Bài viết này đã được cùng viết bởi Shari Forschen, NP, MA. Shari Forschen là y tá của Sanford Health tại Bắc Dakota. Cô đã nhận được bằng thạc sĩ y tá gia đình từ Đại học North Dakota và là y tá từ năm 2003.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 2.214 lần.
Bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn là do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra và thường dễ điều trị. Nhiễm trùng da là một dạng nhiễm tụ cầu khuẩn phổ biến nhất, thường xảy ra khi một vết bỏng hoặc vết thương bị nhiễm trùng. May mắn là nhiều trường hợp nhiễm trùng thường nhẹ và mau lành nếu bạn giữ sạch và băng vết thương. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng có biểu hiện xấu đi hoặc bị sốt. Tuy không phổ biến, nhưng vẫn có trường hợp tụ cầu khuẩn lan vào máu và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.[1]
Các bước
Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng da
-
1Tìm các nốt mụn, nhọt hoặc các vùng da đỏ và sưng. Nhiễm trùng da là một dạng phổ biến của bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn. Tổn thương trên da có hình dạng như mụn, nhọt, vết phồng rộp hoặc các vùng da sưng, đỏ và nóng, đôi khi có mủ hoặc các chất dịch khác chảy ra.[2]
- Da rách sẽ dễ bị nhiễm trùng. Rửa tay thường xuyên và giữ sạch vết thương là những cách để ngăn ngừa nhiễm trùng tụ cầu khuẩn trên da.
-
2Chú ý hiện tượng áp xe, hoặc các túi mủ. Áp xe là các túi da sưng và chứa đầy mủ. Bạn sẽ cảm thấy áp xe chứa chất lỏng bên trong chứ không như các cục u trên da, và thường sẽ đau khi chạm vào. Cảm giác đau gia tăng và có mủ rỉ ra từ vết thương báo hiệu tình trạng nhiễm trùng nặng, vì vậy bạn hãy gọi cho bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu trên.[3]
-
3Rửa tay trước và sau khi chạm vào vùng da nhiễm trùng. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước nóng trước khi rửa vết thương hoặc thay băng. Bạn cần phải tránh nguy cơ vết thương bị nhiễm bẩn thêm. Sau khi xử lý vùng da nhiễm khuẩn, bạn cần rửa tay lại lần nữa để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.[4]
-
4Ngâm vùng da bị nhiễm trùng nhẹ 3 lần mỗi ngày và băng lại. Các trường hợp áp xe và nhiễm trùng da nhẹ thường sẽ tự khỏi với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Rửa kỹ vùng da nhiễm khuẩn, ngâm trong nước ấm mỗi ngày 3 lần trong 10 phút và dùng băng vô trùng băng lại. Thay băng mỗi ngày 2-3 lần hoặc mỗi khi bị ướt.[5]
- Nếu muốn, bạn có thể thêm muối vào nước ấm để ngâm vết thương. Thử ngâm vùng da nhiễm trùng trong dung dịch gồm 1 thìa canh (15 ml) muối ăn pha với 1 lít nước ấm. Muối pha với nước ấm có thể giúp làm dịu da. Mặc dù muối không tiêu diệt được tụ cầu khuẩn nhưng có thể loại bỏ được một số yếu tố gây nhiễm trùng.
-
5Không tự dẫn lưu áp xe. Tránh chạm tay vào vùng nhiễm trùng trừ khi đang chăm sóc vết thương. Nhớ rửa tay trước và sau khi xử lý vết thương. Nếu có áp xe, bạn đừng cố dẫn lưu hoặc chọc vỡ nó.[6]
- Gãi hoặc chọc vỡ áp xe có thể gây nhiễm bẩn và lây lan vi khuẩn.
-
6Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu nhiễm trùng da nghiêm trọng. Hiện tượng đỏ và sưng nhẹ trên da thường sẽ tự khỏi trong một hoặc hai ngày nếu vết thương được giữ sạch. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tình trạng đau, sưng hoặc áp xe ngày càng xấu đi hoặc bị sốt.[7]
- Chỉ bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn và kê toa thuốc điều trị thích hợp.
- Băng vùng da nhiễm trùng bằng băng vô trùng cho đến khi bạn gặp được bác sĩ.
Quảng cáo
Nhận biết tình trạng nhiễm trùng bên trong
-
1Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm. Tụ cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, và các triệu chứng này thường thuyên giảm trong khoảng một ngày. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn không cảm thấy đỡ hơn trong vòng 24- 48 tiếng.[8]
- Trong khi chờ bình phục, bạn cần tránh vận động quá sức, đồng thời uống nhiều nước, nước thể thao hoặc nước điện giải Pedialyte để giữ nước cho cơ thể. Cố gắng ăn cơm trắng, súp hoặc nước thịt và các thức ăn nhẹ khác. Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa vi trùng lây lan, nhất là khi bạn bị nôn hoặc tiêu chảy.[9]
-
2Đến gặp bác sĩ nếu bạn cho rằng mình bị viêm khớp nhiễm trùng. Viêm khớp nhiễm trùng là bệnh viêm khớp thường xảy ra do tụ cẩu khuẩn. Bạn hãy hẹn gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng như đau dữ dội ở khớp, đỏ, sưng và sốt. Nhiễm trùng thường xảy ra ở đầu gối, mắt cá chân hoặc ngón chân, và thường thì chỉ một khớp bị ảnh hưởng.[10]
- Các triệu chứng của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra đột ngột. Ở các dạng viêm khớp khác, hiện tượng đau và sưng tiến triển dần dần, thường xảy ra vào các thời gian nhất định trong ngày và ảnh hưởng lên không chỉ một khớp.
- Bác sĩ sẽ khám và tiến hành xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn. Bạn sẽ được hút dịch khớp, hoặc loại bỏ dịch thừa để giảm sưng. Nếu bác sĩ xác định bạn bị nhiễm trùng, bạn sẽ được tiêm thuốc vào khớp hoặc được kê toa thuốc kháng sinh uống.[11]
-
3Đi cấp cứu nếu có dấu hiệu của hội chứng sốc nhiễm độc (TSS). TSS có thể xảy ra khi tụ cầu khuẩn lan vào máu và các cơ quan nội tạng. Các triệu chứng bao gồm: sốt trên 39 độ C, mất phương hướng, đau đầu, nôn, tiêu chảy và phát ban đỏ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.[12]
- TSS là tình trạng cấp cứu và cần được chăm sóc khẩn cấp. Trường hợp này có thể xảy ra do sử dụng băng vệ sinh dạng ống (tampon) lâu hơn thời gian khuyến cáo, hoặc do nhiễm trùng vết bỏng, vết thương hoặc vết mổ.
-
4Tìm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra do phản ứng miễn dịch của cơ thể do nhiễm khuẩn lan rộng. các triệu chứng bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, ớn lạnh, mất phương hướng, tim đập nhanh và hơi thở nông. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tình trạng đông máu, giảm lưu thông máu và suy đa cơ quan.[13]
- Nhiễm trùng máu là tình trạng cấp cứu, vì vậy bạn cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu vết thương nhiễm trùng không lành và có các triệu chứng nhiễm trùng máu.[14]
- Mặc dù ai cũng có thể bị nhiễm trùng máu, nhưng những đối tượng có nguy cơ cao thường là người có hệ thống miễn dịch kém, trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh mãn tính (như bệnh thận hoặc bệnh gan), người bị bỏng hoặc bị thương nghiêm trọng.
Quảng cáo
Điều trị y tế
-
1Đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nặng hoặc xấu đi. Nếu tình trạng nhiễm trùng da trở nặng, không lành, hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt, bạn hãy tìm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Mặc dù các trường hợp nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng không phổ biến, nhưng ngay cả vết thương nhiễm trùng nhẹ trên da cũng có thể dẫn đến các vấn đề lớn về sức khỏe nếu không được điều trị đúng cách.[15]
- Đến bác sĩ khám bệnh là điều đặc biệt quan trọng nếu bạn là người cao tuổi, có hệ miễn dịch suy giảm, bệnh mãn tính, bị bỏng hoặc bị thương nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị nhiễm trùng không lành hoặc sốt cao cần được đưa đến bác sĩ.
-
2Đi khám bệnh và làm xét nghiệm cấy vi khuẩn. Khi đến gặp bác sĩ, bạn sẽ được khám bệnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng xuất hiện từ lúc nào và như thế nào. Bác sĩ cũng có thể chỉ định nuôi cấy vi khuẩn để xác định nguyên nhân cụ thể gây nhiễm trùng.[16]
- Nếu bạn bị nhiễm trùng da, bác sĩ sẽ dùng tăm bông để lấy mẫu mô hoặc mủ trên vùng da nhiễm trùng.
- Với hội chứng sốc nhiễm độc hoặc nhiễm trùng máu, bạn sẽ được xét nghiệm mẫu máu để tìm vi khuẩn và đếm tế bào bạch cầu, nhưng việc điều trị thường bắt đầu trước khi có kết quả xét nghiệm. Thuốc kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch cần được sử dụng càng sớm càng tốt, vì đây là tình trạng nghiêm trọng.[17]
-
3Dẫn lưu áp xe và các tổn thương da. Nếu bị nhiễm trùng da và xuất hiện áp xe, bác sĩ có thể phải dẫn lưu áp xe. Bạn sẽ được gây tê và bác sĩ rạch một vết nhỏ cho mủ chảy ra, sau đó băng lại bằng gạc.[18]
- Chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi dẫn lưu áp xe. Rửa vết thương mỗi ngày 2-3 lần, bôi thuốc mỡ theo lời khuyên của bác sĩ khuyến nghị và băng lại bằng băng sạch. Thay băng 2-3 lần mỗi ngày hoặc khi bị ướt.
-
4Uống thuốc do bác sĩ kê toa. Các trường hợp nhiễm tụ cầu khuẩn không lành với liệu pháp chăm sóc tại nhà sẽ cần phải điều trị bằng kháng sinh. Bạn hãy uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, và không được ngừng uống trước khi hiết liệu trình điều trị, vì nhiễm trùng có thể quay trở lại hoặc trở nặng hơn.[19]
- Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn uống thuốc giảm đau để chống sưng, sốt và các triệu chứng có liên quan.
-
5Báo với bác sĩ nếu các triệu chứng không thuyên giảm. Tụ cầu khuẩn có thể thích ứng nhanh, và nhiều dòng vi khuẩn trở nên đề kháng với một số thuốc kháng sinh. Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn có thể giúp bác sĩ chọn đúng loại kháng sinh, và bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đỡ hơn trong vòng hai ngày. Nếu không, bạn hãy gọi cho bác sĩ và thảo luận về các loại thuốc thay thế.[20]
- Bác sĩ có thể chỉ định truyền thuốc kháng sinh mạnh hơn qua tĩnh mạch.
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://medlineplus.gov/staphylococcalinfections.html
- ↑ https://medlineplus.gov/staphylococcalinfections.html
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/staphylococcus.html#
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/staphylococcus.html#
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/abscess.html
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/abscess.html
- ↑ https://www.cdc.gov/mrsa/community/index.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/staph-infections/symptoms-causes/syc-20356221
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/001652.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/infectiousarthritis.html
- ↑ https://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Treatments/Joint-Injection-Aspiration
- ↑ https://familydoctor.org/condition/toxic-shock-syndrome/?adfree=true
- ↑ https://medlineplus.gov/sepsis.html
- ↑ https://www.cdc.gov/sepsis/basic/index.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/staph-infections/symptoms-causes/syc-20356221
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/staph-infections/diagnosis-treatment/drc-20356227
- ↑ https://familydoctor.org/condition/toxic-shock-syndrome/?adfree=true
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/abscess.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/staph-infections/diagnosis-treatment/drc-20356227
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/staph-infections/diagnosis-treatment/drc-20356227