Bài viết này có đồng tác giả là Danielle Jacks, MD, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 1.227 lần.
Một vết thương có thể sẽ mưng mủ nếu bị nhiễm trùng. Mủ thường gây cảm giác ghê sợ vì nó là hỗn hợp của các tế bào chết, mô chết và vi khuẩn mà cơ thể đã nỗ lực tiêu diệt để chữa lành vết thương. Bạn có thể giúp cơ thể loại bỏ mủ bằng các vật liệu sạch và vô trùng. Tuy nhiên, nếu vết thương không khỏi và vẫn có nhiều mủ, bạn nên tìm sự giúp đỡ y tế. Bác sĩ hoặc y tá có thể đánh giá và xử lý vết thương, đồng thời hướng dẫn bạn cách chăm sóc để vết thương có thể hồi phục tốt.[1]
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:Rửa vết thương tại nhà
-
1Rửa và lau khô tay. Dùng nước nóng và xà phòng diệt khuẩn để rửa hai bàn tay thật kỹ, nhớ cọ cả các kẽ ngón tay ở tất cả các bề mặt. Lau khô tay bằng khăn mới, sạch; đừng dùng khăn lau tay đã có người khác dùng.[2]
- Rửa và lau khô tay khi rửa vết thương là việc rất quan trọng. Biện pháp này sẽ giúp bạn phòng tránh đưa thêm vi khuẩn và mầm bệnh vào vết thương.
-
2Xem xét kỹ vết thương trước khi chạm vào để xác định liệu bạn có thể làm sạch được không. Nhìn kỹ để tìm chỗ hở của vết thương và vị trí của mủ. Nếu thấy những chỗ mưng mủ nằm trên bề mặt vết thương, bạn có thể làm sạch mủ tại nhà. Nếu mủ ở bên trong một ổ áp xe kín dưới da, tốt nhất là bạn nên để chuyên gia y tế xử lý.[3]
- Cẩn thận đánh giá vết thương để tránh đụng vào những khu vực không có mủ và đang hồi phục. Nếu đụng chạm vào những khu vực này khi không cần thiết, bạn sẽ chỉ khiến vết thương hở ra, tạo nên một lối vào cho vi trùng và vi khuẩn xâm nhập.
-
3Chườm gạc ấm hoặc ngâm vết thương. Làm gạc chườm bằng cách lấy khăn sạch nhúng vào nước ấm. Nhẹ nhàng đắp khăn lên bề mặt vết thương và để yên như vậy vài phút mà không ép xuống. Sau vài phút, bạn lấy gạc ra và lau bề mặt vết thương thật nhẹ nhàng để làm sạch mủ chảy ra. Nếu muốn ngâm vết thương, bạn hãy đổ nước ấm vào chậu và ngâm cho ngập vết thương khoảng 20 phút, sau đó thấm khô bằng khăn sạch để loại bỏ mủ chảy ra.[4]
- Chườm hoặc ngâm vết thương mỗi ngày một hoặc hai lần.
- Nếu vết thương được khâu bằng chỉ, bạn cần chú ý không ngâm trong nước. Chỉ chườm gạc và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc vết thương.[5]
-
4Rửa vết thương bằng xà phòng và nước. Xoa một lượng nhỏ xà phòng diệt khuẩn dạng lỏng vào vết thương và rửa kỹ. Nhớ thật nhẹ tay nhưng phải rửa thật sạch xà phòng bằng nước sạch. Quan trọng là phải loại bỏ vi khuẩn và các mẩu vụn bong ra từ vết thương có mủ. Thực hiện mỗi ngày một lần để vết thương sạch và mau lành.[6]
- Sau khi đã rửa bằng xà phòng và nước, bạn hãy lau khô bằng khăn mới, sạch. Đảm bảo vết thương hoàn toàn khô trước khi băng hoặc bôi thuốc.
- Nếu đang xử lý vết thương cho trẻ em, bạn hãy dặn trẻ không được chạm vào vết thương trong khi chờ khô và trước khi băng lại.
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:Tìm sự chăm sóc y tế
-
1Đến gặp bác sĩ nếu vết thương bị nhiễm trùng và không lành. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, bạn cần phải tìm sự chăm sóc y tế để ngăn chặn nhiễm trùng tiến triển và lây sang các khu vực khác của cơ thể. Các dấu hiệu nhiễm trùng cần được chăm sóc y tế bao gồm: xuất hiện màu đỏ sẫm xung quanh vết thương, áp xe hình thành trên vết thương và có nhiều mủ chảy ra, sốt hoặc có cảm giác không khỏe.[7]
- Biết cách tự chăm sóc vết thương là quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải biết khi nào bạn cần được trợ giúp y tế. Nếu bạn đã làm sạch mủ trong nhiều ngày nhưng vết thương vẫn không lành mà vẫn tiếp tục mưng mủ thì đã đến lúc bạn phải gặp bác sĩ.
-
2Đến gặp bác sĩ để được làm sạch mủ. bác sĩ có thể hút mủ ra bằng ống tiêm và làm sạch vết thương. Nếu có ổ áp xe lớn, bác sĩ có thể phải dùng dao mổ rạch vết thương hoặc luồn ống dẫn lưu vào để cho mủ tự chảy ra. Sau đó, vết thương thường sẽ được băng lại. Bạn sẽ phải thay băng gạc hàng ngày.[8]
- Nếu vết thương đau nhức nhiều, bác sĩ có thể dùng thuốc gây tê để giảm đau trong quá trình làm thủ thuật.
-
3Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để rửa vết thương những lần sau. Sau khi đã tháo mủ và làm sạch vết thương, bác sĩ thường sẽ cung cấp cho bạn tờ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương, trong đó thường mô tả cách thay băng và rửa vết thương tại nhà. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để vết thương không còn mưng mủ và có thể hồi phục tốt.[9]
- Các hướng dẫn có thể khác nhau đôi chút tùy vào vị trí của vết thương và nguyên nhân gây nhiễm trùng.
-
4Uống thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, thuốc kháng sinh thực sự có tác dụng loại bỏ mủ và giúp vết thương hồi phục. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để bạn bôi lên vết thương hoặc thuốc kháng sinh dạng viên mà bạn sẽ uống hàng ngày.[10]
- Nếu vết thương bị nhiễm trùng nặng, thường thì bạn sẽ phải uống thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng và ngăn ngừa nhiễm trùng lan ra các khu vực khác trên cơ thể.
- Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để biết thời điểm dùng thuốc kháng sinh và thời gian dùng thuốc. Quan trọng là bạn phải uống đủ liệu trình được chỉ định, ngay cả khi vết thương có vẻ như đã lành hẳn để trị dứt nhiễm trùng.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:Tránh những sai lầm thường gặp
-
1Không dùng tăm bông hoặc dụng cụ nào khác chọc vào vết thương. Mặc dù bạn có thể rất muốn dùng tăm bông hoặc dụng cụ nào đỏ để rút mủ ra khỏi vết thương, nhưng như vậy vết thương sẽ dễ bị mở ra lại hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương.[11]
- Do nguy cơ này, tốt nhất là bạn chỉ xử lý trên bề mặt vết thương tại nhà. Nếu bạn thấy cần phải làm sạch vết thương sâu hơn, hãy tìm sự chăm sóc y tế.
-
2Tránh nặn vết thương. Mặc dù nghe có vẻ như đây là cách hiệu quả để lấy mủ ra khỏi vết thương, nhưng thực ra không phải. Việc nặn mủ có thể đẩy mủ xuống sâu hơn trong vết thương mà không giúp loại bỏ hết mủ, hơn nữa còn khiến vết thương mở ra thêm và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thay vì nặn mủ, bạn hãy nhẹ nhàng với vết thương trong khi nó đang hồi phục và để cho cơ thể tự chữa lành.
-
3Tránh chạm vào mủ và không để dính vào các bề mặt vật dụng. Nếu bạn chạm vào vết thương bằng tay bẩn, nhiễm trùng sẽ trở nặng hơn. Ngoài ra, mủ có thể là một triệu chứng của một bệnh lây nhiễm, do đó mủ dính vào những thứ mà những người khác sử dụng có thể khiến bệnh lây lan.[12]
- Ví dụ, bạn hãy dùng khăn tắm riêng với những người sống cùng nhà. Điều này sẽ giúp giảm rủi ro lây nhiễm bệnh cho người khác.
- Bạn cũng đừng quên rửa tay thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng lây lan khi bạn dùng tay bẩn chạm vào đồ vật.
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://patient.info/infections/wound-infection
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/cuts-and-grazes/
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/abscess/treatment/
- ↑ https://kidshealth.org/en/teens/abscess.html
- ↑ https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/cosmetic-procedures-stitches
- ↑ https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-cuts/basics/art-20056711
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/cuts-and-grazes/
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/abscess.html
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/cuts-and-grazes/