Bài viết này đã được cùng viết bởi Pippa Elliott, MRCVS. Elliott là bác sĩ thú y với hơn ba mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thú y và điều trị bệnh cho thú cưng. Cô tốt nghiệp Đại học Glasgow năm 1987 với bằng bác sĩ phẫu thuật thú y. Cô đã làm việc tại một phòng khám thú y tại quê nhà hơn 20 năm.
Có 13 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 12.316 lần.
Phối giống chó là công việc thú vị và mang lại niềm vui miễn là bạn hiểu các trách nhiệm và rủi ro của quy trình này. Có một đàn chó con chạy nhảy trong nhà trông rất dễ thương và vui nhộn, nhưng bạn cần phải đầu tư nhiều công sức! Nếu thích nhân giống chó, bạn cần đảm bảo mình đã sẵn sàng cho công việc này.
Các bước
Quyết định phối giống chó
-
1Chịu khó tìm hiểu. Để biết bạn có sẵn sàng và phù hợp để phối giống chó hay không, trước tiên bạn cần nghiên cứu. Việc nghiên cứu sẽ giúp bạn biết quy trình này diễn ra thế nào và những việc cần phải làm. Hãy đọc sách do những người gây giống hay bác sĩ thú y có uy tín viết. Trao đổi với bác sĩ thú y về những lợi ích và bất lợi. Trò chuyện với những người gây giống có uy tín về thực tiễn trong việc phối giống chó.
- Tìm mua các cuốn sách do bác sĩ thú y viết. Cân nhắc các tựa sách như Sinh sản ở chó: Cẩm nang cho người gây giống, tái bản lần 3 của TS. Phyllis A. Holst , hay Nhân giống chó toàn tập của TS. Dan Rice.
-
2Có lý do phù hợp. Lý do đáng tin cậy duy nhất để nhân giống chó phụ thuộc vào kinh nghiệm và thông tin bạn đã tìm hiểu trước đây. Nếu bạn đã bỏ ra hai hay nhiều năm rèn luyện và làm việc cùng những chú chó, bạn là người phù hợp để nhân giống chó. Để đưa những chú cún con khỏe mạnh, chất lượng đến với thế giới này thì bạn cần làm việc và nghiên cứu.
- Bạn không nên nhân giống chó để bán làm thú cưng. Nhân giống chó không phải là cách thu lợi tốt hay việc làm có trách nhiệm. Lý do này sẽ tạo ra một thị trường thúc đẩy các trại phối giống chó nở rộ trên khắp thế giới. Xin hãy có trách nhiệm và đừng trở thành người góp phần gây ra tình trạng quá tải thú cưng.
- Nhân giống chó đúng cách và có trách nhiệm cần nhiều thời gian và sự đầu tư.
-
3Xem xét điều kiện của bạn. Đảm bảo rằng bạn đang sở hữu một con chó xuất sắc so với các con cùng giống với nó, hoặc bạn có thể nhờ chuyên gia đánh giá chất lượng của chó. Bạn nên cải thiện giống chó đó, nghĩa là bạn cần có bằng chứng cho thấy chú chó của mình nằm trong top 10% của giống loài cụ thể. Nói chung, chú chó của bạn nên đóng góp tích cực vào nguồn gen.
- Chó nên khỏe mạnh và lanh lợi. Ngoại hình của chó phải cân đối và đạt các chuẩn mực của giống loài. Tính khí của chó cũng phải đặc biệt tốt.[1]
- Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để sống với lứa chó con trong thời gian tối thiểu là 8 tuần trước khi chúng đến nhà mới. Bạn cần biết thời điểm nào trong năm việc phối giống có thể diễn ra. Điều này sẽ giúp bạn biết được việc phối giống ảnh hưởng thế nào đối với bạn và gia đình mình.
- Chuẩn bị chăm sóc tất cả chó con. Bạn chịu trách nhiệm về sức khỏe và hạnh phúc của chúng. Nếu vì lý do nào đó bạn không thể tìm nhà mới cho tất cả bọn chúng thì sẽ phải tự nuôi.[2]
-
4Biết những giống chó nào phù hợp để nhân giống. Có một số giống chó là ứng viên tốt cho việc nhân giống. Chúng có những đặc điểm di truyền có giá trị để truyền lại cho các đời sau. Bạn có thể nhân giống chó nghiệp vụ, chúng có khả năng chăn và lùa gia súc về chuồng, hoặc theo dõi con mồi. Bạn cũng có thể nhân giống chó biểu diễn, chúng được đánh giá dựa trên ngoại hình và hành vi.
- Đối với chó nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện tốt các công việc này có khuynh hướng di truyền sang đời sau. Chó bố và chó mẹ cần có hồ sơ theo dõi được ghi nhận ngoài thực địa. Người ta thường tổ chức các cuộc thi để chứng minh một con chó có thể thực hiện tốt công việc hay không.
- Chó biểu diễn cần có cấu tạo hình thể đạt yêu cầu. Đó là tiêu chuẩn về ngoại hình cho từng giống chó. Mỗi giống chó có một tiêu chuẩn do Câu lạc bộ Chó giống Hoa Kỳ đặt ra. Chó được nhân giống để thỏa mãn các tiêu chuẩn này, và được chấm điểm trên sàn diễn cùng các con chó khác để xác định con nào phù hợp với tiêu chuẩn nhất.[3]
- Các quốc gia khác có tiêu chuẩn nhân giống riêng. Nếu bạn dự định biểu diễn ở các nước khác thì tìm tiêu chuẩn hình thể tại đó.
Chọn chó để nhân giống
-
1Chọn chó. Bạn cần chọn con giống từ đàn chó của mình. Nghĩa là bạn cần chọn một con chó cái có khả năng sinh sản, và một con chó đực để phối giống với chó cái. Bạn phải chắc chắn chúng có những đặc điểm đã thảo luận.
- Bạn cũng có thể tìm chó đực từ một người gây giống khác nếu bạn không có. Thuê chó đực hay mua tinh trùng sẽ tốn chi phí. Đôi khi hợp đồng cho phép chủ của chó đực được lấy chó con. Đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận được lập thành văn bản và ký kết, để có một hợp đồng giữa các bên liên quan đến chó con.
-
2Xác định gen của chó. Bạn nên tìm hiểu nguồn gen của chó giống. Xem xét huyết thống của chó để đảm bảo chúng có những đặc tính tốt trong huyết thống. Đối với chó thuần chủng, bạn có thể xin hồ sơ huyết thống từ Câu lạc bộ Chó giống Hoa Kỳ hoặc các cơ quan đăng ký khác. Bạn cũng phải chắc chắn cặp chó giống không có dòng máu trực hệ với nhau để ngăn ngừa dị tật di truyền do cận huyết.
- Bạn nên làm xét nghiệm cho con chó của mình và con chó định phối giống với nó để tìm các vấn đề về di truyền liên quan đến dòng giống của chúng. Tổ Chức Chỉnh Hình Hoa Kỳ (OFA) quản lý cơ sở dữ liệu về chó và các kết quả xét nghiệm bệnh di truyền như loạn sản xương hông và xương khuỷu, bệnh ở mắt, trật khớp bánh chè, và vấn đề ở tim. Bạn không nên nhân giống chó mắc các bệnh tật mà có thể truyền sang thế hệ tiếp theo.[4]
-
3Theo dõi tính khí của chúng. Quan sát cặp chó giống để đánh giá hành vi của chúng. Xem xét hành vi của chúng khi tương tác với nhau và với các con chó khác. Phối giống những con chó thân thiện, tính cách hài hòa thường sẽ tạo ra chó con với tính khí tương tự. Không nên nhân giống những con hung hăng và quá đáng sợ vì chúng rất nguy hiểm.[5]
-
4Kiểm tra tuổi của chó. Bạn phải chắc chắn chó đang ở trong độ tuổi sinh sản. Chó sinh sản thường khoảng 2 tuổi. Nhiều vấn đề về di truyền sẽ xuất hiện trước khi chó đủ 24 tháng tuổi. Bạn có thể tầm soát các vấn đề này trong xét nghiệm cụ thể. Ví dụ, OFA sẽ không chấp nhận chụp X-quang cho chó dưới 24 tháng tuổi để đánh giá và xếp loại chứng loạn sản xương hông. Để nhân giống thành công, chó bố mẹ cần có dấu hiệu nhận dạng vĩnh viễn bằng vi mạch điện tử hoặc hình xăm để có thể gửi dữ liệu xét nghiệm cho OFA và các tổ chức khác. Họ muốn đảm bảo rằng không có cách nào để làm giả kết quả.[6]
- Chó cái bắt đầu động dục trong khoảng 6 đến 9 tháng tuổi. Chúng động dục sau mỗi 5-11 tháng sau kỳ động dục đầu tiên. Người gây giống thường không phối giống chó cái đến khi nó được 2 tuổi và đã trải qua 3 hay 4 kỳ động dục. Đây là thời điểm chó cái trưởng thành hoàn toàn. Thể chất của chúng lúc này đã sẵn sàng để chịu sức ép của việc thai nghén và sinh con.
Khám sức khỏe cho chó
-
1Mang chó đến bác sĩ thú y. Trước khi phối giống, bạn cần mang chó đến bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe, và đảm bảo nó đã được tiêm chủng. Kháng thể trong chó mẹ sẽ truyền sang cho chó con khi nó bú sữa. Kháng thể sẽ bảo vệ chó con không bị bệnh.
-
2Biết tiền sử bệnh của chó. Nếu chó có các vấn đề y khoa tiềm ẩn thì nó có thể làm thay đổi kế hoạch nhân giống của bạn. Giống chó nhỏ có thể có vấn đề về di truyền mà bạn nên biết trước khi phối giống. Chó con có khả năng gặp vấn đề tương tự hoặc còn tệ hơn. Đó có thể là vấn đề về răng như răng mọc sai vị trí, dẫn đến tình trạng hàm trên và hàm dưới không chạm nhau. Chúng có thể dễ bị trật xương bánh chè, loạn sản xương hông hay xương khuỷu, các vấn đề về cột sống như rách đĩa đệm. Chó cũng có thể mắc chứng dị ứng dẫn đến nhiễm trùng da và tai, bệnh ở tim, vấn đề ở mắt, hoặc vấn đề về hành vi.[7]
- Phải chắc chắn chó của bạn đã được tẩy giun định kỳ. Giun tròn, giun móc và giun chỉ có thể lây từ chó mẹ sang chó con.[8]
-
3Kiểm tra sức khỏe sinh sản. Bạn cần phải kiểm tra sức khỏe của chó để đảm bảo chúng có thể sinh sản. Đối với chó đực thì họ có thể phân tích tinh trùng. Ví dụ, các xét nghiệm này sẽ tìm ra những vấn đề về di truyền cũng như bệnh truyền nhiễm như bệnh Brucellosis. Trước khi phối giống chó cái hay chó đực, xét nghiệm Brucellosis được khuyến nghị để đảm bảo không có con nào mang mầm bệnh và lây sang con kia.
Bắt đầu quy trình phối giống
-
1Chờ chó cái đến kỳ động dục. Chó cái cần phải đến kỳ động dục trước khi được phối giống. Thời điểm này không cố định nên bạn phải quan sát để biết khi nào chó cái động dục. Khi đó bộ phận sinh dục của chó cái bắt đầu sưng lên và có dịch máu. Nếu chó đực đang ở gần đó thì nó sẽ rất phấn khích.
- Chó cái sẽ không chấp nhận chó đực đến khi nó đã sẵn sàng giao phối. Thậm chí nó có thể cắn chó đực để đuổi đi nếu chưa sẵn sàng. Đừng để chúng bị chấn thương. Hãy theo dõi kỹ khi ghép hai con với nhau.
- Thường thì chó cái sẽ chấp nhận chó đực sau khi kỳ động dục bắt đầu được 9-11 ngày, và cho phép chó đực leo lên giao phối.
- Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cho chó cái giao phối, hãy nhờ bác sĩ thú y xét nghiệm Progesterone. Xét nghiệm này sẽ cho biết khi nào chu kỳ động dục bắt đầu và cơ thể chó đã sẵn sàng để tiếp nhận tinh dịch. Mức Progesterone sẽ tăng cao trước khi trứng rụng 1-2 ngày. Một số chó cái có chu kỳ động dục diễn ra rất êm đềm nên không thể phát hiện, và xét nghiệm Progesterone sẽ giúp xác định thời điểm trứng rụng.[9]
-
2Cân nhắc thụ tinh nhân tạo. Thụ tinh nhân tạo có thể giúp bạn nhân giống chó nếu không có chó đực. Tinh dịch chó đông lạnh trong nitơ lỏng có thể vận chuyển khắp thế giới. Họ sẽ tiến hành các bước để rã đông và thụ tinh cho chó cái. Có lẽ bạn phải xem xét cách này nếu cặp chó bạn chọn dường như không thể giao phối tự nhiên.
- Điều này khá rắc rối vì người ta đặt nghi vấn về các vấn đề tiềm ẩn đối với sức khỏe sinh sản của thế hệ chó tiếp theo.
- Trong các trường hợp đặc biệt, tinh dịch có thể được bác sĩ thú y cấy vào tử cung chó cái khi nó đã được gây mê. Dĩ nhiên, những thủ thuật này sẽ tăng chi phí cho mỗi lần mang thai và từng chó con.[10]
-
3Giữ sức khỏe cho chó cái. Khi chắc chắn rằng chó cái đã được phối giống, bạn có thể tách nó khỏi chó đực. Bạn cần cung cấp chế độ ăn cân đối cho chó mẹ, có thể bổ sung vitamin và canxi. Bác sĩ thú y thường sẽ khuyến nghị như vậy.
- Bạn cần duy trì chế độ dinh dưỡng này trong suốt thai kỳ của chó. Thời gian thai nghén của chó vào khoảng 58-68 ngày.
- Giữ chuồng chó sạch sẽ, không có ký sinh vật như bọ chét. Vệ sinh chuồng chó định kỳ và cung cấp nhiều nước uống, tấm lót sạch.
-
4Để ý những thay đổi ở chó cái. Núm vú và tuyến vú sẽ trải qua những thay đổi trong thời kỳ thai nghén. Đến cuối thời kỳ mang thai, tuyến vú bắt đầu sản xuất ra sữa. Trong ba tuần cuối cùng của thai kỳ, chó cái cần được bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn. Hãy nhờ bác sĩ thú y tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Thường thì chó cái mang thai được cho ăn thức ăn của chó con trong ba tuần cuối thai kỳ. Thức ăn chó con cung cấp đủ calo và dinh dưỡng cho bào thai phát triển và chuẩn bị cho chó mẹ nuôi con bằng sữa.
Chuẩn bị cho chó sinh con
-
1Chuẩn bị ổ đẻ. Ổ đẻ là nơi để chó mẹ sinh con. Bạn nên sử dụng một chiếc hộp có kích thước dài hơn chó mẹ khoảng 15cm khi nó nằm sấp mặt, và rộng hơn khoảng 30 cm. Hộp nên có đường ray để ngăn chó mẹ nằm đè lên chó con sau khi sinh.
- Xếp xen kẽ các lớp vải nhựa và giấy báo ở đáy hộp. Lớp lót này giữ ổ đẻ sạch hơn khi đáy hộp bị dính bẩn. Bạn chỉ cần rút một lớp giấy và một lớp vải nhựa ra và để phần còn sạch lại. Lót thêm khăn tắm sạch hay vật liệu lót khác mà có thể giặt sạch dễ dàng.
-
2Hãy chú ý. Bạn cần chú ý để biết khi nào chó sắp sinh con, và tự tìm hiểu về các giai đoạn trở dạ của chó. Khi chó mẹ bắt đầu trở dạ, hãy theo dõi nó để tìm dấu hiệu co thắt mạnh kéo dài hơn 30-45 phút nhưng vẫn không thể sinh con. Đây có thể là biến chứng trong lúc trở dạ.
- Chụp ảnh X-quang vào ngày 45 của thai kỳ sẽ giúp bác sĩ đếm được có bao nhiêu bộ xương chó con trong bụng chó mẹ. Ảnh X-quang cũng cho biết nếu có chó con lớn bất thường mà có thể gây ra vấn đề khi sinh. Thông tin này là cơ sở để bạn và bác sĩ thú y chuẩn bị cho khả năng phải sinh mổ và biết trước có bao nhiêu chó con ra đời.
-
3Giữ ấm cho chó con. Bạn cần giữ ấm cho chó con mới sinh, đồng thời đảm bảo tất cả chó con đều có thể bú mẹ. Kiểm tra các khuyết tật bẩm sinh như sứt vòm miệng. Vòm miệng của chó con phải hoàn hảo, không có dấu hiệu phân tách của mô miệng. Chó mẹ sẽ làm vệ sinh cho chó con và giúp chó con vào tư thế bú.
