Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Đôi môi khô và nứt nẻ trông không hấp dẫn chút nào, đó là chưa kể còn đau nữa. Thật may, việc giữ cho làn môi khỏe mạnh và ẩm mượt chỉ đơn giản là biết những sản phẩm nào nên dùng và từ bỏ một số thói quen xấu. Uống nhiều nước hơn, thoa kem và son dưỡng ẩm, thỉnh thoảng tẩy tế bào chết là các bước hiệu quả để bạn giữ được đôi môi chúm chím căng mọng. Ngoài ra, bạn hãy hạn chế tiếp xúc với môi trường khô và tránh liếm môi để khỏi mất độ ẩm trên môi quá nhanh.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Giữ nước cho môi bằng phương pháp tự nhiên

  1. 1
    Uống nhiều nước hơn. Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa môi khô và thương tổn là đảm bảo cơ thể có đủ nước từ trong ra ngoài. Bạn nên cố gắng uống ít nhất 2 lít nước (khoảng 8 cốc) mỗi ngày. Thêm vào đó, việc nạp nhiều nước còn giúp cho đôi môi của bạn có vẻ căng mọng hơn.[1]
    • Đem theo mình một chai nước hoặc bình giữ nhiệt để có nước uống trong suốt ngày dài.
    • Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ tốt cho môi mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể.[2]
    • Cà phê và trà đã tách caffeine, nước quả ép và các thức uống khác cũng có thể giúp bạn đạt được chỉ tiêu uống nước hàng ngày. Tránh các thức uống có chứa caffeine và có hàm lượng natri cao, vì các chất này sẽ làm khô môi.
  2. 2
    Dùng máy tạo ẩm. Máy tạo ẩm tỏa hơi ẩm ra môi trường xung quanh, và điều này là một lợi ích lớn nếu bạn sống trong vùng có không khí khô cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Bạn chỉ việc bật máy lên và để máy chạy vài tiếng mỗi ngày, rồi chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy làn môi của mình được cải thiện.[3]
    • Máy tạo ẩm có giá khoảng 1 triệu đến 1,6 triệu, nhưng lợi ích của nó thì rất xứng đáng.
  3. 3
    Thoa dầu hạnh nhân, dầu dừa hoặc bơ hạt mỡ hoàn toàn tự nhiên. Quệt một chút dầu lên đầu ngón tay và thoa trực tiếp lên môi. Các loại dầu béo là chất dưỡng môi tự nhiên tuyệt vời, vì chúng có tác dụng giữ ẩm, làm mềm và đem lại vẻ láng mướt khỏe mạnh cho làn môi. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên thoa một chút dầu lên môi mỗi ngày 2-3 lần.[4]
    • Dầu hạnh nhân rất ít gây dị ứng, tức là có thể sử dụng cho mọi loại da một cách an toàn từ đầu đến chân.[5]
    • Hàm lượng cao vitamin A và E với đặc tính chống lão hóa trong các loại dầu hữu cơ sẽ giúp cho đôi môi của bạn trông trẻ hơn khi được sử dụng liên tục. Nếu muốn dùng sản phẩm đậm đặc hơn, bạn có thể thử thoa dầu vitamin E tinh khiết.[6]
  4. 4
    Đắp dưa chuột để lấy lại độ ẩm cần thiết. Cắt dưa chuột thành từng lát mỏng, nằm xuống và đắp các lát dưa chuột lên cả hai môi, hoặc dùng dưa chuột chấm lên môi. Chỉ mất vài phút để làn môi hấp thụ nước dưa chuột có tác dụng cung cấp nước và dưỡng chất, mà hiệu quả thì kéo dài cả ngày.[7]
    • Bạn có thể dùng thêm dưa chuột để chăm sóc da hàng đêm.
    • Phương pháp đắp hoa quả cũng có thể giúp làm dịu sự khó chịu khi môi bị nứt nẻ hoặc cháy nắng.[8]
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Dùng các sản phẩm bảo vệ

  1. 1
    Tìm loại son dưỡng môi chống khô. Bạn nên tìm các sản phẩm được điều chế với các phụ gia có tác dụng nuôi dưỡng như bơ hạt mỡ, vitamin E, dầu dừa và dầu jojoba. Các nguyên liệu này tăng cường lớp bảo vệ tự nhiên trên da môi để ngăn chặn các chất làm khô môi từ bên ngoài và ngăn ngừa mất nước.[9]
    • Son dưỡng môi cấp nước chất lượng tốt cũng sẽ giúp cho làn môi của bạn mềm hơn, mượt hơn và bớt nhạy cảm hơn với gió và thời tiết lạnh.
    • Không nên dùng các loại son môi chứa tinh dầu long não hoặc bạc hà, những sản phẩm này chỉ khiến môi khô thêm và có thể gây cảm giác nhói nếu môi bị kích ứng.[10]
  2. 2
    Chọn một loại kem tẩy da chết trên môi. Sản phẩm tẩy da chết sẽ giúp loại bỏ lớp da chết bong tróc trên môi, chỉ để lại các mô khỏe mạnh. Bạn nên tập thói quen tẩy da chết trên môi cách vài ngày một lần hoặc khi cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng vào cuối năm, khi thời tiết lạnh “tàn phá” làn môi của bạn.[11]
    • Hầu hết các cửa hàng bán mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da đều có bán kem tẩy da chết cho môi.
    • Bạn cũng có thể tự làm kem tẩy da chết với các nguyên liệu như muối biển, đường nâu, mật ong và dầu ô liu hoặc dầu dừa.[12]
  3. 3
    Chú ý sử dụng chất chống nắng cho môi. Có thể bạn không nhận ra điều này, nhưng môi cũng dễ bị tổn thương do cháy nắng như tất cả các bộ phận khác trên cơ thể. May mắn là trên thị trường hiện nay có nhiều loại son và son dưỡng môi bao gồm cả thành phần chống nắng. Bạn nhớ dùng sản phẩm này trước khi ra bãi biển hoặc dạo chơi vào buổi chiều.[13]
    • Cách vài tiếng thoa lại son chống nắng một lần như hướng dẫn. Bạn nên tìm đọc nhãn hướng dẫn đầy đủ trên sản phẩm.
    • Các loại son chống nắng thường có chỉ số chống nắng SPF 15.
  4. 4
    Dùng các sản phẩm cấp nước sau khi thoa son lì. Để giữ được màu son lâu phai, son lì phải làm khô bề mặt môi để bám vào. Nếu muốn đôi môi không bị biến thành “sa mạc”, tốt nhất là bạn nên dùng các loại son cấp nước mỗi khi có thể, hoặc dùng luân phiên giữa hai loại son để lấy lại độ ẩm đã mất giữa những lần tô son.[14]
    • Bơ hạt mỡ, vitamin E, dầu dừa và dầu jojoba là một vài trong các nguyên liệu tốt nhất để chăm sóc môi bị mất nước do dùng son lì.
    • Nếu không thể bước ra đường với đôi môi không tô son lì, bạn nên thoa một lớp mỏng kem dưỡng ẩm lên môi trước khi tô son để tạo một lớp “đệm” bảo vệ.[15]
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Tránh các thói quen xấu

