Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 6.380 lần.
Da mặt khô sẽ căng rát và khó chịu. Thật may là có một số cách đơn giản có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng này. Việc thay đổi thói quen rửa mặt có thể giúp da bớt khô. Bạn cũng có thể giảm lượng nước mất đi bằng cách tắm nhanh hơn và sử dụng máy tạo ẩm. Điều chỉnh chế độ ăn và uống thực phẩm bổ sung cũng có thể giúp ích. Nếu tất cả các cách trên đều không có tác dụng và bạn vẫn bị khô da, hãy đến gặp bác sĩ tổng quát hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Các bước
Điều chỉnh thói quen rửa mặt
-
1Chọn sữa rửa mặt nhẹ dịu không có hương thơm, cồn và phẩm màu. Các nguyên liệu này có thể khiến da khô hơn. Bạn nên đọc nhãn chai sữa rửa mặt khi đi mua để đảm bảo trong đó không chứa các thành phần này. Tốt nhất là chọn sản phẩm dành cho da khô.[1]
- Ví dụ, bạn có thể mua sữa rửa mặt không chứa xà phòng như Cetaphil hoặc Aquanil.
-
2Rửa mặt mỗi ngày 2 lần bằng nước hơi ấm và sữa rửa mặt nhẹ dịu. Làm ướt da mặt bằng cách vốc nước trong lòng bàn tay và vỗ lên mặt. Dùng các đầu ngón tay xoa sữa rửa mặt trên da bằng chuyển động tròn nhỏ, sau đó vỗ nước lên mặt lần nữa để rửa sạch xà phòng.[2]
- Đừng dùng miếng bọt biển hoặc khăn mặt chà xát vào da, vì việc này sẽ lấy đi nhiều chất dầu trên da, khiến da khô thêm.[3]
- Không dùng nước nóng để rửa mặt, vì nước nóng sẽ làm khô da nhiều hơn.
Lời khuyên: Rửa mặt vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi ngủ. Đừng rửa mặt nhiều lần hơn, vì da mặt sẽ bị khô nếu bạn rửa quá nhiều. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải rửa mặt khi đổ nhiều mồ hôi, chẳng hạn như sau khi tập thể dục.
-
3Thấm khô da mặt bằng khăn sạch. Sau khi rửa mặt xong, bạn hãy thấm khô da bằng khăn sạch và khô. Đừng chà xát khăn vào da để tránh làm da khô thêm. Hãy nhẹ nhàng thấm khăn khắp mặt cho khô.[4]
- Bạn có thể dùng khăn bông thông thường, hay thử dùng khăn vi sợi hoặc áo thun cho mềm mại hơn nữa.
-
4Chọn sản phẩm dưỡng ẩm có chứa dầu, bơ hạt mỡ hoặc các chất làm mềm khác. Các nguyên liệu này có tác dụng điều trị da khô trên mặt. Bạn hãy đọc nhãn sản phẩm xem có 1 hoặc 2 trong số các nguyên liệu này không. Bạn cũng có thể chọn kem hoặc thuốc mỡ dưỡng ẩm thay vì lotion. Tìm sản phẩm có ghi nhãn “intensive” (tăng cường) hoặc chuyên dành cho da khô.[5]
- Các nguyên liệu khác cũng có tác dụng cấp ẩm cho da khô bao gồm dimethicone, glycerin, axit hyaluronic, axit lactic, mỡ cừu, dầu khoáng, sáp dầu và urê. Bạn hãy đọc thành phần khi chọn mua sản phẩm dưỡng ẩm xem trong đó có một trong các nguyên liệu trên không.
-
5Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt. Đây là lúc tốt nhất để khoá độ ẩm và điều trị da khô. Thoa kem dưỡng ẩm đủ để phủ khắp da mặt và để cho kem ngấm vào da. Dùng ngón tay xoa mỏng kem khắp mặt và cổ.[6]
- Có thể bạn chỉ cần một chút kem cỡ hạt đậu là đủ xoa khắp mặt, cho nên ban đầu bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ, sau đó thoa thêm nếu cần thiết.
-
6Thoa gel lô hội để tăng cường độ ẩm. Thoa gel lô hội lên da mỗi ngày 1-2 lần để giúp giảm khô da. Bạn có thể dùng gel lô hội để thay thế hoặc bổ sung cho kem dưỡng ẩm mà bạn thường dùng sau khi rửa mặt. Dùng một lượng lô hội đủ để thoa khắp mặt và để cho ngấm vào da.[7]
- Gel lô hội tinh khiết có bán ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm.
