Bài viết này đã được cùng viết bởi Danielle Jacks, MD. Danielle Jacks là bác sĩ y khoa của Ochsner Clinic Foundation tại New Orleans. Cô đã nhận bằng bác sĩ của trường Oregon Health and Science University năm 2016.
Có 11 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 42.973 lần.
Lipoma là một khối u không ung thư, còn gọi là u mỡ. Loại u này thường xuất hiện ở thân trên, cổ, nách, cánh tay trên, đùi và trong các cơ quan nội tạng. May mắn là u mỡ thường không nguy hiểm đến mức đe doạ tính mạng và có thể chữa được nếu chúng gây khó chịu. Tuy vậy, bạn cũng nên biết cách theo dõi và xử lý u mỡ nếu chúng phát triển.
Các bước
Nhận biết các triệu chứng
-
1Tìm các u nhỏ dưới da. U mỡ thường có biểu hiện là các cục bướu hình vòm với nhiều kích thước khác nhau, thường từ cỡ bằng hạt đậu đến khoảng 3 cm chiều dài. Nếu bạn có một khối u nằm dưới da với kích cỡ này, có thể nó là u mỡ.[1]
- Một số u mỡ có thể lớn hơn 3 cm. Ngoài ra, có thể bạn cũng không sờ được hết khối u.
- U mỡ hình thành là do sự tăng trưởng nhanh và bất thường của các tế bào mỡ.
- Mặt khác, nếu khối u có kích thước to hơn, cứng hơn và ít di chuyển, có thể nó là u nang. Ngoài ra, u nang có cảm giác mềm hơn, có thể bị nhiễm trùng và tiết dịch.
Lời khuyên: Trong một số hiếm hợp, u mỡ có thể phát triển lớn hơn 3 cm. Các khối u mỡ lớn hơn 5 cm được gọi là u mỡ khổng lồ.
-
2Sờ khối u để xác định độ mềm. U mỡ thường khá mềm, nghĩa là chúng có thể di chuyển nếu bạn dùng ngón tay ấn xuống. Loại khối u này chỉ bám nhẹ vào các mô xung quanh, do đó mặc dù chúng có vị trí tương đối cố định, bạn vẫn có thể làm cho chúng xê dịch chút ít bên dưới da.[2]
- Cách này sẽ giúp bạn xác định dó là u mỡ, u bướu hoặc u nang. U nang và u bướu thường có hình dạng cố định và cứng hơn so với u mỡ.
- Nếu u mỡ nằm sâu trong mô như một số ít trường hợp, có thể bạn sẽ khó cảm nhận được độ cứng và xác định được kích thước tổng thể của nó.
-
3Chú ý cảm giác đau nếu có. Mặc dù u mỡ thường không đau vì chúng không có dây thần kinh, đôi khi bạn cũng cảm thấy đau nếu u mỡ xuất hiện trên một điểm nhất định nào đó của cơ thể. Ví dụ, nếu khối u nằm gần một dây thần kinh và bắt đầu phát triển, nó có thể chén ép dây thần kinh và gây đau.[3]
- Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau ở vị trí u mỡ.
-
4Đi khám khi khối u xuất hiện hoặc thay đổi. Đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy một khối u mới xuất hiện hoặc nếu nó thay đổi hình dạng hoặc kích thước. Điều quan trọng là bạn phải được chẩn đoán chính xác thay vì tự chẩn đoán để có cách điều trị đúng.[4]
- Bác sĩ có thể phân biệt u mỡ với u nang và các loại u bướu khác.
Quảng cáo
Chẩn đoán y khoa
-
1Ghi lại thời điểm bạn phát hiện thấy khối u. Điều quan trọng là phải biết khối u xuất hiện đã bao lâu và nó có thay đổi theo thời gian không. Lần đầu tiên khi nhận thấy khối u, bạn hãy ghi lại ngày, vị trí và hình dạng của nó.
- Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của khối u và xác định có nên loại bỏ khối u nếu nó tiếp tục phát triển không.
Lời khuyên: Lưu ý rằng u mỡ có thể nằm cố định một chỗ trong nhiều năm và không gây ảnh hưởng xấu nào. Đa số mọi người chỉ loại bỏ u mỡ vì lý do thẩm mỹ.
-
2Theo dõi khối u xem nó có phát triển không. Lần đầu tiên nhận thấy khối u, bạn hãy dùng thước dây đo để theo dõi sự phát triển của nó. Nếu nhận thấy khối u tăng kích thước trong thời gian 1 hoặc 2 tháng, hãy đến gặp bác sĩ, cho dù trước đây bác sĩ đã khám rồi.[5]
- Có thể sẽ khó biết khối u có tăng kích thước nhiều không vì loại u này thường phát triển rất chậm.
- U mỡ khi mới xuất hiện có thể bằng cỡ hạt đậu và bắt đầu phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, u mỡ thường không vượt quá 3 cm đường kính, do đó những khối u lớn hơn có thể không phải là u mỡ.
-
3Đến gặp bác sĩ để khám khối u. Nếu nhận thấy bất cứ khối u nào bất thường hoặc mới xuất hiện trên cơ thể, bạn luôn luôn nên đến gặp bác sĩ. Hãy sắp xếp một buổi đến phòng khám và nói với bác sĩ rằng bạn có một khối u cần bác sĩ xem giúp. Trong lúc thăm khám, bác sĩ sẽ sờ vào khối u và hỏi bạn về các triệu chứng.[6]
- Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán u mỡ chỉ bằng cách sờ vào khối u. Tuy nhiên, có thể họ cũng cần làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác nhận những nghi ngờ về sự phát triển của khối u.
- Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể tiến hành bao gồm: chụp X-quang, chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), chụp MRI (chụp cộng hưởng từ), và xét nghiệm sinh thiết.[7]
Quảng cáo
Biết về các yếu tố nguy cơ
-
1Hiểu rằng tuổi tác có thể đóng vai trò trong sự hình thành u mỡ. U mỡ thường xuất hiện trong độ tuổi từ 40 đến 60. Nếu bạn trên 40 tuổi, hãy để ý đến loại u này.[8]
- Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ là u mỡ có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, chỉ là nguy cơ sẽ cao hơn khi bạn qua tuổi 40.
-
2Xác định xem bạn có bệnh lý nào khiến u mỡ dễ phát triển không. Có một vài vấn đề sức khoẻ có thể tăng nguy cơ phát triển u mỡ. Các bệnh lý này có thể bao gồm:[9] :
- Hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba
- Bệnh Madelung (bướu mỡ đối xứng lành tính)
- Adiposis dolorosa (bệnh u mỡ đau)
- Hội chứng Cowden
- Hội chứng Gardner[10]
-
3Kiểm tra xem tiền sử gia đình của bạn có u mỡ không. Hỏi cha mẹ và ông bà xem ai có u mỡ hoặc họ có biết ai trong gia đình có u mỡ không. U mỡ có yếu tố di truyền, do đó nó liên quan đến tiền sử gia đình của bạn.[11]
- Ví dụ, nếu bà của bạn có u mỡ thì rất có thể bạn cũng có u mỡ vì bạn có cùng gien với bà.
- Tuy nhiên, u mỡ đơn độc, dạng u mỡ không liên quan đến gien, thường phổ biến hơn u mỡ di truyền. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể có u mỡ dù tiền sử gia đình bạn không có.
Cảnh báo: Việc biết về tiền sử gia đình có u mỡ không giúp bạn ngăn ngừa u mỡ. Tuy nhiên, điều này cũng giúp bạn suy đoán rằng khối u của bạn có thể là u mỡ.
-
4Để ý những vùng da bị tổn thương nhiều lần vì chơi thể thao. Những người chơi các môn thể thao mà cơ thể phải thường xuyên va chạm ở cùng một vị trí có rủi ro phát triển u mỡ cao hơn. Ví dụ, cầu thủ bóng chuyền chạm bóng ở một số vị trí nào đó trên cơ thể sẽ có nguy cơ xuất hiện u mỡ ở đó.[12]
- Nếu bạn bị thương nhiều lần ở cùng một vị trí, hãy cố gắng bảo vệ vùng da đó để ngăn ngừa các khối u hình thành.
