Bài viết này đã được cùng viết bởi Chris M. Matsko, MD. Tiến sĩ Matsko là bác sĩ đã nghỉ hưu có văn phòng làm việc tại Pittsburgh, Pennsylvania. Ông đã được trao giải thưởng Lãnh đạo xuất sắc của Đại học Pittsburgh Cornell. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Y Temple năm 2007. Ông có chứng chỉ Nghiên cứu từ AMWA vào năm 2016 và chứng chỉ Viết & biên tập nội dung y khoa từ Đại học Chicago vào năm 2017.
Bài viết này đã được xem 3.238 lần.
Ung thư miệng và vòm họng chiếm khoảng 2% trong tất cả các ca bệnh ung thư được chẩn đoán mỗi năm tại Mỹ.[1] Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư miệng là rất quan trọng vì cơ hội sống sót tăng lên rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ sống sót năm năm đối với những người bị ung thư miệng chưa di căn là 83%, trong khi chỉ là 32% khi ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.[2] Mặc dù bác sĩ và nha sĩ được đào tạo để phát hiện ung thư miệng, nhưng nếu bạn có thể nhận biết các dấu hiệu thì bệnh sẽ được chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Nhận thức về bệnh càng cao thì càng tốt.
Các bước
Tìm các dấu hiệu thực thể
-
1Kiểm tra miệng thường xuyên. Hầu hết các ca ung thư miệng và họng đều gây ra dấu hiệu hay triệu chứng có thể phát hiện được trong giai đoạn sớm, nhưng không phải tất cả. Trong một số trường hợp, ung thư không gây ra triệu chứng cho đến khi đã phát triển nặng. Bác sĩ và nha sĩ khuyến nghị ngoài việc kiểm tra thường xuyên, bạn nên quan sát kỹ miệng trong gương tối thiểu một lần mỗi tháng để tìm các dấu hiệu bất thường.[3]
- Ung thư miệng có thể phát triển hầu như ở bất kỳ nơi nào trong miệng và họng, bao gồm môi, lợi, lưỡi, ngạc cứng, ngạc mềm, amidan, và mặt trong hai bên má.[4] Răng là phần duy nhất không thể phát triển ung thư.
- Cân nhắc mua hay mượn của nha sĩ một chiếc gương nha khoa nhỏ để giúp bạn kiểm tra miệng toàn diện hơn.
- Đánh và xỉa răng trước khi kiểm tra miệng. Nếu lợi thường bị chảy máu sau khi đánh răng hay xỉa răng, bạn hãy súc miệng bằng nước muối ấm và chờ vài phút trước khi kiểm tra.
-
2Tìm vết loét nhỏ màu trắng. Kiểm tra toàn bộ miệng để tìm các vết loét hay vết thương nhỏ màu trắng mà bác sĩ gọi là bạch sản niêm (leukoplakia). Bạch sản niêm là dấu hiệu ban đầu của ung thư miệng nhưng thường bị chẩn đoán nhầm thành lở miệng, hoặc là các vết loét nhỏ khác bị gây ra do sự chà xát hoặc va chạm nhẹ.[5] Bạch sản niêm cũng có thể bị nhầm lẫn với nhiễm trùng vi khuẩn lợi và amidan, cũng như sự phát triển quá mức của nấm Candida trong miệng.
- Mặc dù lở miệng và các loại vết loét khác thường rất đau nhưng bạch sản niêm thì không, trừ khi nó đã phát triển đến giai đoạn muộn.
- Lở miệng hay xảy ra ở mặt trong môi, má và hai bên lưỡi, trong khi bạch sản niêm có thể xuất hiện bất kỳ nơi nào trong miệng.
- Nếu được vệ sinh tốt thì lở miệng hay các thương tổn nhỏ khác sẽ khỏi trong khoảng một tuần. Ngược lại, bạch sản niêm không hết và thường phát triển lớn hơn và đau hơn theo thời gian.
Lưu ý: Bất kỳ vết loét hay thương tổn màu trắng nào mà không lành sau hai tuần đều cần được chuyên gia y tế đánh giá.
-
3Để ý vết loét hay mảng màu đỏ. Trong khi kiểm tra bên trong miệng và phía sau cổ họng, bạn nên để ý vết loét hay mảng màu đỏ. Vết loét (thương tổn) màu đỏ được các bác sĩ gọi là hồng ban (erythroplakia), và cho dù ít phổ biến hơn bạch sản niêm nhưng có nguy cơ trở thành ung thư cao hơn nhiều.[6] Ban đầu hồng ban có thể gây đau nhưng không quá đau như vết loét với vẻ ngoài tương tự, như lở miệng, mụn rộp môi (lở môi) hoặc sưng lợi.
- Vết lở miệng ban đầu có màu đỏ, sau đó tạo thành vết loét và chuyển sang màu trắng. Ngược lại, hồng ban vẫn giữ màu đỏ và không lành sau khoảng một tuần.
- Mụn rộp môi (herpes) xảy ra chủ yếu trên viền ngoài của môi, nhưng có thể xảy ra trong miệng. Hồng ban luôn luôn xuất hiện trong miệng.
- Các vết rộp và kích ứng do ăn thức ăn chứa axít cũng trông giống hồng ban, nhưng chúng hết rất nhanh.
- Bất kỳ vết loét hay thương tổn màu đỏ nào mà không lành sau hai tuần đều cần được chuyên gia y tế đánh giá.
-
4Sờ tìm khối u và mảng nhám. Các dấu hiệu tiềm ẩn khác của ung thư miệng là sự phát triển của khối u và mảng nhám bên trong miệng.[7] Nói chung, ung thư được định nghĩa là sự phát triển không kiểm soát của tế bào, do đó cuối cùng thì khối u, vết sưng hay các chỗ u khác sẽ xuất hiện. Sử dụng lưỡi để sờ quanh miệng tìm khối u, cục u, vị trí nhô lên hay mảng nhám bất thường. Trong giai đoạn sớm, các khối u và mảng nhám này thường không đau và có thể bị nhầm lẫn với nhiều thứ khác trong miệng.
- Viêm lợi (sưng lợi) có thể làm bạn không nhận ra các khối u nguy hiểm nhưng viêm lợi thường sẽ chảy máu khi đánh răng và xỉa răng - các khối u ung thư ở giai đoạn sớm thì không.
- Khối u hay mảng mô phát triển dày trong miệng có thể ảnh hưởng đến việc lắp răng giả hoặc gây khó chịu khi mang răng giả, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư miệng.
- Luôn chú ý đến khối u liên tục phát triển hoặc mảng nhám lan rộng trong miệng.
- Mảng nhám trong miệng cũng có thể bị gây ra do nhai thuốc lá, sự chà xát của răng giả, miệng khô (thiếu nước bọt) và nhiễm trùng nấm Candida.
Lưu ý: Bất kỳ khối u hay mảng nhám nào mà không lành sau hai đến ba tuần đều cần được chuyên gia y tế đánh giá.
-
5Đừng bỏ qua dấu hiệu đau nhức. Đau nhức trong miệng thường là do các vấn đề khá lành tính, như sâu răng, răng khôn bị dồn nén, sưng lợi, nhiễm trùng vòm họng, lở miệng và chăm sóc răng miệng kém. Vì vậy, rất khó để phân biệt các nguyên nhân gây đau này với nguy cơ ung thư, nhưng nếu bạn chăm sóc răng miệng tốt thì nên cảnh giác.
- Đau dữ dội và đột ngột thường là vấn đề về răng/thần kinh, không phải là dấu hiệu sớm của ung thư miệng.
- Đau hay nhức mãn tính và nặng dần theo thời gian thì đáng lo hơn nhưng vẫn là vấn đề về răng mà có thể điều trị dễ dàng.
- Đau day dứt lan rộng quanh miệng và khiến các hạch bạch huyết quanh quai hàm và cổ sưng lên sẽ là mối lo lớn và nên được xem xét ngay lập tức.
- Bạn cũng phải chú ý cảm giác tê hay nhạy cảm ở môi, miệng hoặc cổ họng và điều tra nguyên nhân.
Quảng cáo
Nhận biết các dấu hiệu khác
-
1Đừng bỏ qua cảm giác khó nhai. Do sự phát triển của bạch sản niêm, hồng ban, khối u, mảng nhám và/hoặc cảm giác đau, bệnh nhân ung thư miệng thường than phiền khó nhai, cũng như khó cử động quai hàm hoặc lưỡi.[8] Sự dịch chuyển hay lỏng dần của răng do khối u ung thư cũng khiến bạn khó nhai, vì vậy bạn cần lưu ý nếu các thay đổi này xảy ra.
- Nếu bạn là người lớn tuổi thì đừng luôn cho rằng răng giả không vừa khít là nguyên nhân khiến bạn không thể nhai bình thường. Nếu trước đây răng giả vừa khít thì có gì đó trong miệng đã thay đổi.
- Ung thư miệng, cụ thể là lưỡi hoặc má, có thể khiến bạn cắn trúng mô trong miệng thường xuyên hơn khi nhai.
Lưu ý: Nếu bạn là người lớn và thấy răng ngày càng lỏng hoặc bị lệch thì nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.
-
2Chú ý các vấn đề khi nuốt. Cũng vì sự phát triển của vết loét và khối u, cũng như việc cử động lưỡi khó khăn, nhiều bệnh nhân ung thư miệng than phiền khó nuốt.[9] Ban đầu dấu hiệu khó nuốt chỉ xảy ra với thức ăn, nhưng ung thư vòm họng giai đoạn muộn có thể khiến bạn khó nuốt cả thức uống hoặc chính nước bọt của mình.
- Ung thư vòm họng có thể gây sưng và thu hẹp thực quản (ống dẫn đến dạ dày), cũng như khiến cổ họng sưng mãn tính và đau mỗi khi nuốt. Đặc điểm nổi bật của ung thư thực quản là chứng khó nuốt tiến triển nhanh.
- Ung thư vòm họng cũng gây tê trong cổ họng và/hoặc cảm giác có thứ gì mắc kẹt ở đó, như bị "ngáng" ngang họng.
- Ung thư amidan và nửa sau lưỡi có thể khiến bạn rất khó nuốt.
-
3Lắng nghe sự thay đổi về giọng nói. Một dấu hiệu khác của ung thư miệng, nhất là trong giai đoạn muộn, là triệu chứng khó nói. Không thể di chuyển lưỡi và/hoặc quai hàm đúng cách có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm từ. Giọng nói của bạn cũng trở nên khàn hơn và thay đổi chất giọng vì ung thư vòm họng hay các bộ phận khác ảnh hưởng đến dây âm.[10] Vì vậy, bạn nên chú ý sự thay đổi ở giọng nói hoặc có người nào nói rằng giọng nói của bạn khác lạ.
- Thay đổi đột ngột và khó giải thích ở giọng nói có thể là dấu hiệu của thương tổn nằm trên hay gần dây âm.
- Vì cảm thấy có gì đó mắc kẹt trong cổ họng nên người bị ung thư miệng đôi khi phát triển chứng rối loạn TIC với đặc điểm là liên tục đằng hắng.
- Đường thở bị cản trở do ung thư cũng khiến cách nói và chất lượng giọng nói của bạn thay đổi.
Quảng cáo
Chẩn đoán y khoa
-
1Hẹn gặp bác sĩ hay nha sĩ. Nếu dấu hiệu hay triệu chứng tồn tại quá hai tuần hoặc diễn biến xấu nhanh chóng, bạn nên liên hệ với bác sĩ hay nha sĩ càng sớm càng tốt. Trừ khi bác sĩ gia đình cũng là chuyên gia về tai mũi họng, nha sĩ có lẽ là lựa chọn tốt hơn vì họ có thể dễ dàng loại trừ các vấn đề về miệng mà không phải là ung thư và điều trị luôn để giải tỏa nỗi lo của bạn.
- Ngoài việc khám miệng (bao gồm môi, má, lưỡi, lợi, amidan và cổ họng), cổ, tai và mũi cũng nên được kiểm tra để xác định nguyên nhân của vấn đề.
- Bác sĩ hay nha sĩ sẽ hỏi bạn về các hành vi nguy cơ (hút thuốc lá và sử dụng rượu bia) và tiền sử gia đình, vì một số bệnh ung thư có thể di truyền.
- Chú ý: người trên 40 tuổi, nhất là đàn ông người Mỹ gốc Phi, được xem là có nguy cơ bị ung thư miệng cao hơn.
-
2Hỏi bác sĩ về thuốc nhuộm đặc biệt dùng cho miệng. Trong khi khám miệng và cổ họng, một số bác sĩ hay nha sĩ dùng thuốc nhuộm đặc biệt để nhìn thấy rõ hơn các chỗ bất thường trong miệng, nhất là khi bạn có nguy cơ ung thư miệng cao hơn.[11] Ví dụ, một phương pháp sử dụng loại thuốc nhuộm có tên toluidin xanh.
- Thoa thuốc nhuộm toluidin xanh lên vùng ung thư trong miệng sẽ khiến mô bệnh có màu xanh thẫm hơn phần mô mạnh khỏe xung quanh.
- Đôi khi mô bị nhiễm trùng hay bị tổn thương cũng có màu xanh thẫm, do đó đây không phải là cách xét nghiệm chắc chắn để tìm ung thư, chỉ có thể xem là thông tin tham khảo bằng mắt.
- Để chắc chắn về bệnh ung thư, bác sĩ cần phải lấy mẫu mô tế bào (sinh thiết) và quan sát dưới kính hiển vi. Bạn sẽ được chẩn đoán chính xác với cách này.
-
3Hỏi bác sĩ về việc sử dụng tia laser. Một phương pháp khác để phân biệt mô khỏe mạnh với mô ung thư trong miệng là sử dụng tia laser. Nói chung, khi tia laser phản chiếu từ tế bào bất thường, nó sẽ trông khác biệt (mờ hơn) với tia laser phản chiếu từ tế bào bình thường.[12] Một phương pháp khác sử dụng đèn huỳnh quang đặc biệt để quan sát miệng sau khi bạn súc miệng bằng dung dịch axít acetic (giấm). Khi đó mô ung thư sẽ nổi bật hơn.
- Nếu bạn nghi ngờ một khu vực bất thường nào đó trong miệng, họ thường sẽ làm sinh thiết.
- Đôi khi mô bất thường có thể được đánh giá bằng kỹ thuật tế bong, nghĩa là họ sử dụng bàn chải lông cứng để cạo vùng thương tổn bị nghi ngờ và quan sát tế bào dưới kính hiển vi.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Tránh dùng rượu bia và thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư miệng.
- Khám răng miệng thường xuyên là yếu tố quan trọng để phát hiện sớm ung thư miệng.
- Điều trị ung thư miệng thường phải dùng liệu pháp hóa trị và phóng xạ. Đôi khi họ có thể phẫu thuật để loại bỏ vùng thương tổn.
- Ung thư miệng ở đàn ông phổ biến hơn gấp hai lần ở phụ nữ. Đàn ông người Mỹ gốc Phi rất dễ mắc căn bệnh này.
- Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả (nhất là rau thuộc họ cải như bông cải xanh) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và vòm họng.[13]
Cảnh báo
- Nếu bạn thấy hay sờ thấy thứ gì đó bất thường hoặc gây đau trong miệng mà không hết sau vài ngày, đừng trì hoãn đến gặp bác sĩ hay nha sĩ.
Tham khảo
- ↑ http://www.nidcr.nih.gov/oralhealth/Topics/OralCancer/DetectingOralCancer.htm
- ↑ http://www.nidcr.nih.gov/oralhealth/Topics/OralCancer/DetectingOralCancer.htm
- ↑ http://www.cancer.org/cancer/oralcavityandoropharyngealcancer/detailedguide/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer-detection
- ↑ http://www.cancer.gov/types/head-and-neck/patient/oral-screening-pdq
- ↑ http://www.nidcr.nih.gov/oralhealth/Topics/OralCancer/DetectingOralCancer.htm
- ↑ http://www.nidcr.nih.gov/oralhealth/Topics/OralCancer/DetectingOralCancer.htm
- ↑ http://www.ada.org/en/member-center/oral-health-topics/cancer-oral
- ↑ http://www.ada.org/en/member-center/oral-health-topics/cancer-oral
- ↑ http://www.ada.org/en/member-center/oral-health-topics/cancer-oral
- ↑ http://www.ada.org/en/member-center/oral-health-topics/cancer-oral
- ↑ http://www.cancer.org/cancer/oralcavityandoropharyngealcancer/detailedguide/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer-detection
- ↑ http://www.cancer.org/cancer/oralcavityandoropharyngealcancer/detailedguide/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer-detection
- ↑ http://www.ada.org/en/member-center/oral-health-topics/cancer-oral