- Nếu chó con bị sứt vòm miệng, sữa sẽ chảy từ miệng vào đường mũi. Nếu khuyết tật này nặng thì bạn nên an tử cho nó vì nó sẽ không thể sống.
-
4Ghi nhận dữ liệu sinh sản. Ghi lại ngày sinh, tổng số chó con và số con cái, con đực. Nếu bạn dự định đăng ký lứa chó con này với các tổ chức như AKC thì có thể đăng ký trực tuyến. Bạn cần có mã số đăng ký của chó bố và chó mẹ để điền vào mẫu đơn.
Chăm sóc chó con
-
1Theo dõi chó con. Theo dõi chó con cẩn thận vài tuần đầu tiên, đảm bảo chúng sạch sẽ và ấm áp, được cho bú no. Cân chó con hằng ngày (cân có thang chia gam) để đảm bảo chó lên cân đều. Chó con khỏe mạnh phải hoàn toàn sạch sẽ, năng động và bụng căng. Chó con nên tăng cân khoảng 10% trọng lượng cơ thể mỗi ngày trong 2 tuần đầu.
- Khoảng 4 tuần tuổi, chó trở nên rất năng động. Ổ đẻ sẽ không còn đủ rộng cho chúng, do đó bạn nên cung cấp một cái hộp lớn hơn có vách xung quanh để đảm bảo an toàn. Lúc này chó mẹ thường sẽ rời khỏi ổ lâu hơn, và bạn có thể bắt đầu cai sữa cho chó con bằng thức ăn viên nhỏ tẩm nước.[11]
-
2Mang chó đến bác sĩ thú y. Mang chó con đến bác sĩ thú y khi chúng được 7-8 tuần tuổi. Bác sĩ thú y sẽ tiêm chủng lần đầu cho chúng. Họ sẽ tiêm chủng bệnh Distemper, viêm gan, Parvo, và bệnh do vi-rút á cúm (Parainfluenza) gây ra hay còn gọi là DHPP. Chó con cũng được điều trị giun sán. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc ngăn ngừa bọ chét và giun chỉ.
- Yêu cầu bác sĩ thú y kiểm tra các vấn đề khác về sức khỏe và di truyền. Người gây giống có trách nhiệm sẽ cung cấp thông tin này cho các chủ sở hữu mới của chó để họ có thể hoàn thành các mũi tiêm chủng sau đó trong khung thời gian khuyến nghị.
-
3Rà soát chủ mới của chó. Quá trình này cần được tiến hành cẩn thận. Bạn chỉ nên bán chó cho gia đình nào có khả năng tạo môi trường sống tốt cho nó. Chủ mới nên là người có trách nhiệm, sẵn sàng bỏ thời gian, công sức và tiền bạc cho chó mới mua.
- Cân nhắc kiểm tra nhà cửa của chủ mới. Sẵn sàng từ chối nếu họ không phù hợp để nuôi chó con. [12]
-
4Lập hợp đồng. Sau khi tìm được chủ mới thích hợp, bạn nên ký kết hợp đồng với họ. Nhớ đề cập các điều khoản về bảo đảm sức khỏe và giới hạn của các điều khoản đó. Bạn cũng cần quy định rằng họ phải trả lại chó con nếu không thể tiếp tục nuôi bất kỳ lúc nào trong vòng đời của chó.
Tham khảo
- ↑ http://www.thelabradorclub.com/subpages/workvshow.php
- ↑ http://www.humanesociety.org/issues/pet_overpopulation/
- ↑ http://www.akc.org/
- ↑ http://www.offa.org/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/blog/canine-corner/201304/does-genetics-determine-dogs-personality
- ↑ http://www.offa.org/
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?A=2448
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&S=0&C=0&A=1459
- ↑ http://caninesemenbank.com/Progesterone_Testing.html
- ↑ http://www.akc.org/register/artificial-insemination/
- ↑ http://www.aspca.org/pet-care/dog-care/newborn-puppy-care
- ↑ http://www.akc.org/dog-breeders/learn/guide-to-breeding/
- ↑ http://www.nolo.com/legal-encyclopedia/free-books/dog-book/chapter3-3.html
- ↑ http://www.thekennelclub.org.uk/media/14641/guidepupsalescontract.pdf