- Đảm bảo sản phẩm gel lô hội không chứa bất cứ nguyên liệu nào khác, chẳng hạn như hương liệu, phẩm nhuộm, cồn hoặc lidocaine (có tác dụng làm tê vết cháy nắng). Những thành phần này thường gây kích ứng da.
-
7Dưỡng da hàng tuần bằng mặt nạ mật ong manuka. Mặt nạ mật ong manuka có thể giúp da mặt bớt khô.[8] Thoa một lớp mỏng mật ong manuka lên mặt sau khi rửa sạch. Để mật ong lưu lại trên da 10 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Thực hiện mỗi tuần 1-2 lần để dưỡng ẩm sâu cho da.[9]
- Mật ong manuka có bán tại các cửa hàng thực phẩm đặc sản hoặc trên mạng.
- Nếu không tìm được mật ong manuka, bạn dùng mật ong thông thường cũng được.
Quảng cáo
Giữ độ ẩm cho da
-
1Sử dụng máy tạo ẩm khi ở nhà. Máy tạo ẩm sẽ bổ sung độ ẩm trong không khí, và điều này có thể giúp giảm tình trạng khô da. Mở máy tạo ẩm khi ở nhà là một cách để khoá độ ẩm trong da và giảm khô da. Thử chạy máy tạo ẩm trong phòng ngủ ban đêm để tăng cường độ ẩm trong không khí.[10]
- Bạn cũng có thể dùng máy tạo ẩm vào ban ngày khi ở nhà vài tiếng. Đem máy vào phòng và bật lên.
-
2Giới hạn thời gian tắm trong vòng 10 phút. Đứng dưới vòi sen hoặc ngâm bồn tắm lâu có thể dễ chịu thật, nhưng điều này có thể khiến da của bạn càng thêm khô. Bạn nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút để hạn chế tác động làm khô da.[11]
Lời khuyên: Nếu bạn mở cửa phòng tắm trong khi tắm, hơi nước sẽ thoát ra ngoài và khiến cho da khô hơn.
-
3Tránh ngồi ngay trước nguồn nhiệt để sưởi ấm. Nếu thấy lạnh, bạn hãy mặc áo ấm và quấn chăn để giữ ấm. Đừng ngồi ngay trước lò sưởi hoặc máy sưởi, vì những thứ này sẽ khiến da khô thêm.[12]
- Vào những đêm cực lạnh, bạn hãy thử dùng chăn điện để giữ ấm. Nếu không có chăn điện, bạn có thể bỏ chăn vào máy sấy khoảng 5-10 phút rồi lấy ra quấn vào người.
Quảng cáo
Điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thực phẩm bổ sung
-
1Uống nước mỗi khi thấy khát. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp làn da khoẻ mạnh hơn và không dễ bị khô. Hãy uống một cốc nước mỗi khi cảm thấy khát và những lúc bạn thường uống thứ gì đó, chẳng hạn như trong bữa ăn hoặc sau khi tập thể dục.[13]
- Đem theo người một chai đựng nước dùng nhiều lần và rót thêm nước để uống cả ngày.
-
2Tránh thức uống có cồn hoặc hạn chế uống ở mức không vượt quá 2 ngày một lần. Thức uống có cồn có thể làm khô da do cồn là một chất lợi tiểu, nghĩa là nó sẽ rút nước khỏi cơ thể. Nếu hay uống rượu và bị khô da, bạn sẽ nhận thấy làn da cải thiện rõ rệt khi bạn ngừng uống rượu. Nếu có uống, bạn hãy cố gắng giới hạn ở mức chỉ uống 2 ngày một lần và không quá 1-2 cốc.[14]
- Bạn có thể nhận thấy hiệu quả của việc ngừng uống rượu đối với làn da sau vài tuần.
Lời khuyên: Nếu bạn có kế hoạch kiêng rượu trong 30 ngày hoặc lâu hơn, hãy thử chụp ảnh trước và sau khi kiêng rượu để thấy sự thay đổi của da nhờ không uống rượu.
