Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho con mà hầu hết phụ nữ còn nhận được lợi ích từ việc đốt cháy thêm calo để giảm lượng cân nặng tăng lên trong thời kỳ mang thai. Tuy vậy, việc giảm cân trong khi cho con bú cần được tiến hành cẩn thận. Mặt khác, bằng việc ăn đúng loại thực phẩm, tập thể dục và chăm sóc bản thân tốt, bạn có thể hỗ trợ quá trình giảm cân sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con là công việc mất nhiều thời gian, có thể khiến bạn cho rằng mục tiêu giảm cân là không thể. Tuy nhiên, chỉ bằng một vài thay đổi trong thói quen hàng ngày, bạn có thể tìm ra một phương pháp giảm cân an toàn và hợp lý, phù hợp với lịch trình của bạn và nhu cầu của bé. Chỉ cần nhớ rằng cơ thể cần duy trì cân nặng tăng thêm (2,25-4,5 kg) trong khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ. Như vậy, bạn không thể trở về mức cân nặng trước khi mang thai cho đến khi hết giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Phần 1
Phần 1 của 4:

Ăn bữa chính đều đặn và ăn nhẹ lành mạnh

  1. 1
    Thử ăn mỗi 3 tiếng một lần. Nghe có vẻ phản trực quan nhưng việc ăn đều đặn để giảm cân là rất quan trọng. Trong khi cho con bú, bạn không nên ăn ít hơn 1500-1800 calo mỗi ngày và hầu hết phụ nữ đều cần lượng calo cao hơn mức này rất nhiều. Nhịn ăn không phải là ý hay, có thể gây nguy hiểm nếu bạn đang phục hồi sau khi sinh và đang nuôi con bằng sữa mẹ. Tiêu thụ quá ít calo cũng gây phản tác dụng đối với mục tiêu giảm cân.
    • Nuôi con bằng sữa mẹ đốt cháy thêm 300-500 calo mỗi ngày và được chứng minh là giúp giảm cân sau sinh nói chung ở hầu hết nữ giới, ngay cả khi không cần hạn chế calo.[1] Bạn nên ăn đủ để đáp ứng nhu cầu về calo này, bên cạnh calo trong chế độ ăn uống lành mạnh.
    • Nghiên cứu chưa chứng minh được mối liên hệ đáng kể giữa việc giảm lượng calo tiêu thụ ở người mẹ với việc sản xuất sữa mẹ. Tuy nhiên, ăn quá ít calo có thể tăng rủi ro cho sức khỏe và tăng cảm giác mệt mỏi.[2]
    • Ăn bữa chính và bữa nhẹ thường xuyên sẽ giúp giảm cảm giác đói, giúp bạn kiểm soát thực phẩm mình ăn được dễ dàng hơn. Nếu để bản thân bị đói, bạn sẽ dễ tìm đến thức ăn tiện lợi nhất có sẵn thay vì chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe nhất.
    • Khi bạn không nạp đủ calo, cơ thể rơi vào “chế độ đói”, hay còn gọi là thích ứng nhiệt sinh để giảm lượng năng lượng tiêu hao, bao gồm đốt cháy calo. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc giảm cân.[3]
  2. 2
    Mang món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe bên mình. Ăn bữa nhẹ bao gồm các loại hạt, táo cắt lát hoặc cà rốt cắt que giữa các bữa chính là cách tuyệt vời để giảm đói. Dù làm việc tại nhà hay ở ngoài thì người mẹ đang cho con bú cũng không có nhiều thời gian. Vì vậy, nên chuẩn bị trước món ăn nhẹ lành mạnh khi có thời gian rảnh.
    • Đặt món ăn nhẹ lành mạnh gần trong tầm tay khi đang cho con bú. Quá trình cho con bú buộc bạn ngồi yên một lúc và khi nghỉ ngơi, bạn có thể với tay lấy một ít thức ăn nhẹ.
    • Giữ các món ăn nhẹ có thể để lâu, ví dụ như các loại hạt hoặc hoa quả sấy khô, trong túi xách hoặc túi tã cho bé, hoặc cất trong xe cho dễ tìm khi đang đi ở ngoài.
    • Rửa sạch toàn bộ rau củ quả. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị nên rửa sạch rau củ quả tươi dưới vòi nước chảy ngay trước khi ăn, cắt hoặc chế biến. Không cần dùng xà phòng hoặc các sản phẩm rửa rau củ quả có bán sẵn.
  3. 3
    Đặt mục tiêu giảm cân chậm. Bạn nên chờ sau khi sinh ít nhất 2 tháng rồi mới bắt đầu giảm cân. Tuy nhiên, trong 2 tháng này, bạn có thể ăn uống lành mạnh và tránh đồ ăn vặt hết mức có thể. Sau 2 tháng, bạn nên cố gắng giảm cân chậm và đều đặn, thay vì giảm tất cả cùng lúc. Mục tiêu hợp lý là giảm khoảng 0,7 kg một tuần.[4]
    • Tránh các chế độ ăn kiêng xu hướng, nước thải độc giảm cân, các lời hứa hẹn giảm cân nhanh, thuốc đốt cháy mỡ, viên uống giảm cân và thực phẩm chức năng tự nhiên. Những thứ này có thể gây rủi ro cho bất kỳ ai và đặc biệt gây rủi ro cao hơn cho phụ nữ đang cho con bú.
    • Nghiên cứu cho thấy giảm cân quá nhanh sẽ tăng thêm áp lực lên hệ tim mạch. Sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ đã tạo đủ áp lực lên cơ thể nên bạn cần tránh tăng thêm.[5]
    • Khi bạn giảm cân cấp tốc, cơ thể thường đốt cháy cơ và giảm trọng lượng nước thay vì đốt cháy mỡ. Điều này khiến việc duy trì cân nặng giảm được trở nên khó khăn hơn nhiều so với khi bạn giảm cân trong thời gian dài.[6]
  4. 4
    Thong thả. Không phải người phụ nữ nào cũng giảm cân sau sinh như nhau trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn nên nghĩ về kế hoạch giảm cân như một lối sống lành mạnh, lâu dài chứ không phải mục tiêu nhất thời. Đừng mất ý chí nếu cân nặng không giảm chính xác như bạn hy vọng.
    • Bạn có thể giảm cân nhanh trong vài tuần đầu sau khi sinh nhưng nên nhớ rằng không phải toàn bộ cân nặng đều giảm nhanh như vậy.
    • Đừng hy vọng kết quả giảm cân nhanh chóng. Có thể mất một năm hoặc hơn để giảm cân nặng mà cơ thể tăng thêm trong thời kỳ mang thai. Trừ khi bạn là người nổi tiếng có huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng riêng và người giữ trẻ trong nhà, còn nếu không thì việc giảm cân sẽ cần nhiều thời gian.
    • Một số phụ nữ thấy rất khó giảm cân trong khi nuôi con bằng sữa mẹ nhưng lại giảm cân đáng kể sau khi bé cai sữa. Hiện tượng này có thể là do thiếu ngủ và thói quen sinh hoạt không điều độ dẫn đến ăn quá nhiều.
    • Cơ thể cũng tiết ra hormone prolactin trong giai đoạn mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ để kích thích sản xuất sữa. Một số nghiên cứu cho rằng nồng độ hormone prolactin cao có thể ức chế quá trình trao đổi chất. [7]
    • Khi đánh giá mục tiêu giảm cân, cần nhớ rằng cơ thể thường mang thêm khoảng 1,35 kg mô ngực trong giai đoạn bạn còn nuôi con bằng sữa mẹ.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 4:

Đưa ra lựa chọn tốt cho sức khỏe

  1. 1
    Chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Chọn thực phẩm giàu sắt, protein và canxi thay cho thực phẩm chứa calo rỗng hoặc thực phẩm nhiều chất béo và đường. Thực phẩm giàu protein đặc biệt quan trọng vì chúng giúp bạn no lâu hơn. Cố gắng tránh tiêu thụ thực phẩm trải qua nhiều quá trình xử lý hoặc thực phẩm chứa cacbon-hydrat đơn giản như bánh mì trắng, gạo trắng, bánh quy và kẹo ngọt. Cách này giúp bạn giảm cân mà không ảnh hưởng đến sức khỏe dinh dưỡng.
    • Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thực phẩm nguyên hạt, rau lá xanh và hoa quả họ Cam.
    • Trứng và chế phẩm từ sữa động vật, thịt nạc, chế phẩm từ đậu nành và sản phẩm thay thế thịt, đậu, đậu lăng, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt đều chứa protein.
