Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai là tình trạng khá phổ biến, nhất là với những lỗ khuyên mới xỏ. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần nếu được làm vệ sinh mỗi ngày 2 lần. Bạn có thể dùng bông gòn hoặc tăm bông nhúng nước muối hoặc xà phòng diệt khuẩn để rửa, sau đó lau khô bằng khăn giấy. Tránh dùng cồn và ô xy già, vì các dung dịch này có thể khiến vết thương lâu lành. Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng, nếu vết thương không đỡ sau 2 ngày hoặc nếu bị sốt. Luôn rửa tay trước khi chạm vào lỗ xỏ khuyên, đồng thời ngăn ngừa tái nhiễm trùng bằng cách tránh bơi lội và nhớ làm sạch điện thoại di động.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Rửa lỗ xỏ khuyên nhiễm trùng tại nhà

  1. 1
    Rửa tay trước khi chạm vào lỗ xỏ khuyên. Bạn luôn phải rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào lỗ xỏ khuyên, đặc biệt khi vết thương còn mới hoặc bị nhiễm trùng. Dùng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm. Tránh nghịch hoa tai và chỉ chạm vào chúng khi đã rửa tay.[1]
  2. 2
    Không tháo hoa tai ra. Nếu lỗ xỏ khuyên còn mới, bạn cần để nguyên hoa tai tối thiểu trong 6 tuần, ngay cả khi bị nhiễm trùng. Xoay hoa tai khi mới xỏ khuyên là việc nên làm, nhưng bạn cần ngừng xoay trong 1-2 tuần khi lỗ xỏ khuyên bị nhiễm trùng.[2]
    • Nếu vết thương bị nhiễm trùng là lỗ xỏ khuyên đã lành hoặc đã xỏ được quá 6 tháng, bạn nên tháo hoa tai ra trong thời gian điều trị nhiễm trùng.
  3. 3
    Rửa vết thương bằng bông gòn nhúng nước muối hoặc xà phòng. Nhúng bông gòn hoặc tăm bông vào nước muối hoặc xà phòng diệt khuẩn nhẹ rồi chấm xung quanh vết thương bị nhiễm trùng, cuối cùng lau khô bằng khăn giấy dùng một lần.[3]
    • Dùng dung dịch muối do tiệm xỏ khuyên cung cấp, nếu có. Bạn cũng có thể tự mua nước muối pha sẵn hoặc tự pha bằng cách hòa tan 2 thìa cà phê muối với 1 lít nước ấm.
    • Nếu dùng xà phòng, bạn nên chọn loại không có hương thơm và không chứa cồn.
    • Rửa lỗ xỏ khuyên tai mỗi ngày 2 lần. Bạn có thể xoay hoa tai trong khi rửa, lúc lỗ xỏ khuyên còn ướt nước muối hoặc xà phòng.
  4. 4
    Bôi thuốc mỡ kháng sinh. Sau khi rửa và lau khô, bạn có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh để vết thương mau lành. Chấm một lượng nhỏ thuốc mỡ vào bông gòn hoặc tăm bông và bôi một lớp mỏng lên chỗ nhiễm trùng.[4]
    • Không nên dùng thuốc mỡ nếu vết thương rỉ nước hoặc tiết dịch.[5]
  5. 5
    Không dùng cồn hoặc ô xy già. Cồn tẩy rửa và ô xy già sẽ làm khô vùng da nhiễm trùng và giết chết các tế bào có ích cho quá trình hồi phục. Tình trạng nhiễm trùng có thể còn trở nặng hơn khi các tế bào bạch cầu xung quanh vết thương bị chết. Tránh dùng cồn hoặc ô xy già và đảm bảo các sản phẩm rửa vết thương không chứa cồn.[6]
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Đến gặp chuyên gia y tế

  1. 1
    Liên lạc với bác sĩ nếu tình trạng nhiễm trùng không đỡ sau 2 ngày. Bắt đầu bằng việc rửa vết thương 2 lần mỗi ngày. Bạn sẽ thấy vết thương có dấu hiệu cải thiện như bớt đỏ hoặc giảm sưng sau 2 ngày. Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nặng hơn hoặc không có dấu hiệu cải thiện, bạn nên hẹn gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để khám.[7]
  2. 2
    Đến gặp bác sĩ nếu nhiễm trùng lan rộng hoặc bị sốt. Theo dõi sát tình trạng nhiễm trùng trong ngày đầu tiên. Đến gặp bác sĩ nếu nhiễm trùng lan ra bên ngoài vị trí lỗ xỏ khuyên hoặc nếu bị sốt. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn và cần điều trị bằng kháng sinh.[8]
  3. 3
    Nhờ bác sĩ kiểm tra lỗ xỏ khuyên ở vùng sụn khi bị nhiễm trùng. Bạn nên thật cẩn thận khi xử lý lỗ xỏ khuyên ở vùng sụn hoặc ở phần trên của tai. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất là bạn nên sớm nhờ bác sĩ kiểm tra tình trạng nhiễm trùng ở vùng sụn. Nhiễm trùng ở lỗ xỏ khuyên vùng sụn nhiều khả năng trở nên nghiêm trọng hơn, và về lâu dài có thể làm biến dạng tai, chẳng hạn như “tai súp lơ”, khiến cho phần sụn trên tai bị sần sùi.[9]
  4. 4
    Trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh. Khi bạn đến phòng khám, bác sĩ có thể lấy mẫu ở vị trí nhiễm trùng để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.[10]
    • Hỏi bác sĩ xem bạn có nên dùng kháng sinh không, và loại kháng sinh nào hiệu quả nhất trong trường hợp của bạn.
    • Không rửa lỗ xỏ khuyên trong vòng tối thiểu 24 tiếng trước khi đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cần lấy mẫu xét nghiệm ở vị trí nhiễm trùng để chẩn đoán, và các sản phẩm rửa vết thương có thể cản trở quá trình xét nghiệm.
  5. 5
    Đề nghị được thử nghiệm đánh giá dị ứng. Hiện tượng đỏ, sưng, ngứa và các dấu hiệu nhiễm trùng khác cũng có thể do dị ứng gây ra. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, bạn hãy hỏi bác sĩ về việc thử nghiệm đánh giá dị ứng.[11]
    • Nếu đây là lần đầu bạn xỏ khuyên, có thể là bạn bị dị ứng với kim loại. Bạn có thể tránh phản ứng dị ứng bằng cách dùng hoa tai không chứa nickel, vì đây là kim loại gây dị ứng phổ biến nhất.
    • Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dị ứng. Bạn sẽ được xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định chất có thể là nguyên nhân gây dị ứng.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Phòng ngừa tái nhiễm trùng

  1. 1
    Tránh bơi lội khi mới xỏ khuyên. Luôn luôn kiêng bơi lội tối thiểu trong vòng 2 tuần sau khi xỏ khuyên.[12] Tránh xa hồ bơi hay hồ nước tự nhiên và biển trong thời gian này, và nhớ làm sạch lỗ xỏ khuyên bằng nước muối sau khi tắm.[13]
    • Bạn cũng nên tránh bơi lội trong khi điều trị lỗ xỏ khuyên nhiễm trùng.
  2. 2
    Không để tóc chạm vào lỗ xỏ khuyên. Nếu có mái tóc dài, bạn nên buộc gọn sau lưng để tránh chạm vào lỗ khuyên mới xỏ hoặc bị nhiễm trùng. Gội đầu thường xuyên hơn mọi khi.[14]
    • Cẩn thận đừng để keo xịt tóc hoặc gel vuốt tóc dính vào lỗ xỏ khuyên và tránh móc vào hoa tai khi chải đầu.
  3. 3
    Khử trùng điện thoại di động mỗi ngày. Điện thoại di động đầy những vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng, vì vậy bạn nên thường xuyên khử trùng điện thoại ngay cả khi không bị nhiễm trùng. Tháo ốp lưng điện thoại ra để lau sạch cả điện thoại và ốp lưng bằng khăn giấy ướt diệt khuẩn hoặc khăn giấy xịt dung dịch tẩy rửa.[15]
    • Tất cả các máy điện thoại mà bạn đang sử dụng cũng nên được làm sạch.
    • Bạn cũng có thể bật loa ngoài khi có người gọi đến để không phải áp vào tai quá nhiều.
  4. 4
    Tháo hoa tai khi ngủ sau khi lỗ xỏ khuyên lành hẳn. Nếu lỗ xỏ khuyên còn mới, bạn nên để nguyên đôi hoa tai ban đầu trong 6 tuần và đeo hoa tai liên tục trong 6 tháng. Sau 6 tháng, lỗ xỏ khuyên sẽ lành hẳn và không bị bít. Một khi lỗ xỏ khuyên đã lành, bạn nên tháo hoa tai khi ngủ để cho thoáng khí và ngăn ngừa nhiễm trùng.[16]
  5. 5
    Xỏ khuyên ở cơ sở có uy tín. Tiệm xỏ khuyên càng sạch sẽ thì lỗ xỏ khuyên càng ít rủi ro bị nhiễm trùng. Bạn nên xem các nhận xét về cơ sở xỏ khuyên trước khi đến. Đảm bảo tiệm xỏ khuyên phải có giấy phép. Khi đến xỏ khuyên, bạn hãy để ý xem nhân viên có đeo găng tay latex không và hỏi xem họ có thiết bị khử trùng dụng cụ không.[17]
    • Xỏ khuyên ở các chợ đêm hoặc ở nước ngoài trong kỳ nghỉ không phải là ý hay.
    • Bạn không nên nhờ bạn bè xỏ khuyên tai tại nhà vì không có thiết bị khử trùng đúng mức.
    Quảng cáo

Cảnh báo

  • Dù hiếm xảy ra, virus Hepatitis C (viêm gan C) có thể lây truyền qua việc xỏ khuyên với dụng cụ không được khử trùng.[18] Các triệu chứng bao gồm chảy máu, bầm tím, ngứa da, mệt mỏi, da và mắt vàng, sưng chân.[19]

Bài viết wikiHow có liên quan

Tắm rửa sau khi xămTắm rửa sau khi xăm
Loại bỏ cục sưng ở lỗ xỏ khuyên mũiLoại bỏ cục sưng ở lỗ xỏ khuyên mũi
Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng khi xỏ khuyênNhận biết dấu hiệu nhiễm trùng khi xỏ khuyên
Thông lại lỗ khuyên tai bị bítThông lại lỗ khuyên tai bị bít
Chăm sóc rốn sau khi xỏ khuyênChăm sóc rốn sau khi xỏ khuyên
Điều trị lỗ xỏ khuyên nhiễm trùngĐiều trị lỗ xỏ khuyên nhiễm trùng
Lỗ xỏ khuyên mau lànhLỗ xỏ khuyên mau lành
Vượt qua Sự đau đớn khi Xăm hìnhVượt qua Sự đau đớn khi Xăm hình
Chữa lành vết sưng do xỏ khuyên sụnChữa lành vết sưng do xỏ khuyên sụn
Xỏ khuyên núm vúXỏ khuyên núm vú
Ăn khi xỏ khuyên lưỡiĂn khi xỏ khuyên lưỡi
Chăm sóc lỗ xỏ khuyên mũi và xử lý khi bị nhiễm trùngChăm sóc lỗ xỏ khuyên mũi và xử lý khi bị nhiễm trùng
Điều trị khuyên mũi bị nhiễm trùngĐiều trị khuyên mũi bị nhiễm trùng
Tạo hình xăm tạm thờiTạo hình xăm tạm thời
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Navid Malakouti, MD, FAAD
Cùng viết bởi:
Bác sĩ chuyên khoa da liễu
Bài viết này đã được cùng viết bởi Navid Malakouti, MD, FAAD. Navid Malakouti là bác sĩ chuyên khoa da liễu chuyên về da liễu thẩm mỹ, phẫu thuật da và da liễu y tế. Anh chuyên điều trị mụn, chứng đỏ mặt, bệnh vảy nến, ung thư da, tiêm botox, tiêm chất làm đầy, điều trị bằng laser và lột da hóa học. Bệnh nhân của anh thuộc mọi lứa tuổi. Malakouti nhận được chứng chỉ của Ủy ban Da liễu Hoa Kỳ, thành viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ, Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ, Hiệp hội Y học và Phẫu thuật Laser Hoa Kỳ và Hội Da màu. Anh có bằng cử nhân hóa sinh và sinh học tế bào của Đại học California, San Diego và bằng tiến sĩ y khoa của Trường Y khoa thuộc Đại học Virginia Commonwealth. Anh đã hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú về da liễu tại Washington D.C. ở Đại học Howard, Trung tâm Y tế VA, Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia và Viện Sức khỏe Quốc gia. Bài viết này đã được xem 13.617 lần.
Trang này đã được đọc 13.617 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo