Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006.
Bài viết này đã được xem 102.486 lần.
Hạch bạch huyết là các hạt tròn, nhỏ thuộc các mô nằm trong hệ bạch huyết. Hạch bạch huyết đóng vai trò rất quan trọng đối với phản ứng miễn dịch của cơ thể, do đó chúng thường bị sưng khi phản ứng với nhiễm trùng và các nguyên nhân khác. Các hạch bạch huyết thậm chí vẫn còn sưng vài tuần sau khi tình trạng nhiễm trùng đã khỏi. Việc tự kiểm tra hạch bạch huyết có thể giúp bạn xác định sớm các vấn đề về sức khỏe. Nếu các hạch bạch huyết sưng lâu hơn một tuần, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra. Nếu hạch bạch huyết đau và sưng, kèm thêm các triệu chứng khác, bạn cần đi khám bệnh ngay lập tức.
Các bước
Tìm các hạch bạch huyết sưng
-
1Xác định vị trí của hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết chủ yếu tập trung ở vùng cổ, xương đòn, nách và háng. Một khi đã biết vị trí của các hạch bạch huyết, bạn có thể kiểm tra tình trạng đau và sưng ở các hạch bạch huyết.[1]
- Ngoài ra, trên cơ thể còn có các nhóm hạch bạch huyết khác, bao gồm mặt bên trong khuỷu tay và ở khoeo chân, nhưng các vị trí này thường ít được dùng để kiểm tra tình trạng sưng hạch.
-
2Kiểm tra các khu vực không có hạch bạch huyết để so sánh. Ấn 3 ngón tay vào cánh tay. Sờ xung quanh dưới da, chú ý cảm giác các mô bên dưới. Điều này sẽ giúp bạn biết các khu vực bình thường và không sưng trên cơ thể có cảm giác như thế nào.
- Các hạch bạch huyết không sưng chỉ hơi cứng hơn các mô xung quanh một chút. Chỉ khi chúng bị kích ứng và sưng lên thì bạn mới có thể sờ thấy dễ dàng.
-
3Kiểm tra các hạch bạch huyết ở cổ và xương đòn. Dùng 3 ngón tay ở cả hai bàn tay cùng lúc xoay tròn phía sau tai, di chuyển dần xuống cả hai bên cổ và dưới đường viền hàm. Nếu bạn sờ thấy có cục u kèm cảm giác đau thì có thể là các hạch bạch huyết đang sưng.[2]
- Đừng lo nếu bạn không sờ được các hạch bạch huyết ở cổ. Điều này là hoàn toàn bình thường.
- Ấn nhẹ và chậm rãi di chuyển các ngón tay để sờ các nhóm mô cứng dưới da. Hạch bạch huyết thường nằm thành nhóm và thường có kích thước bằng cỡ hạt đậu. Các hạch bạch huyết khỏe mạnh bình thường sẽ cho cảm giác dai và dẻo hơn các mô xung quanh nhưng không cứng như đá.
- Nếu không sờ được các hạch bạch huyết ở cổ, bạn có thể nghiêng đầu qua bên mà bạn gặp khó khăn khi kiểm tra. Tư thế này sẽ giúp làm lỏng các cơ bắp và cho phép bạn sờ các hạch bạch huyết dễ dàng hơn.
-
4Sờ hạch bạch huyết trong nách. Đặt 3 ngón tay vào giữa nách. Tiếp tục trượt dần xuống thân trên vài cm cho đến ngay bên trên rìa vú. Hạch bạch huyết ở vùng này nằm về phía dưới nách, gần lồng ngực.[3]
- Dùng các ngón tay sờ khắp khu vực này với lực ấn nhẹ. Di chuyển các ngón tay về phía trước, phía sau thân mình, lên và xuống vài cm.
-
5Sờ hạch bạch huyết bẹn ở vùng háng. Di chuyển 3 ngón tay đầu tiên đến các nếp gấp nơi đùi tiếp giáp với xương chậu. Ấn các ngón tay vào các nếp gấp bằng lực ấn vừa phải và bạn sẽ sờ được các cơ, xương và mỡ bên dưới. Nếu bạn sờ được cục u rõ rệt tại vùng này, có thể đó là một hạch bạch huyết bị sưng.[4]
- Các hạch ở khu vực này thường nằm ngay bên dưới một dây chằng lớn, do đó chúng có thể khó sờ thấy nếu không bị sưng.
- Nhớ kiểm tra cả hai bên háng. Điều này cho phép bạn so sánh và xác định hạch bạch huyết ở một bên có sưng hay không.
-
6Xác định hạch bạch huyết bị sưng. Bạn có thấy khác biệt với cảm giác khi bạn ấn vào phần trên cánh tay không? Bạn sẽ sờ được xương và cơ bên dưới da, nhưng hạch bạch huyết sưng sẽ có cảm giác khác và hầu như không nằm đúng chỗ. Nếu bạn sờ được một cục u kèm cảm giác đau thì có thể đó là hạch bạch huyết đang sưng.[5]Quảng cáo
Đến bác sĩ để kiểm tra hạch bạch huyết
-
1Theo dõi các hạch bạch huyết sưng. Đôi khi hạch bạch huyết sưng là do phản ứng với một chất gây dị ứng hoặc với bệnh nhiễm trùng trong thời gian ngắn do vi khuẩn hoặc virus. Trong trường hợp này, các hạch bạch huyết thường trở lại bình thường trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu hạch bạch huyết vẫn sưng, cứng hoặc đau hơn một tuần, bạn cần phải đến bác sĩ để xác định nguyên nhân.[6]
- Ngay cả khi không có các dấu hiệu bệnh lý nào khác, bạn cũng nên đi khám nếu các hạch bạch huyết bị sưng lâu ngày không khỏi.
- Nếu bạn có các hạch bạch huyết cứng, không đau và không thay đổi với kích thước lớn hơn 2,5 cm, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
-
2Đi khám bệnh ngay nếu bạn có một số triệu chứng nhất định. Các hạch bạch huyết sưng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang chống chọi với một bệnh lý nghiêm trọng. Nếu hạch bạch huyết bị sưng kèm theo bất cứ triệu chứng nào sau đây, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ:[7]
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Sốt dai dẳng
- Khó nuốt hoặc khó thở
-
3Báo cho bác sĩ biết nếu có bất cứ triệu chứng nào khác xuất hiện. Mặc dù không phải tất cả các triệu chứng đều báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng bạn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách báo cho họ biết về tất cả các triệu chứng. Một số triệu chứng phổ biến thường xuất hiện đồng thời với hạch bạch huyết sưng bao gồm:[8]
- Chảy nước mũi
- Sốt
- Đau họng
- Nhiều hạch bạch huyết bị sưng cùng lúc ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể
-
4Đánh giá xem liệu hạch bạch huyết sưng có phải là do nhiễm trùng không. Nếu bạn đi khám, bác sĩ sẽ sờ hạch bạch huyết để xác định chắc chắn là các hạch này bị sưng. Sau đó, họ sẽ cần xác định các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể đã gây sưng hạch bằng cách lấy mẫu máu hoặc dịch của một bộ phận trên cơ thể (chẳng hạn như cổ họng) để xét nghiệm.[9]
- Thường thì bạn sẽ được xét nghiệm tìm các bệnh phổ biến gây sưng hạch bạch huyết, bao gồm các bệnh nhiễm siêu vi thông thường, chẳng hạn như viêm họng.
-
5Xét nghiệm chẩn đoán bệnh tự miễn. Bác sĩ thường sẽ đánh giá tình trạng chung của hệ miễn dịch. Họ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác nhau, bao gồm phân tích máu tổng quát để đánh giá hoạt động của hệ miễn dịch. Qua đó, bác sĩ sẽ xác định được liệu bạn có mắc một bệnh tự miễn nào đó có thể là nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết không, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc viêm khớp.
- Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ đánh giá chức năng của hệ miễn dịch, chẳng hạn như liệu bạn có bị thiếu máu không, có gì bất thường trong các hạch bạch huyết không.
-
6Xét nghiệm tầm soát ung thư. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sưng hạch bạch huyết có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư ở chính các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Các xét nghiệm sơ bộ trong chẩn đoán ung thư có thể bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp nhũ ảnh, siêu âm và chụp CT. Khi có nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết hạch bạch huyết để tìm các tế bào ung thư.[10]
- Sinh thiết hạch bạch huyết thường là thủ thuật ngoại trú, nhưng bác sĩ phải rạch hoặc đâm kim sâu vào cơ thể để lấy mẫu các tế bào hạch bạch huyết.
- Các xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định sẽ tùy thuộc vào các hạch bạch huyết đang kiểm tra và những yếu tố mà họ nghi ngờ đã gây ra vấn đề.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Sưng hạch bạch huyết là hiện tượng phổ biến và thường tự khỏi sau vài ngày.
Cảnh báo
- Hạch bạch huyết có thể bị kích ứng khi bị đụng vào quá nhiều, do đó bạn đừng ấn quá mạnh hoặc sờ quá thường xuyên; nếu không, có thể chính hành động của bạn lại khiến hạch bạch huyết bị sưng.
Tham khảo
- ↑ https://www.plymouthhospitals.nhs.uk/how-to-check-your-lymph-nodes
- ↑ https://www.plymouthhospitals.nhs.uk/how-to-check-your-lymph-nodes
- ↑ https://www.plymouthhospitals.nhs.uk/how-to-check-your-lymph-nodes
- ↑ https://www.plymouthhospitals.nhs.uk/how-to-check-your-lymph-nodes
- ↑ https://www.plymouthhospitals.nhs.uk/how-to-check-your-lymph-nodes
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/swollen-lymph-nodes/DS00880/DSECTION=symptoms
- ↑ http://www.mayoclinic.com/health/swollen-lymph-nodes/DS00880/DSECTION=symptoms
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/swollen-lymph-nodes/symptoms-causes/syc-20353902
- ↑ https://qap.sdsu.edu/resources/tools/pdf/ExaminationoftheLymphNodes.pdf