Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Bài viết này đã được xem 2.215 lần.
Thỉnh thoảng tủ lạnh cần phải được tổng vệ sinh từ trong ra ngoài. Các ngăn kệ cần được rửa sạch vết sữa đổ và thức ăn quá hạn phải bỏ đi. Công việc này tuy chẳng thú vị gì lắm, nhưng nếu biết cách thực hiện sao cho có năng suất và hiệu quả, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Các bước
Làm vệ sinh tủ lạnh
-
1Lấy hết thức ăn trong tủ ra ngoài. Đặt thức ăn lên bàn hoặc kệ bếp và để tủ lạnh hoàn toàn trống. Bạn cần không gian trống để dễ biết những thứ nào cần dọn dẹp.
- Thời điểm tốt nhất để làm việc này là khi thức ăn trong tủ còn ít, chẳng hạn như trước khi bạn đi mua sắm thực phẩm hàng tuần. Như vậy bạn đỡ phải dời một lượng lớn thức ăn ra ngoài.
- Mặc dù phần lớn các loại thực phẩm có thể để bên ngoài một thời gian ngắn, bạn vẫn cần đảm bảo không bỏ thức ăn ra ngoài quá một tiếng đồng hồ. Thức ăn có thể chạm đến "vùng nguy hiểm" khá nhanh.
- Thùng giữ lạnh có thể giúp cho thức ăn an toàn hơn trong khi bạn làm vệ sinh tủ lạnh, nhất là trong những tháng hè nóng nực.
- Nếu trời lạnh, bạn có thể bỏ thức ăn ra ngoài để thong thả sắp xếp.
-
2Vứt đi mọi thức ăn cũ, mốc, không còn ăn được hoặc đáng nghi. Nếu có thể, bạn hãy bỏ thức ăn vào túi kín để ngăn ngừa thức ăn rò rỉ hoặc mốc lây lan. Những lần tổng vệ sinh hàng năm hoặc hàng quý có thể giúp bạn phát hiện ra những thứ bị quên bẵng từ lâu.
- Kiểm tra ngày hết hạn và ngày còn sử dụng tốt của thực phẩm. Những chỉ số này cho thấy một món nào đó có phải bỏ đi hay không.
- Vứt đi những thứ hầu như không dùng đến. Nếu trong nhà không có ai thích ăn ô liu, bạn hãy vứt bỏ lọ ô liu vẫn để trong tủ lạnh từ bữa tiệc cocktail lần trước.
- Sau đó bạn nhớ đổ thùng rác để trong nhà khỏi bốc mùi vì những thứ mà bạn đã vứt đi!
-
3Tháo hết các khay, ngăn kéo (đôi khi còn gọi là ngăn đựng rau củ), hoặc các bề mặt khác có thể tháo ra được trong tủ lạnh. Để nhanh hơn, bạn hãy tháo các khay kệ và đặt gần bồn rửa trong bếp cho dễ rửa.
- Nếu chỉ muốn làm vệ sinh nhanh, bạn không cần phải tháo hết các khay kệ. Tuy nhiên bước này sẽ giúp bạn làm sạch kỹ hơn.
- Thông thường các khay kệ có thể tháo ra theo kiểu như các khay trong lò nướng hoặc ngăn kéo bàn giấy.
-
4Lau rửa các khay, ngăn kéo và các bề mặt khác. Bạn có thể dùng nước rửa bát. Hầu hết những thứ tháo trong tủ lạnh ra đều không vừa hoặc không nên cho vào máy rửa bát. Thay vào đó, bạn nên đánh cho xà phòng lên bọt và dùng cọ mềm hoặc miếng bọt biển để cọ rửa các vật lấy ra từ tủ lạnh.
- Không bao giờ rửa kính lạnh bằng nước nóng. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm nứt kính. Thay vì thế, bạn hãy dùng nước lạnh hoặc gỡ khay trong tủ lạnh ra và để cho ấm lên bằng nhiệt độ phòng trước khi rửa.
- Với những vết nước đổ và/hoặc các vết ố, bạn đừng ngại tận dụng sức mạnh của nước nóng và amoniac. Pha loãng một ít amoniac với nước nóng (tỷ lệ 1:5 là nhiều) và ngâm trước khi cọ rửa.
- Đặt các khay kệ và ngăn kéo trên giá cho khô hẳn trước khi gắn lại vào tủ lạnh.
-
5Lau bên trong tủ lạnh bằng dung dịch tẩy rửa mà bạn thích. Dùng giẻ sạch hoặc miếng bọt biển cọ rửa các vết ố lớn hoặc cứng đầu và lau các bề mặt còn lại trong tủ lạnh.