  1. 1
    Bỏ thói quen liếm môi. Dùng đầu lưỡi để làm ướt môi có thể đem lại sự khác biệt trong thời gian ngắn, nhưng điều này thực sự là lợi bất cập hại. Dần dần, các enzyme tiêu hóa trong nước bọt sẽ ăn mòn lớp bảo vệ trên làn da môi nhạy cảm.[16]
    • Luôn để sẵn một cây son cấp nước trong tầm tay. Bạn sẽ ít muốn liếm môi hơn nếu vừa thoa một lớp son mới.[17]
    • Nên dùng son không có hương vị, vì các hương vị trong son có thể khiến bạn muốn liếm môi.
  2. 2
    Cẩn thận với các loại thức ăn cay hoặc chua. Lượng a-xít trong đĩa cánh gà cay hoặc ly nước cam đủ để có tác động lên môi gần như tức thì. Nếu bạn ăn nhiều, các gia vị chua cay có thể khiến cho đôi môi của bạn đau và nứt nẻ. Thức ăn nhiều dầu mỡ là thủ phạm lớn nhất, vì những vết dầu mỡ để lại có thể khó lau sạch.[18]
    • Khi có thể, bạn nên dùng các vật dụng ăn uống như ống hút hoặc dĩa; ăn cẩn thận để đảm bảo càng ít thức ăn dính xung quanh miệng càng tốt.[19]
    • Các sản phẩm dưỡng môi làm từ các nguyên liệu tự nhiên như bơ hạt mỡ và lô hội có thể giúp xoa dịu môi bị kích ứng.
  3. 3
    Thở bằng mũi. Bạn nên cố gắng hít vào và thở ra qua mũi thay vì qua miệng, nếu như trước đây bạn không làm đúng như vậy. Chuyển động của không khí xung quanh môi có thể làm khô môi rất nhanh. Son cũng ít bị lem hơn nếu bạn luôn ngậm miệng thay vì cứ liên tục mở ra ngậm vào.[20]
    • Nếu không thể không thở hổn hển qua miệng khi tập thể dục thể thao, bạn hãy mở miệng rộng hơn một chút để môi khỏi chúm lại khi thổi không khí.
    • Thở bằng miệng là thói quen cần tránh, vì kèm theo đó là hàng loại các hậu quả xấu, bao gồm tình trạng khô miệng, nghiến răng và chảy nước dãi trên gối khi ngủ. Eo ôi khiếp![21]
    • Nếu bạn không thể ngừng thở qua miệng, hãy hẹn bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám. Có thể bạn bị vẹo vách ngăn.
  4. 4
    Che kín môi khi trời lạnh. Thời tiết mùa đông có tiếng là hà khắc với làn môi. Nếu buộc phải đương đầu với thời tiết ngoài trời, bạn cần quấn khăn hoặc mặc áo khoác cao cổ để che kín nửa dưới khuôn mặt. Như vậy không những bạn bảo vệ được đôi môi mà còn cảm thấy ấm áp và dễ chịu.[22]
    • Che kín cơ thể là điều đặc biệt quan trọng khi bạn đi bộ trong những cơn gió lạnh buốt hoặc phải ở ngoài trời trong thời gian dài.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Bạn cứ thoải mái thoa son dưỡng ẩm theo nhu cầu. Điều then chốt trong việc giữ làn môi ẩm mượt là dùng biện pháp phòng ngừa.
  • Để son dưỡng ẩm môi ở nhiều nơi, như trên tủ đầu giường, trong ví, ngăn tủ hoặc ngăn đựng găng tay trên ô tô để bạn có thể dùng bất cứ lúc nào.
  • Nếu môi của bạn bị nứt nẻ nghiêm trọng, có thể bạn cần chuyển sang dùng các sản phẩm có thành phần ceramides. Các phân tử sáp này có thể tăng cường cho lớp bảo vệ tự nhiên của môi.

Cảnh báo

  • Môi khô nẻ mãn tính có thể là do phản ứng dị ứng với các hóa chất trong kem đánh răng, kẹo cao su (kẹo cao su vị quế có thể gây bỏng rát miệng), nước hoa, mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh khác. Nếu đã thử mọi phương pháp trên đây mà không thấy có hiệu quả, có lẽ bạn nên đến bác sĩ da liễu.

Về bài wikiHow này

Margareth Pierre-Louis, MD
Cùng viết bởi:
Bác sĩ da liễu
Bài viết này đã được cùng viết bởi Margareth Pierre-Louis, MD. Margareth Pierre-Louis là bác sĩ da liễu, chuyên gia bệnh học về da và người sáng lập của Twin Cities Dermatology Center và Equation Skin Care tại Minneapolis, Minnesota. Twin Cities Dermatology Center là phòng khám da liễu điều trị cho bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi thông qua phương pháp da liễu lâm sàng, da liễu thẩm mỹ và y tế từ xa. Equation Skin Care được thành lập để cung cấp các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên, dựa trên bằng chứng xác thực. Pierre-Louis có bằng cử nhân sinh học và bằng MBA của Đại học Duke, bằng bác sĩ y khoa của Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú về da liễu tại Đại học Minnesota và hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ về bệnh học da tại Đại học Washington ở St Louis. Pierre-Louis được Ủy ban Da liễu và Bệnh học Hoa Kỳ chứng nhận là chuyên gia điều trị bệnh da liễu, phẫu thuật da và bệnh học da. Bài viết này đã được xem 2.884 lần.
Trang này đã được đọc 2.884 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo