Bài viết này đã được cùng viết bởi Klare Heston, LCSW. Klare Heston là nhân viên xã hội lâm sàng độc lập được cấp phép tại Ohio. Cô đã nhận bằng Thạc sĩ Công tác Xã hội của Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia năm 1983.
Có 14 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 38.197 lần.
Một tình bạn đích thực cũng như quả anh đào trên ly kem vậy: nhờ nó mà cuộc sống của chúng ta thêm ngọt ngào. Tuy nhiên, một người bạn giả tạo có thể bòn rút năng lượng của bạn, khiến bạn chán nản và kiệt sức sau mỗi lần gặp họ. Nếu bạn nghi ngờ có một người bạn giả tạo trong hội bạn bè của mình, hãy tìm ra chân tướng của người đó bằng cách quan sát các thói quen về hành vi và giao tiếp của họ. Sau đó, hãy cố gắng giữ khoảng cách với họ để dọn chỗ cho những tình bạn thực sự đem lại hạnh phúc cho bạn trong cuộc sống.
Các bước
Quan sát các hành vi của người đó
-
1Tự hỏi có phải người bạn đó luôn khiến bạn thất vọng không. Những người bạn giả tạo có thể thường xuyên nói dối, nuốt lời hứa hoặc lặn mất tăm đúng vào những lúc bạn cần đến họ nhất. Bạn hãy nhìn lại tình bạn này trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trở lại đây. Có phải bạn thường xuyên cảm thấy hụt hẫng vì hành động của họ không? Nếu đúng là vậy, có lẽ bạn đang đối mặt với một người bạn giả tạo.[1]
- Nếu người đó hết lần này đến lần khác làm bạn thất vọng, bạn sẽ phải xác định xem lựa chọn nào là tốt nhất – giảm bớt kỳ vọng về tình bạn này hoặc chấm dứt tình bạn với họ.
Nhân viên công tác xã hội y tếKlare Heston, LCSW
Nhân viên công tác xã hội y tếViệc nhận biết những người bạn thực sự cũng không kém phần quan trọng. Clare Heston, một nhân viên công tác xã hội diễn giải, “Một người bạn thực sự là người luôn đồng hành với bạn cả lúc vui lẫn lúc buồn. Họ luôn chấp nhận bạn, khích lệ bạn và tin tưởng bạn. Họ sẽ cho bạn những ý kiến phản hồi trung thực nhưng cũng tôn trọng quyết định của bạn. Họ cũng phải chấp nhận những người bạn khác và người thân của bạn.”
-
2Chú ý đến hành vi luôn đặt bản thân lên trên hết. Hãy ngẫm lại cảm giác của bạn trong khi và sau khi ở bên cạnh người bạn này. Có phải bạn thường cảm thấy bị xem nhẹ hoặc phớt lờ vì họ luôn muốn lấn lướt bạn trong mọi cuộc trò chuyện hoặc mọi quyết định không? Nếu đúng vậy thì người bạn này trong thâm tâm không hề nghĩ đến quyền lợi của bạn.[2]
- Lẽ ra bạn phải cảm thấy vui hơn sau khi gặp bạn bè, không phải là cảm giác kiệt sức, mệt mỏi hoặc buồn bực.
- Nếu người bạn đó dường như không thể quan tâm đến bất cứ ai ngoài chính bản thân họ, có lẽ là họ chỉ cần khán giả chứ không cần một người bạn.
- Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng có thể bạn của bạn chỉ cần thời gian để trưởng thành. Biết đâu họ sẽ tiếp thu những lời góp ý nhẹ nhàng mang tính xây dựng. Ví dụ, bạn hãy thử nói “Nhiều lúc tớ thấy nản khi mình đi chơi với nhau vì cậu chỉ toàn nói chuyện của cậu. Tớ cảm thấy như cậu không muốn lắng nghe tớ.”
-
3Để ý thái độ vô tâm. Sự nhiệt tình và cảm thông là cốt lõi của tình bạn thực sự. Nếu người đó thường có thái độ lạnh nhạt thờ ơ với bạn, có lẽ bạn phải xem lại tình bạn này.[3]
- Ví dụ, họ có thể gây gổ với bạn và luôn chờ bạn xin lỗi. Rõ ràng đây không phải là một tình bạn bình đẳng và lành mạnh.
- Người đó cũng có thể bỏ rơi bạn trong thời gian bạn cần họ nhất, chẳng hạn như khi bạn vừa chia tay người yêu mà họ vẫn vui vẻ tiệc tùng và bỏ mặc bạn một mình.
-
4Để ý xem họ có ủng hộ bạn và nghĩ đến lợi ích của bạn không. Bạn của bạn có quan tâm đến chính con người của bạn không? Nếu có, họ phải đến xem ban nhạc của bạn biểu diễn và hỏi thăm buổi thi tuyển vào đội cổ vũ của bạn diễn ra thế nào. Họ cũng phải nhớ ngày sinh nhật và các sự kiện quan trọng của bạn.[4]
- Nếu người đó hay xem thường hoặc cười nhạo những thứ bạn yêu thích – hoặc chẳng bao giờ xuất hiện trong các sự kiện mà bạn xem trọng – vậy thì rõ ràng là họ đâu có ủng hộ bạn.
-
5Nghĩ xem người bạn này có chấp nhận các khuyết điểm của bạn không, hay họ luôn đem những sai sót của bạn ra để chỉ trích? Mọi người ai cũng có lúc mắc sai lầm. Một người bạn tốt sẽ sẵn sàng cho bạn thời gian thư giãn chứ không nhắc đi nhắc lại các lỗi lầm của bạn. Nếu cuộc đối thoại của bạn và người này chỉ là một vòng lặp vô tận xoay quanh các khuyết điểm và sai lầm của bạn, có lẽ bạn cần giữ khoảng cách với họ.[5]
- Thật khó mà mong đợi được tha thứ một cách dễ dàng nếu chúng ta đã làm tổn thương ai đó. Tuy nhiên, bạn bè tốt không nên mãi dằn vặt nhau. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái mỗi khi ở bên cạnh họ.
-
6Nghĩ xem người đó có thường gây cho bạn cảm giác như mình có lỗi không. Bạn bè thực sự phải hiểu rằng đôi khi bạn cũng bận rộn và không có thời gian dành cho họ. Như vậy, nếu người đó cố làm cho bạn cảm thấy tội lỗi khi bạn từ chối họ điều gì đó hoặc không đi chơi được thì thật khó mà nói đó là người bạn thực sự.[6]
- Ai cũng có lúc bận rộn, thế nên bạn không phải áy náy khi bạn không thể lúc nào cũng sẵn sàng có mặt.
- Đặc biệt lưu ý nếu người bạn đó luôn đòi hỏi bạn phải có mặt khi họ cần nhưng chính họ lại không đáp lại tương tự với bạn.
Quảng cáo
Nhận biết các vấn đề trong giao tiếp
-
1Chú ý xem họ có khó chịu khi nói chuyện với bạn không. Điều này bao gồm cả các cử chỉ nhỏ nhặt ở người bạn giả tạo.
- Khi bạn bè nói chuyện về bạn, họ có thể cảm thấy không tự nhiên trước mặt bạn.
- Để ý xem họ có cựa quậy, xoắn tóc hoặc đổ mồ hôi tay khi ở gần bạn không. Không phải tất cả các dấu hiệu này đều có nghĩa là họ giả tạo; có thể đó chỉ là thói quen của họ. Nếu bạn của bạn có tật cắn móng tay thì đó không phải là dấu hiệu là họ đang giả vờ.
- Nếu họ có vẻ lo lắng hoặc không nhìn thẳng vào mắt bạn, có thể là họ đang cảm thấy có lỗi vì việc nào đó.
-
2Lưu ý xem người bạn đó có lắng nghe bạn không hay chỉ đòi hỏi chiều ngược lại. Lắng nghe chủ động là một yếu tố quan trọng để xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Nếu bạn luôn cố gắng lắng nghe người bạn đó nhưng họ lại không đáp lại tương xứng với bạn, vậy thì có lẽ họ không phải là người bạn chân thành.[7]
- Hãy chú ý khi bạn nói chuyện với người đó: họ có liên tục ngắt lời bạn không? Có phải họ không quan tâm đến những chuyện bạn nói và chuyển sang đề tài khác?
- Giả sử như bạn tìm đến bạn của mình để nói về một tin rất quan trọng với bạn. Một người bạn giả tạo có thể sẽ không muốn nghe bạn kể về tin tức đó – họ chỉ chăm chăm nói chuyện của mình.
-
3Thiết lập ranh giới và chú ý xem họ có tôn trọng không. Để thử lòng chân thành của ai đó, bạn hãy đặt ra một số giới hạn xem họ phản ứng ra sao. Một người bạn thực sự sẽ sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng ranh giới cá nhân của bạn.[8]
- Ví dụ, bạn có thể nói “Này cậu, từ giờ trở đi tớ không đi chơi vào thứ năm mỗi tuần được nữa rồi. Tớ phải dành thêm thời gian để học thêm môn hóa.” Hoặc “Thôi mình đừng nói chuyện sex nữa được không? Mình không thích nói chuyện đó.”
- Nếu người bạn đó vẫn tiếp tục vượt qua ranh giới hoặc không chịu hiểu, có lẽ họ không phải là bạn tốt.
-
4Phát hiện các dấu hiệu đố kỵ hoặc ghen tỵ. Có những người bạn vẫn là bạn tốt khi mọi người có hoàn cảnh tương đối ngang bằng nhau. Tuy nhiên, vào lúc bạn vượt trội ở khía cạnh nào đó thì người bạn này lập tức giở móng vuốt ra. Nếu họ cáu kỉnh, buông lời chế giễu hoặc khó chịu ra mặt khi thấy bạn thành công, vậy thì bạn sẽ chẳng thể gọi họ là bạn được.[9]
- Một manh mối rất dễ nhận thấy là để ý xem họ có ngồi lê đôi mách về bạn không. Đây có thể là dấu hiệu họ ghen tỵ với bạn.
- Người nào xầm xì với bạn về một người khác thì người đó cũng có thể nói xấu về bạn. Một người bạn tốt thường nói về mặt tốt thay vì mặt xấu của người khác. Đừng buôn chuyện với họ.
- Bạn có thể nhận biết sự đố kỵ khi cảm thấy họ luôn ganh đua với bạn, không bao giờ động viên khích lệ bạn, và bạn luôn phải đưa họ vào mọi hoạt động của mình để họ không cảm thấy bị ra rìa.
- Một người bạn hay ghen tỵ có thể tỏ thái độ chiếm hữu khi bạn dành thời gian cho những người khác. Một người bạn tốt sẽ không bao giờ tách bạn khỏi các bạn bè khác hoặc những người thân yêu của bạn.
- Một manh mối rất dễ nhận thấy là để ý xem họ có ngồi lê đôi mách về bạn không. Đây có thể là dấu hiệu họ ghen tỵ với bạn.
-
5Nhận diện các hành vi hung hăng thụ động. Có phải họ đồng ý giúp bạn việc gì đó nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện? Có khi nào bạn cảm thấy như họ ngấm ngầm phá hoại bạn? Nếu đó là hình ảnh mô tả bạn của bạn, vậy thì có thể người này có xu hướng hung hăng thụ động, một thói quen thực sự làm tổn hại đến tình bạn đúng nghĩa.[10]
- Bạn không thể thay đổi được xu hướng hung hăng thụ động của người khác, do đó ngay cả thử thôi bạn cũng đừng nghĩ đến. Thay vào đó, bạn nên cố gắng tránh xa những người bạn giả tạo như vậy, và nếu phải giao tiếp với họ thì hãy nói bằng giọng quyết đoán.
