Bài viết này đã được cùng viết bởi Mohiba Tareen, MD. Mohiba Tareen là bác sĩ chuyên khoa da liễu và người sáng lập của Tareen Dermatology có trụ sở tại Roseville, Maplewood và Faribault, Minnesota. Bác sĩ Tareen hoàn thành chương trình y khoa tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, nơi cô được giới thiệu vào hội Alpha Omega Alpha rất có uy tín. Trong thời gian làm bác sĩ nội trú khoa da liễu tại Đại học Columbia ở thành phố New York, cô đã giành được giải thưởng Conrad Stritzler của Hội Da liễu New York và xuất hiện trên tạp chí The New England Journal of Medicine. Sau đó Tareen hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên về phẫu thuật da, laser và da liễu thẩm mỹ.
Có 11 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.975 lần.
Mụn bọc không đầu, hay còn được gọi là mụn bọc, mụn nang, mụn viêm, là loại mụn trứng cá nằm sâu dưới da khiến mủ không thể thoát ra được. Vì ổ viêm mụn nằm sâu dưới da và gần với các dây thần kinh nên loại mụn này thường rất đau nhức. Mụn bọc có thể để lại sẹo, đặc biệt là khi bạn cố bóp hay nặn dù không thấy đầu mụn.[1] Nếu bị mụn bọc, bạn có thể tìm hiểu một số cách điều trị để chúng biến mất mà không gây đau nhức hay để lại nhiều tổn thương trên da.
Các bước
Trị mụn bọc
-
1Dùng thuốc bôi ngoài da. Thuốc bôi ngoài da là một lựa chọn tốt để điều trị mụn bọc. Bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi có tính kháng viêm, hoặc kem trị mụn với thành phần chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide.[2]
- Bạn có thể dùng thêm sữa rửa mặt có chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide vì các chất này sẽ giúp giảm tình trạng sưng tấy và làm sạch vi khuẩn gây mụn.
- Bạn cũng có thể thử dùng kem chấm mụn.
- Nhớ dùng thuốc kháng sinh bôi da và kem trị mụn theo đúng hướng dẫn sử dụng.
-
2Chườm nóng. Chườm mụn bọc bằng nước ấm hoặc nước nóng sẽ giúp đầu mụn đẩy lên nhanh hơn, nhờ vậy việc điều trị mụn sẽ dễ dàng và mụn cũng mau lành hơn. Bạn hãy nhúng khăn mặt hoặc một miếng bông gòn vào nước ấm hoặc nước nóng, sau đó chườm lên nốt mụn khoảng vài phút.[3]
- Bạn có thể áp dụng cách này 3 lần một ngày cho đến khi đầu mụn trồi lên.
-
3Chườm đá. Đá lạnh rất hữu ích đối với mụn bọc bị đau nhức. Nó giúp làm giảm cảm giác nhức nhối dưới da, đồng thời giảm tình trạng mụn đỏ và sưng tấy. Bạn có thể dùng túi chườm đá, đá viên trong tủ lạnh, hay thậm chí là một túi rau đông lạnh để chườm. Khi chườm, bạn để đá lên mụn trong khoảng 10 phút. Cách này có thể áp dụng nhiều lần trong ngày.[4]
- Nhớ lót một chiếc khăn ngăn cách da mặt và đá lạnh khi chườm để tránh gây tổn thương cho da.
-
4Đến gặp bác sĩ da liễu. Nếu bị mụn bọc ở sâu dưới da mà mãi không khỏi hoặc không thấy đầu mụn trồi lên, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu. Họ sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị để loại bỏ và ngăn mụn để lại sẹo. Bạn cũng nên đi khám da liễu nếu tất cả các biện pháp trị mụn tại nhà không mang lại hiệu quả hay các nốt mụn bọc làm bạn quá đau nhức.
- Khi nói chuyện với bác sĩ da liễu, hãy cho họ biết các phương pháp trị mụn mà bạn đã sử dụng.
- Các loại thuốc kê đơn và phương pháp điều trị da liễu thường rất có hiệu quả đối với mụn bọc.
Quảng cáo
Trị mụn bọc bằng phương pháp tự nhiên
-
1Dùng tinh dầu tràm trà. Tinh dầu tràm trà là một loại thuốc trị mụn phổ biến và công hiệu từ thiên nhiên. Tinh dầu tràm trà có hoạt tính kháng viêm và ức chế vi khuẩn gây mụn. Điều đó có nghĩa là nó sẽ vừa có tác dụng làm giảm mụn dưới da sưng tấy và vừa chống lại vi khuẩn gây ra tình trạng đó.[5]
- Sử dụng tinh dầu tràm trà bằng cách trộn 1 giọt tinh dầu với 9 giọt nước. Thay vì dùng nước, bạn cũng có thể pha loãng tinh dầu tràm trà với một loại dầu khác, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu khoáng, hoặc gel nha đam. Bạn chỉ cần nhúng một miếng bông gòn hoặc bông tẩy trang vào hỗn hợp tinh dầu tràm trà và thoa lên mụn, để nguyên trong vòng 10 phút, sau đó rửa mặt bằng nước ấm. Bạn có thể áp dụng cách này 3 lần một ngày.[6]
- Không nên thoa tinh dầu tràm trà gần mắt để tránh gây kích ứng.
- Thử độ nhạy cảm của da trước khi thoa tinh dầu tràm trà lên mụn. Bôi một giọt tinh dầu vào cổ tay và đợi khoảng 15 phút. Nếu không thấy bị kích ứng, bạn có thể yên tâm thoa tinh dầu lên mụn.
-
2Chườm trà nóng. Trà cũng rất công hiệu trong điều trị mụn bọc. Cả trà xanh và trà đen đều chứa tannin - một chất có tính kháng viêm.[7] Khi kết hợp với chườm nóng, trà sẽ giúp làm giảm tình trạng mụn sưng tấy.
- Ngâm túi trà xanh hoặc trà đen vào nước ấm, sau đó lấy túi trà ra và đặt trực tiếp lên chỗ mụn. Trà hoạt động như một chất làm se giúp kéo nhân mụn trồi lên.
-
3Trị mụn bằng mật ong. Mật ong là một phương thuốc trị mụn bọc tại nhà khá phổ biến. Với đặc tính kháng vi sinh vật và vi khuẩn, mật ong giúp ngăn chặn vi khuẩn làm bít tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, nó còn có tác dụng nuôi dưỡng và phục hồi làn da. Bạn hãy lấy mật ong thoa đều lên nốt mụn, để nguyên trong vòng 20 phút, sau đó rửa lại mặt bằng nước ấm.[8]
- Bạn có thể thử làm mặt nạ bằng cách kết hợp mật ong và táo tàu. Táo tàu giúp ích trong việc điều trị mụn bọc vì chất axit malic trong táo giúp cho da trở nên săn chắc. Đầu tiên, bạn cho một quả táo tàu đã gọt vỏ vào máy xay hoặc máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Tiếp theo, bạn sẽ dùng hỗn hợp này trộn với mật ong để tạo thành mặt nạ dạng bột. Đắp mặt nạ này lên mụn, duy trì khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch.[9]
-
4Trị mụn bằng sữa. Sữa là một sản phẩm làm đẹp tự nhiên được sử dụng trong dân gian và làm đẹp tại nhà. Trong sữa có chứa alpha hydroxy axit- chất có công dụng tẩy tế bào chết và giải phóng các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Sữa giúp điều trị mụn bọc bằng cách loại bỏ lớp ngoài bít tắc, từ đó khiến đầu mụn trồi lên nhanh hơn, và nhờ vậy bạn có thể lấy được mủ mụn ra ngoài.[10]
- Bạn nên dùng bông gòn thấm sữa và bôi trực tiếp lên mụn, để nguyên ít nhất 20 phút, sau đó rửa mặt sạch bằng nước ấm.
- Bạn có thể áp dụng cách này 3 đến 4 lần một ngày.
-
5Trị mụn bằng nha đam. Nha đam là một lựa chọn tuyệt vời để loại bỏ mụn bọc cho các bạn có làn da nhạy cảm. Nha đam có tính kháng khuẩn, kháng viêm nên nó cũng có tác dụng làm giảm và ngăn chặn vi khuẩn gây ra tình trạng mụn đỏ, sưng tấy.[11] [12] Bạn có thể dùng lá nha đam hoặc gel nha đam đều được.
- Bôi nha đam lên mụn bọc và để trong khoảng 20 phút. Bạn chỉ nên thực hiện cách này tối đa 3 lần một ngày.[13]
-
6Dùng toner giấm táo. Giấm táo có tính kháng khuẩn và khử trùng. Chính vì vậy, nó vừa giúp chống lại vi khuẩn gây mụn, vừa giúp đầu mụn trồi lên. Bạn có thể dùng bông gòn để thoa giấm táo lên nốt mụn.[14]
- Nếu có da nhạy cảm, bạn nên pha loãng giấm táo với tỷ lệ một phần giấm táo và bốn phần nước trước khi thoa lên mụn.
Quảng cáo
Làm sạch da
-
1Rửa mặt hai lần một ngày. Giữ gìn vệ sinh da mặt sạch sẽ là cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn trứng cá bọc. Bạn nên rửa mặt và vùng da bị mụn hai lần một ngày. Bạn cũng nên tắm mỗi ngày để làm sạch bụi bẩn và dầu thừa trên toàn bộ cơ thể.[15]
- Luôn rửa mặt sau mỗi hoạt động khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi.
- Không nên chạm tay vào mặt để tránh làm lây lan vi khuẩn.
-
2Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Nếu gặp vấn đề về mụn trứng cá bọc dưới da, bạn nên rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ và có nguồn gốc từ dầu thực vật. Khi chọn sữa rửa mặt, bạn cần kiểm tra xem trên sản phẩm có ghi chữ “non-comedogenic” hay không. Sản phẩm non-comedogenic là dòng sản phẩm không gây ra mụn.[16]
- Ví dụ, một số loại sữa rửa mặt non-comedogenic bao gồm: Neutrogena, Cetaphil, và Olay. Nhiều sản phẩm chính hãng hay các sản phẩm thông thường khác cũng thuộc dòng non-comedogenic. Để xác định chắc chắn, khi mua bạn cần kiểm tra kỹ nhãn mác của sản phẩm.
- Bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng da không chứa cồn, vì cồn gây kích ứng và có thể dẫn đến tổn thương da.
-
3Rửa mặt bằng tay thay vì dùng khăn. Khi rửa mặt, bạn hãy dùng các đầu ngón tay để rửa. Rửa mặt bằng khăn mặt và bọt biển sẽ làm da mặt bị kích thích, từ đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về da hơn. Bạn nên dùng sữa rửa mặt mát xa da mặt nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.
- Tránh chà xát khi rửa mặt vì chà xát mạnh có thể gây ra sẹo.
Quảng cáo
Cảnh báo
- Không nên cố nặn mụn bọc, không ấn vào mụn để làm đầu mụn trồi lên nhanh hơn.
- Không nên dùng kem đánh răng để trị mụn vì kem đánh răng có thể làm da bị kích ứng.
Tham khảo
- ↑ http://www.beautyheaven.com.au/skin-care/acne-blemish-prone/the-truth-about-blind-pimples-13274
- ↑ http://www.beautyheaven.com.au/skin-care/acne-blemish-prone/the-truth-about-blind-pimples-13274
- ↑ http://noskinproblems.com/how-to-get-rid-of-blind-pimples/
- ↑ http://noskinproblems.com/how-to-get-rid-of-blind-pimples/
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1360273/
- ↑ http://www.pimplestap.com/how-to-get-rid-of-blind-pimples-fast-and-naturally.html
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3401676/
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3609166/
- ↑ http://www.newhealthguide.org/Blind-Pimple.html
- ↑ http://www.nlda.org/a/how-to-get-rid-of-a-blind-pimples-fast-best-home-remedies/3/
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14987320
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3410334/
- ↑ http://www.nlda.org/a/how-to-get-rid-of-a-blind-pimples-fast-best-home-remedies/3/
- ↑ http://www.nlda.org/a/how-to-get-rid-of-a-blind-pimples-fast-best-home-remedies/3/
- ↑ https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/acne/tips
- ↑ https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/acne/tips