Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Đờm vướng trong cổ họng có thể khiến bạn rất khó chịu, nhưng may mắn là có nhiều liệu pháp trị đờm tại nhà khá hiệu quả! Nếu có đờm trong cổ họng, bạn hãy thử áp dụng các biện pháp như súc miệng nước muối hoặc xông hơi để làm tan chất nhầy. Ngoài ra, bạn có thể nhấm nháp trà chanh và các thức uống nóng, ăn súp hoặc các thức ăn cay làm dịu. Cuối cùng, bạn nên tránh một số yếu tố khiến chất nhầy tích tụ.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Dùng các liệu pháp tại nhà

  1. 1
    Súc miệng nước muối ấm để giảm chất nhầy và xoa dịu cổ họng. Pha nửa thìa cà phê muối (2,5 ml) với 1 cốc (240 mL) nước ấm. Nhấp một ngụm nước muối nhưng không nuốt. Ngửa đầu ra sau và súc miệng trong vài giây, sau đó nhổ nước muối vào bồn rửa và súc miệng lại bằng nước.[1]
    • Bạn có thể súc miệng nước muối cách 2-3 tiếng một lần trong cả ngày nếu cần.
  2. 2
    Dùng máy tạo ẩm để làm ẩm đường thở bằng nước ấm. Rót nước cất vào máy tạo ẩm đến vạch giới hạn. Bật máy và để cho máy chạy trong thời gian điều trị. Hơi nước sẽ làm ấm đường thở và làm loãng chất nhầy. Cách này sẽ giúp giảm đờm trong cổ họng.[2]
    • Nếu thích, bạn có thể thêm vào nước vài giọt tinh dầu khuynh diệp, một hoạt chất trong các sản phẩm thoa ngoài da. Dùng ống nhỏ giọt nhỏ 2-3 giọt dầu vào nước trước khi bật máy tạo ẩm.[3]
  3. 3
    Tắm vòi sen nước nóng và hít hơi nước. Hơi nước có tác dụng làm loãng và long đờm, do đó tắm nước nóng vòi sen là một liệu pháp hữu ích. Bạn hãy vặn nước nóng nhưng không quá nóng đến mức bỏng da khi tắm. Đứng dưới vòi sen, thư giãn và hít vào thật sâu.[4]
    • Bạn cũng có thể dùng tinh dầu khuynh diệp khi tắm vòi sen. Dùng ống nhỏ giọt nhỏ vài giọt dầu dưới sàn bồn tắm ngay trước khi bạn bước vào.
  4. 4
    Hít hơi nước từ bát nước nóng để làm loãng và long đờm. Rót nước nóng đang bốc hơi vào một bát to. Cúi đầu trên bát nước, trùm khăn tắm qua đầu và bát nước. Chầm chậm hít hơi nước khi bạn vẫn còn thấy dễ chịu, sau đó uống một cốc nước để làm mát và cung cấp nước cho cơ thể.[5]
    • Phương pháp này gọi là xông hơi mặt. Bạn có thể xông 1-2 lần mỗi ngày khi cần.
    • Để tăng hiệu quả, bạn có thể cho tinh dầu vào nước xông, chẳng hạn như 2-3 giọt tinh dầu khuynh diệp, hương thảo hoặc bạc hà cay để làm tan chất nhầy và xoa dịu cổ họng.[6]
  5. 5
    Ngâm nga để làm tan đờm nếu cổ họng không đau. Độ rung trong cổ họng khi bạn ngâm nga có thể làm tan đờm. Hãy chọn một giai điệu mà bạn yêu thích và ngâm nga trong 1-2 phút, sau đó uống vài ngụm nước. Cách này sẽ giúp làm thông cổ họng.[7]
    • Mẹo này có hiệu quả nhất nếu cổ họng không đau. Nếu thấy khó chịu khi ngâm nga, bạn nên chọn cách khác.
  6. 6
    Rửa xoang bằng bình neti để thông đường thở và làm loãng chất nhầy. Rót dung dịch muối không kê toa hoặc nước tinh khiết vào bình neti. Cúi người trên bồn rửa và nghiêng đầu qua một bên. Đặt vòi bình neti trên lỗ mũi và từ từ rót vào mũi. Nước muối phải vào từ lỗ mũi bên này và ra lỗ mũi bên kia.[8]
    • Rửa cả hai lỗ mũi trên bồn rửa. Cẩn thận đừng hít dung dịch muối hoặc nước.
    • Không dùng nước máy để rửa mũi bằng bình neti. Tuy là trường hợp hiếm gặp, nhưng nước máy có thể chứa có amips ăn não.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Giảm chất nhầy bằng đồ ăn và thức uống