- Bạn không nên dùng xà phòng hoặc chất tẩy rửa có mùi thơm mạnh để lau bên trong tủ lạnh, vì thức ăn có thể hút mùi. Thay vào đó, bạn có thể dùng một trong các dung dịch tẩy rửa tự nhiên như sau:
- 2 thìa canh muối nở và 1 lít nước.[1]
- 1 phần giấm táo pha với 3 phần nước nóng
- Với các vết ố cứng đầu hoặc vết cáu bẩn tích tụ lâu ngày, bạn hãy thử dùng một chút kem đánh răng màu trắng. Kem đánh răng đóng vai trò như một chất tẩy rửa ăn mòn, và hương thơm thì rất dễ chịu.[2]
- Bạn không nên dùng xà phòng hoặc chất tẩy rửa có mùi thơm mạnh để lau bên trong tủ lạnh, vì thức ăn có thể hút mùi. Thay vào đó, bạn có thể dùng một trong các dung dịch tẩy rửa tự nhiên như sau:
-
6Đảm bảo lau sạch bên trong cánh cửa tủ lạnh. Nếu cánh cửa tủ lạnh có gắn các khay kệ và thường xuyên được sử dụng, bạn nhớ lau mọi chỗ bằng nước tẩy rửa hóa chất hoặc dung dịch nhẹ hơn (như được mô tả bên trên).
-
7Lau khô các khay kệ trước khi gắn lại vào tủ lạnh. Dùng giẻ sạch lau khô các khay kệ và đặt lại vào tủ lạnh.
-
8Lau miếng đệm cao su bằng dung dịch pha loãng gồm nửa phần nước và nửa phần giấm hoặc thuốc tẩy. Không làm ướt miếng đệm bằng thuốc tẩy, vì thuốc tẩy có thể làm hỏng miếng đệm. Thấm khô và bôi dầu chanh, dầu khoáng hoặc lotion dưỡng thể để duy trì độ mềm dẻo của cao su.
-
9Để lại thức ăn vào tủ lạnh. Lau sạch mọi chai, lọ hoặc hộp đựng thức ăn và đặt lại vào tủ lạnh. Nhớ kiểm tra kỹ ngày hết hạn của các thực phẩm dễ hỏng.Quảng cáo
Làm sạch dàn ngưng tụ và cánh quạt
Dàn ngưng tụ (dàn nóng) và quạt của tủ lạnh có tác dụng tản nhiệt ra môi trường xung quanh. Nếu bạn để dàn ngưng tụ đóng bụi, tóc và sạn đất khiến cho khí nóng xả ra không đúng cách, máy nén tủ lạnh sẽ phải làm việc vất vả hơn để giữ độ mát trong tủ lạnh. Bạn nên làm vệ sinh dàn ngưng tụ cách 6 tháng một lần để duy trì điều kiện tối ưu cho tủ lạnh.
-
1Tìm vị trí dàn ngưng tụ. Tham khảo sách hướng dẫn sử dụng tủ lạnh để biết vị trí dàn ngưng tụ. Tùy vào kiểu tủ lạnh, dàn ngưng tụ có thể nằm ở một số vị trí:
- Đằng sau tủ, hoặc
- Gắn dưới gầm tủ, tiếp cận qua tấm che đằng sau, hoặc
- Đằng trước tủ lạnh, tiếp cận qua lưới thoát gió.
-
2Ngắt tủ lạnh khỏi nguồn điện. Điều quan trọng cần làm là rút phích cắm tủ lạnh khỏi nguồn điện để tránh bị điện giật. Nếu tủ lạnh của bạn được gắn liền hoặc khó kéo ra ngoài, bạn có thể ngắt điện bằng cách ngắt hộp cầu dao trong nhà.
-
3Sử dụng chổi quét bụi chuyên dùng cho dàn ngưng tụ nhẹ nhàng phủi bụi đất. Bạn phải thật cẩn thận để tránh làm thủng các ống đồng.
- Sau khi làm vệ sinh dàn ngưng tụ bằng chổi quét bụi, bạn hãy sử dụng máy hút bụi có đầu chổi để làm sạch bụi đất xung quanh các ống đồng. Không lau bằng dung dịch tẩy rửa.
-
4Dùng chổi quét bụi và giẻ ẩm để làm sạch bụi đất trên cánh quạt dàn nóng. Quạt sẽ thổi không khí qua các ống đồng và giúp tản bớt nhiệt. Nếu vì lý do nào đó mà cánh quạt bị cản trở, dàn ngưng tụ sẽ khó tản nhiệt.
-
5Làm vệ sinh sàn và khu vực xung quanh bằng máy hút bụi và giẻ lau.
-
6Cắm điện tủ lạnh và đẩy tủ về vị trí cũ.Quảng cáo
Giữ tủ lạnh gọn gàng và sạch sẽ
-
1Tổng vệ sinh tủ lạnh mỗi quý một lần để giữ cho tủ lạnh sạch đẹp và thơm tho. Cứ mỗi ba tháng, bạn nên lấy hết thức ăn trong tủ lạnh ra ngoài và lau sạch mọi bề mặt trong tủ bằng dung dịch muối nở hoặc giấm. Những lần bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian và công sức về sau.
- Khỏi phải nói thì hẳn là bạn cũng biết là nên nhanh chóng lau sạch thức ăn đồ uống rơi vãi trong tủ lạnh. Những vết bẩn không được lau ngay có thể bám chặt và sau này sẽ khó làm sạch hơn.
-
2Dùng sản phẩm khử mùi tự làm tại nhà để hút mùi khó chịu và giữ cho tủ lạnh không có mùi. Bạn phải hành động trước khi thức ăn bị ôi thiu và bắt đầu ám mùi trong tủ lạnh. Sau đây là những thứ bạn có thể trang bị cho tủ lạnh để đánh bật mùi khó chịu:
- Một chiếc tất sạch đựng than hoạt tính – loại than bán ở cửa hàng cá cảnh, không lấy từ lò nướng thịt. Than hoạt tính có khả năng hút mùi đến 3 tháng.
- Một hộp muối nở để mở. Muối nở là một chất hút mùi khác cũng rất tốt.[3] Hầu hết các hướng dẫn ghi trên bao bì đều nói rằng nên thay muối nở sau 30 ngày, tuy nhiên bạn vẫn có thể dùng trong 60-90 ngày trước khi cần thay hộp khác.
- Cà phê mới xay đựng trong đĩa nhỏ đặt sâu trong tủ lạnh cũng có thể có tác dụng hút mùi.
- Cát vệ sinh cho mèo loại không mùi và chứa diệp lục tố cũng là một chất hút mùi. Một đĩa nông đựng khoảng hơn 1cm cát vệ sinh của mèo đặt sâu trong tủ lạnh sẽ giúp khử phần lớn các mùi khó chịu.
-
3Tạo mùi hương thoang thoảng trong tủ lạnh. Bước này không cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng nhiều người thích hương thơm dễ chịu phảng phất khi mở tủ lạnh, chẳng hạn như mùi vani. Điều cốt yếu ở đây là "nhẹ dịu." Có lẽ bạn không muốn mùi hương nào tỏa ra ngào ngạt khi mở tủ lạnh. Cũng như nước hoa hay nước thơm, một "dư vị" nhẹ nhàng sẽ dễ chịu hơn nhiều, đặc biệt là khi kết hợp với thức ăn:
- Nhỏ một chút vani, dầu tràm trà hoặc tinh dầu oải hương, chanh, cam vào viên bông gòn đựng trong đĩa nhỏ và đặt sâu bên trong tủ lạnh. Hai tuần thay một lần.
-
4Vò một tờ giấu nâu gói hàng và để chung với hoa quả hay rau củ trong ngăn đựng rau của tủ lạnh để ngăn mùi. Một chiếc túi giấy vò nhàu có tác dụng đáng ngạc nhiên trong việc khử mùi ngăn rau.Quảng cáo
Lời khuyên
- Làm vệ sinh tủ lạnh khoảng mỗi tháng một lần.
- Sắp xếp tủ lạnh sao cho dễ tìm. Để sữa, nước quả và các thức uống khác vào một kệ, các loại nước sốt và các thứ tương tự vào một chỗ khác.
- Đặt một lọ nhỏ đựng muối nở (mở nắp) trong tủ lạnh để hút ẩm. Lưu ý rằng phải đựng muối nở trong lọ thay vì trong hộp.
- Kiểm tra và loại bỏ thức ăn hỏng hàng tuần để giữ cho tủ lạnh khỏi bốc mùi.
- Khi tủ lạnh đã sạch, có một cách duy trì vệ sinh dễ dàng là lau dọn mỗi lần một kệ hoặc một ngăn kéo. Toàn bộ tủ lạnh sẽ không sạch bóng ngay một lúc, nhưng cũng tương đối sạch để bạn không phải mất cả ngày dọn dẹp. Có điều bạn cần nhớ là phải luân chuyển tất cả các khay kệ trong tủ.
- Đảm bảo không đánh rơi bộ phận nào trong tủ lạnh để tránh trầy xước và bể vỡ.
- Sử dụng giấy lót kệ trong tủ lạnh. Giấy lót kệ sẽ giúp cho các khay kệ khỏi dính bẩn. Khi thấy giấy bị bẩn, bạn chỉ việc lấy ra, vứt đi và lót lại với các loại giấy có thiết kế hoặc chất liệu mới!
- Bảo quản các loại nước ướp và sốt trong hộp nhựa. Như vậy bạn sẽ dễ lấy ra một phần (chẳng hạn như một lọ nước ướp thịt nướng), và nếu các lọ sốt bị đổ hay thủng, bạn chỉ cần rửa hộp mà không phải lau rửa cả tủ lạnh.
Cảnh báo
- Đừng để nước hoặc dung dịch tẩy rửa lọt vào các khe thông gió.
- Thức ăn cũ cần được đựng trong túi kín trước khi vứt vào thùng rác trong bếp để tránh thu hút các loài động vật/loài gặm nhấm nếu túi rác không được buộc chặt hoặc bị rách khi để ngoài trời.
Những thứ bạn cần
- Giấm
- Muối nở (tùy ý)
- Nước
- Túi ni lông đựng thực phẩm hoặc túi rác, nếu cần
- Giẻ lau hoặc miếng bọt biển
- Nước tẩy rửa
- Chổi làm vệ sinh ống đồng
- Máy hút bụi có đầu chổi
- Bộ lọc nước (tùy ý)