Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Tỏi không chỉ là một loại gia vị ngon và bổ dưỡng dùng trong việc nấu nướng mà còn có ích cho vườn tược. Nhờ có chứa các hợp chất lưu huỳnh, tỏi đóng vai trò như một chất tự nhiên có công dụng xua đuổi nhiều loại côn trùng. Điều này có nghĩa là bạn có thể biến tỏi thành một loại thuốc trừ sâu rẻ và an toàn. Bạn có thể dùng nước tỏi cơ bản để kiểm soát rệp cây, sên trần và các loài côn trùng, hoặc pha chế nước xịt bằng hành, ớt và tỏi để xua đuổi bọ rùa, sâu bướm, hươu nai cũng như nhiều loài côn trùng và động vật khác.

Nguyên liệu

  • 1 củ tỏi
  • 4 cốc (1 lít) nước
  • 2 thìa canh (30 ml) xà phòng lỏng
  • 4 cốc (1 lít) nước
  • 1 củ tỏi bóc vỏ
  • 1 củ hành bóc vỏ
  • 1 thìa cà phê (2 g) bột ớt cayenne
  • 1 thìa canh (15 ml) xà phòng lỏng
Phần 1
Phần 1 của 3:

Làm nước xịt tỏi cơ bản

  1. 1
    Bóc tỏi. Bóc lớp vỏ ngoài của củ tỏi bằng tay. Tách ra từng nhánh tỏi và bỏ vào bát trộn bằng kim loại. Đậy một chiếc bát khác cùng kích thước lên bát đựng tỏi, giữ hai bát sát vào nhau và lắc mạnh trong 10 giây. Lấy bát đậy bên trên ra và nhặt các nhánh tỏi vừa được bóc vỏ.[1]
    • Bạn cũng có thể dùng lọ thủy tinh lớn có nắp nếu không có 2 bát trộn bằng kim loại cùng kích thước.
  2. 2
    Xay tỏi trong máy xay sinh tố. Cho tỏi vào máy xay sinh tố. Thêm vào 1 cốc (240 ml) nước và đậy nắp máy xay. Xay hỗn hợp cho đến khi tỏi thật nhuyễn (khoảng 1 phút).[2]
    • Nếu không có máy xay sinh tố, bạn có thể dùng máy xay thực phẩm hoặc máy xay cầm tay. Nếu không, bạn cũng có thể băm hoặc nghiền tỏi bằng dao hoặc dụng cụ ép tỏi, sau đó khuấy với nước.
  3. 3
    Rót lượng nước còn lại và xà phòng vào máy xay. Tiếp tục xay thêm khoảng 1 phút nữa đến khi hỗn hợp trở thành chất lỏng hoàn toàn. Xà phòng sẽ giúp cho hỗn hợp bám dính vào lá cây trong vườn, đồng thời cũng đóng vai trò như thuốc trừ sâu.
    • Bạn có thể dùng bất cứ loại xà phòng lỏng nào bạn thích, chẳng hạn như nước rửa bát hoặc xà phòng castile.[3]
  4. 4
    Ngâm hỗn hợp qua đêm. Rót hỗn hợp đã xay vào lọ thủy tinh sạch và đậy nắp. Để nguyên như vậy 12-24 tiếng. Hỗn hợp càng để lâu thì tỏi sẽ càng ngấm hợp chất lưu huỳnh cay nồng vào nước.[4]
  5. 5
    Lọc hỗn hợp. Lót vải màn vào rây lưới khít và đặt rây trên miệng bát. Rót hỗn hợp vào rây để loại bỏ xác tỏi. Vắt nhẹ vải màn để chắt được càng nhiều nước càng tốt.
    • Bước lọc hỗn hợp là để ngăn ngừa tỏi làm tắc vòi xịt.[5]
  6. 6
    Rót hỗn hợp vào bình xịt. Đặt phễu lên miệng bình xịt sạch và rót nước tỏi vào bình.[6] Lấy phễu ra và vặn nắp bình xịt. Dùng nước xịt tỏi để trị các loại dịch hại và nấm trong vườn khi cần.
    • Bảo quản hỗn hợp trong tủ lạnh và dùng trong một tuần.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Làm nước xịt tỏi, hành và ớt

  1. 1
    Băm tỏi và hành. Dùng dao hoặc dụng cụ ép tỏi để nghiền tỏi. Đặt hành lên thớt và dùng dao sắc cắt hạt lựu. Cho hành và tỏi vào xoong to.[7]
  2. 2
    Cho nước và ớt cayenne vào xoong. Bạn có thể dùng ớt đỏ khô thay cho ớt cayenne, hoặc dùng ớt cay tươi, chẳng hạn như ớt jalapeño hoặc habanero nếu thích. Nếu dùng ớt tươi, bạn cần băm nhỏ trước khi cho vào xoong.
    • Để tăng hiệu quả trừ sâu, bạn có thể thêm 3-4 lá bạc hà tươi hoặc khô vào xoong. Lá bạc hà có công dụng xua đuổi bọ rùa và các loài bọ cánh cứng khác.[8]
  3. 3
    Đun sôi hỗn hợp. Đậy nắp xoong và đun sôi hỗn hợp trên lửa lớn vừa. Khi nước đã sôi, bạn hãy vặn lửa xuống mức trung bình và tiếp tục đun sôi liu riu thêm 15 phút nữa. Nhấc xoong ra khỏi bếp và để sang một bên.[9]
  4. 4
    Chờ cho hỗn hợp ngấm. Vẫn đậy nắp xoong và để yên như vậy cho hỗn hợp tỏi, hành và ớt nguội trong tối thiểu 12 tiếng và tối đa 24 tiếng. Thời gian này là đủ để lưu huỳnh và dầu trong các loại rau quả ngấm vào nước.[10]
  5. 5
    Lọc hỗn hợp. Rót hỗn hợp vào rây lót vải màn đặt trên miệng bát. Bước này sẽ loại bỏ các mẩu tỏi, hành và ớt, chỉ còn lại chất lỏng có thể xịt được.[11]
  6. 6
    Rót hỗn hợp vào bình xịt. Dùng phễu khi rót hỗn hợp vào bình xịt để khỏi bị tràn ra ngoài. Xịt dung dịch này trong vườn khi cần để loại bỏ các loài dịch hại và các động vật ăn lá cây.
    • Hỗn hợp này có thể bảo quản được khoảng 1 tuần trong tủ lạnh.[12]
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Sử dụng nước xịt

  1. 1
    Xịt vào cây cối để xua đuổi các loài gây hại và trị nấm mốc bột. Tỏi trong các loại nước xịt này có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và xua đuổi côn trùng. Khi được xịt lên lá cây trong vườn, nước tỏi sẽ giúp xử lý một số vấn đề phổ biến trong vườn. Tỏi có công dụng:[13]
    • Xua đuổi rệp cây, sên trần, sâu bướm và các loại côn trùng khác.
    • Xua đuổi hươu nai, thỏ và các loài động vật khác có thể phá hoại cây cối.
    • Diệt nấm mốc bột [14]
    Maggie Moran

    Maggie Moran

    Thợ làm vườn
    Maggie Moran là thợ làm vườn chuyên nghiệp tại Pennsylvania.
    Maggie Moran
    Maggie Moran
    Thợ làm vườn

    Bạn cũng có thể dùng nước xịt tỏi để chống muỗi. Horticulturalist Maggie Moran chỉ dẫn cách pha chế: “Ngâm các nhánh tỏi nghiền vào dầu khoáng. Sau khi ngâm 24 tiếng, bạn hãy loại tỏi ra khỏi dầu, rót 2 cốc (240 ml) nước và 1 thìa cà phê (5 ml) nước cốt chanh tươi vào dầu. Cuối cùng, bạn có thể lọc dung dịch và rót vào bình xịt.”

  2. 2
    Xịt dung dịch lên lá cây vào buổi tối. Cầm bình xịt cách xa cây cần xử lý khoảng 15-30 cm. Xịt dung dịch lên mặt trên và cả mặt dưới lá cây thành một lớp bao phủ đều trên lá. Nhiều loại sâu bọ thích ẩn nấp ở mặt dưới lá cây, và cà nấm mốc bột cũng thường phát triển ở đó.[15]
    • Tốt nhất là bạn nên xịt vào buổi tối, khi mặt trời không thiêu đốt lá cây và khi côn trùng thường hoạt động mạnh hơn.
  3. 3
    Xịt lại cách vài ngày một lần và sau khi mưa. Để có hiệu quả tối ưu, cứ cách 3-5 ngày bạn nên xịt lại một lần (thậm chí có thể xịt hàng ngày) cho đến khi đã kiểm soát được số lượng côn trùng, sau đó xịt mỗi tuần một lần. Bạn cũng nên xịt lại sau khi mưa, vì nước mưa sẽ làm trôi dung dịch trên lá cây.[16]
  4. 4
    Rửa sạch rau quả trước khi ăn. Nước tỏi không độc, nhưng bạn nên rửa kỹ rau và hoa quả sau khi hái để loại bỏ dấu vết của nước xịt. Nước xịt tỏi không những cay và nóng, mà xà phòng trong đó sẽ có vị khó chịu và đắng.
    Quảng cáo

Cảnh báo

  • Hãy thật cẩn thận kẻo xịt vào mắt, mũi hoặc miệng, vì nước tỏi có thể làm bỏng rát, đặc biệt nếu trong hỗn hợp có cả ớt.

Về bài wikiHow này

Maggie Moran
Cùng viết bởi:
Thợ làm vườn
Bài viết này đã được cùng viết bởi Maggie Moran. Maggie Moran là thợ làm vườn chuyên nghiệp tại Pennsylvania. Bài viết này đã được xem 9.029 lần.
Chuyên mục: Làm vườn
Trang này đã được đọc 9.029 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo