vào giày. Đôi giày sẽ theo hình dạng của bàn chân khi ấm lại.[8]
- Phương pháp này có thể làm giãn giày nhờ tính chất nở ra khi đông lại của nước.
- Tuy nhiên cách này chỉ có hiệu quả đối với các chất liệu tự nhiên như da, da lộn và vải; có thể không có tác dụng đối với chất liệu nhựa và giả da.
- Nhớ rằng giày da và da lộn có thể để lại vết ố nếu bị ẩm. Bạn nên cân nhắc bọc giày trong khăn để bảo vệ giày.
Quảng cáo
Sửa chữa các vấn đề khác
-
1Mua tất chuyên dụng. Đôi khi chỉ cần dùng đúng loại tất hợp với giày là bạn có thể sửa chữa lại đôi giày khiến bạn đau chân. Chúng có thể giúp nâng đỡ bàn chân, thoát ẩm, ngăn ngừa trầy xước và phồng rộp. Sau đây là một số loại tất chuyên dụng mà bạn có thể tìm được và công dụng của chúng:[9] [10]
- Tất thể thao có phần vòm bàn chân thắt chặt hơn. Loại tất này nâng đỡ vòm bàn chân, lý tưởng cho giày chạy và giày thể thao.
- Tất thoát ẩm giúp loại bỏ mồ hôi ở bàn chân. Loại tất này giúp giữ bàn chân khô ráo và ngăn ngừa các vết phồng rộp.
- Tất chạy bộ có thêm miếng đệm ở mặt dưới. Loại tất giày này giúp hấp thu lực tác động mà bàn chân tạo ra khi chạy.
- Tất ngón chân có hình dạng giống như găng tay nhưng dùng cho bàn chân. Loại tất này bao bọc từng ngón chân và có thể ngăn ngừa các vết phồng rộp giữa các ngón.
- Lưu ý về chất liệu. Một số chất liệu như vải cotton dễ hút ẩm và có thể dẫn đến các vết phồng rộp. Các chất liệu như arylic, polyester, and polypropylene có thể giúp thoát mồ hôi và giữ chân khô ráo.
-
2Ngăn ngừa đôi dép kẹp gây đau bằng cách bọc phần quai dép. Dép kẹp có thể thoải mái và dễ đi. Tuy nhiên khi quai dép bắt đầu ấn sâu vào giữa các ngón chân thì chúng sẽ gây đau. Sau đây là vài mẹo để bạn có thể thử làm cho đôi dép kẹp bớt đau:
- Dùng miếng lót silicone dùng cho dép kẹp. Sản phẩm này có hình dạng như miếng lót cho phần trước bàn chân, chỉ khác là có một ống nhỏ gắn trên đầu. Đặt miếng lót vào phần trước của dép kẹp, sau đó luồn phần quai dép vào ống. Ống này sẽ giúp cho quai dép không ấn sâu vào giữa các ngón chân.
- Bọc quai dép bằng miếng dán vải moleskin. Cách này đặc biệt có hiệu quả cho dép kẹp nhựa hoặc cao su. Nó giúp làm êm bàn chân và làm mềm các cạnh sắc.
- Quấn vải xung quanh quai dép. Bạn có thể tiếp tục quấn vải xung quanh quai dép để tạo màu sắc và phong cách cá nhân. Cố định hai đầu vải bằng một giọt keo dán giày.
-
3Biết cách xử lý đôi giày có mùi hôi. Bạn có thể dùng miếng lót giày có chất liệu vải micro-suede để thấm hút mồ hôi vốn làm cho giày có mùi hôi, hoặc có thể bỏ vài túi trà vào giày những khi không sử dụng. Túi trà sẽ hút mùi hôi, và bạn có thể vứt bỏ túi trà vào ngày hôm sau.
-
4Cân nhắc dán ngón chân thứ ba và ngón chân thứ tư vào nhau bằng băng dính y tế có màu da. Như vậy bạn có thể bớt đau ở phần trước lòng bàn chân. Điều này có tác dụng là do giữa hai ngón này có một dây thần kinh. Dây thần kinh này bị tách ra khi bạn đi giày cao gót và tạo áp lực lên đó. Việc dán hai ngón chân với nhau sẽ giúp giảm bớt sức căng.[11]
-
5Làm mềm đôi giày cứng bằng cách đi giày trong những khoảng thời gian ngắn. Nếu đôi giày mới của bạn gây đau chân do còn cứng, bạn có thể làm mềm giày bằng cách xỏ giày vào chân và đi lại trong nhà. Nhớ thường xuyên thực hiện bước này và tháo giày ra khi thấy đau nhiều. Dần dần đôi giày của bạn sẽ rộng ra và dễ chịu hơn.
-
6Dùng máy sấy tóc để làm giãn và làm mềm đôi giày cứng. Bật máy sấy tóc ở chế độ thấp nhất và hướng đầu gió vào giày. Làm ấm giày từ bên trong khoảng vài phút, sau đó tắt máy sấy. Đi hai đôi tất và xỏ chân vào giày. Khi giày nguội lại, nó sẽ theo hình dạng của bàn chân. Phương pháp này có hiệu quả nhất đối với giày làm bằng chất liệu tự nhiên và không được khuyên dùng với các chất liệu nhựa hoặc tổng hợp, vì chúng có thể bị hư hại.[12]Quảng cáo
Lời khuyên
- Nhớ rằng bàn chân cũng thay đổi kích cỡ. Bàn chân có thể to lên trong thời tiết ấm và co lại khi lạnh. Ngoài ra, bàn chân cũng sẽ thay đổi kích cỡ khi bạn nhiều tuổi hơn. Việc thỉnh thoảng nhờ chuyên viên ở tiệm giày đo cỡ chân cũng là một ý hay.
- Cân nhắc thay đổi các đôi giày khác nhau trong ngày. Nếu phải đi bộ đến nơi làm việc hay đi đâu đó, bạn nên chọn đôi giày thật thoải mái trên đường đi và thay đôi giày khác khi đến nơi.
- Nếu chân bị phồng rộp, bạn hãy ngâm chân vào nước trà xanh ấm khoảng 10 phút. Chất làm se trong trà có thể tiêu diệt vi khuẩn, giảm mùi hôi và giảm khả năng nhiễm trùng. Nhiệt độ ấm cũng giúp xoa dịu cảm giác đau.
- Đi giày mới trong nhà trước khi ra ngoài. Điều này giúp cho giày mềm ra, đồng thời bạn có thể xác định những vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng gây đau chân.
- Gắn miếng bảo vệ gót giày màu đen hoặc trong suốt vào đế gót giày nhọn khi bạn đi trên địa hình không bằng phẳng. Miếng bảo vệ này sẽ tạo ra bề mặt rộng hơn và giảm rủi ro gót giày bị mắc kẹt.
- Ngâm bàn chân vào nước nóng khi tháo giày ra. Sức nóng sẽ xoa dịu cảm giác đau và giúp đôi chân dễ chịu hơn nhiều.
- Nếu bạn bị biến dạng ngón chân cái, hãy tìm những đôi giày có ghi “wide” (rộng chiều ngang) trên nhãn. Một số giày được sản xuất với các kích cỡ như hẹp, trung bình và rộng.
Cảnh báo
- Đôi khi bạn không thể sửa chữa được đôi giày gây đau chân do kết cấu, kích cỡ hoặc chất lượng của giày. Khi đó có lẽ bạn phải suy nghĩ đến việc mua một đôi giày khác.
Tham khảo
- ↑ Glamour, The 5-Minute, $5 Trick To Making ANY Pair Of Shoes More Comfortable
- ↑ Real Simple, 7 Shoe Repair Solutions Everyone Should Know
- ↑ The Shoe Doctor is In, Discussion: Shoe fitting and shoe care remedies, part 1
- ↑ XO Jane, Keep Your Shoes from Hurting
- ↑ XO Jane, Keep Your Shoes from Hurting
- ↑ Bustle, 8 Ways to Make High Heel Shoes Comfortable
- ↑ Already Pretty, Reader Request: Making Uncomfortable Shoes Wearable
- ↑ The Hair Pin, How to Actually Stretch Too-Small Shoes
- ↑ Blister Prevention, Moisture Wicking Socks
- ↑ REI, Socks: How to Choose
- ↑ Who What Wear, The Secret To Wearing High Heels Without Any Pain
- ↑ XO Jane, How to Break In A New Pair Of Shoes Without Breaking Your Feet
- Video được cung cấp bởi Glamrs.com