  1. 1
    Cung cấp nước cho cơ thể bằng cách uống ít nhất 2,7 lít nước mỗi ngày. Chất lỏng sẽ làm loãng chất nhầy, nhờ vậy đờm sẽ không tich tụ trong cổ họng. Bạn cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nước mỗi ngày bằng cách uống nhiều nước, trà và các thức uống khác. Ngoài ra, bạn có thể ăn nhẹ bằng các thức ăn chứa nước như súp hoặc hoa quả. Nữ giới cần khoảng 2,7 lít nước, và nam giới cần 3,7 lít nước mỗi ngày.[9]
    • Thử thêm hương vị cho nước hoặc trà bằng chanh, một nguyên liệu có thể làm tan chất nhầy. Bạn có thể thả các lát chanh vào nước uống hoặc vắt chanh vào cốc nước.

    Cảnh báo: Bạn không nên uống quá nhiều nước. Nếu uống quá nhiều nước, bạn có thể rơi vào tình trạng quá tải chất lỏng, do cơ thể thường giữ nước khi bị bệnh. Các triệu chứng quá tải chất lỏng bao gồm lú lẫn, mệt mỏi, bứt rứt, hôn mê và run giật.[10]

  2. 2
    Uống thức uống ấm để thông cổ họng và tan chất nhầy. Chọn chất lỏng nóng như nước ấm, trà hoặc nước táo lên men để giảm đờm. Hơi nóng sẽ làm mềm và loãng chất nhầy để tống ra ngoài dễ dàng hơn. Cách này sẽ làm thông cổ họng.[11]
    • Các chất lỏng ấm cũng có tính xoa dịu, do đó bạn sẽ thấy khá hơn.

    Lời khuyên: Trà gừng là một thức uống phổ biến để làm dịu họng bị kích ứng, ho và giảm chất nhầy. Bạn có thể ngâm 1 gói trà gừng trong nước nóng 2-3 phút và uống khi trà có độ ấm dễ chịu.[12]

  3. 3
    Nhấp trà chanh với mật ong để làm dịu cổ họng và giảm chất nhầy. Dùng 1 gói trà chanh hoặc pha 2 thìa cà phê (10 ml) nước cốt chanh vào 1 cốc (240 ml) nước nóng. Khuấy thêm 1 thìa canh (15 ml) mật ong vào cốc nước chanh và uống khi còn ấm.[13]
    • Chất axit trong nước cốt chanh giúp làm loãng và loại bỏ đờm, còn mật ong giúp làm dịu cổ họng.
    • Bạn có thể thưởng thức trà chanh với mật ong bao nhiều lần tùy thích.
  4. 4
    Ăn súp nóng để làm loãng và tan chất nhầy. Súp sẽ làm cho chất nhầy ấm lên và loãng ra để có thể được tống ra ngoài dễ dàng hơn. Nước dùng thịt cũng có thể làm loãng chất nhầy và thông cổ họng. Ngoài ra, các loại súp nấu bằng nước dùng gà như súp mì gà cũng có tác dụng như chất kháng viêm.[14]
    • Bạn nên chọn loại súp nấu bằng nước dùng gà nếu có thể. Tuy nhiên, bất cứ loại súp nào cũng có tác dùng làm ấm người và tăng lượng chất lỏng trong cơ thể.
  5. 5
    Ăn các thức ăn cay để làm long đờm và dễ thoát ra ngoài. Bạn có thể chọn các món ăn có gia vị cay như ớt cayenne, ớt đỏ, mù tạt wasabi, cải ngựa hoặc hạt tiêu. Các gia vị này đóng vai trò như chất làm thông mũi tự nhiên, nhờ đó chất nhầy loãng ra và bạn sẽ bắt đầu chảy nước mũi. Cách này sẽ giúp bạn loại bỏ đờm.[15]
    • Các gia vị cay có thể làm bỏng rát cổ họng, vì vậy có thể bạn không muốn thử cách này khi đang bị đau họng.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Ngăn ngừa đờm tích tụ

