Bài viết này đã được cùng viết bởi Beverly Ulbrich. Beverly Ulbrich là huấn luyện viên và chuyên gia về hành vi của chó, người đồng sáng lập The Pooch Coach, một doanh nghiệp huấn luyện chó tại Khu Vực Vịnh San Francisco. Cô được chứng nhận là chuyên gia đánh giá chó bởi American Kennel Club và phục vụ trong ban giám đốc của Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ và Tổ chức Giải cứu Chó Rocket. Cô được SF Chronicle và Bay Woof 4 lần bầu là huấn luyện viên cho chó giỏi nhất Khu Vực Vịnh San Francisco và đã giành được 4 giải thưởng “Top Dog Blog”. Cô cũng từng xuất hiện trên TV với vai trò là chuyên gia về hành vi của chó. Beverly có hơn 17 năm kinh nghiệm huấn luyện chó và chuyên huấn luyện chó hung dữ hay có dấu hiệu căng thẳng. Cô có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Santa Clara và bằng cử nhân khoa học của Đại học Rutgers.
Bài viết này đã được xem 4.407 lần.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chó phóng uế ra chuồng khi bạn nhốt nó trong đó. Điều này có thể là do chó bị rối loạn lo âu chia ly, gặp vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến kiểm soát đường ruột hoặc đơn giản là chó không hiểu rằng chuồng của nó không phải nơi để giải quyết nỗi buồn. Để ngăn tình trạng này tiếp diễn, bạn có thể áp dụng các cách sau.
Các bước
Thay chuồng mới
-
1Dùng chuồng đúng kích cỡ. Chó có xu hướng phóng uế ra chuồng nếu chuồng của chúng quá rộng. Nếu chuồng chó đủ rộng để nó thoải mái đi đại tiện ở một góc thì nhiều khả năng cho sẽ đi vệ sinh luôn trong đó thay vì đợi đến lúc được thả ra.
- Bạn chỉ nên cho chó ở trong một chiếc chuồng đủ rộng để nó có thể đứng dậy, xoay người và nằm duỗi chân thoải mái. Chuồng rộng hơn mức này đều có nguy cơ khiến nó muốn đi vệ sinh ngay trong đó.[1]
- Nếu nuôi chó con, bạn nên chọn chuồng vừa với kích cỡ của nó khi trưởng thành. Chuồng cho chó có giá không rẻ nên chắc hẳn bạn không muốn phải thay mới quá thường xuyên, tuy nhiên bạn có thể ngăn chuồng bằng bìa các tông, hộp xốp và các loại vật liệu an toàn cho chó con khác để hạn chế không gian hoạt động của chúng.[2]
-
2Cho chó ăn trong chuồng. Nhiều khi, chó sẽ không muốn đi vệ sinh ở chỗ nó ăn cơm. Vậy nên cho chó ăn cơm trong chuồng cũng là một cách để giải quyết vấn đề này.
- Bạn không nhất thiết phải nhốt chó trong chuồng vào giờ ăn vì sự căng thẳng khi bị nhốt có thể ảnh hưởng đến khẩu vị của nó. Bạn chỉ cần để thức ăn trong chuồng và mở cửa chuồng là được.[3]
- Lúc đầu, chú chó sẽ cẩn trọng và không vào chuồng ăn cơm vì có thể nó nghi ngờ là bạn sắp đi đâu đó và đang dụ nó vào chuồng. Nếu bạn để thức ăn ở đó và thực hiện các hoạt động khác như thường ngày thì dần dần nó sẽ chịu ăn.[4]
-
3Thay lót chuồng. Bạn có thể thử thay lót chuồng cho chó, hoặc thêm nhiều chăn lót hơn, nhiều khả năng chó cũng sẽ không đi vệ sinh ra chuồng nữa.
- Nếu bạn không lót chuồng cho chó thì việc thêm một miếng lót hoặc chăn lót thoải mái vào chuồng nhiều khả năng sẽ khiến chó không coi chuồng của nó là nhà vệ sinh nữa. Chó sẽ không muốn phóng uế ra nơi mà nó thích nằm cuộn tròn và ngủ nghỉ.[5]
- Ngược lại, nếu bạn đã dùng lót chuồng cho chó và nó giấu chất thải trong đó thì hãy bỏ lót chuồng đi. Nếu biết việc mình phóng uế ra chuồng không dễ che giấu thì chó sẽ không làm vậy nữa.[6]
- Không lót giấy trong chuồng, đặc biệt là khi chó đã được dạy đi vệ sinh lên giấy.
-
4Dọn dẹp sạch sẽ ngay sau khi chó phóng uế ra chuồng. Mỗi lần chó đi vệ sinh trong chuồng, bạn cần vệ sinh toàn bộ chuồng thật sạch sẽ. Hãy dùng nước tẩy rửa có chứa enzym mua ở hiệu thú cưng hoặc các cửa hàng tạp hóa. Khử sạch mùi chất thải sẽ ngăn chó tiếp tục phóng uế ra chỗ cũ.[7]Quảng cáo
Thay đổi lịch sinh hoạt của chó
-
1Huấn luyện chó ở trong chuồng trước khi để nó một mình. Nếu bạn mới nhốt chó trong chuồng và nó đi vệ sinh trong đó thì vấn đề có thể là do chó chưa quen với việc này. Bạn nên cho chó dần dần làm quen với việc ở trong chuồng trước khi có thể yên tâm nhốt nó trong đó một mình.
- Cho chó một vài ngày để quen chuồng. Bạn hãy khuyến khích chó đi vào chuồng nhưng không khóa nó trong đó. Hãy biến việc ở trong chuồng thành một trải nghiệm thú vị bằng cách cho chó phần thường và khen ngợi khi nó chịu vào chuồng.[8]
- Khi chó đã quen chuồng, bạn có thể bắt đầu nhốt nó trong đó mỗi lần một lát. Hãy bắt đầu từ từ, chỉ nhốt chó trong chuồng khoảng 10 phút mỗi lần và tăng dần thời gian.[9]
- Khi chó có thể ở trong chuồng khoảng 30 phút mà không lo âu hay sợ hãi thì bạn có thể bắt đầu nhốt nó lâu hơn. Khi bạn rời đi, hãy rời đi một cách dứt khoát. Chào tạm biệt quá lâu có thể khiến chó lo lắng hơn về việc phải ở một mình.[10]
- Bạn có thể tăng dần thời gian để chó trong chuồng một mình, cuối cùng hãy để chó trong chuồng qua đêm hoặc trong thời gian bạn đi làm.[11]
-
2Cho chó ra ngoài vào thời điểm cố định. Nếu chó phóng uế ra chuồng thì có thể thời gian bạn cho nó ra ngoài chưa được cố định lắm. Hãy cho chó ra ngoài đều đặn để nó không phải bất đắc dĩ đi vệ sinh trong chuồng.
- Nếu bạn chỉ cho chó ra ngoài thì có thể nó sẽ không hiểu rằng nó phải đi vệ sinh ở ngoài. Khi dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ, bạn hãy ở ngoài cùng với nó và khen ngợi khi chó đi đến chỗ vệ sinh quy định. Nếu không làm vậy, chó có thể sẽ xem việc được ra ngoài là để đi chơi mà không tranh thủ giải quyết nỗi buồn.
- Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà chó cần nhiều hoặc ít thời gian ở ngoài hơn. Đối với chó nhỏ hơn 12 tuần tuổi thì bạn nên cho nó ra ngoài mỗi giờ một lần vào ban ngày và mỗi 3 đến 4 giờ một lần vào ban đêm.[12]
- Khi chó lớn hơn, bạn có thể tăng dần thời gian giữa mỗi lần cho nó ra ngoài. Khi chó được 6 đến 7 tháng tuổi, bạn có thể cho nó ra ngoài sau mỗi 4 tiếng vào ban ngày và sau mỗi 8 tiếng vào ban đêm. Chó trưởng thành cần được thả ít nhất 3 lần một ngày và nên được đi dạo xa ít nhất một lần trong khoảng thời gian đó.[13]
- Điểm mấu chốt là bạn phải nhất quán. Hãy cho chó ra ngoài vào những thời điểm cố định trong ngày. Cơ thể của chó sẽ thích nghi với lịch trình sinh hoạt đều đặn này và giảm thiểu được nguy cơ chó đi vệ sinh trong chuồng.[14]
-
3Thiết lập thời gian biểu cho chó ăn hằng ngày. Bạn cần cho chó ăn theo một thời gian biểu cố định để có thể dự đoán được thời điểm nó cần đi vệ sinh. Hạn chế cho chó phần thưởng và đồ ăn vặt giữa các bữa ăn cũng sẽ giúp hạn chế các vấn đề về việc đi vệ sinh của nó. Đường ruột của chó sẽ bị kích thích khoảng 20 phút sau ăn. Do vậy, bạn không nên nhốt chó vào chuồng ngay sau khi cho ăn vì có thể nó sẽ bĩnh ra chuồng không lâu sau đó. Thay vào đó, hãy cho chó thời gian đi vệ sinh ở ngoài, khoảng 20 đến 30 phút sau khi ăn.
- Lượng thức ăn sẽ tùy thuộc vào giống chó, kích thước và tình trạng sức khỏe của chó. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về lượng thức ăn phù hợp cho chó, sau đó phân bổ thời gian cho chó ăn trong ngày cho phù hợp.[15]
- Nếu nhốt chó trong chuồng qua đêm, bạn không nên cho chó ăn hoặc uống nước trong khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ. Nếu bạn nhốt chó trong chuồng vào ban ngày khi đi làm, hãy dắt chó đi dạo vào buổi sáng để nó có thời gian đi vệ sinh sau khi ăn sáng.[16]
-
4Dùng kỷ luật tích cực và tiêu cực. Việc dùng kỷ luật tích cực và tiêu cực có thể giúp chó biết rằng nó không được đi vệ sinh trong chuồng.
- Khi đưa chó ra ngoài, bạn hãy luôn khen ngợi lúc nó đi vệ sinh. Bạn có thể dùng lời khen, chẳng hạn như “Giỏi lắm”, và có thể mang theo một ít đồ ăn để thưởng cho nó.
