Bài viết này đã được cùng viết bởi Tu Anh Vu, DMD. Vu Tu Anh là nha sĩ được ủy ban chứng nhận, cô điều hành phòng nha khoa tư nhân tại Brooklyn, New York. Tu Anh giúp người lớn và trẻ em mọi lứa tuổi vượt qua nỗi sợ hãi liên quan đến chăm sóc răng. Bác sĩ Tu Anh đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị ung thư Kaposi Sarcoma và đã trình bày nghiên cứu của cô tại Hội nghị Hinman ở Memphis. Cô nhận bằng tốt nghiệp đại học của Đại học Bryn Mawr và bằng DMD của Trường Nha khoa thuộc Đại học Pennsylvania.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Nếu nguyên nhân khiến hàm răng của bạn có màu vàng là do thức ăn hoặc mảng bám thì bạn may mắn đấy. Bạn có thể khắc phục hàm răng bị ố vàng chỉ bằng cách chải răng và chăm sóc răng đúng cách. Tuy nhiên, nếu răng đã chuyển màu vàng thì nghĩa là lớp men răng trắng đã mòn đôi chút và để lộ ra phần ngà răng bên dưới. Đây là một hiện tượng bình thường khi chúng ta già đi. Như vậy không có nghĩa là bạn đã làm điều gì sai, nhưng cũng dễ hiểu thôi nếu bạn mong muốn có nụ cười đẹp với hàm răng trắng sáng. Mặc dù về mặt kỹ thuật thì chúng ta không thể hồi phục men răng khi nó đã mòn, nhưng bạn có thể bảo vệ lớp men răng còn lại và bổ sung khoáng chất để giúp hàm răng trắng đẹp hơn.
Các bước
Chăm sóc răng
-
1Đánh răng ít nhất 2 phút, mỗi ngày 2 lần. Đánh răng một lần vào buổi sáng khi thức dậy và một lần vào ban đêm trước khi ngủ. Dùng một lượng kem đánh răng nhỏ và chải nhẹ nhàng bằng chuyển động tròn hoặc chải dọc xuống. Bạn nên dành ra 2 phút cho mỗi lần đánh răng và tránh chải quá mạnh. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ men răng, đồng thời giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ và khoẻ mạnh.
- Chải vài lần trên lưỡi, hoặc dùng dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch lưỡi sau khi đánh răng xong.
- Bạn có thể dùng bàn chải đánh răng thông thường, nhưng bàn chải điện sẽ giúp bạn dễ dàng chải đúng kỹ thuật hơn. Tuy không giúp cho răng sạch hơn so với bàn chải thường, nhưng bàn chải điện không đòi hỏi bạn phải cố gắng đánh răng sao cho đúng cách.[1]
- Đánh răng nhiều hơn 2 lần mỗi ngày thực ra có thể làm mòn men răng. Hàm răng của bạn cũng không sạch hơn khi bạn đánh răng quá mạnh hoặc quá thường xuyên.
-
2Dùng kem đánh răng chứa fluor để duy trì sức khoẻ men răng. Không có sản phẩm thay thế nào tốt hơn kem đánh răng có flour. Flour có công dụng làm chắc khoẻ men răng một cách tự nhiên và giúp loại bỏ các vết ố, một điều thiết yếu nếu bạn muốn có nụ cười tươi với hàm răng trắng. Mặc dù một số nhà tự nhiên học lo ngại về ảnh hưởng của flour đối với cơ thể, nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy kem đánh răng chứa flour gây nguy hại khi sử dụng.
- Mặc dù về mặt kỹ thuật thì bạn không thể khôi phục men răng, nhưng flour có thể giúp men răng yếu trở nên chắc khoẻ, nhờ đó răng sẽ trắng hơn.
- Nếu bạn có răng nhạy cảm, hãy chọn kem đánh răng chứa flour chuyên dành cho răng nhạy cảm.
- Hương vị, kết cấu và loại kem đánh răng hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý thích cá nhân. Không có yếu tố nào trong đó ảnh hưởng đến khả năng làm sạch răng, miễn là kem đánh răng của bạn có chứa flour.
- Không có nhiều bằng chứng cho thấy các loại kem đánh răng “trắng sáng” đặc biệt công hiệu. Bạn có thể dùng nếu thích, nhưng đừng thất vọng nếu kết quả không tuyệt vời như mong đợi.[2]
-
3Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần để làm sạch kẽ răng. Kéo ra một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 30-45 cm. Quấn chỉ vòng quanh một chiếc răng và trượt nhẹ nhàng lên xuống trên răng. Thực hiện như vậy trong 20-30 giây và lặp lại quy trình này với từng chiếc răng. Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày ít nhất 1 lần để ngăn ngừa thức ăn và mảng bám tích tụ trong các kẽ răng, vì vụn thức ăn và mảng bám có thể làm mòn men răng.
- Nhiều người cho rằng việc dùng chỉ nha khoa là tuỳ ý thích, nhưng thực ra không phải. Sử dụng chỉ nha khoa là điều cần thiết để bảo vệ răng và giúp răng trắng sáng!
- Nếu nướu răng của bạn bị chảy máu khi dùng chỉ nha khoa, có lẽ là nướu đã bị viêm. Về căn bản, đây là một dạng bệnh về nướu, nhưng bệnh có thể tự khỏi nếu bạn dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên. Nếu vẫn tiếp tục bị chảy máu nướu mỗi lần dùng chỉ nha khoa, bạn hãy liên lạc với nha sĩ và đến phòng khám nha khoa để được kiểm tra nướu.
-
4Súc miệng bằng nước súc miệng trước và sau khi đánh răng. Dùng nước súc miệng hai lần mỗi khi đánh răng. Dùng một nắp nước súc miệng để súc miệng trước khi đánh răng để các vụn thức ăn trong miệng bong ra. Súc miệng lần nữa sau khi đánh răng để rửa sạch kem đánh răng và giúp cho hơi thở thơm mát.[3]
- Có hai loại nước súc miệng: loại thẩm mỹ và loại trị liệu. Nước súc miệng thẩm mỹ có chứa ô xy già để giúp làm trắng răng, tuy không có nhiều bằng chứng về tính hiệu quả của nó. Nước súc miệng trị liệu được điều chế để khắc phục hơi thở hôi. Cả hai loại này đều tốt.
- Nước súc miệng sẽ giúp răng khoẻ mạnh và sạch sẽ, nhưng nó không thể thay thế cho việc đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
- Nước súc miệng sẽ có ích nếu bạn thường bị khô miệng trong ngày.
Quảng cáo
Làm trắng răng
-
1Mua miếng dán trắng răng để làm trắng răng tại nhà. Tuy rằng không thể giúp bạn giải quyết vấn đề chỉ sau một đêm, nhưng sản phẩm miếng dán trắng răng sẽ giúp loại bỏ các vết ố vàng. Bạn có thể chọn miếng dán trắng răng có màu trắng hơn màu răng của bạn 1-2 cấp độ để sử dụng mà không phải đến nha sĩ. Lưu ý rằng, bạn không nên dùng miếng dán trắng răng với răng đã phục hồi nha khoa, vì miếng dán có thể làm hư hại vật liệu phục hồi.
- Miếng dán trắng răng không có tác dụng với răng đã phục hồi, do đó các răng chụp mão hoặc răng cấy ghép còn nổi bật hơn sau khi bạn dùng miếng dán trắng răng.
- Các chuyên gia nha khoa dường như đã nhất trí về miếng dán trắng răng; họ thường khuyến nghị sử dụng miếng dán trắng răng Crest như một lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất.
-
2Dán miếng dán trắng răng trong 5-45 phút. Đánh răng trước khi sử dụng miếng dán trắng răng. Bóc mặt dính của miếng dán đầu tiên và đặt thẳng hàng với đường nướu răng. Ấn miếng dán vào hàm răng và quấn phần dưới vào mặt sau của răng. Thực hiện thao tác trên khi dán miếng dán thứ hai vào hàm răng dưới. Tuân theo hướng dẫn trên vỏ hộp sản phẩm về thời gian lưu miếng dán trên răng.[4]
- Tuỳ vào loại và nhãn hiệu của sản phẩm, có thể bạn cần lưu miếng dán trên răng từ 5 đến 45 phút.
- Một số nhãn hiệu miếng dán trắng răng phải dán lại mỗi ngày cho đến 1 tuần.
-
3Tránh sử dụng một số liệu pháp tự làm trắng răng tại nhà với các nguyên liệu gia dụng. Khi tìm kiếm cách làm trắng răng, có thể bạn sẽ gặp một số phương pháp dùng muối nở, ô xy già, nước cốt chanh, nghệ, hoặc dầu dừa. Mặc dù một số liệu pháp có thể giúp cho răng trắng hơn, nhưng chúng có thể làm tổn thương nướu hoặc làm mòn men răng. Bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ trước khi áp dụng các mẹo này.[5]
- Bất cứ phương pháp nào có sử dụng hoa quả họ cam chanh đều có thể làm mòn men răng tự nhiên, lâu ngày có thể khiến răng yếu đi. Dâu tây cũng là một phương pháp làm trắng răng phổ biến nhưng không thực sự có tác dụng.[6]
- Ô xy già có thể gây kích ứng nướu và làm tổn thương chân răng. Các nha sĩ thực ra có dùng ô xy già trong thuốc làm trắng răng, nhưng thuốc có công thức và nồng độ rất đặc biệt mà bạn không pha chế được ở nhà.
- Nghệ có lẽ không gây hại gì, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của nó trong việc làm trắng răng.
- Không có bằng chứng chứng minh dầu dừa có tác dụng làm trắng răng.[7]
Quảng cáo
Giữ cho răng không bị ố vàng
-
1Uống mọi thứ bằng ống hút để bảo vệ men răng tự nhiên. Phải, bạn nên dùng ống hút ngay cả khi uống cà phê hoặc trà nóng! Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thực ra đây là cách rất hữu ích để bảo vệ và giữ sạch răng. Khi bạn sử dụng ống hút, răng của bạn sẽ không bị thức uống bao bọc, và điều này giúp bảo vệ men răng.
- Nước là một ngoại lệ. Nước vốn có chứa một lượng nhỏ flour tốt cho răng.
-
2Hạn chế cà phê, rượu vang đỏ và hoa quả họ cam chanh để ngăn ngừa vết ố. Bất cứ thứ gì làm ố thảm cũng đều có thể làm ố răng, vì vậy bạn nên cố gắng giảm uống cà phê và rượu vang đỏ. Bất cứ thứ gì có hàm lượng cao nước cốt cam chanh cũng ăn mòn men răng nếu bạn dùng quá nhiều. Hãy chuyển sang uống nước đá thay vì nước chanh nếu lần sau bạn muốn giải nhiệt vào ngày hè nóng bức.[8]
- Bạn có thể pha loãng cà phê với kem hoặc sữa để giảm nguy cơ làm ố răng. Uống rượu vang hồng hoặc vang trắng thay cho vang đỏ cũng vì lý do tương tự.
- Nước tương, cà ri và sốt cà chua cũng khiến răng bị ố vàng. Bạn có thể ăn trong mức độ vừa phải, nhưng nhớ súc miệng sau khi ăn bất cứ món gì có các nguyên liệu trên.[9]
-
3Nhai kẹo cao su không đường 20 phút sau mỗi bữa ăn. Kẹo cao su không đường kích thích tiết nước bọt, giúp rửa trôi các vụn thức ăn kẹt trong răng. Sau khi ăn được 20 phút, các vụn thức ăn thường vẫn kẹt trong răng. Bạn nên nhai kẹo cao su không đường trong vài phút để làm sạch miệng và bảo vệ răng khỏi bị hư hại vì vụn thức ăn còn lại trong miệng.[10]
- Nếu bạn dùng kẹo cao su có đường, chất đường có thể ăn mòn men răng và càng làm lộ ra lớp ngà răng màu vàng bên dưới.
-
4Ngừng hút thuốc nếu bạn có thói quen hút thuốc lá. Thuốc lá dần dần sẽ làm ố răng và khiến răng ngả vàng hoặc nâu nếu bạn dùng lâu ngày. Thói quen hút thuốc còn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư phổi và miệng, do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách cai thuốc lá nếu bạn thường xuyên hút thuốc.[11]
- Có nhiều loại thuốc kê toa, miếng dán nicotine, kẹo cao su nicotine và các lựa chọn khác. Cai thuốc là quá trình khó khăn, nhưng nó rất xứng đáng nếu bạn muốn tìm lại nụ cười rạng rỡ!
Quảng cáo
Đi khám nha khoa
-
1Đến phòng khám nha khoa 6 tháng một lần để làm sạch răng định kỳ. Duy trì lịch khám răng và đến gặp nha sĩ ít nhất mỗi năm 2 lần để làm sạch răng và kiểm tra răng. Không gì có thể thay thế được quy trình làm sạch răng chuyên nghiệp. Hơn nữa, nha sĩ có thể sớm phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.
- Trong quá trình làm sạch răng, nha sĩ hoặc chuyên viên vệ sinh nha khoa sẽ loai bỏ các máng bám, cao răng và các vụn thức ăn. Sau đó, họ sẽ đánh bóng răng và tẩy các vết ố. Quá trình làm sạch răng không gây đau và không có cách nào tốt hơn để thay thế, vì vậy đừng bỏ qua liệu trình vệ sinh răng miệng!
-
2Hỏi nha sĩ về các phương pháp làm trắng răng. Lần sau, khi đến phòng khám nha khoa để làm sạch răng, bạn hãy hỏi nha sĩ về phương pháp làm trắng răng. Tuỳ vào tình trạng răng của bạn, nha sĩ có thể dùng hỗn hợp ô xy già và các chất làm trắng khác để tẩy các vết ố sâu và giúp hàm răng của bạn trắng sáng hơn. Họ cũng có thể cung cấp máng nha khoa đặt làm khớp với hàm răng của bạn và kê toa gel làm trắng răng để bạn ngậm tại nhà. Sau vài lần trị liệu, răng của bạn có thể trắng thêm vài cấp độ.[12]
- Phương pháp tẩy trắng răng chuyên nghiệp luôn luôn hiệu quả hơn miếng dán trắng răng sử dụng tại nhà, vì nha sĩ có thể theo dõi và điều chỉnh liệu trình cho phù hợp với răng của bạn.
- Đáng tiếc là bảo hiểm nha khoa hiếm khi thanh toán chi phí làm trắng răng, vì đây là liệu trình vì mục đích thẩm mỹ.
-
3Mua máng bảo vệ răng nếu bạn có tật nghiến răng ban đêm. Nếu men răng bị mòn do bạn hay nghiến răng ban đêm, hãy hỏi bác sĩ về máng bảo vệ răng. Họ sẽ lấy dấu khuôn răng của bạn và làm máng răng để bạn đeo vào trước khi ngủ nhằm bảo vệ răng.[13]
- Ban đầu bạn có thể cảm thấy hơi lạ khi đeo máng răng đi ngủ, nhưng hãy cứ kiên nhẫn! Bạn sẽ quen dần sau vài đêm.
-
4Hẹn gặp nha sĩ để gắn sứ veneer nếu bạn chọn giải pháp làm trắng răng vĩnh viễn. Hỏi nha sĩ xem giải pháp gắn sứ veneer có thích hợp với bạn không. Đây là cách hiệu quả nhất để khắc phục hàm răng ố vàng và lấy lại nụ cười rạng rỡ nhưng khá tốn kém. Để dán sứ veneer, nha sĩ sẽ lấy dấu khuôn răng của bạn và dựa theo đó để làm lớp sứ dán ở mặt ngoài răng. Sau đó, họ sẽ gắn sứ veneer vào lớp men răng của bạn để phủ một lớp sứ trắng bóng vĩnh viễn bên ngoài.[14]
- Chí phí gắn veneer từ 6 triệu – 12 triệu đồng/răng, tuỳ vào vào loại vật liệu cụ thể và mức độ công việc của nha sĩ.[15]
Quảng cáo
Lời khuyên
- Ngoại trừ miếng dán trắng răng, các sản phẩm làm trắng răng khác không được quản lý chặt chẽ. Nếu bạn nhìn thấy trong hiệu thuốc có bán thứ gì đó hứa hẹn là sẽ giúp làm trắng răng thì đừng vội tin là nó có tác dụng.[16]
Tham khảo
- ↑ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8624230/
- ↑ https://www.urmc.rochester.edu/news/publications/health-matters/diy-teeth-whitening-too-good-to-be-true
- ↑ https://now.tufts.edu/articles/should-i-use-mouthwash
- ↑ https://crest.com/en-us/oral-health/why-crest/whitestrips/crest-whitestrips-instructions-safe-easy-teeth-whitening
- ↑ https://www.urmc.rochester.edu/news/publications/health-matters/diy-teeth-whitening-too-good-to-be-true
- ↑ https://now.uiowa.edu/2014/10/want-whiter-teeth-fruit-mixture-not-answer
- ↑ https://www.nature.com/articles/bdjteam201849
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/the-aging-mouth-and-how-to-keep-it-younger
- ↑ https://now.tufts.edu/articles/what-causes-discolored-teeth-and-there-any-way-cure-or-prevent-staining
- ↑ https://now.tufts.edu/articles/what-causes-discolored-teeth-and-there-any-way-cure-or-prevent-staining
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/the-aging-mouth-and-how-to-keep-it-younger
- ↑ http://www.bu.edu/articles/2012/the-truth-about-teeth-whiteners/
- ↑ https://now.tufts.edu/articles/what-causes-discolored-teeth-and-there-any-way-cure-or-prevent-staining
- ↑ https://www.uthscsa.edu/patient-care/dental/services/veneers
- ↑ https://www.townandcountrymag.com/style/beauty-products/a26521951/what-are-veneers/
- ↑ http://www.bu.edu/articles/2012/the-truth-about-teeth-whiteners/