  1. 1
    Nâng cao đầu để chất nhầy không tích tụ trong cổ họng. Các chất nhầy thường sẽ chảy từ các xoang xuống cổ họng. Nếu bạn nằm xuống, chất nhầy có thể sẽ đọng lại ở đó, và điều này khiến đờm tích tụ trong cổ họng. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn hãy kê đầu lên gối để cho đờm dễ thoát ra.[16]
    • Khi ngủ, bạn nên dùng nhiều gối để kê đầu hoặc ngủ trên ghế nếu chất nhầy quá đặc.
  2. 2
    Ngừng ăn các thức ăn gây trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến chất nhầy tích tụ trong cổ họng. Nếu thường bị ợ nóng hoặc bỏng rát trong cổ họng, bạn hãy theo dõi các thức ăn có thể gây ra các triệu chứng của bệnh này và tránh ăn những thức ăn đó.[17]
    • Các thức ăn đồ uống thường gây trào ngược dạ dày thực quản bao gồm tỏi, hành, thức ăn cay, caffeine, nước có ga, hoa quả họ cam quýt, rượu, bạc hà, các sản phẩm từ cà chua, sô cô la và các thức ăn nhiều dầu mỡ.[18]
    • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị trào ngược hơn 2 lần trong một tuần.
  3. 3
    Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc. Hút thuốc có thể làm khô dây thanh đới, từ đó kích thích cơ thể sản xuất thêm đờm và chất nhầy để khôi phục lại độ ẩm đã mất. Điều này có thể khiến đờm ngày càng tích tụ nhiều hơn. Tốt nhất là bạn nên ngừng hút thuốc (nếu bạn có hút thuốc). Ngoài ra, bạn cũng cần yêu cầu những người khác không hút thuốc gần bạn, hoặc tránh đi khi có người hút thuốc.[19]
    • Nếu là người nghiện thuốc lá, bạn có thể dùng kẹo cao su nicotine hoặc miếng dán nicotine để đối phó với cơn thèm.
  4. 4
    Tránh các sản phẩm sữa, vì chúng sẽ làm đặc chất nhầy. Có thể bạn từng nghe nói sữa khiến cơ thể sản xuất nhiều chất nhầy, nhưng thực ra không phải. Tuy nhiên, nó sẽ khiến chất nhầy đặc lại, nhất là khi bạn uống sữa có độ béo cao. Mặc dù có thể bạn không gặp phải tình trạng này, nhưng tốt nhất là nên tránh xa sữa nếu bạn đang cố gắng loại bỏ đờm.[20]
    • Nếu vẫn muốn tiếp tục dùng sữa, bạn nên chọn sữa không béo hoặc ít béo, vì các loại sữa này ít làm đặc chất nhầy.
  5. 5
    Tránh phơi nhiễm với các chất gây dị ứng, khí thải và hóa chất độc. Hơi sơn, các chất tẩy rửa và hóa chất khác có thể kích ứng đường thở và làm tổn hại chức năng hô hấp. Điều này có thể kích thích cơ thể tiết thêm dịch nhầy. Bạn cần hạn chế tiếp xúc với các chất trên, đeo mặt nạ và di chuyển ra nơi thông gió càng nhanh càng tốt.[21]
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Nếu có nuốt chất nhầy thì cũng không sao, nhưng bạn có thể nhổ ra nếu muốn.[22]
  • Dùng kẹo ngậm trị ho có bạc hà để làm dịu cổ họng.

Cảnh báo

  • Nếu bạn ho ra máu, thở gấp hoặc khó thở, hãy tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp hoặc gọi dịch vụ cấp cứu địa phương.
  • Nếu họ ra chất nhầy màu vàng hoặc xanh, bạn nên hỏi bác sĩ.
  • Đừng dùng giấm táo để trị đờm. Giấm táo có tác dụng chữa nhiễm trùng nhưng có thể làm bỏng rát họng.[23]

Về bài wikiHow này

Lisa Bryant, ND
Cùng viết bởi:
Bác sĩ trị liệu thiên nhiên
Bài viết này đã được cùng viết bởi Lisa Bryant, ND. Tiến sĩ Bryant được cấp bằng Bác sĩ chuyên ngành thiên nhiên liệu pháp và chuyên gia y học tự nhiên tại Portland, Oregon. Cô đã hoàn thành chương trình nội trú tại khoa Y học thiên nhiên liệu pháp cho gia đình tại Đại học Y khoa Quốc gia năm 2014. Bài viết này đã được xem 140.660 lần.
Chuyên mục: Y học Thay thế
Trang này đã được đọc 140.660 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo