Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Bài viết này đã được xem 10.912 lần.
Roti là một loại bánh mì tròn, phẳng, không men nổi của Ấn Độ. Hầu hết các nhà hàng Ấn Độ đều phục vụ bánh mì naan (loại bánh mì mỏng có men nổi, được làm từ men cái và bột mì trắng, nướng trong lò tandoor[1] ), nhưng bánh roti thường được làm từ bột mì trắng và nướng trên chảo bằng.[2] Đây là loại bánh mì tươi được dùng hằng ngày để ăn kèm với cà ri, chutney và các món Ấn khác. Thật sự thì bánh roti thường được dùng như một dụng cụ để xúc thức ăn. Loại bánh mì này thơm ngon, kết hợp được với nhiều món ăn và cực kỳ dễ thực hiện mà bạn có thể làm ngay tại nhà. Công thức trong bài viết này tạo ra khoảng 20-30 chiếc bánh roti.
Nguyên liệu
- 3 cốc bột mì chapatti (hay còn gọi là bột atta từ hạt lúa mì cứng) hoặc 1,5 cốc bột mì nguyên cám + 1,5 cốc bột mì đa dụng
- ½-1 thìa cà phê muối (tùy thích)
- 1 thìa súp ghee (bơ sữa trâu lỏng) hoặc dầu
- 1-1,5 cốc nước ấm
Các bước
Chuẩn bị bột làm bánh roti
-
1Chọn bột mì. Công thức bánh roti truyền thống cần bột mì chapati (đôi khi còn được viết là “chapatti”), hay còn gọi là bột atta từ hạt lúa mì cứng. Một số công thức có ghi “bột atta” trong thành phần nguyên liệu, cũng có nghĩa là bột mì chapatti (thật ra, từ “roti” và “chapatti” thường được dùng để thay thế lẫn nhau – cả hai loại đều là bánh mì tròn, phẳng, không có men nổi).
- Bột mì atta/chapatti là một loại bột mì nguyên cám được xay mịn.[3] Từ xa xưa, người ta vẫn dùng loại bột này để làm roti.
- Nếu không thể tìm được bột mì chapatti hoặc không có sẵn bột ở nhà, bạn có thể thay thế bằng bột mì nguyên cám. Tuy nhiên, loại bột này tương đối nặng nên bạn có thể kết hợp một nửa bột mì nguyên cám và một nửa bột mì đa dụng để tạo ra loại bột có kết cấu tương tự như bột mì chapatti.
- Bạn cũng có thể chỉ dùng bột mì đa dụng trong công thức này nếu chỉ có sẵn loại bột đó. Nếu chọn loại bột này thì bạn cần dùng ít nước hơn. Hãy chú ý đến độ đặc và kết cấu của bột trong khi trộn; bạn sẽ hiểu rõ hơn ở các bước tiếp theo.
- Bên cạnh đó, nếu bạn chỉ dùng bột mì đa dụng thì bánh roti sẽ không dai và không có vị bùi như loại bánh roti truyền thống.
-
2Chọn dầu ăn. Bạn sẽ cần chuẩn bị sẵn một ít dầu để phết lên bánh roti thành phẩm và có thể thêm một ít vào bột. Dùng bất kỳ loại dầu ăn nào cũng được như dầu ô liu, dầu rau củ, bơ chảy hoặc ghee (bơ sữa trâu lỏng) nhưng tốt nhất là dùng ghee.
- Ghee là một loại bơ đã được tinh lọc bằng cách đun ở lửa nhỏ đến khi nước bốc hơi và phần sữa đông chuyển sang màu nâu. Ghee có vị bùi và màu như caramel. Ngoài ra,ghee có nhiệt độ bốc hơi rất cao (khoảng 195°C) và thích hợp để rán. Bạn có thể mua ghee ở các cửa hàng bán đồ Ấn và thực phẩm đặc biệt hoặc tự làm ghee tại nhà.[4]
-
3Rây bột và muối. Cho bột mì vào bát trộn to, máy đánh trứng để bàn hoặc bát của máy xay đa năng (có sẵn đầu trộn bột). Sau đó, thêm muối và trộn đều.
-
4Thêm ghee (hoặc dầu) vào bột mì. Không phải công thức nào cũng cần thêm dầu vào bột, nhưng việc này sẽ tăng thêm hương vị cho bánh và làm bánh mềm. Thêm ghee tùy theo khẩu vị thường là khoảng 1 thìa cà phê. Từ từ trộn bột đến khi thấy bột vón lại.
- Đảm bảo tay bạn phải sạch nếu chọn trộn bột bằng tay. Nếu dùng máy đánh trứng thì bạn nên chọn tốc độ thấp và nếu dùng máy xay thực phẩm thì xay vài lần đến khi bột vón lại.
-
5Thêm nước vào bột mì. Chầm chậm thêm nước ấm vào bột. Bột lúc đầu sẽ như cát nhưng khi thêm nhiều nước thì bột sẽ vón lại thành viên tròn.
- Tuy nhiên, bạn không nên thêm nước quá nhanh vì bột sẽ rất dính và bạn không thể cán mỏng bột.
- Nếu dùng máy đánh trứng hoặc máy xay thực phẩm thì bạn sẽ phải dừng lại vài lần để vét bột ở thành bát xuống trước khi tiếp tục trộn/xay bột.
- Bột sau khi trộn xong sẽ mềm và hơi dính nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng lấy ra khỏi tay. Nếu viên bột dính vào tay tức là nó quá ướt và bạn nên thêm bột mì.
-
6Nhào bột. Khi bạn đã nhào bột thành viên, tiếp tục cho máy đánh trứng hoặc máy xay thực phẩm hoạt động thêm khoảng vài phút và/hoặc nhào bằng tay thêm 5 phút. Việc này sẽ làm cho đạm gluten hình thành.
- Thời gian mà bạn cần để nhào bột rất linh hoạt và tùy thuộc vào lực nhào hoặc công suất của máy. Bạn cần tạo ra phần bột dẻo, mịn đủ để cán mỏng.
-
7Để bột nghỉ. Khi đã nhào bột xong, bạn sẽ phết thêm một ít dầu hoặc ghee lên bột và dùng khăn giấy ẩm hoặc vải quấn quanh bột. Để bột nghỉ khoảng 30 phút (để lâu hơn cũng không sao).
- Cho bột nghỉ sẽ giúp bánh roti mềm hơn. Gluten hình thành trong quá trình nhào bột sẽ ổn định và bọt khí cũng thoát ra ngoài.[5]
Quảng cáo
Chế biến bánh roti
-
1Làm nóng bề mặt dụng cụ chế biến. Để làm bánh roti, bạn cần một chiếc chảo bằng hoặc chảo gang có đường kính ít nhất khoảng 20-24cm hoặc tawa bằng sắt (dụng cụ chế biến thức ăn ở Nam Á, Tây Á và Trung Á). Đặt chảo bằng trên lửa to vừa.
- Bạn có thể kiểm tra nhiệt độ của chảo bằng cách cho một hoặc hai nhúm bột mì lên bề mặt chảo. Khi bột chuyển sang màu nâu thì bề mặt chảo đã đủ nóng.
- Hầu hết các công thức làm bánh roti đều khuyên bạn nên làm nóng chảo trong khi cán bột. Nếu bạn mới tập làm bánh roti thì việc cán bột sẽ mất khá nhiều thời gian và khiến cho chảo trở nên quá nóng hoặc bắt đầu bốc khói. Do đó, bạn có thể chờ để làm nóng chảo sau khi cán bột xong.
-
2Chuẩn bị bề mặt cán bột. Bạn sẽ cần mặt phẳng rộng để cán bột. Bề mặt đá cẩm thạch hoặc dụng cụ cán bánh chapatti là thích hợp nhất, nhưng dùng thớt gỗ to hoặc quầy bếp cũng rất hiệu quả. Rắc một ít bột mì lên bề mặt dùng để cán bột và chuẩn bị thêm một ít (khoảng ¼ cốc) bột để xoa vào tay trong khi xử lý bột. Ngoài ra, bạn cũng cần rắc bột lên dụng cụ cán.
-
3Nhào và chia bột. Lấy viên bột mà bạn đã nhào trước đó và nhào thêm 1 hoặc 2 phút đến khi thấy bột đều. Chia bột thành từng viên nhỏ có kích thước như nhau (đường kính khoảng 5 cm).
-
4Cán bột. Lấy một viên bột và dùng hai lòng bàn tay ép xẹp. Rắc một ít bột mì lên cả hai mặt của miếng bột và cán bột trên mặt phẳng với cây cán bột đã có sẵn bột áo.
- Di chuyển cây cán bột liên tục để miếng bột có hình tròn. Liên tưởng đến chiếc đồng hồ trong khi cán bột: cán từ vị trí 6 giờ đến 12 giờ, sau đó từ vị trí 7 giờ đến 1 giờ.
- Nên nhớ lật miếng bột thường xuyên để bề mặt bên dưới không dính vào mặt phẳng cán bột và đừng quên rắc một ít bột mì lên miếng bột lẫn mặt phẳng trong khi cán.
- Cố gắng tạo ra miếng bột có đường kính khoảng 15-20cm nhưng cẩn thận để không cán bột quá mỏng. Nếu miếng bột quá mỏng thì trên bề mặt sẽ có những lỗ nhỏ hoặc bột sẽ rất dính.
-
5Chế biến bánh roti. Đặt miếng bột đã cán xong lên chảo bằng hoặc tawa nóng khoảng 15 đến 30 giây. Bạn sẽ lật mặt dưới của bánh roti lên khi thấy bong bóng xuất hiện ở mặt trên. Quan sát kết cấu của mặt trên: bề mặt này sẽ khô khi mặt dưới đã chín. Bạn có thể dùng kẹp gắp hoặc cái sạn để nhấc miếng bột lên kiểm tra mặt dưới và lật miếng bột khi thấy bề mặt có những đốm nâu.
-
6Hoàn tất công đoạn chế biến bánh roti. Nướng mặt còn lại của bánh roti thêm khoảng 30 giây. Bánh roti sẽ phồng lên (một dấu hiệu tốt!) nhưng bạn sẽ lấy một chiếc khăn khô sạch để ấn nhẹ vào bánh, tập trung vào chỗ bánh phồng lên (việc này giúp không khí thoát đều ra ngoài làm cho bánh phồng đều hơn) và những chỗ không chạm vào bề mặt chảo.
- Đừng ngại xoay bánh roti để nó không dính hoặc bị khét ở một chỗ nào đó. Bạn cũng có thể lật miếng bánh lại để tiếp tục nướng cho bề mặt nâu hơn.
- Tùy thuộc vào độ nóng của chảo mà thời gian giữa những lần lật bánh sẽ khác nhau. Hãy chú ý đến độ nâu của bánh thay vì khoảng thời gian nướng bánh.
-
7Lấy bánh roti ra khỏi chảo và lặp lại thao tác tương tự cho viên bột tiếp theo. Đặt chiếc bánh roti đã hoàn tất trên khăn khô sạch và phết thêm một ít ghee hoặc dầu, sau đó gấp khăn lại. Việc này sẽ giúp giữ cho bánh roti nóng và mềm trong khi bạn tiếp tục nướng phần bột bánh còn lại.
-
8Thưởng thức thành quả của bạn! Để có bữa ăn đúng kiểu Ấn, bạn có thể thử làm thêm món raita, cà ri và Tarka Dal. Dọn các món ăn cùng với bánh roti nóng hổi!Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ http://www.foodterms.com/encyclopedia/naan/index.html
- ↑ http://www.foodterms.com/encyclopedia/roti/index.html
- ↑ http://www.spicesofindia.co.uk/acatalog/Glossary-of-Indian-Food-Terms-A-C.html
- ↑ http://www.foodterms.com/encyclopedia/ghee/index.html
- ↑ http://www.thekitchn.com/food-science-why-some-batters-76098