    • Đối với canxi, bạn nên tăng cường chế phẩm từ sữa động vật hoặc rau lá xanh. Ngoài ra, có thể tìm các sản phẩm tăng cường canxi như nước ép hoa quả, ngũ cốc, sữa đậu nành, sữa chua và đậu phụ.[8]
  2. 2
    Tránh thức ăn trải qua nhiều quá trình xử lý, thức ăn nhiều chất béo, đường và caffeine. Chế độ ăn lành mạnh không những giúp giảm cân mà còn cải thiện giá trị dinh dưỡng trong sữa mẹ. Thức ăn rác hay thức ăn không tốt cho sức khỏe và thức ăn nhanh chỉ tăng calo rỗng, không phải nguồn năng lượng bền vững cho bạn chăm sóc bản thân và chăm sóc bé.
    • Tránh muối, đường và phụ gia thêm vào trong thức ăn đã xử lý sẽ tốt hơn cho sức khỏe nói chung.
    • Giảm lượng chất béo tiêu thụ xuống mức 20-25% hoặc ít hơn lượng calo tồng thể. Thay thế calo từ chất béo bằng thực phẩm ít béo và giàu protein.[9]
    • Cảnh giác với lượng đường ẩn trong nước ép hoa quả và soda vì chúng chỉ tăng thêm calo mà không có giá trị dinh dưỡng. Nhiều loại soda còn chứa caffeine mà bạn nên giới hạn ở mức ít hơn 2-3 cốc mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thói quen ngủ của bé và của bạn.[10]
  3. 3
    Theo dõi quá trình. Có nhiều biểu đồ sáng tạo giúp theo dõi những gì bạn đạt được trong quá trình giảm cân. Biểu đồ giảm cân có thể giúp bạn theo dõi mình đã giảm được bao nhiêu cân hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí hàng năm.
    • Tự tạo biểu đồ bằng chương trình Excel Spreadsheet. Chương trình này giúp ghi chép những thông tin có liên quan đến bạn nhất.
    • Tải về biểu đồ giảm cân. Chỉ cần tìm kiếm trực tuyến một chút là có thể thấy nhiều loại biểu đồ giảm cân khác nhau. Nhiều biểu đồ cho phép bạn tải về miễn phí và in ra.
    • Có nhiều ví dụ về các loại biểu đồ đo cơ thể khác có sẵn trực tuyến. Bạn có thể lấy cảm hứng từ những gì người khác đã làm để tạo ra biểu đồ của riêng mình.
    • Nếu chọn ghi chép biểu đồ hàng ngày, bạn nên chọn cùng thời điểm mỗi ngày để cân trọng lượng và ghi lại. Nên nhớ trọng lượng cơ thể thường thấp nhất vào buổi sáng.[11]
    • Một khi đã bắt đầu theo dõi cân nặng, bạn sẽ dễ ám ảnh về nó. Cố gắng ghi chép biểu đồ có giới hạn. Tránh cân trọng lượng nhiều hơn một lần mỗi ngày và đừng bực bội khi cân nặng biến động lên xuống.
  4. 4
    Cố gắng giảm căng thẳng. Căng thẳng trong khi nuôi con nhỏ là điều khó xử lý nhưng bạn nên cố gắng tránh hết mức có thể. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giảm cân. Khi bạn căng thẳng, cơ thể tiết ra hormone cortisol, làm tăng cảm giác thèm ăn và khiến bạn ăn nhiều hơn. Căng thẳng còn khiến cơ thể tích tụ thêm “mỡ nội tạng” ở phần bụng, chính xác là nơi bạn muốn giảm cân nhất.[12]
    • Để giảm căng thẳng, bạn nên viết ra những cảm nhận và điều gây bức bối trong ngày để chúng không còn khiến bạn mất ngủ buổi tối. Ghi chép nhật ký trải nghiệm làm mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ và nỗ lực giảm cân.
    • Trò chuyện về cảm nhận của bản thân. Chia sẻ suy nghĩ của bản thân với chồng hoặc một người bạn/người thân đáng tin cậy. Trao đổi về những thách thức trong khi nuôi con nhỏ với những bà mẹ khác (trực tuyến hoặc trực tiếp).
    • Cố gắng tập trung vào những khoảnh khắc hạnh phúc cùng con thay vì nghĩ về những khó khăn khi làm mẹ. Nên nhớ rằng giai đoạn bé bú sữa mẹ là rất ngắn.
    • Yêu cầu giúp đỡ. Nếu cảm thấy quá sức với những trách nhiệm trong khi nuôi con bằng sữa mẹ và khi làm mẹ, bạn nên tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Cần đảm bảo rằng chồng bạn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trên vai. Có thể nhờ ông bà chăm sóc con lớn hoặc phụ giúp chuẩn bị bữa ăn.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 4:

Luôn vận động

  1. 1
    Tập Cardio thường xuyên. Bài tập đơn giản như đi bộ có thể giúp kiểm soát cân nặng nhanh chóng và hiệu quả, bao gồm kiểm soát cân nặng vùng bụng. Có nhiều cách thú vị để bạn luôn vận động, ngay cả khi đang chăm bé trong giai đoạn bú sữa mẹ.
    • Đi bộ nhanh hoặc chạy bộ trong khi đẩy bé trong xe đẩy đi quanh khu nhà. Đây là cách thư giãn để bạn vừa tập thể dục và bé vừa được hít thở không khí trong lành.
    • Đi bộ nhanh hoặc chạy bộ trong khi đẩy bé trong xe đẩy đi quanh nhà. Đây là cách thư giãn để bạn vừa tập thể dục và bé vừa được hít thở không khí trong lành.
    • Nếu không thích đẩy xe đẩy, có thể cân nhắc việc mua đai địu em bé để sử dụng khi địu con ra ngoài đi bộ.
    • Tập Cardio tập thể. Nếu biết những bà mẹ khác trong xóm cũng đang nuôi con nhỏ, bạn có thể rủ họ cùng đi bộ. Đây là cách tuyệt vời để ra ngoài và giao tiếp xã hội - điều mà bạn khó thực hiện khi ở nhà chăm con.
    • Mọi thứ cần ở mức điều độ. Không tập thể dục đến khi mệt lử. Mặt khác, các bài tập cường độ cao vẫn rất tốt trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ (tất nhiên là sau khi được bác sĩ hậu sản đồng ý).[13]
  2. 2
    Chuẩn bị cho buổi tập thể dục. Có nhiều bước mà người mẹ đang cho con bú cần tiến hành trước khi tập thể dục để cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái. Giữ cơ thể và bầu ngực ở tư thế chuẩn cho việc cho bé bú và sản xuất sữa là bước rất quan trọng.
    • Mặc áo ngực thể thao nâng đỡ khi hoạt động mạnh. Nâng đỡ bầu ngực bằng áo ngực vừa vặn giúp giảm ma sát và cảm giác khó chịu ở núm vú. Áo ngực thể thao cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ đều có bán sẵn.
    • Uống nhiều nước trước và trong khi tập thể dục. Uống thêm 2-3 cốc nước sẽ giúp đảm bảo cơ thể không mất nước để tránh ảnh hưởng đến nguồn sữa.
    • Cố gắng cho con bú trước khi tập thể dục. Cách này giúp con bớt quấy nếu bạn mang con theo. Tập thể dục khi bầu ngực không bị con ngấu nghiến cũng thoải mái hơn nhiều.[14]
    • Nếu đổ mồ hôi nhiều khi tập thể dục, bạn cần lau sạch bầu ngực trước khi cho con bú. Một số bé không thích vị mặn.
    • Nếu bạn lo ngực bị chảy xệ sau khi nuôi con bằng sữa mẹ thì có thể thực hiện các bài tập ngực và thay đổi lối sống để ngăn ngừa tình trạng này (bạn cũng nên biết việc cho con bú không phải là nguyên nhân chính khiến ngực chảy xệ). Bạn có thể tìm thêm thông tin tại đây: Cách để ngăn ngừa ngực chảy xệ sau khi nuôi con bằng sữa mẹ.
  3. 3
    Thử tập sức bền/tập tạ. Không cần phải tăng cơ quá nhiều mới đón nhận được lợi ích của việc tập tạ. Chỉ cần tăng cơ (dù nhiều hay ít) là có thể giúp đốt cháy thêm calo, ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Tăng cường sức mạnh tổng thể cũng giúp ích cho việc mang bé theo mình.
    • Dùng dây tập đàn hồi hoặc tạ để tập sức bền và tập ngắt quãng cường độ cao.
    • Lặp lại nhiều lần với tạ nhẹ cũng tạo cơ hiệu quả như khi tập với tạ nặng mà vừa ít gây chấn thương hơn.[15]
    • Nếu nâng tạ thường xuyên hoặc tập các bài tập khiến tay cử động lặp lại, bạn cần bắt đầu từ từ. Nếu thấy bầu ngực bị kích ứng hoặc tuyến sữa bị tắc, bạn nên ngừng các bài tập này một thời gian.