-
3Ăn thực phẩm giàu vitamin C để giúp da khoẻ mạnh. Vitamin C là dưỡng chất rất tốt cho sức khoẻ của da. Nếu da mặt của bạn bị khô, hãy bắt đầu ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin C xem có tác dụng không. Một số lựa chọn tốt bao gồm:[15]
- Hoa quả họ cam quýt như cam, bưởi, chanh vàng và chanh xanh
- Kiwi, xoài, đu đủ
- Dâu, việt quất và quả mâm xôi
- Dưa vàng và dưa bở ruột xanh
- Bông cải xanh, súp lơ, rau cải xoăn
- Khoai tây và khoai lang
- Ớt chuông đỏ
-
4Thử uống vitamin làm đẹp da, tóc, móng để cải thiện sức khoẻ tổng thể của da. Vitamin làm đẹp da, tóc, móng giúp cho da khoẻ mạnh hơn và giảm khô nếu bạn sử dụng lâu dài. Tìm viên uống đa sinh tố được đặc chế cho da, tóc, móng và uống hàng ngày theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các loại thực phẩm bổ sung này thường có thành phần hỗn hợp vitamins A, B, C và E, nhưng một số sản phẩm có cả axit béo omega-3 và các dưỡng chất khác.[16]
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu uống bất cứ loại thực phẩm bổ sung nào, nhất là khi bạn đang uống thuốc kê toa hoặc không kê toa.
Quảng cáo
Tìm sự giúp đỡ y tế
-
1Gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy hiện tượng da đỏ, ngứa, nứt nẻ hoặc chảy máu. Nếu da bạn bị đỏ, ngứa, nứt nẻ hoặc chảy máu, hãy gọi cho bác sĩ hẹn ngày đến khám càng sớm càng tốt. Đó có thể là các dấu hiệu cho biết da bị nhiễm trùng hoặc sắp bị nhiễm trùng nếu không được điều trị. Bác sĩ có thể điều trị các vết nứt trên da bằng cách kết hợp thuốc và băng ướt.[17]
Cảnh báo: Hiện tượng phát ban, sưng, đau hoặc rỉ mủ ở bất cứ vùng da nào trên mặt có thể là dấu hiệu nhiễm trùng da. Bạn cần nhanh chóng đi khám để được điều trị.[18]
-
2Đến gặp bác sĩ da liễu để được kê toa kem trị khô da trong trường hợp nghiêm trọng. Nếu tình trạng da khô không cải thiện dù đã thử mọi cách, có thể bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể kê toa một loại kem hoặc thuốc mỡ đặc trị để bù nước cho da và giảm căng rát.[19]
- Nếu bạn có bệnh khiến cho da càng thêm khô, chẳng hạn như bệnh vảy nến, bác sĩ cũng có thê kê toa thuốc điều trị bệnh cho bạn.
-
3Nhờ bác sĩ kiểm tra tuyến giáp. Bệnh suy tuyến giáp, xảy ra khi tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường, cũng có thể gây khô da. Bệnh này cần được chẩn đoán bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế và điều trị bằng thuốc kê toa. Các triệu chứng khác của bệnh suy tuyến giáp bao gồm:[20]
- Mệt mỏi
- Nhạy cảm với độ lạnh
- Tăng cân
- Mặt bị phù
- Rụng tóc
- Kinh nguyệt nhiều
- Trầm cảm
- Suy giảm trí nhớ[21]
Quảng cáo
Lời khuyên
- Có thể bạn cần phải thử nhiều loại sữa rửa mặt và sản phẩm dành cho da mặt mới tìm được loại phù hợp. Nếu sản phẩm đầu tiên không có hiệu quả, hãy thử dùng loại khác.
- Nếu môi bị khô, bạn cần dùng cả son dưỡng môi.
Tham khảo
- ↑ https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/9-ways-to-banish-dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/9-ways-to-banish-dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12548256
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4112259/
- ↑ https://www.self.com/story/manuka-honey-skin-care
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/skin-care/dry-skin
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4529263/
- ↑ https://www.vogue.com/article/alcohol-skin-damage-effects?verso=true
- ↑ https://lpi.oregonstate.edu/mic/health-disease/skin-health/vitamin-C
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4112259/
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-skin/diagnosis-treatment/drc-20353891
- ↑ https://medlineplus.gov/skininfections.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-skin/diagnosis-treatment/drc-20353891
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-skin/diagnosis-treatment/drc-20353891
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284