Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Có 10 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 14.176 lần.
Khi ra ngoài uống rượu, bạn nên có các quyết định an toàn để cuộc vui khỏi biến thành tai họa. Đôi khi bạn khó biết mình có say hay không, nhất là khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc đang rất hào hứng. Bạn có thể biết điều này bằng cách kiểm tra các dấu hiệu thường gặp hoặc thực hiện bài kiểm tra mức độ tỉnh táo. Ngoài ra còn có một số cách để xác định bạn có bị say rượu về pháp lý hay không. Nhưng dù sao, bạn cũng đừng cố lái xe nếu cảm thấy mình đang say, vì điều này không đáng để mạo hiểm. Hãy bắt taxi hoặc nhờ một người bạn tỉnh táo chở về nhà.
Các bước
Kiểm tra xem bạn có say rượu về pháp lý không
-
1Đếm số cốc rượu mà bạn đã uống trong vài giờ qua. Nói chung, cơ thể sẽ mất khoảng 1 giờ để chuyển hoá 1 đơn vị cồn. Ngoài ra, bạn sẽ còn mất thêm 30 phút nữa để chuyển hoá mỗi đơn vị cồn khi lượng rượu uống vào vượt quá 3 đơn vị. Bạn cần đợi 1 giờ cho mỗi cốc rượu để tỉnh táo lại, cộng thêm 30 phút cho mỗi cốc nữa nếu bạn đã uống quá 3 cốc.[1]
- Một cốc bia tương đương với 350 ml.
- Một cốc rượu vang tương đương với 150 ml.
- Một cốc rượu mạch nha tương đương với 240 – 270 ml.
- Một cốc rượu mạnh không pha tương đương với 44 ml.[2]
Lời khuyên: Nhớ rằng bạn sẽ mất 30 phút mới cảm nhận được tác động của cồn. Có thể bây giờ bạn cảm thấy ổn, nhưng điều đó không có nghĩa là rượu sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn.
-
2Sử dụng bảng tính online để xác định bạn có say rượu về pháp lý không. Mở bảng tính online và nhập vào lượng cồn đã uống, cân nặng của bạn và thời gian từ lúc bắt đầu uống rượu. Công cụ tính toán sẽ ước lượng nồng độ cồn trong máu (BAC). Dựa vào con số này, bạn sẽ biết mình có đang say rượu về pháp lý hay không.[3]
- Bạn có thể thử sử dụng bảng tính Cleveland Clinic ở đây: https://www.clevelandclinic.org/health/interactive/alcohol_calculator.asp
- Nếu đã say rượu về pháp lý, bạn đừng cố đi bộ hoặc lái xe về nhà. Hãy ở yên đó, gọi taxi hoặc nhờ bạn bè giúp đưa về.
Lời khuyên: Lượng cồn trong máu được coi là hợp pháp ở Hoa Kỳ là 0,08%. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn có thể bị kết tội lái xe khi say rượu hoặc dưới ảnh hưởng của rượu nếu có nồng độ cồn trong máu trên 0,0%, đặc biệt nếu bạn dính líu vào một vụ tai nạn giao thông.
-
3Sử dụng máy đo nồng độ cồn nếu có. Máy đo nồng độ cồn là một thiết bị nhỏ dùng để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Sử dụng máy bằng cách ngậm vào miệng thiết bị và thổi vào đó. Thiết bị sẽ hiển thị kết quả nồng độ cồn trong máu, và bạn sẽ biết mình có say rượu về pháp lý hay không.[4]
- Bạn có thể mua thiết bị đo nồng độ cồn trên mạng hoặc ở hiệu thuốc. Thiết bị có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu.
- Đừng nốc nhiều rượu trước khi sử dụng máy, vì điều này sẽ làm sai lệch kết quả.
-
4Bắt xe về nhà nếu bạn nghi ngờ mình đã say. Nếu bạn nghĩ mình đã say thì có lẽ là bạn say thật. Đừng cố lái xe khi chưa tỉnh táo. Hãy gọi xe taxi để về nhà. Một cách khác nữa là nhờ một người bạn không uống rượu chở bạn về hoặc gọi người thân đến đón.[5]
- Nếu bạn có cảm giác chếnh choáng thì nghĩa là bạn đã say. Lái xe khi đang chếnh choáng cũng đồng nghĩa với việc lái xe khi say rượu.