-
6Lưu ý nếu các bí mật của bạn không hiểu vì sao lại bị lộ. Hãy nghĩ lại xem có phải những chuyện thầm kín của bạn thường xuyên lọt ra ngoài không. Nếu là vậy, chẳng phải là bạn đang có một người bạn giả tạo đó sao?[11]
- Thậm chí bạn có thể thử mức độ tin cậy của người bạn đó bằng cách kể cho họ nghe một “bí mật” nhỏ và dặn họ giữ kín. Nếu thấy chuyện này được bàn tán ở đâu đó, vậy thì bạn đã biết chính xác ai là người đã làm rò rỉ rồi đấy.
- Ngoài ra, nếu người bạn này thường kể với bạn những chuyện xấu về những người “bạn” khác của họ thì rất có thể bạn cũng đang bị họ đàm tiếu sau lưng.
-
7Nghĩ xem họ có thường nói chuyện với bạn không. Người bạn này có thường xuyên giữ liên lạc với bạn không? Điều này có thể khác nhau tuỳ từng mối quan hệ, nhưng nói chung thì những người bạn tốt luôn giữ liên lạc với nhau. Bên cạnh đó, bạn bè gọi cho nhau là để hỏi thăm nhau chứ không chỉ là để nhờ vả.[12]
- Nếu người này chỉ gọi cho bạn mỗi khi họ cần nhờ bạn việc gì đó, có lẽ họ không phải là người bạn chân tình.
Quảng cáo
Xây dựng tình bạn đích thực
-
1Đánh giá lại tình bạn với những người bạn giả tạo. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có muốn tiếp tục chơi với một người bạn giả tạo hay không. Ngẫm lại xem bạn cảm thấy thế nào khi ở bên cạnh người bạn đó, họ có đem lại bất cứ điều gì tốt đẹp cho cuộc sống của bạn không. Nếu không, có lẽ tốt nhất là bạn nên để cho người này ra khỏi cuộc đời bạn.[13]
- Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của những người mà bạn thực sự tin cậy. Hãy hỏi cha mẹ, anh chị hoặc bạn thân xem bạn có nên chia tay một người bạn giả tạo hay không.
-
2Nói chuyện với người bạn đó. Nói với người bạn giả tạo đó về những gì bạn nhận thấy trong hành vi của họ, nhớ cho họ biết rằng các hành động của họ có tác động đến bạn như thế nào. Sau đó, bạn có thể dựa vào phản ứng của họ để quyết định.[14]
- Ví dụ, nếu bạn của bạn có vẻ như biết lỗi và cố gắng thay đổi, bạn có thể cho họ một cơ hội. Trái lại, nếu họ phủ nhận hoặc tỏ thái độ bất cần thì có lẽ tình bạn này đến đây nên chấm dứt.
-
3Giảm bớt mong đợi về tình bạn để bản thân khỏi tổn thương. Để khỏi hao tổn quá nhiều thời gian và năng lượng cho những tình bạn giả tạo, bạn hãy điều chỉnh mong đợi của bạn đối với một số người nhất định. Bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn về tình bạn nào đó, bạn sẽ không còn liên tục thất vọng hoặc cảm thấy bị phớt lờ. Bạn có thể tiếp tục liên lạc với người đó, nhưng không cần bỏ nhiều thời gian vào công sức vào mối quan hệ này.[15]
- Ví dụ, bạn có thể chỉ cần xếp người bạn này vào một mục mới, chẳng hạn như “người quen”. Khi đã bắt đầu coi họ chỉ là người quen, bạn sẽ không còn buồn mấy nữa khi họ không gọi điện chúc mừng sinh nhật bạn.
