Bài viết này đã được cùng viết bởi Sarah Gehrke, RN, MS. Sarah Gehrke là Y tá và Chuyên gia trị liệu xoa bóp được cấp phép ở Texas. Sarah có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy và thực hành liệu pháp phẫu thuật tiêm ven và tĩnh mạch (IV) bằng cách sử dụng hỗ trợ vật lý, tâm lý và tình cảm. Cô đã nhận được Giấy phép Trị liệu Xoa bóp từ Viện Trị liệu Xoa bóp Amarillo vào năm 2008 và bằng ThS. ngành Điều dưỡng của Đại học Phoenix năm 2013.
Có 20 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Có làn da dầu nhiều khi thật là phiền. Đôi khi bạn cảm thấy như không có giải pháp nào để cải thiện. Da tiết nhiều dầu là do các tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều chất nhờn. Mặc dù da dầu có nguyên nhân từ gien di truyền, hoóc môn và các yếu tố khác, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát tình trạng này. Hãy trao đổi với bác sĩ da liễu về thuốc giúp giảm tiết bã nhờn, tạo thói quen vệ sinh tốt và thử áp dụng một số liệu pháp tự nhiên.
Các bước
Giảm tiết bã nhờn bằng các biện pháp y tế
-
1Xin toa thuốc retinoid. Nếu bạn đang khổ sở với làn da dầu và mụn trứng cá, hãy nói chuyện với bác sĩ da liễu về thuốc retinoid. Đây là một trong các loại thuốc thông dụng nhất được kê toa để trị mụn trứng cá và giảm tiết dầu.[1] Bạn có thể sử dụng thuốc retinoid đường uống như Accutane, hoặc bôi ngoài da như tretinoin, adapalene (hiện có bán không cần toa), tazarotene và isotretinoin. Thuốc retinoid dùng đường uống thường hiệu quả hơn thuốc bôi ngoài da.[2] Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ kê toa thuốc retinoid bôi ngoài da trước khi thử kê toa thuốc uống để hạn chế các tác dụng phụ.[3]
- Bạn có thể gặp phải các phản ứng phụ như da khô hoặc da nhạy cảm. Ngoài ra, một số thuốc như Accutane có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.[4]
-
2Hỏi bác sĩ về thuốc ức chế thụ thể androgen. Tình trạng tăng tiết dầu có thể do hoóc môn androgen tăng cao. Nếu đây là nguyên nhân khiến da tiết nhiều dầu, bác sẽ có thể kê toa thuốc ức chế thụ thể androgen, chẳng hạn như spironolactone và cyproterone. Các thuốc này có thể giúp cơ thể giảm sản xuất bã nhờn. Thuốc có dạng uống và bôi ngoài da.[5]
-
3Hỏi bác sĩ về thuốc tránh thai có chứa estrogen.[6] Nếu là phụ nữ, bạn có thể thử uống thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai có thể giúp giảm tiết dầu nhờn ở một số phụ nữ, nhưng nó cũng có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn ở một số phụ nữ khác. Hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định xem biện pháp này có phù hợp với bạn không.[7]
- Thuốc tránh thai có thể giúp giảm nồng độ androgens, nhờ đó giúp cơ thể giảm tiết bã nhờn.
-
4Sử dụng liệu pháp laser và ánh sáng. Một thủ thuật khác mà bạn có thể thử sử dụng để giảm tiết bã nhờn là liệu pháp laser và ánh sáng. Liệu pháp quang động và liệu pháp diode laser có thể giảm tiết dầu từ các tuyến bã nhờn. Nhiều người dùng liệu pháp ánh sáng và liệu pháp laser kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng một số thuốc có thể khiến da nhạy cảm với ánh sáng, do đó liệu pháp ánh sáng có thể không phù hợp nếu bạn đang uống một trong các thuốc này.
- Đây là một lựa chọn tốt cho những người không thể dùng thuốc để trị da dầu, chẳng hạn như phụ nữ mang thai. Các liệu pháp này không có tính xâm lấn và khá an toàn.
