Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 7.559 lần.
Chất tẩy rửa enzyme là một sản phẩm tẩy rửa rất hiệu quả, đa năng và an toàn cho hầu hết mọi bề mặt, bao gồm cả kim loại và kính. Chất tẩy rửa thân thiện với môi trường này chứa các enzyme và vi khuẩn có khả năng phân hủy vật chất hữu cơ, vì vậy chúng rất lý tưởng để loại bỏ các vết bẩn và mùi khó chịu do máu, cây cỏ, mồ hôi, nước tiểu và các chất hữu cơ khác gây ra. Bạn có thể tự làm chất tẩy rửa enzyme tại nhà bằng vài nguyên liệu đơn giản, nhưng phải chờ vài tuần cho hỗn hợp lên men mới sử dụng được.
Nguyên liệu
- ½ cốc (100 g) đường nâu hoặc đường trắng
- 1 thìa cà phê (3 g) men
- 4¼ cốc (1 lít) nước ấm
- 2 cốc (300 g) vỏ hoa quả tươi họ cam quýt
Các bước
Trộn các nguyên liệu
-
1Rửa và cắt nhỏ vỏ các loại quả họ cam quýt. Rửa vỏ quả cam quýt dưới vòi nước và dùng bàn chải rửa rau củ để chải sạch đất cát và tạp chất. Thấm khô bằng khăn sạch và cẩn thận cắt các mảnh vỏ thành từng mẩu vuông có cạnh khoảng 1,3 cm. Các mẩu vỏ phải đủ nhỏ để bỏ vừa vào miệng chai nước ngọt.
- Bạn có thể dùng một hoặc nhiều loại vỏ hoa quả họ cam quýt để làm chất tẩy rửa enzyme, bao gồm chanh, bưởi và cam.
- Điều quan trọng là phải dùng vỏ quả tươi, không bị khô hoặc thối rữa. Vỏ khô không có đủ lượng dầu để tẩy rửa, còn vỏ bị thối rữa sẽ khiến hỗn hợp bị mốc.[1]
-
2Kết hợp các nguyên liệu. Đặt một chiếc phễu miệng rộng vào chai nước ngọt 2 lít sạch. Bốc từng nắm vỏ đã cắt nhỏ bỏ vào chai cho đến khi hết. Cho thêm đường, men và nước vào chai. Lấy phễu ra và vặn kín nắp chai. Lắc mạnh chai trong vài phút cho đến khi đường tan hết.[2]
- Điều quan trọng ở đây là phải dùng chai nước ngọt, vì loại chai này được thiết kế để chịu được áp suất.
-
3Xả khí trong chai mỗi ngày nhiều lần. Sau khi đường đã tan, bạn hãy mở nắp chai để xả áp suất tích tụ bên trong và vặn nắp lại. Thực hiện bước này mỗi ngày ít nhất 3 lần trong 2 tuần để ngăn ngừa chai bị nổ.
- Sau 2 tuần, bạn có thể giảm số lần xả khí xuống còn mỗi ngày một lần, vì phần lớn đường đã chuyển hóa nên lượng cacbon điôxít sinh ra sẽ giảm đi.[3]
- Khi men phân hủy đường trong hỗn hợp, nó sẽ chuyển hóa đường thành cồn và cacbon điôxít. Chất khí này sẽ tích tụ bên trong khi chai được đậy nắp kín.
- Quan trọng là phải đậy nắp chai thật chặt trong toàn bộ quá trình, vì hỗn hợp cần môi trường không có oxy mới lên men tốt. Oxy cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi trong hỗn hợp.
Quảng cáo
Lên men hỗn hợp
-
1Đặt chai đựng hỗn hợp trên ở nơi ấm cho lên men. Nhiệt độ tối ưu để lên men là 35 độ C, vì vậy bạn phải đặt hỗn hợp ở nơi ấm trong thời gian lên men.[4] Nóc tủ lạnh là vị trí thích hợp để đặt chai hỗn hợp.
- Quá trình lên men sẽ mất khoảng 2 tuần, nhưng bạn có thể để các nguyên liệu lên men đến 3 tháng nếu muốn có dung dịch mạnh hơn.
-
2Lắc chai hàng ngày khi hỗn hợp lên men. Lâu ngày, các chất rắn trong hỗn hợp sẽ chìm xuống đáy chai. Hàng ngày bạn cần xả khí, sau đó đậy nắp và lắc nhẹ chai để đảo các nguyên liệu bên trong chai. Xả khí lần nữa và vặn nắp chai lại.[5]
- Tiếp tục lắc như vậy hàng ngày cho đến khi dung dịch có thể sử dụng được.
-
3Lọc hỗn hợp. Sau 2 tuần, hỗn hợp sẽ chuyển màu đục, và như vậy nghĩa là đã có thể lọc và sử dụng. Bạn cũng có thể để hỗn hợp như vậy thêm hai tháng rưỡi nữa nếu có thời gian hoặc muốn có chất tẩy rửa mạnh hơn. Khi hỗn hợp đã lên men đủ thời gian, bạn hãy rót qua rây vào bát để loại bỏ các chất rắn.
- Vứt bỏ vỏ cam quýt khi đã lọc xong.
-
4Bảo quản chất tẩy rửa trong lọ kín. Rót dung dịch đã lọc vào lọ và đậy kín để bảo quản. Hỗn hợp sẽ mất hiệu lực khi tiếp xúc với oxy và sẽ giảm hiệu quả làm sạch.[6]
- Để tiện dùng, bạn hãy rót một lượng nhỏ nước tẩy rửa vào bình xịt và bảo quản phần còn lại trong lọ kín.
Quảng cáo
Sử dụng nước tẩy rửa enzyme
-
1Pha loãng nước enzyme để dùng vào những việc cần tẩy rửa nhẹ. Pha 1 phần nước enzyme với 20 phần nước vào bình xịt hoặc vật đựng khác. Lắc hoặc khuấy đều hỗn hợp. Dung dịch này có thể dùng để rửa xe, rửa sàn nhà và dùng vào những việc không cần chất tẩy rửa mạnh.[7]
-
2Làm chất tẩy rửa đa năng. Đong ½ cốc (120 ml) nước tẩy rửa enzyme và rót vào bình xịt sạch, sau đó rót vào thêm 4¼ cốc (1 lít) nước. Vặn chặt nắp bình xịt và lắc để hòa tan chất tẩy rửa với nước. Lắc đều trước khi sử dụng.
- Nước tẩy rửa đa năng này có thể dùng cho mọi bề mặt để cọ rửa phòng tắm, thảm, nhà bếp, tẩy các vết bẩn nhỏ và các vật dụng cần làm sạch khác.[8]
-
3Pha với giấm để có chất tẩy rửa mạnh hơn. Để làm nước tẩy rửa đa năng mạnh hơn, bạn có thể pha 1 phần giấm táo với 4 phần nước tẩy rửa enzyme tự làm. Rót dung dịch vào bình xịt và dùng để lau rửa nhà bếp, phòng tắm và các vết bẩn cứng đầu.[9]
-
4Dùng nước tẩy rửa enzyme không pha loãng cho những công việc tẩy rửa khó sạch hơn. Với các vết bẩn cứng đầu, cáu bẩn, nặng mùi và đóng cặn, bạn có thể xịt nước tẩy rửa enzyme trực tiếp lên bề mặt cần tẩy rửa. Để cho dung dịch ngấm trong vài phút, sau đó lau bằng giẻ hoặc miếng bọt biển.
- Nước tẩy rửa enzyme rất hữu hiệu trong việc làm sạch dầu mỡ và có thể dùng để lau rửa trong bếp và nhà để xe ở dạng không pha loãng.
- Bạn cũng có thể thử dùng cách này để làm sạch cặn và vôi tích tụ trên những vật dụng như máy rửa bát, ấm đun nước, vòi sen và các thiết bị gia dụng khác.[10]
-
5Dùng nước tẩy rửa enzyme để giặt quần áo. Bạn có thể dùng nước tẩy rửa enzyme để thay thế hoặc bổ sung cho xà phòng giặt thông thường. Rót ¼ cốc (60 ml) nước tẩy rửa enzyme vào lồng giặt hoặc ngăn chứa xà phòng của máy giặt, sau đó chạy máy giặt như bình thường.[11]Quảng cáo
Những thứ bạn cần
- Bàn chải rửa rau củ
- Dao
- Phễu miệng rộng
- Chai nước ngọt
- Rây
- Lọ kín
- Bình xịt
Tham khảo
- ↑ http://www.curiousnut.com/citrus-enzyme-cleaner/
- ↑ http://www.thesra.org/wp-content/uploads/2015/08/SRA-Enzymatic-Cleaners-FS.pdf
- ↑ http://www.permaculturinginportugal.net/blog/fermented-citrus-enzyme-cleaner/
- ↑ http://www.theartisan.net/dough_fermentation_and_temperature.htm
- ↑ http://www.thesra.org/wp-content/uploads/2015/08/SRA-Enzymatic-Cleaners-FS.pdf
- ↑ http://www.permaculturinginportugal.net/blog/fermented-citrus-enzyme-cleaner/
- ↑ http://www.onegoodthingbyjillee.com/2012/03/make-your-own-citrus-enzyme-cleaner.html
- ↑ http://www.onegoodthingbyjillee.com/2012/03/make-your-own-citrus-enzyme-cleaner.html
- ↑ https://www.drkarenslee.com/citrus-enzyme-cleaner-recipe/