Quảng cáo
Điều trị u mỡ
-
1Trao đổi với bác sĩ về thuốc tiêm steroid. Đây là phương pháp ít xâm lấn nhất để loại bỏ u mỡ. Một hỗn hợp thuốc tiêm steroid (triamcinolone acetonide và lidocaine 1%) được tiêm vào giữa khối u. Thủ thuật này được thực hiện ở phòng khám và bạn có thể về nhà ngay sau khi tiêm.[13]
- Nếu khối u không xẹp trong vòng 1 tháng, bác sĩ có thể thực hiện lại thủ thuật cho đến khi nó biến mất.
-
2Phẫu thuật cắt bỏ nếu khối u có kích thước lớn hoặc gây đau. Phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ u mỡ là phẫu thuật cắt bỏ. Nhín chung, giải pháp phẫu thuật chỉ dành cho các khối u có kích thước xấp xỉ 3 cm hoặc khối u gây đau. Khi khối u nằm ngay bên dưới da, bác sĩ sẽ rạch nhẹ một đường, lấy khối u ra, làm sạch vết thương và khâu lại.[14]
- Nếu u mỡ nằm trong một cơ quan nội tạng, một trường hợp hiếm hơn nhiều, bạn sẽ được gây mê toàn thân để phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- U mỡ rất hiếm khi tái phát sau khi cắt bỏ.
-
3Tìm hiểu phương pháp hút mỡ. Kỹ thuật này dùng máy hút để loại bỏ mô mỡ. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên khối u và đưa một ống hút vào hút mô mỡ ra. Thường thì đây là một thủ thuật ngoại trú được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện.[15]
- Thông thường, những người chọn phương án này muốn loại bỏ u mỡ vì lý do thẩm mỹ. Phương pháp này cũng được sử dụng trong trường hợp khối u mềm hơn bình thường.
Cảnh báo: Lưu ý rằng thủ thuật hút mỡ để lại một vết sẹo nhỏ nhưng rất khó nhìn thấy khi đã lành hoàn toàn.
-
4Áp dụng các liệu pháp dân gian như một cách điều trị bổ sung. Có nhiều loại thảo mộc và thực phẩm bổ sung được cho là có tác dụng giảm kích thước u mỡ. Mặc dù không có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tính hiệu quả, các liệu pháp dân gian này vẫn được nhiều người áp dụng, trong đó bao gồm:[16]
- Cỏ tinh thảo – Mua dung dịch cỏ tinh thảo tại các hiệu thuốc và uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn.
- Lá neem – Một loại thảo mộc Ấn Độ mà bạn có thể dùng để nêm vào các món ăn hoặc uống viên thực phẩm bổ sung hàng ngày.
- Dầu hạt lanh – Bôi dầu hạt lanh trực tiếp lên vùng da có u mỡ mỗi ngày 3 lần.
- Trà xanh – Uống 1 cốc trà xanh mỗi ngày.
- Củ nghệ – Uống mỗi ngày một viên thực phẩm bổ sung nghệ hoặc bôi hỗn hợp nghệ và dầu pha với tỷ lệ 1:1 lên u mỡ hàng ngày.
- Nước cốt chanh – vắt chanh vào thức uống và uống trong cả ngày.
Quảng cáo
Cảnh báo
- Bạn cần phải đi khám khi nhận thấy bất cứ khối u nào, ngay cả khi bạn nghĩ nó là u mỡ vốn tương đối vô hại.
Tham khảo
- ↑ http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00631
- ↑ http://www.nhs.uk/conditions/lipoma/Pages/Introduction.aspx
- ↑ http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00631
- ↑ https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/other-conditions/lipoma
- ↑ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/lipoma
- ↑ https://www.aafp.org/afp/2002/0301/p905.html
- ↑ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/lipoma
- ↑ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/lipoma
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2526395/
- ↑ https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15008-lipomas
- ↑ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/lipoma
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15088241
- ↑ https://www.aafp.org/afp/2002/0301/p901.html
- ↑ http://www.nhs.uk/conditions/lipoma/Pages/Introduction.aspx
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5661715/
- ↑ https://www.physio-pedia.com/Episacral_Lipomas