- Bạn cần phải trị liệu nhiều buổi để có kết quả tốt nhất. Chi phí có thể khá tốn kém.
Quảng cáo
Làm sạch da đúng cách
-
1Rửa da bằng sản phẩm nhẹ dịu. Rửa sạch da đúng cách là một trong những biện pháp giúp giảm lượng dầu trên da. Dùng sữa rửa mặt hoặc sữa tắm không gây bít tắc lỗ chân lông (noncomedogenic).[8] Xà phòng mạnh có thể khiến cho da tăng tiết dầu. Hãy thử một sản phẩm cơ bản không chứa dầu, hoặc dùng sản phẩm có axit salicylic, benzoyl peroxide, axit beta-hydroxy, hoặc axit glycolic. Các thành phần tẩy rửa sẽ giúp đánh tan dầu và làm sạch da.[9] Các thành phần khác giúp tẩy các tế bào da chết và giảm mụn trứng cá do vi khuẩn gây ra.
- Thử một lượng nhỏ sữa rửa mặt trên da trước khi sử dụng thường xuyên. Các thành phần này có thể gây kích ứng da, do đó bạn hãy tìm loại phù hợp với da của bạn.
-
2Rửa bằng nước ấm. Khi rửa mặt, bạn nhớ sử dụng nước ấm thay vì nước nóng. Nước nóng có thể gây kích ứng da và có thể khiến da tiết dầu còn nhiều hơn. Khi rửa mặt hoặc tắm, bạn nên dùng nước hơi ấm.[10]
-
3Tránh dùng các vật liệu mạnh khi tắm rửa. Có thể bạn nghĩ rằng việc kỳ cọ sẽ giúp loại bỏ dầu trên da, nhưng thực ra điều này càng khiến tình trạng tệ hơn. Đừng dùng khăn hoặc bông tắm nhám ráp chà lên da. Kỳ cọ bằng các vật liệu mạnh có thể khiến da tiết thêm dầu. Vậy nên, một là bạn không dùng thứ gì để chà lên da, hai là chỉ dùng khăn mềm.[11]
-
4Điều chỉnh thói quen rửa mặt. Việc sản xuất bã nhờn của có thể thay đổi tuỳ theo mùa. Mức hoóc môn của bạn có thể thay đổi hàng tuần hoặc hàng tháng và tác động đến lượng dầu cơ thể sản xuất. Khi thấy da mặt và cơ thể tiết nhiều dầu hơn bình thường, bạn nên dùng sữa rửa mặt có thành phần dành cho da dầu thường xuyên hơn so với khi da không tiết nhiều dầu.[12]
- Bạn có thể dùng thêm toner (nước cân bằng da) hoặc mặt nạ trong chế độ chăm sóc da khi da tiết nhiều dầu. Chỉ thoa toner hoặc đắp mặt nạ ở những khu vực nhiều dầu trên mặt hoặc cơ thể. Các sản phẩm này có thể làm khô da.
- Ví dụ, cơ thể bạn vào mùa hè có thể sản xuất bã nhờn nhiều hơn vào mùa đông. Như vậy nghĩa là có thể bạn cần sữa rửa mặt hoặc thói quen làm sạch da vào mùa hè khác với mùa đông.
Quảng cáo
Dùng các liệu pháp tại nhà để giảm bã nhờn
-
1Làm mặt nạ lòng trắng trứng. Bạn có thể tự làm mặt nạ giúp giảm tiết dầu và tận hưởng một ngày spa tại nhà. Lòng trắng trứng là một liệu pháp tự nhiên giúp thấm hút dầu trên da. Hãy trộn một lòng trắng trứng với một thìa cà phê mật ong. Thêm một ít bột mì để tạo thành bột nhão cho mặt nạ. Đắp mặt nạ lên mặt hoặc những vùng cơ thể có nhiều dầu.[13]
- Rửa mặt bằng nước ẩm sau 10 phút đắp mặt nạ.
-
2Làm mặt nạ muối nở. Mặt nạ muối nở có thể hữu ích trong việc giảm tiết bã nhờn. Bạn có thể làm mặt nạ muối nở bằng cách trộn 3 phần muối nở với 1 phần nước. Đắp mặt nạ lên mặt và mát-xa vào da khoảng 5 phút. Rửa sạch và thấm khô mặt.
-
3Thoa lotion trà xanh. Trà xanh không chỉ có hương vị thơm ngon khi uống mà còn có công dụng giảm tiết bã nhờn. Trà xanh có các đặc tính kháng viêm và chống ung thư.[14] Lotion trà xanh khi thoa lên mặt và cơ thể có thể giúp giảm dầu, giảm viêm và mụn trứng cá trên da.[15]
- Bạn cũng có thể thử uống thêm trà xanh.
-
4Thay đổi chế độ ăn. Ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm tiết bã nhờn một cách tự nhiên. Nhiều vitamin và khoáng chất có thể giúp cơ thể giảm sản xuất dầu, nhưng bạn nên lấy các vitamin và khoáng chất từ các nguồn thực phẩm để có hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể nạp các dưỡng chất cần thiết bằng cách ăn rau quả tươi và giảm tối đa thực phẩm chế biến sẵn.[16]
- Lúa mì, đường và các sản phẩm từ sữa có thể dẫn đến tình trạng tăng sản xuất bã nhờn. Bạn hãy thử loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn xem biện pháp này có giúp giảm lượng dầu cơ thể tiết ra không.[17]
- Các loại axit béo omega-3 có trong cá và chất béo không bão hoà đơn có trong quả hạch có thể hỗ trợ cho sức khoẻ của da.[18]
- Đường ruột không khoẻ mạnh có thể dẫn đến tăng tiết dầu. Probiotic giúp tăng cường sức khoẻ đường ruột. Bạn hãy thử bổ sung sữa chua Hy Lạp, nấm sữa kefir, dưa cải muối kiểu Đức vào chế độ ăn.[19]
-
5Dưỡng ẩm da bằng dầu argan. Dầu argan có thể giúp da giảm tiết bã nhờn nếu bạn có da dầu.[20] Khi thoa lên da, dầu argan sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, nhờ đó giúp cân bằng việc sản xuất dầu tự nhiên của da. Bạn có thể thoa dầu argan trực tiếp trên da hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa dầu argan.[21]
-
6Hỏi bác sĩ về việc uống thực phẩm bổ sung vitamin A. Thực phẩm bổ sung vitamin A có thể giúp trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, có một số nguy cơ liên quan đến việc sử dụng vitamin A liều cao, do đó bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi uống. Có thể bạn cần phải theo dõi men gan khi uống thực phẩm bổ sung vitamin A để đảm bảo không gây tổn thương gan.[22]Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3088940/
- ↑ http://thescienceofacne.com/sebum/
- ↑ http://www.aafp.org/afp/2004/0501/p2123.html
- ↑ https://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/PostmarketDrugSafetyInformationforPatientsandProviders/ucm094305.htm
- ↑ http://www.dermnetnz.org/topics/sebum/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3088940/
- ↑ http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/birth-control-for-acne-treatment#1
- ↑ https://www.aad.org/media/news-releases/--small-changes-in-skin-care-routine-can-significantly-improve-skin-affected-by-acne-and-rosacea
- ↑ http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/features/oily-skin#1
- ↑ http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/features/oily-skin#1
- ↑ http://www.besthealthmag.ca/best-you/home-remedies/natural-home-remedies-oily-skin/
- ↑ http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/features/oily-skin#3
- ↑ http://www.besthealthmag.ca/best-you/home-remedies/natural-home-remedies-oily-skin/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10926734
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20846135
- ↑ http://www.precisionnutrition.com/all-about-acne-nutrition
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27279815
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3583891/
- ↑ https://chriskresser.com/the-gut-skin-connection-how-altered-gut-function-affects-the-skin/
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17524128
- ↑ http://www.thedermreview.com/argan-oil/
- ↑ https://livertox.nih.gov/VitaminARetinoids.htm