-
4Kết nối với những người có cùng sở thích và những giá trị mà bạn coi trọng. Hãy gặp gỡ những người mới có cùng mối quan tâm như bạn bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện, đăng ký một lớp học mới hoặc gia nhập một câu lạc bộ. Khi giao lưu với những người mới, bạn hãy chú ý xem họ tương tác như thế nào để biết họ có quan niệm về giá trị giống như bạn không.[16]
- Ví dụ, nếu bạn đặt bạn bè ở vị trí ưu tiên, hãy để ý xem người đó có coi trọng người bạn hiện diện trước mặt hơn người bạn “ảo” không – chẳng hạn như họ không liên tục nói chuyện điện thoại.
- Nếu bạn đánh giá cao sự chân thành, hãy chú ý xem người bạn mới có hay nói dối hoặc giấu giếm các thông tin về bản thân không.
-
5Thận trọng khi chia sẻ các thông tin cá nhân cho bạn bè mới quen. Quan hệ quen biết có thể phát triển thành tình bạn sâu sắc hơn khi đôi bên cởi mở với nhau. Tuy nhiên, bạn nên làm điều này một cách thận trọng và từ từ. Hẳn là bạn không muốn mạo hiểm chia sẻ những chuyện quá riêng tư với một người chưa chắc là bạn thực sự.[17]
- Ví dụ, hãy thử kể với họ về các mục tiêu nghề nghiệp của bạn trước để xem họ có đáp lại tương tự không. Khi đã tin tưởng hơn, bạn có thể thổ lộ những chuyện riêng tư hơn, chẳng hạn như tình trạng sức khoẻ của bạn.
- Ngoài mục đích bảo vệ lợi ích của bản thân bạn, việc tiết lộ dần dần còn là cách lành mạnh nhất để xây dựng mối quan hệ mới. Hiếm khi nào người ta có thể biết được những bí mật sâu kín nhất của ai đó chỉ trong tuần đầu tiên quen biết.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nếu bạn của bạn nói lời xin lỗi, hãy cho họ cơ hội. Có thể họ thực sự biết lỗi, và việc cho người khác thêm một cơ hội luôn là điều tốt.
Tham khảo
- ↑ https://psychcentral.com/lib/are-you-always-disappointed/
- ↑ https://www.hercampus.com/school/vcu/12-signs-you-have-real-friend
- ↑ https://www.psychologytoday.com/blog/now-is-everything/200910/are-your-friends-really-there-you
- ↑ https://www.hercampus.com/school/vcu/12-signs-you-have-real-friend
- ↑ https://www.powerofpositivity.com/11-ways-to-spot-an-authentic-friendship/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/blog/the-squeaky-wheel/201305/7-ways-get-out-guilt-trips
- ↑ https://au.reachout.com/articles/what-makes-a-good-friend
- ↑ https://psychcentral.com/lib/10-way-to-build-and-preserve-better-boundaries/
- ↑ https://www.hercampus.com/life/family-friends/4-signs-your-friend-jealous-you
- ↑ https://greatist.com/grow/respond-to-passive-aggressive-behavior
- ↑ http://www.lifehack.org/articles/communication/11-differences-between-real-friends-and-fake-friends.html
- ↑ http://www.lifehack.org/articles/communication/11-differences-between-real-friends-and-fake-friends.html
- ↑ https://www.psychologytoday.com/blog/lifetime-connections/201601/5-reasons-its-so-hard-end-friendship?collection=1087184
- ↑ https://www.nbcnews.com/better/health/how-know-when-it-s-time-break-friend-ncna824491
- ↑ https://www.psychologytoday.com/blog/the-pragmatic-aspie/201109/fake-friend-real-friend
- ↑ https://www.helpguide.org/articles/relationships-communication/making-good-friends.htm
- ↑ https://www.helpguide.org/articles/relationships-communication/making-good-friends.htm