Bài viết này có đồng tác giả là Zora Degrandpre, ND, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 12 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 90.548 lần.
Cảm giác đau và ngứa ở cuống họng khi bị đau họng có thể khiến bạn khó nuốt và nói chuyện. Có nhiều nguyên nhân gây đau họng, trong đó bao gồm mất nước, dị ứng và căng cơ. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng là nhiễm vi khuẩn và virus, chẳng hạn như bệnh cảm hoặc viêm họng liên cầu khuẩn.[1] Đau họng thường tự khỏi trong vòng vài ngày, nhưng bạn có thể thực hiện một số bước để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Hãy đến bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn dai dẳng, nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng, nếu bạn khó thở hoăc khó nuốt.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:Chăm sóc cổ họng đau tại nhà
-
1Sử dụng máy tạo ẩm. Không khí khô sẽ khiến cổ họng càng đau nặng hơn mỗi lần bạn hít thở. Để giữ ẩm và làm dịu họng, bạn hãy cố gắng tăng độ ẩm trong không khí. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sống trong môi trường khô.[2]
- Làm vệ sinh máy tạo ẩm hàng tuần để ngăn ngừa vi khuẩn hoặc nấm mốc sinh sôi.
- Nếu cổ họng ngứa ngáy khó chịu, bạn hãy thử tắm vòi sen nước nóng và ở trong phòng tắm hơi nước một lúc.
-
2Súc miệng nước muối. Pha 1 thìa cà phê muối ăn hoặc muối biển với 240 ml nước ấm và khuấy tan. Súc miệng nước muối khoảng 30 giây và nhổ đi. Mỗi tiếng súc một lần.[3] Muối giúp giảm sưng bằng cách rút nước ra khỏi các mô sưng.
-
3Ăn thức ăn mềm không gây kích ứng họng. Chọn các thức ăn như sốt táo, cơm, trứng bác, mì nấu mềm, yến mạch, sinh tố và đậu nấu nhừ. Các thức ăn và đồ uống lạnh như kem đá và sữa chua đông lạnh cũng có thể giúp làm dịu cổ họng.[4]
- Tránh các thức ăn nhiều gia vị như cánh gà, pizza pepperoni hoặc bất cứ thứ gì có hạt tiêu, cà ri hoặc tỏi.
- Tránh các thức ăn cứng hoặc dính có thể gây khó nuốt, chẳng hạn như bơ lạc, bánh mì khô, bánh mì nướng hoặc bánh quy giòn, rau sống hoặc hoa quả và bánh ngũ cốc khô.
-
4Nhai kỹ thức ăn. Dùng dao dĩa cắt thức ăn thành các mẩu nhỏ trước khi cho vào miệng. Nhờ nhai kỹ thức ăn cho nát trước khi nuốt. Động tác nhai và nước bọt tiết ra làm ẩm thức ăn sẽ giúp bạn nuốt xuống dễ dàng hơn.[5]
- Bạn cũng có thể dùng máy xay thực phẩm để xay thức ăn cho dễ nuốt..[6]
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:Cung cấp nước cho cơ thể
-
1Uống nhiều nước. Uống nước để ngăn ngừa mất nước và giúp làm ẩm họng, giảm cảm giác khó chịu. Hầu hết mọi người thích uống nước nguội khi bị đau họng. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy uống nước nóng hoặc nước lạnh dễ chịu hơn thì cứ uống.[7]
- Thử cho thêm 1 thìa cà phê mật ong vào nước. Mật ong có tính kháng khuẩn và có thể giúp làm dịu và bao phủ cổ họng.[8]
-
2Ăn nhiều súp và nước hầm thịt. Bí quyết xa xưa về việc chữa cảm bằng nước súp gà là có thật! Chất lỏng này có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang, đồng thời xoa dịu cổ họng, giảm ho và cung cấp nước cho cơ thể.[9]
-
3Thưởng thức trà thảo mộc. Trà thảo mộc có chứa cam thảo, cây xô thơm, gừng, cỏ xạ hương, kinh giới cay (oregano), rễ thục quỳ (marshmallow root) có thể làm dịu cổ họng và giúp bạn thư giãn. Chúng còn giúp đẩy lùi vi khuẩn nhờ có đặc tính kháng khuẩn.[10] Hãy bắt đầu bằng một cốc trà yêu thích của bạn và thêm vào đó 1 thìa cà phê (5 g) trà thảo mộc có tác dụng làm dịu. Uống mỗi ngày 3-5 cốc để có kết quả tốt nhất.
- Cho thêm một ít mật ong hoặc chanh để tăng hương vị cho trà.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:Biết khi nào cần được chăm sóc y tế
-
1Đi cấp cứu ngay nếu bị khó thở, khó nuốt hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng cấp cứu cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp. Bạn hãy gọi cho bác sĩ để hẹn đến khám ngay trong ngày hoặc đến phòng cấp cứu để được điều trị. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm:[11]
- Đau họng kéo dài hơn một tuần hoặc có vẻ nghiêm trọng
- Khó nuốt
- Khó thở
- Khó mở miệng
- Đau khớp hàm
- Đau khớp, đặc biệt là các cơn đau mới xuất hiện
- Đau tai
- Phát ban
- Sốt cao hơn 38,3 độ C
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm
- Thường xuyên bị đau họng
- Nổi cục hoặc khối u trong cổ
- Khản giọng kéo dài hơn 2 tuần
-
2Đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng không đỡ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng. Thông thường, đau họng bắt đầu thuyên giảm trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bạn có thể bị đau họng do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Nếu là trường hợp nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để giúp bạn hồi phục. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau:[12]
- Sốt
- Lạnh
- Ho
- Chảy nước mũi
- Hắt xì
- Đau nhức người
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn
-
3Đi khám bệnh tại phòng khám của bác sĩ. Bác sĩ sẽ nhìn vào họng, sờ cổ để kiểm tra xem có sưng hạch không, nghe hơi thở và hỏi bạn về các triệu chứng. Tiếp theo, bác sĩ có thể lấy mẫu ở cổ họng để xét nghiệm xem nguyên nhân là do vi khuẩn hay virus. Mặc dù việc lấy mẫu xét nghiệm không gây đau nhưng có thể gây khó chịu nếu nó kích thích phản xạ hầu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp nhất.[13]
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm CBC (xét nghiệm công thức máu toàn bộ) để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, hoặc có thể xét nghiệm dị ứng.
-
4Uống thuốc kháng sinh để trị nhiễm khuẩn theo hướng dẫn. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh nếu trường hợp của bạn là do nhiễm vi khuẩn. Thuốc sẽ giúp hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng, và bạn sẽ khá lên nhanh hơn. Nhớ uống hết liệu trình thuốc do bác sĩ kê toa, ngay cả khi bạn đã bắt đầu cảm thấy khoẻ hơn. Nếu không, các triệu chứng bệnh có thể sẽ quay lại.[14]
-
5Uống thuốc giảm đau không kê toa để giảm khó chịu do nhiễm virus. Đáng tiếc là không có thuốc chống virus. Tuy nhiên, bạn có thể uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc acetaminophen (Tylenol) để giúp giảm đau hoặc các triệu chứng khó chịu. Luôn sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, và nên hỏi bác sĩ trước.[15]
- Thuốc NSAID không kê toa bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve).
- Không bao giờ được cho trẻ em dưới 16 tuổi uống aspirin do có nguy cơ mắc hội chứng Reye.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Phần lớn mọi người cảm thấy đỡ khi uống chất lỏng nóng, nhưng mỗi người một khác. Nếu bạn cảm thấy uống trà ấm hoặc lạnh dễ chịu hơn thì cứ uống. Các thức uống ướp lạnh cũng hữu ích, đặc biệt khi bạn bị sốt.
Cảnh báo
- Không cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng mật ong. Mặc dù hiếm, nhưng trẻ sơ sinh có thể mắc chứng ngộ độc thịt do mật ong, vì đôi khi trong mật ong có các bào tử vi khuẩn, và trẻ sơ sinh chưa có hệ miễn dịch phát triển.
Tham khảo
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/causes/con-20027360
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/diagnosis-treatment/drc-20351640
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/treatment/con-20027360
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/diagnosis-treatment/drc-20350344
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003116.htm
- ↑ http://www.drugs.com/cg/soft-diet.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/diagnosis-treatment/drc-20351640
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3609166/
- ↑ https://health.clevelandclinic.org/sore-throat-remedies-that-actually-work/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31450579
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/symptoms-causes/syc-20351635
- ↑ https://www.cdc.gov/antibiotic-use/community/for-patients/common-illnesses/sore-throat.html
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/diagnosis-treatment/drc-20351640
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/consumer-health/in-depth/antibiotics/art-20045720?pg=2
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/diagnosis-treatment/drc-20351640