- Nếu thấy chó chuẩn bị phóng uế trong chuồng, hãy vỗ tay và nói “Không”, sau đó đưa nó ra ngoài để đi vệ sinh.[17]
- Nhớ rằng, bạn cần thực hiện kỷ luật ngay tại chỗ. Nếu sáng sớm thức dậy và thấy chó đã phóng uế ra chuồng thì việc mắng mỏ nó lúc này sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Chó sẽ không hiểu tại sao nó lại bị mắng. Bạn cũng tránh mắng nhiếc quá lớn tiếng và dữ dằn, chó sẽ trở nên lo âu và khiến cho vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Đừng bao giờ dí mũi chó vào đống phân hay nước tiểu nó đã bĩnh ra chuồng, làm vậy chẳng có tác dụng gì ngoài việc khiến nó thêm buồn bã và bối rối.[18]
Quảng cáo
Chăm sóc y tế
-
1Đặt lịch hẹn với bác sĩ thú y. Bạn cần chắc chắn là hành vi của chó không liên quan gì đến các vấn đề về sức khỏe. Hãy đặt lịch khám với bác sĩ thú y và đưa chó đến khám sức khỏe tổng quát.
- Nếu chó đi ngoài phân lỏng hoặc bị tiêu chảy, có thể nó đang gặp các vấn đề về dạ dày cần được chữa trị. Bác sĩ thú y có thể sẽ làm xét nghiệm máu hoặc chụp X quang để xác định phương án điều trị.[19]
- Những chú chó lớn tuổi thường gặp vấn đề kiểm soát đường ruột do tuổi tác. Nếu chó đã già, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra để xem chó còn khả năng kiểm soát đường ruột hay không, sau đó đưa ra các phương án điều trị phù hợp.[20]
-
2Tìm hiểu về các biểu hiện của chứng rối loạn lo âu chia ly. Chó thường hay phóng uế ra chuồng nếu gặp rối loạn này. Nếu là vậy thì bạn nên tìm hiểu các biểu hiện của bệnh và cách xử lý phù hợp.
- Nếu chó đi vệ sinh ra chuồng cùng với các biểu hiện như rên rỉ, sủa, đi lại không ngừng, đã từng thoát ra hoặc cố gắng thoát ra khỏi chuồng thì có thể nó đang bị rối loạn lo âu chia ly. Nếu bạn mới thay đổi lịch sinh hoạt, chuyển đến nơi ở mới hoặc có sự thay đổi về người ở cùng hoặc các thành viên trong gia đình thì chó có thể trở nên lo âu do những sự thay đổi này.[21]
- Thực hiện kỷ luật tích cực, chẳng hạn như dùng phần thưởng hoặc khen ngợi trong các tình huống căng thẳng để giúp chó chống lại cảm giác lo âu. Bạn có thể cho chó đồ chơi hoặc thức ăn khi có việc cần rời khỏi nhà chẳng hạn. Nhiều cửa hàng thú cưng bán dụng cụ trò chơi giải đố cho chó, chú chó sẽ phải tìm cách mở dụng cụ này ra để lấy được phần thưởng là thức ăn hoặc một món đồ chơi. Dụng cụ này sẽ khiến chó xao nhãng nếu nó thường bị lo âu khi bạn vắng nhà.[22]
- Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ thú y về các phương án điều trị chứng rối loạn này. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn các loại thuốc hoặc chương trình huấn luyện để chữa trị cho chó.[23]
-
3Hãy cẩn trọng khi thay đổi chế độ ăn của chó. Bất cứ thay đổi nào trong chế độ ăn cũng có thể dẫn đến các vấn đề mất kiểm soát đường ruột. Nếu gần đây bạn thay đổi loại thức ăn hoặc thương hiệu thức ăn cho chó thì rất có thể đường ruột của chó đang gặp vấn đề. Hãy nhớ luôn chuyển đổi giữa các loại thức ăn cho chó một cách từ từ, bắt đầu bằng việc trộn một lượng nhỏ thức ăn mới vào thức ăn cũ và dần dần thay thế hoàn toàn.[24]Quảng cáo
Lời khuyên
- Nếu chó đi vệ sinh trong chuồng do rối loạn lo âu thì một chuyên gia huấn luyện chó có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này, dù phí huấn luyện có thể khá đắt đỏ.
Cảnh báo
- Hãy kiểm tra chuồng chó để đảm bảo không có cạnh sắc nào có thể làm chó bị thương. Một số chú chó có mắt lồi (chẳng hạn như giống chó Bắc Kinh) đã từng bị thương ở mắt do đầu nan chuồng thò ra ngoài, do vậy hãy đảm bảo trong chuồng chó không có vật sắc hoặc nhọn.
- Hãy tháo vòng cổ hoặc đai lưng cho chó khi nhốt chó trong chuồng để tránh tai nạn nghẹt thở.
Tham khảo
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/crate_training.html
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-commandment6
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-commandment6
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-commandment6
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ http://thehousebreakingbible.com/wp/training-crate-accidents/
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/separation-anxiety
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/separation-anxiety
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/separation-anxiety
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/house-training-your-adult-dog