Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Lông mọc ngược là tình trạng sợi lông quay lại mọc đâm vào da, có biểu hiện như các nốt sần đỏ và đau. Phần lớn các trường hợp lông mọc ngược đều dễ xử lý (mặc dù có gây khó chịu và xấu xí), nhưng cũng có khi chúng lại gây ra nỗi phiền toái dai dẳng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Cũng như hầu hết các lời khuyên về chăm sóc da, sẽ khó xác định được một chế độ riêng biệt phù hợp với từng người mà không trải qua thử nghiệm, vì vậy bạn cần phải nỗ lực để tìm ra chế độ chăm sóc tốt nhất cho đôi chân của bạn.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Cạo lông đúng cách

  1. 1
    Đảm bảo dao cạo phải sạch và sắc. Dao cạo bẩn có thể gây kích ứng và tăng rủi ro nhiễm trùng nếu bạn lỡ tay làm đứt da. Nếu dao cạo bị cùn, nguy cơ bạn làm sứt hoặc đứt da sẽ cao hơn.[1]
    • Thay dao cạo hoặc lưỡi dao thường xuyên để đảm bảo an toàn và đường cạo được trơn tru.
  2. 2
    Làm mềm da bằng hơi nước trước khi cạo lông. Da căng và khô là điều kiện thuận lợi cho lông mọc ngược, do đó chúng ta cần thực hiện các bước giúp cho da mềm và giãn ra. Bạn có thể cạo lông sau khi (hoặc trong khi) tắm để tận dụng lợi ích của hơi nước tác động lên da và lông chân.[2]
    • Liệu pháp tẩy tế bào chết có thể giúp ích (vì nó lấy đi các tế bào da chết gây kích ứng) hoặc có thể gây hại (vì bạn phải xoa, chà xát và cạo trên da trong thời gian ngắn). Hãy cân nhắc xem bạn có nên tẩy tế bào chết hay không.
  3. 3
    Thoa kem, gel hoặc bọt cạo lông để hạn chế kích ứng. Thoa kem, gel và bọt cạo lông lên chân trước khi cạo. Bước này sẽ làm mềm da và giúp cho lưỡi dao cạo trượt trên chân dễ dàng hơn.[3]
    • Da sẽ ít bị kích ứng sau khi cạo nếu bạn luôn sử dụng kem, gel hoặc bọt cạo lông.
  4. 4
    Không cạo quá sát. Không ấn mạnh và đừng kéo căng da; điều này sẽ giúp cho lông chân dài hơn một chút, giảm nguy cơ các sợi lông ngắn và sắc đâm qua da theo chiều ngược lại.[4]
    • Nếu bạn lo rằng lông hiện rõ trên da, hãy nhớ là những sợi lông dài một chút còn khó trông thấy hơn nhiều so với lông mọc ngược đỏ và sần sùi.
    • Thử dùng dao cạo điện nếu bạn cảm thấy khó mà để lại các sợi lông còn hơi dài bằng cách cạo bằng tay.
    • Không có kết luận rõ ràng nào về công dụng của dao cạo lưỡi đơn hay lưỡi kép trong việc phòng chống lông mọc ngược, nhưng bạn cần đảm bảo dao cạo phải sạch và sắc.
  5. 5
    Cạo theo chiều lông mọc. Lông chân thường mọc theo chiều hướng xuống bàn chân, tuy rằng hầu như ai cũng có các sợi lông lẻ loi mọc lệch hướng. Khi bạn cạo ngược chiều lông mọc, phần còn lại của sợi lông có thể uốn cong và quăn lại, làm tăng nguy cơ mọc vào trong. Việc cạo theo chiều lông mọc sẽ giúp giảm nguy cơ da bị kích ứng.
    • Nếu phương pháp này không có tác dụng, bạn hãy thử cạo ngược chiều lông mọc. Cách này thường kém hiệu quả hơn, nhưng có thể thích hợp với một số người.[5]
  6. 6
    Rửa dao cạo sau mỗi nhát cạo. Tuy động tác này có vẻ phiền phức, nhưng dao cạo sạch sẽ không cuốn theo bụi bẩn, da chết hoặc các mảnh vụn nhỏ li ti vào da (hoặc xuống dưới da).[6] Bạn hãy gõ dao cạo dùng một lần vào cạnh bồn tắm hoặc bồn rửa mặt để đánh bật các mẩu lông vụn kẹt ở giữa các lưỡi dao cạo.
    • Với dao cạo điện, động tác rửa sạch dao sau mỗi nhát cạo có lẽ là thừa. Bạn chỉ cần tháo nắp dao cạo và rửa kỹ sau mỗi lần cạo lông.
  7. 7
    Áp khăn mát lên chân sau khi cạo lông.[7] Áp lực nhẹ và độ mát của khăn sẽ giúp giảm viêm và làm se khít chân lông. Đừng chà xát: bạn chỉ nên ấn chặt khăn lên da.
  8. 8
    Giãn khoảng cách giữa các lần cạo lông. Để lông chân dài hơn là cách phòng tránh lông mọc ngược chắc chắn nhất. Nếu không muốn ngừng cạo lông, bạn cũng nên để cho da và lông có thời gian hồi phục giữa những lần cạo. Cạo lông liên tục sẽ chỉ gây kích ứng thêm.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Chăm sóc đôi chân dễ bị lông mọc ngược

  1. 1
    Mặc trang phục rộng hơn. Kiểu tất bó bắp chân là thủ phạm thường gặp nhất khiến lông chân mọc ngược ở nam giới không cạo lông chân, vì trang phục bó sát sẽ ngăn cản lông mọc ra đúng chiều.[8] Quần bò bó sát sẽ khiến vấn đề càng tệ hơn cả ở đùi và bắp chân. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc mang tất cao đến cổ chân hoặc mặc quần bò kiểu slim-cut ôm gọn nhưng không quá bó sát.
    • Nếu bạn gặp phiền toái vì lông mọc ngược ở các vùng da khác trên cơ thể, hãy thử mặc quần áo rộng rãi hơn. Quần lót kiểu tam giác có thể gây ra các vấn đề ở vùng bikini, vì lông ở vùng này vốn thô cứng và quăn hơn. Thử dùng quần lót kiểu quần đùi nếu bạn vẫn gặp rắc rối.
    • Ma sát cũng là một yếu tố khiến lông mọc ngược. Bạn nên chọn trang phục vừa vặn thoải mái khi vận động nhiều để da chân được thoáng khí. Thay vì mặc quần bó sát, bạn hãy thử mặc quần đùi hoặc quần thun thể thao.
  2. 2
    Ngừng nhổ lông cũng như tẩy lông bằng sáp. Khi toàn bộ sợi lông bị nhổ ra khỏi nang lông, đầu của sợi lông sẽ phải đâm xuyên qua da khi mọc lại.[9] Điều này có thể dễ dàng khiến lông mọc ngược khi đầu sợi lông không thể xuyên qua da hoặc cuộn ngược lại và đâm vào da. Những người có lông thô và quăn có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
    • Mặc dù không phải ai cũng gặp vấn đề khi nhổ lông và tẩy lông bằng sáp, nhưng các phương pháp này có nguy cơ cao khiến lông mọc ngược.
  3. 3
    Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn.[10] Chất cồn có thể làm căng và khô da khiến da càng bị kích ứng, từ đó lông càng mọc ngược nhiều hơn.
  4. 4
    Làm dịu da bằng kem cortisone hoặc lô hội. Thoa các sản phẩm này để làm dịu da đỏ và kích ứng. Trong vòng vài ngay bạn đừng cố cạo lông, tẩy lông bằng sáp hoặc dùng bất cứ phương pháp nào khác để loại bỏ lông.
  5. 5
    Thử dùng kem tẩy lông thay vì cạo. Kem tẩy lông có tác dụng làm tan lông bên dưới bề mặt da.[11] Không như phương pháp cạo lông, kem tẩy lông không để lại cạnh sắc trên sợi lông, nhờ đó làn da cũng đỡ bị kích ứng đáng kể. Tuy nhiên, sợi lông vẫn còn gốc và sẽ mọc lại, vì vậy kem tẩy lông cũng không phải là giải pháp đảm bảo để ngăn lông chân mọc ngược.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Điều trị lông mọc ngược

  1. 1
    Đắp khăn ấm để làm mềm da. Sức nóng của khăn cũng có tác dụng hút mủ xung quanh sợi lông ra ngoài. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng loại bỏ sợi lông và làm sạch mủ hơn, nhờ đó giảm được nguy cơ nhiễm trùng.
  2. 2
    Dùng nhíp kéo sợi lông mọc ngược lên khỏi bề mặt da. Nhúng nhíp vào cồn tẩy rửa để khử trùng, sau đó dùng đầu nhíp kéo sợi lông mọc ngược lên trên bề mặt da. Đừng nhổ toàn bộ sợi lông mà chỉ kéo đầu lông lên. Tình trạng đỏ và kích ứng sẽ giảm.[12]
    • Nếu có khó kẹp được sợi lông, bạn cũng đừng đào sâu xuống dưới da. Hãy chờ vài ngày cho lông mọc và thử lại khi sợi lông mọc dài hơn.
  3. 3
    Trị lông mọc ngược bằng các thành phần hoạt chất. Các sản phẩm có chứa axit salicylic hoặc axit glycolic có thể trị lông mọc ngược bằng các thành phần tẩy tế bào da chết.[13] Các axit này thường có trong thuốc trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, các thuốc này nói chung có hiệu ứng làm khô da, do đó bạn nhớ thoa kem dưỡng ẩm để khắc phục tình trạng này.
    • Thuốc thường có hiệu quả sau 3-4 ngày sử dụng.
    • Một số hoá chất trên có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, vì vậy bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thoa kem chống nắng nếu cần thiết.
  4. 4
    Triệt lông bằng laser. Triệt lông bằng tia laser là một lựa chọn cuối cùng dành cho những người có lông mọc ngược mãn tính. Đây là phương pháp triệt lông vĩnh viễn, do vậy bạn chỉ nên sử dụng nếu muốn lông chân ngừng mọc hoàn toàn.[14]
    • Mặc dù ngày càng được cải tiến, nhưng phương pháp trị liệu bằng laser vẫn có hiệu quả nhất đối với những người có nước da sáng màu và lông sẫm màu. Những người có lông màu vàng hoe hoặc da ngăm sẽ ít thành công hơn khi chọn cách này.
    • Ngay cả đối với da sáng màu (nước da phù hợp nhất với phương pháp trị liệu bằng laser), tổng chi phí cho nhiều buổi trị liệu ở Mỹ có thế lên đến 2.000 USD.[15]
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Không gãi vào vị trí có lông mọc ngược để phòng tránh nhiễm trùng.

Cảnh báo

  • Nếu vùng da xung quanh sợi lông mọc ngược bị đỏ và viêm bất thường dai dẳng, bạn nên tìm lời khuyên của bác sĩ. Có thể bạn cần dùng thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng.

Về bài wikiHow này

Luba Lee, FNP-BC, MS
Cùng viết bởi:
Hội đồng kiểm duyệt y tế
Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006. Bài viết này đã được xem 15.858 lần.
Trang này đã được đọc 15.858 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo