Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Dù là một phần của quy luật tự nhiên khi chúng ta bắt đầu có tuổi, nhưng da mặt bị chùng nhão có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự tin của bạn. May mắn thay, hiện nay có nhiều cách để làm căng và mịn da mặt. Dù là thử dùng kem dưỡng ẩm làm săn chắc da hay sử dụng các liệu pháp điều trị da mặt, bạn có thể khắc phục được phần nào hư tổn và các dấu hiệu lão hoá trên da, giúp bạn lấy lại sự tự tin khi ra ngoài.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Thử dùng kem dưỡng ẩm làm săn chắc da mặt

  1. 1
    Dùng kem collagen để giữ làn da mềm mại. Khi đi mua sắm các sản phẩm chăm sóc da, bạn hãy tìm các loại kem dưỡng ẩm da mặt có chứa collagen thuỷ phân. Collagen là một thành phần trong da có chức năng giữ ẩm và duy trì độ đàn hồi của da. Qua thời gian, lượng collagen trong da sụt giảm và góp phần gây nên tình trạng da chảy xệ và nhăn nheo.[1] Việc sử dụng kem collagen có thể giúp bổ sung collagen tự nhiên của da, giúp da căng hơn và ẩm hơn.
    • Không phải sản phẩm kem collagen nào cũng chứa các thành phần và tỷ lệ collagen như nhau. Khi dùng kem collagen, bạn nên đọc nhãn sản phẩm cẩn thận để biết về tần suất thoa kem.
  2. 2
    Thử dùng serum vitamin C để làm căng da và sáng da. Serum vitamin C có chứa vitamin C đậm đặc với tác dụng làm săn da, giảm ửng đỏ, đẩy lùi các đốm nâu do tác động của ánh nắng và tuổi tác, đồng thời kích thích cơ thể tăng sản xuất collagen.[2] Không như vitamin C dạng uống (cũng hữu ích), dạng serum cho phép da tiếp xúc trực tiếp với vitamin và hấp thụ ngay vào da.
    • Serum vitamin C an toàn cho hầu hết mọi loại da, do đó nó là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn có da nhạy cảm hoặc dễ bị dị ứng.[3]
    • Serum thường có cả các thành phần khác giúp săn chắc da, bao gồm retinol, axit hyaluronic và collagen thuỷ phân.[4]
    • Hầu hết các sản phẩm serum vitamin C đều có thể sử dụng an toàn với liều lượng 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, bạn luôn luôn nên đọc nhãn sản phẩm để biết tần suất sử dụng an toàn là bao nhiêu.[5]
  3. 3
    Dùng serum hoặc kem axit hyaluronic để có làn da ẩm mọng. Axit hyaluronic là một phân tử được sản sinh tự nhiên, giúp gắn kết nước với collagen trong da. Tương tự như collagen, axit hyaluronic cũng sụt giảm dần theo thời gian, dẫn đến tình trạng da dễ bị mất nước và chảy xệ. Việc thoa kem axit hyaluronic hàng ngày có thể bù nước cho da, giúp da săn hơn và khoẻ mạnh hơn.[6]
    • Nhìn chung, axit hyaluronic được xem là một lựa chọn tuyệt vời cho mọi loại da và thường không gây phản ứng dị ứng, không làm nổi mụn hoặc ửng đỏ.[7] Nhờ vậy, liệu pháp này có thể đưa vào quy trình chăm sóc da hàng ngày.
  4. 4
    Dùng kem hoặc serum có chứa axit glycolic hoặc axit lactic để làm săn da. Sản phẩm này phát huy hiệu quả qua quá trình tẩy tế bào chết, nghĩa là nó làm bong tróc lớp bề mặt của da. Lưu ý rằng việc sử dụng kem axit glycolic hoặc axit lactic có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia UV. Nếu bạn bắt đầu nhận thấy da đỏ hơn khi ra nắng so với trước khi dùng kem, hãy ngưng dùng và thử liệu pháp khác.[8]
    • Kiểm tra thành phần của sản phẩm trước khi mua, vì nồng độ của axit chỉ nên ở mức 10% hoặc thấp hơn để đảm bảo an toàn.[9]
  5. 5
    Dùng retinol để giảm nếp nhăn trên mặt. Retinol là một trong các thành phần làm săn da thông dụng và có bán ở hầu hết các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc da. Kem retinol đã được chứng minh là có tác dụng giảm các nếp nhăn, làm căng da và làm mờ các khuyết điểm trên da.[10]
    • Mặc dù retinol có thể làm săn chắc da hiệu quả nhất đối với một số người, nhưng nó cũng có cả một danh sách dài các tác dụng phụ, bao gồm khô da kích ứng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, ửng đỏ, sưng và phồng rộp.
    • Retinol có thể gây kích ứng, do đó liều lượng khuyến nghị là 2-4 lần mỗi tuần. Nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ, bạn hãy giảm liều xuống 1 lần/tuần. Liên lạc với bác sĩ nếu xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài.[11]
    • Retinol cũng có thể giúp giảm mụn.[12]
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Sử dụng các phương pháp điều trị làm săn chắc da mặt

  1. 1
    Mát-xa da mặt để căng da mặt không đau. Mát-xa da mặt là một liệu pháp đem lại cảm giác dễ chịu, có thể giúp da căng và săn chắc bằng cách tác động lên các cơ mặt. Mặc dù chi phí không rẻ (ở Mỹ có mức giá đến vài trăm đô la một buổi mát-xa), nhưng thường thì bạn có thể nhận thấy hiệu quả lâu dài chỉ sau vài buổi trị liệu.[13]
    • Tại hầu hết các cơ sở chăm sóc da, bạn có thể chọn các sản phẩm dưỡng ẩm làm săn chắc da kết hợp với mát-xa, chẳng hạn như serum axit hyaluronic để tăng hiệu quả trị liệu.
    • Mặc dù một buổi mát xa da mặt chuyên nghiệp sẽ đem lại kết quả tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể mua bộ mát-xa da mặt tại nhà. Sản phẩm này có bán trên mạng và ở nhiều nhà bán lẻ các sản phẩm chăm sóc da cao cấp, giá từ $50-$500 (khoảng 1 triệu đến 10 triệu đồng.)
  2. 2
    Sử dụng liệu pháp lăn kim vi điểm để làm săn da với kết quả nhanh hơn. Lăn kim vi điểm là một thủ thuật không phẫu thuật với mức độ xâm lấn tối thiểu sử dụng kim siêu nhỏ châm vào da để kích thích da sản sinh collagen và mô mới.[14] Mặc dù phương pháp lăn kim vi điểm có thể gây kích ứng và ửng đỏ tạm thời, nhưng các tác dụng phụ này thường sẽ giảm nhanh chóng, trả lại cho bạn làn da mịn màng, săn chắc hơn trong vài giờ hoặc vài ngày.[15]
    • Một buổi trị liệu lăn kim vi điểm do chuyên viên thực hiện thường có mức giá từ $100 - $700 (khoảng 2 triệu đến 15 triệu đồng). Thường thì bạn cần trị liệu nhiều buổi để đạt hiệu quả tối đa. Số buổi trị liệu chính xác sẽ khác nhau đáng kể, tuỳ vào loại da, tuổi tác và kết quả mong muốn của bạn.[16]
    • Các thiết bị lăn kim vi điểm tại nhà có mức giá trong khoảng $10 đến $300 (khoảng 200 ngàn đến 6 triệu đồng). Sản phẩm lăn kim vi điểm tại nhà sẽ không châm sâu vào da như thiết bị y tế, do đó bạn sẽ không nhận thấy hiệu quả rõ rệt như trị liệu chuyên nghiệp.
    • Liệu pháp lăn kim vi điểm tại nhà có thể giúp kem làm săn chắc da thấm sâu vào da, giúp tăng hiệu quả của các sản phẩm chăm sóc da.[17]
  3. 3
    Trị liệu da mặt bằng sóng siêu âm để có hiệu quả lâu dài hơn. Được chấp thuận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ từ năm 2009, năng lượng sóng siêu âm ngày càng được ưa chuộng trong trị liệu làm căng da mặt.[18] Liệu pháp năng lượng sóng siêu âm là một thủ thuật không phẫu thuật, sử dụng năng lượng nhiệt siêu âm để căng da chùng nhão và làm săn chắc da. Cũng như các phương pháp trị liệu không phẫu thuật khác, liệu pháp này cũng kích thích tăng sản sinh collagen trong da.
    • Mặc dù là một thủ thuật tương đối mới, hầu hết các trường hợp trị liệu lần đầu tiên cho thấy kết quả trong vòng 3 tháng và hiệu quả kéo dài trong nhiều năm.[19]
    • Trung bình, một buổi trị liệu năng lượng sóng siêu âm có mức giá khoảng $2.000 (khoảng 45 triệu).
    • Trị liệu bằng năng lượng sóng siêu âm là thủ thuật không xâm lấn và thường ít gây kích ứng, do đó nó không đòi hỏi thời gian hồi phục, và thường thì bạn có thể quay trở lại với các hoạt động thường ngày ngay sau buổi trị liệu.[20]
  4. 4
    Thử dùng liệu pháp làm căng da bằng tần số vô tuyến để kích thích sản sinh collagen. Có nhiều điểm giống với phương pháp trị liệu bằng sóng siêu âm, liệu pháp làm căng da bằng tần số vô tuyến được thực hiện với máy sử dụng tần số vô tuyến đốt nóng các lớp sâu hơn của da mặt để kích thích da tăng sản sinh collagen. Phương pháp này thường có kết quả làm căng da mặt tức thì, do đó nó là một lựa chọn rất phù hợp nếu bạn cần làm đẹp cho một sự kiện sắp đến.[21]
    • Liệu pháp làm căng da bằng tần số vô tuyến thường có mức giá khoảng $100 (khoảng 2 triệu) cho một buổi trị liệu nửa tiếng, và hiệu quả kéo dài khoảng 6 tuần.
  5. 5
    Sử dụng liệu pháp tái tạo bề mặt da bằng laser để giảm nếp nhăn. Mặc dù thủ thuật tái tạo bề mặt da bằng tia laser thường được thực hiện để xử lý sẹo, mụn cóc, da ửng đỏ hoặc giãn tĩnh mạch, các tia laser xâm lấn như CO2 và Erbium cũng có thể được dùng để làm mờ các nếp nhăn.[22] Các tia laser này giúp làm săn chắc và làm phẳng da mặt bằng cách loại bỏ các lớp hư tổn trên bề mặt da.
    • Chi phí trị liệu tái tạo bề mặt da bằng tia laser nằm trong khoảng $1.000 - $3.000 (khoảng 20 triệu – 60 triệu đồng).[23]
    • Mặc dù thường là an toàn, nhưng thủ thuật này cần được có bác sĩ nắm rõ bệnh sử và mong muốn của bạn.[24]
    • Liệu pháp tái tạo bề mặt da bằng tia laser có mức xâm lấn cao hơn các phương pháp làm săn da khác, chẳng hạn như liệu pháp sóng siêu âm, nhưng ít xâm lấn hơn phương pháp phẫu thuật nâng da mặt.
    • Các liệu pháp laser có thể mất 3 tháng mới hồi phục hoàn toàn nhưng thường có kết quả kéo dài.[25]
  6. 6
    Phẫu thuật căng da mặt để làm căng da vĩnh viễn. Còn gọi là phẫu thuật cắt vết nhăn da, đây là thủ thuật loại bỏ da thừa, sắp xếp lại mỡ và mô, giúp làm căng da trên mặt và cổ.[26] Vì đây là thủ thuật phẫu thuật, phương pháp này có mức xâm lấn cao, tốn kém và đòi hỏi có thời gian hồi phục kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới lành. Tuy nhiên, đối với nhiều người, phẫu thuật căng da mặt đem lại kết quả lâu dài, giúp cho da mặt săn chắc và nhẵn mịn hơn trong nhiều năm.
    • Chi phí trung bình cho ca phẫu thuật căng da mặt xấp xỉ trong khoảng $7.000 - $12.000 (khoảng 140 triệu – 240 triệu).[27]
    • Có nhiều rủi ro và các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật căng da mặt, bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, bệnh tim mạch, huyết khối, đau dữ dội và sưng kéo dài.[28]
    • Phẫu thuật căng da mặt có mức xâm lấn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thủ thuật này không phải là lựa chọn thích hợp cho tất cả mọi người. Hãy thảo luận với bác sĩ xem phương án này có an toàn cho bạn không trước khi cân nhắc phẫu thuật căng da mặt.[29]
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Dùng các phương pháp làm căng da mặt tự nhiên

  1. 1
    Thử tập yoga để làm săn cơ mặt. Đây là một loạt các bài tập yoga dành cho mặt. Các nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của các bài tập này, đặc biệt trong việc làm đầy má, nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng bỏ nhiều thời gian tập luyện. Để đạt hiệu quả, bạn cần tập nửa tiếng mỗi ngày.[30]
    • Mặc dù yoga dành cho mặt đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng đây là phương pháp không xâm lấn và không tốn kém.
  2. 2
    Uống thực phẩm bổ sung giúp làm căng da mặt. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc bổ sung collagen, kẽm, CoQ10 và vitamin C hàng ngày có thể giúp làm mờ các rãnh nhăn nhỏ và làm căng da mặt.[31] Mặc dù vẫn chưa khẳng định được mức độ khác biệt mà các thực phẩm bổ sung này mang lại, nhưng nó cũng xứng đáng để bạn hỏi bác sĩ về việc sử dụng một vài hoặc tất cả các thực phẩm bổ sung trên.
    • Tất cả các thực phẩm bổ sung có khả năng làm căng da đều có dạng viên và dạng bột.
  3. 3
    Thử đắp mặt nạ tự nhiên để làm căng da nhanh. Các sản phẩm mặt nạ hoàn toàn tự nhiên hiện đang rất được ưa chuộng, và điều này là có lý do. Thường được làm từ nhiều loại chiết xuất trái cây, vitamin và các chất làm căng da như lô hội hoặc collagen, mặt nạ dưỡng da mặt là một liệu pháp rẻ và dễ để làm căng da mặt tự nhiên.
    • Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả lâu dài của mặt nạ dưỡng da mặt, nhiều sản phẩm có thể giúp bạn cảm thấy da mặt căng mịn ngay tức thì, do đó nó là lựa chọn tuyệt vời trong thời gian ngắn.
    • Bạn có thể học cách làm mặt nạ tự nhiên tại nhà để có sản phẩm làm căng da mặt mà không tốn kém.
  4. 4
    Ngăn ngừa da chùng nhão một cách tự nhiên bằng việc chăm sóc sức khoẻ. Dùng kem chống nắng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, áp dụng chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc và hạn chế bia rượu đều là những biện pháp có thể giúp duy trì độ đàn hồi tự nhiên của da và ngăn ngừa da mặt chùng nhão. Bên cạnh các biện pháp ngăn ngừa, việc chăm sóc sức khoẻ cũng có thể giúp đảo ngược các dấu hiệu lão hoá và giúp làm căng da một cách tự nhiên.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Mặc dù tiêm botox và các chất làm đầy không hẳn là giúp làm căng da mặt, nhưng các liệu pháp này có thể giúp làm mờ các đường rãnh và nếp nhăn nhỏ.
  • Mặc dù không có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định tính hiệu quả, nhưng một số chuyên viên chăm sóc da đề nghị thử các bài tập dành cho mặt để làm căng da.[32]

Cảnh báo

  • Có các thiết bị mà bạn có thể mua để xử lý các nếp nhăn bằng laser tại nhà, nhưng hãy nhớ kiểm tra để chắc chắn các sản phẩm này được FDA chấp thuận trước khi mua.
  • Luôn luôn hỏi bác sĩ trước khi thử bất cứ liệu pháp hoặc thủ thuật nào để làm căng da.
  • Thủ thuật tái tạo da bằng tia laser và căng da mặt đều đòi hỏi gây mê. Bạn cần trao đổi với bác sĩ về mọi nguy cơ liên quan đến việc gây mê trước khi thực hiện thủ thuật.[33]
  1. https://www.townandcountrymag.com/style/beauty-products/g25621476/skin-tightening-treatments-at-home/
  2. https://www.webmd.com/beauty/retinoid-gel-and-cream-treatments#1-3
  3. https://www.webmd.com/beauty/retinoid-gel-and-cream-treatments#1-3
  4. https://www.harpersbazaar.com/uk/beauty/skincare/a18717463/facelift-alternative-skin-treatments/
  5. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324138.php
  6. https://www.healthline.com/health/microneedling
  7. https://www.healthline.com/health/microneedling
  8. https://www.townandcountrymag.com/style/beauty-products/g25621476/skin-tightening-treatments-at-home/
  9. https://www.harpersbazaar.com/uk/beauty/skincare/a18717463/facelift-alternative-skin-treatments/
  10. https://www.healthline.com/health/ultherapy
  11. https://www.healthline.com/health/ultherapy
  12. https://www.harpersbazaar.com/uk/beauty/skincare/news/a42867/radiofrequency-facials/
  13. https://www.plasticsurgery.org/cosmetic-procedures/skin-rejuvenation-and-resurfacing
  14. https://www.webmd.com/beauty/laser-resurfacing#1
  15. https://www.webmd.com/beauty/laser-resurfacing#1
  16. https://www.webmd.com/beauty/laser-resurfacing#1
  17. https://www.plasticsurgery.org/cosmetic-procedures/facelift/procedure
  18. https://www.healthline.com/health/face-lift#overview
  19. https://www.healthline.com/health/face-lift#overview
  20. https://www.healthline.com/health/face-lift#overview
  21. https://www.nbcnews.com/better/pop-culture/what-facial-yoga-experts-say-it-really-can-make-you-ncna845596
  22. https://www.womansday.com/health-fitness/wellness/a23829699/best-anti-aging-supplements/
  23. https://www.healthline.com/health/facial-exercises-are-they-bogus#1
  24. https://www.healthline.com/health/face-lift

Về bài wikiHow này

Luba Lee, FNP-BC, MS
Cùng viết bởi:
Hội đồng kiểm duyệt y tế
Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006. Bài viết này đã được xem 10.615 lần.
Trang này đã được đọc 10.615 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo