Bài viết này có đồng tác giả là Pippa Elliott, MRCVS, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 76.301 lần.
Mỗi năm, nước Mỹ có vài trường hợp mèo mắc bệnh dại.[1] Mèo bị dại do không được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc vắc xin trên cơ thể mèo đã mất hiệu lực và chúng tiếp xúc với các loài thú hoang dã đang mang mầm bệnh dại. Nếu bạn tiếp xúc với một chú mèo đang bị nghi ngờ nhiễm bệnh dại, sẽ có vài dấu hiệu nhất định của bệnh để bạn có thể nhận biết trên động vật. Luôn đối phó hết sức cẩn thận cũng như không nên cố bắt những chú mèo có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Liên lạc ngay với cơ quan kiểm soát động vật, tổ chức động vật hoang dã địa phương, hoặc gọi cho cảnh sát qua đường dây không khẩn cấp.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:Phát hiện những triệu chứng của bệnh dại
-
1Quan sát các triệu chứng ban đầu của bệnh dại. Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài từ hai đến mười ngày. Trong khoảng thời gian này, mèo sẽ có chút thay đổi về thể trạng với những biểu hiện không rõ ràng. Các triệu chứng bệnh không rõ ràng của giai đọan đầu bao gồm:[2]
- đau cơ
- bồn chồn
- dễ cáu gắt
- hay rùng mình
- sốt
- chứng bất ổn, đây là trạng thái chung xuất hiện khi mèo bị ốm và bực dọc
- sợ ánh sáng, chứng sợ hãi tột độ với ánh đèn sáng
- chán ăn,hoặc không thiết tha với thức ăn
- nôn mửa
- tiêu chảy
- ho hen
- không thể hoặc không muốn nhai nuốt
-
2Kiểm tra các vết cắn hoặc dấu hiệu ẩu đả trên thân mèo. Nếu bạn cho rằng mèo cưng nhà bạn có thể đã tiếp xúc với loài vật nhiễm bệnh dại, hãy kiểm tra xem liệu trên người chúng có vết cắn hay dấu hiệu của cuộc ẩu đả hay không. Virus bệnh dại có thể ký sinh trên da hoặc lông mèo đến hai giờ đồng hồ, vì vậy bạn nên mang găng tay và mặc áo dài tay và quần dài trước khi bế mèo. Nước bọt của động vật nhiễm bệnh có thể truyền sang cho động vật khỏe mạnh thông qua vết cắn. Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc dây thần kinh tới tủy sống rồi đến não bộ.[3] Đưa mèo đến gặp bác sỹ thú y ngay lập tức nếu bạn nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào như:
- các vết cắn
- vảy
- vết trầy xước
- lông xù lên với vùng nước bọt đã khô
- nhiều bọc mủ
-
3Tìm kiếm các triệu chứng của thể dại “đơ” hay thể dại bại liệt. Thể dại đơ là thể dại phổ biến ở mèo. Một con mèo mắc chứng dại đơ sẽ có dấu hiệu lờ đờ, hoảng loạn và ủ rũ.[4] Ở thể dại này, mèo thường không có biểu hiện hung dữ và hiếm khi cắn xé. Các triệu chứng của thể dại “đơ” hay thể dại bại liệt gồm có:[5]
- bại liệt (không thể di chuyển) ở chân, cơ hàm, hay một phần cơ thể
- hàm trễ xuống, dáng vẻ như “bị đơ”.
- nước dãi lòng thòng sùi bọt xung quanh miệng
- nhai nuốt khó khăn
-
4Bạn nên thận trọng hơn nếu mèo mắc chứng dại cuồng. Mèo mắc thể dại điên cuồng thường hung hãn, biểu hiện các hành vi bất thường và sùi bọt mép. Khi nhắc đến bệnh dại, đa số mọi người thường nghĩ về những hành vi này, tuy vậy thể dại điên cuồng ở mèo thường ít phổ hiến bằng thể dại đơ. Bạn nên gọi cho cơ quan kiểm soát động vật để được hỗ trợ nếu bạn cho rằng mèo đang mắc chứng dại cuồng. Một chú mèo mắc chứng dại cuồng sẽ tấn công, vì vậy bạn đừng nên cố tự bắt lấy mèo. Những dấu hiệu của thể dại điên cuồng bao gồm:[6]
- nước dãi lều thều như sùi bọt quanh mép
- sợ nước, dường như sợ đến gần nước hoặc sợ hãi tiếng nước
- dữ tợn, chẳng hạn nhe răng ra như thể sắp sửa cắn xé
- bồn chồn
- Không màng đến thức ăn
- Cắn xé hoặc tấn công
- hành vi bất thường, như tự cắn cấu bản thân mình
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:Điều trị mèo bị dại
-
1Gọi cho cơ quan kiểm soát động vật nếu bạn phát hiện ra một con mèo có dấu hiệu nhiễm bệnh. Không nên tự mình cố bắt lấy một chú mèo bị dại. Nếu bạn trông thấy những triệu chứng nhiễm bệnh trên một chú mèo, phương án tốt nhất là liên hệ với cơ quan kiểm soát động vật. Với cách này, mèo sẽ được đưa đến bác sỹ thú y mà không gây nguy hiểm cho bạn.
- Bạn nên liên lạc với cơ quan kiểm soát động vật khi chú mèo nhà bạn có biểu hiện hành xử kỳ lạ hoặc tỏ thái độ hung hăng.[7]
-
2Mang mèo đến gặp bác sỹ thú y. Nếu mèo nhà bạn bị mèo khác hay động vật khác cắn phải, hãy cho nó vào lồng nhốt và mang đến bác sỹ thú y càng sớm càng tốt.[8] Bác sỹ thú y sẽ hỏi bạn về khả năng phơi nhiễm với bệnh dại (mùi hôi thường trực trong sân, khả năng tiếp xúc với gấu trúc Mỹ, hay bất cứ con dơi nào quanh khu vực) và theo dõi mèo nhà bạn.
- Nên nhớ là không có bất kỳ cuộc thử nghiệm trên động vật sống để xác định đâu là động vật bị nhiễm bệnh dại. Để chẩn đoán bệnh dại, não bộ sẽ được di chuyển ra khỏi cơ thể, các phần nhỏ của não bộ sẽ được quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm ra sự hiện diện của thể Negri.
-
3Yêu cầu tiêm nhắc lại vắc xin chủng ngừa bệnh dại cho mèo của bạn. Nếu mèo nhà bạn trước đó đã được tiêm chủng ngừa dại, nó sẽ được tiêm nhắc lại mũi vắc xin chủng ngừa bệnh dại ngay sau khi bị cắn. Điều này sẽ hỗ trợ hệ thống miễn dịch của mèo chống lại virus. Nên theo dõi các dấu hiệu bệnh dại trên mèo trong vòng 45 ngày. Bạn có thể thực hiện việc này ngay tại nhà miễn là chú mèo nhà bạn sẽ được nhốt lại và không tiếp xúc với bất kỳ loài vật hay con người bên ngoài.[9]
-
4Ý thức được rằng phương pháp an tử có thể cần dùng đến. Nếu mèo không được tiêm phòng vắc xin chống bệnh dại và bị các con vật nhiễm bệnh dại khác cắn phải, phương pháp an tử được khuyên dùng trong trường hợp này.[10] Bệnh dại là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và khả năng cao là chú mèo đó cũng sẽ bị dại.
- Nếu người chủ từ chối việc sử dụng phương pháp an tử cho mèo, nó sẽ cần được cách ly sau đó và theo dõi trong 6 tháng. Việc kiểm dịch này phải được tiến hành tại phòng khám thú y mà người chủ phải chịu mọi chi phí.
- Nếu mèo không chết vì bệnh dại trong khoảng thời gian này, mèo sẽ được phép trở về nhà. Một tháng trước khi được thả, mèo sẽ cần được tiêm chủng ngừa dại.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:Bảo vệ mèo tránh khỏi bệnh dại
-
1Đảm bảo mèo nhà bạn được tiêm vắc xin ngừa dại mới nhất. Tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho mèo là phương pháp tốt nhất, giá trị nhất để ngăn ngừa bệnh dại. Ở nhiều quốc gia, việc chủng ngừa bệnh dại được quy định theo luật pháp.
- Lên lịch tiêm chủng đều đặn với bác sỹ thú y để duy trì hiệu lực của vắc xin ngừa bệnh dại cho mèo. Một số loại vắc xin cần được tiêm hàng năm, hai năm một lần, hay ba năm một lần.[11]
-
2Giữ mèo trong nhà. Một cách khác để bảo vệ mèo cưng nhà bạn tránh khỏi bệnh dại là cách ly chúng với động vật hoang dã. Giữ mèo trong nhà là cách hay bởi mèo sẽ không phải tiếp xúc với những con vật gần đó có thể đang mang bệnh dại như mèo, gấu trúc Mỹ hoặc những con vật khác.
- Nếu mèo nhà bạn có thói quen ra ngoài, bạn chỉ nên cho phép chúng ra ngoài dưới sự giám sát trong cự ly gần của bạn. Đừng để mèo đến gần bất kỳ loài vật lạ nào.[12]
-
3Không cho động vật hoang dã tiến vào sân nhà bạn. Những loài động vật hoang dã thường mang mầm mống bệnh dại. Nếu sân nhà bạn không thu hút động vật hoang dã, mèo nhà bạn sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Bạn có thể thực hiện một vài cách để ngăn chặn động vật hoang dã vào sân nhà như:[13]
- đậy chặt nắp tất cả các thùng rác.
- chắc chắn rằng không có chỗ ẩn nấp nào cho những con chồn hôi hay gấu trúc Mỹ, như dưới boong tàu hay nhà bạn chẳng hạn.
- dựng một hàng rào để ngăn những loài vật hay đi lang thang không lẻn vào sân nhà bạn.
- trồng cây và tỉa bớt cây bụi
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nên nhớ rằng tuổi tác không phải là yếu tố để xác định một con mèo có nhiễm bệnh hay không. Ngay cả những chú mèo con cũng có khả năng mắc bệnh dại.
Cảnh báo
- Xử lý vết cắn bằng cách rửa sạch với xà phòng và nước và liên lạc ngay với bác sỹ ngay cả khi bạn không cho rằng con vật này đang mắc bệnh. Vết cắn có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng nếu không được điều trị ngay lập tức.[14]
- Bạn nên thận trọng hơn với các loài dơi, gấu trúc Mỹ, chồn hôi và cả cáo. Tại Mỹ, chúng là những loài vật thường hay mang mầm bệnh dại nhất.[15]
- Để động vật hoang dã được yên! Việc này bao gồm cả động vật sơ sinh. Ngay cả động vật sơ sinh cũng có thể mang bệnh dại. Nếu bạn tìm thấy vài con vật sơ sinh bị mẹ bỏ rơi, bạn nên gọi cho cơ quan kiểm soát động vật hoặc trung tâm hỗ trợ động vật hoang dã và yêu cầu họ chăm sóc con vật này.[16]
Tham khảo
- ↑ http://www.cdc.gov/features/dsrabies/
- ↑ Kahn, C, (2010), Merck Veterinary Manual, ISBN 978-0911910933
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15962654
- ↑ Kahn, C, (2010), Merck Veterinary Manual, ISBN 978-0911910933
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18365035
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19965838
- ↑ http://www.petmd.com/cat/conditions/neurological/c_ct_rabies#
- ↑ http://www.petmd.com/cat/conditions/neurological/c_ct_rabies#
- ↑ http://www.vetmed.wsu.edu/ClientED/rabies.aspx
- ↑ http://www.petmd.com/cat/conditions/neurological/c_ct_rabies#
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/cat-care/rabies
- ↑ http://www.americanhumane.org/animals/adoption-pet-care/caring-for-your-pet/rabies-facts-tips.html
- ↑ http://www.americanhumane.org/animals/adoption-pet-care/caring-for-your-pet/rabies-facts-tips.html
- ↑ http://www.americanhumane.org/animals/adoption-pet-care/caring-for-your-pet/rabies-facts-tips.html
- ↑ http://www.americanhumane.org/animals/adoption-pet-care/caring-for-your-pet/rabies-facts-tips.html
- ↑ http://www.americanhumane.org/animals/adoption-pet-care/caring-for-your-pet/rabies-facts-tips.html