- Đừng đánh liều tính mạng của bản thân và của người khác bằng cách cố lái xe.
Thực hiện bài kiểm tra độ tỉnh táo
-
1Làm phép thử đơn giản "chạm vào mũi". Nhắm mắt, giơ cánh tay ra trước mặt và duỗi ngón trỏ, sau đó gập cánh tay và đưa ngón tay lại gần mũi. Cố gắng chạm ngón tay trỏ vào chóp mũi mà không mở mắt. Nếu không chạm được vào mũi thì có thể là bạn đã say.[6]
- Phép thử này không có nghĩa chắc chắn là bạn đã say. Một số người ngay cả khi tỉnh táo cũng khó chạm được vào mũi.
-
2Thực hiện bài kiểm tra “bước đi và quay lại”. Đứng thẳng người, sau đó bước 9 bước trên một đường thẳng, bàn chân chạm đất từ gót chân đến ngón chân. Quay ngược lại và bước 9 bước trở lại điểm xuất phát. Bạn có thể đã say nếu không đi được trên một đường thẳng, nếu phải giơ cánh tay ra giữ thăng bằng, nếu cảm thấy loạng choạng hoặc ngã.[7]
- Nếu khả năng giữ thăng bằng của bạn ngày thường vốn không tốt thì chưa chắc bạn đã say.
- Tốt nhất là thực hiện bài kiểm tra này trên đường thẳng kẻ trên sàn nhà hoặc mặt đất. Như vậy bạn sẽ biết chắc là mình đang đi trên đường thẳng.
-
3Thực hiện phép thử "đứng một chân". Đứng thẳng người, sau đó nhấc một chân lên cách mặt đất khoảng 15 cm. Đếm to bắt đầu từ số 1.000. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây. Nếu bạn loạng choạng, bỏ chân xuống, nhảy lò cò hoặc giơ tay ra để giữ thăng bằng, có thể là bạn đã say.[8]
- Tương tự như bài kiểm tra “bước đi và quay lại”, bạn cũng có thể khó thực hiện tốt ngay cả khi tỉnh táo nếu bạn vốn kém khả năng phối hợp. Hãy nhớ điều này khi bạn đang thử xem mình có say rượu không.
Kiểm tra các dấu hiệu thể chất khi say
-
1Đứng lên và đi vòng quanh xem có cảm giác lảo đảo không. Đi vài bước và để ý xem bạn có thấy chóng mặt không. Tiếp theo, hãy kiểm tra xem bạn có bước thẳng và giữ được thăng bằng mà không loạng choạng không. Bạn có thể đã say nếu bạn mất phương hướng, không thể đi thẳng hoặc có cảm giác căn phòng đang chuyển động.[9]
- Bạn có thể thấy làm gì cũng khó khăn, chẳng hạn như đi vào nhà vệ sinh hay đi tiểu cũng khó. Dấu hiệu này cho thấy là bạn đang say.
- Nếu bạn cảm thấy đứng không vững, hãy ngồi yên hoặc nhờ một người bạn giúp đỡ khi cần đi lại. Bạn có thể vô tình làm bản thân bị thương khi đang say, và quan trọng nhất là giữ an toàn.
-
2Chú ý xem bạn có thể duy trì sự tập trung khi làm một việc nào đó hoặc khi nói chuyện không. Chất cồn có ảnh hưởng đến khả năng tập trung, vì vậy nhiệm vụ này sẽ rất khó khi bạn đang say. Hãy thử kể cho bạn bè nghe một câu chuyện hoặc đọc thứ gì đó trên điện thoại. Nếu đầu óc bạn cứ lan man hoặc quên mất mình đang làm gì thì có lẽ bạn đã say.[10]
- Thử ôn lại xem tối đó bạn đã làm gì. Bạn có nhớ tất cả những gì đã xảy ra không? Bạn có thể kể ra các chi tiết cụ thể không? Bạn có theo dõi được thời gian không? Nếu bạn cảm thấy mù mờ về bất cứ chuyện gì, có lẽ là bạn đang say.
- Nhờ bạn bè hoặc người mà bạn tin cậy giúp đỡ nếu cần. Ví dụ, nếu gặp khó khăn khi thanh toán tiền, bạn có thể nhờ bạn thân lo hộ.
-
3Nghỉ ngơi nếu bạn thấy buồn nôn hoặc bắt đầu nôn. Khi say rượu, người ta thường có cảm giác buồn nôn, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Nếu uống nhiều rượu, bạn thậm chí có thể bị nôn. Hãy ngồi xuống và nghỉ một lúc nếu bạn bắt đầu cảm thấy buồn nôn.[11]
- Cho dù không buồn nôn thì cũng chưa chắc là bạn không say.
- Uống nước để tránh bị mất nước. Như vậy bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn.
-
4Nhìn vào gương xem đồng tử trong mắt bạn có nở to không. Người say thường có đồng tử giãn, vì vậy bạn có thể thấy đồng tử chiếm gần hết lòng đen. Hãy vào nhà vệ sinh soi gương hoặc lấy gương bỏ túi ra xem đồng tử trong mắt bạn có giãn ra không.[12]
- Bạn cũng có thể hỏi bạn bè xem đồng tử của bạn có nở to không.
-
5Tự bắt mạch xem mạch đập có nhanh không. Khi bạn say rượu, tim bạn sẽ đập nhanh nhưng hơi thở lại chậm vì cồn là chất làm dịu. Hãy đặt ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải lên cổ tay trái để kiểm tra mạch. Một cách khác để bắt mạch là áp ngón trỏ và ngón giữa lên một bên cổ xem mạch có đập nhanh không.[13]
- Nếu có thể, bạn hãy nhờ ai đó giúp kiểm tra mạch ở cổ tay.
- Nếu mạch đập nhanh, bạn nên ngồi xuống và nhờai đó giúp đỡ. Uống nhiều nước và ăn nhẹ thứ gì đó để tỉnh rượu nhanh hơn.
Nhận biết các dấu hiệu cảm xúc khi say
-
1Hỏi bạn bè xem bạn có thể hiện mình thái quá không. Khi say rượu, bạn có thể cảm thấy tự tin quá mức. Khi khả năng kiềm chế giảm, bạn sẽ cảm thấy mình làm được mọi thứ, chẳng hạn như trình diễn một điệu nhảy hoặc tài năng đặc biệt nào đó. Bạn cũng có thể cảm thấy đủ tự tin để mời ai đó đi chơi hay thổ lộ tình cảm của mình.[14]
- Ví dụ, bạn có thể bước ra sàn nhảy dù bình thường bạn chẳng khiêu vũ bao giờ, hoặc bạn sẵn sàng khoe giọng hát karaoke cho dù mọi khi bạn khá nhút nhát.
- Vui vẻ thì được, nhưng bạn đừng mạo hiểm. Hãy hỏi bạn bè để đảm bảo bạn không đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Ví dụ, hát karaoke thi vui và an toàn, nhưng nhảy nhót ở quán bar có thể nguy hiểm nếu bạn say rượu.
-
2Để ý xem bạn có cười hoặc khóc quá mức không. Nghĩ xem có phải bạn cảm thấy cực kỳ vui sướng, phấn khích hoặc sầu não không. Tương tự, bạn hãy chú ý các dấu hiệu thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như vừa mới vui vẻ phút trước, phút sau đột nhiên lại rầu rĩ. Cảm giác dễ xúc động khi say rượu là bình thường.[15]
- Ví dụ, bạn đang vui vẻ khiêu vũ với bạn bè, tưởng như đây là đêm vui nhất đời, rồi chẳng hiểu sao lại bật khóc vi một chuyện xảy ra vào năm ngoái.
- Hãy tắt điện thoại hoặc nhờ một người bạn giữ hộ nếu đột nhiên bạn có hứng nhắn tin cho ai đó về những việc đã xảy ra trước đây. Ví dụ, nếu bỗng dưng bạn muốn nói chuyện phải trái với người yêu cũ, hãy đưa điện thoại cho bạn thân của bạn giữ hộ.
-
3Nghĩ xem bạn có nói chuyện với nhiều người chưa quen biết không. Rượu có thể làm giảm khả năng kiềm chế, thế nên bạn cảm thấy bạo dạn hơn thường ngày. Điều này có thể khiến bạn thân thiện hơn và dễ dàng bắt chuyện với những người mới gặp lần đầu. Hãy nghĩ xem có phải bạn đang chia sẻ bí mật của mình với những người không quen hoặc kết thân ngay với những người xung quanh không.[16]
- Ví dụ, bạn có thể bất chợt nhận thấy mình đang tâm sự chuyện gia đình với một người lạ.
- Cố gắng bám sát với bạn bè hoặc một người quen biết để giữ an toàn.
-
4Nghe xem có ai phàn nàn rằng bạn nói to hoặc lè nhè không. Khi say rượu, bạn thường nói to hơn thường lệ mà không nhận ra. Tuy nhiên, những người xung quanh có thể yêu cầu bạn nói nhỏ lại hoặc họ che tai lại. Tương tự, bạn sẽ khó nói được rõ ràng khi đang say, thế nên mọi người có thể bảo bạn nhắc lại hoặc hỏi lại bạn “Gì cơ?”[17]
- Mọi người có thể nói “Bạn nói to quá,” “Bạn nói nhỏ lại được không?” hoặc “Bạn định nói gì thế?”
- Nếu mọi người phàn nàn rằng bạn đang nói quá to, hãy thì thầm khi nói chuyện cho đến khi bạn bớt say.
Lời khuyên
- Nếu bạn nghĩ rằng mình đang say, hãy uống nhiều nước để tránh mất nước và giảm cảm giác khó chịu vì dư vị của rượu.[18]
Cảnh báo
- Lái xe khi đang lơ mơ hoặc say xỉn là hành vi rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tai họa. Đừng bao giờ ngồi sau tay lái nếu bạn cảm thấy lơ mơ dù là chỉ một chút.
Tham khảo
- ↑ https://bradfordhealth.com/alcohol-101-learning-new-facts-remembering-what-you-forgot/
- ↑ https://www.niaaa.nih.gov/alcohol-health/overview-alcohol-consumption/what-standard-drink
- ↑ https://www.clevelandclinic.org/health/interactive/alcohol_calculator.asp
- ↑ https://sites.duke.edu/apep/module-4-alcohol-and-the-breathalyzer-test/content-how-does-the-breathalyzer-work/
- ↑ https://www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/drugtreat-pubs-meth-toc~drugtreat-pubs-meth-app~drugtreat-pubs-meth-app2
- ↑ http://www.fieldsobrietytests.net/fingertonosefieldsobrietytest.html
- ↑ https://duijusticelink.aaa.com/issues/detection/standard-field-sobriety-test-sfst-and-admissibility/
- ↑ https://duijusticelink.aaa.com/issues/detection/standard-field-sobriety-test-sfst-and-admissibility/
- ↑ https://www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/drugtreat-pubs-meth-toc~drugtreat-pubs-meth-app~drugtreat-pubs-meth-app2
- ↑ https://www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/drugtreat-pubs-meth-toc~drugtreat-pubs-meth-app~drugtreat-pubs-meth-app2
- ↑ https://www.drugs.com/cg/alcohol-intoxication.html
- ↑ https://www.ramapo.edu/aod/choose-a-drink-recognizing-signs-of-intoxication/
- ↑ https://www.drugs.com/cg/alcohol-intoxication.html
- ↑ https://www.ramapo.edu/aod/choose-a-drink-recognizing-signs-of-intoxication/
- ↑ https://www.ramapo.edu/aod/choose-a-drink-recognizing-signs-of-intoxication/
- ↑ https://www.ramapo.edu/aod/choose-a-drink-recognizing-signs-of-intoxication/
- ↑ https://www.ramapo.edu/aod/choose-a-drink-recognizing-signs-of-intoxication/
- ↑ https://www.bcm.edu/news/healthcare/signs-of-alcohol-intoxication-what-to-do