  4. 4
    Tập thể dục cho săn chắc vùng bụng hoặc cơ trung tâm. Không cần gập bụng 1000 cái thì mới thấy được lợi ích của việc tập cơ bụng. Chỉ cần hóp cơ bụng hàng ngày cũng giúp cơ bụng trở nên săn chắc.
    • Trong Pilates hoặc Yoga có nhiều bài tập hiệu quả giúp cơ bụng trở nên săn chắc. Tập Yoga còn mang lại nhiều lợi ích khác như chỉnh lại tư thế cho bạn sau một ngày đẩy xe đẩy hoặc địu con.[16]
    • Thử tập Plank hoặc bài tập mà bạn cần duy trì một tư thế trong thời gian ngắn. Plank giúp tập nhiều nhóm cơ cùng lúc, bao gồm cơ bụng, cơ hai bên, cơ phía trước, cơ lưng và thậm chí là cơ tay.[17]
    Quảng cáo
Phần 4
Phần 4 của 4:

Nghỉ ngơi đầy đủ

  1. 1
    Cố gắng ngủ đủ giấc. Hầu hết chúng ta đều cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Điều này đặc biệt khó cho phụ nữ trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ vì bé thường cần bú suốt đêm. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng nghỉ ngơi đầy đủ rất cần thiết nếu muốn giảm cân.
    • Nếu mệt mỏi, bạn sẽ dễ tìm nguồn năng lượng nhanh chóng ở dạng cacbon-hydrat hoặc đường. Trung tâm tưởng thưởng của não hoạt động nhiều hơn khi bạn mệt mỏi và khiến bạn tìm kiếm những món ăn vặt không tốt.
    • Nghiên cứu cho thấy ngủ quá ít có thể khiến nhiều người ăn khẩu phần ăn lớn hơn, từ đó tăng lượng calo. Điều này nhanh chóng làm hỏng kế hoạch giảm cân của bạn.[18]
    • Bạn cũng ít muốn hoạt động thể chất hơn khi không nghỉ ngơi đủ. Thiếu ngủ khiến bạn không thể tập thể dục hoặc đi đến phòng tập.[19]
    • Cân nhắc việc hút sẵn sữa và nhờ chồng cho con bú 1-2 tiếng buổi tối để bạn có thể ngủ một chút.
  2. 2
    Cố gắng chợp mắt trong ngày. Điều này đặc biệt đúng đối với bà mẹ nuôi con nhỏ. Câu nói xưa “chợp mắt khi con ngủ” là lời khuyên hữu ích. Bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè trông con vài tiếng để nghỉ ngơi.
    • Đừng tranh thủ toàn bộ thời gian con ngủ để làm việc nhà. Bạn nên nghỉ ngơi khi con ngủ. Hãy để người khác đảm nhận công việc nhà. Nếu có con lớn, bạn có thể lập sẵn biểu đồ và hướng dẫn con thực hiện những công việc nhà đơn giản, phù hợp với độ tuổi như rửa bát, hút bụi hoặc đi đổ rác.
    • Chỉ cần ngồi xuống nghỉ ngơi cũng mang lại lợi ích cho cơ thể. Nhớ rằng cơ thể đã làm việc cật lực hơn để tạo nguồn sữa cho bé nên bạn cần đối tốt với nó.
    • Chợp mắt nghỉ ngơi mang lại nhiều lợi ích khác bên cạnh giúp giảm cân. Một nghiên cứu mới đây cho thấy những bà mẹ có chợp mắt nghỉ ngơi sẽ ít mệt mỏi hơn và có khả năng tạo ra tương tác tích cực hơn với con.[20]
  3. 3
    Ưu tiên việc nghỉ ngơi và giấc ngủ. Phụ nữ sau sinh thường dễ đặt người khác lên hàng đầu. Mặc dù chăm sóc con là điều quan trọng nhưng bạn cũng cần chăm sóc bản thân. Có vài cách giúp bạn có thể tối ưu hóa việc ngủ nghỉ trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.
    • Nói “Không” với những trách nhiệm khác tại trường học và nơi làm việc. Tránh tình nguyện tham gia vào mọi hoạt động tại trường của con lớn hay làm việc thêm thời. Nên dành thời gian nghỉ ngơi và thời gian hoạt động thể chất. Đặt bản thân và việc nghỉ ngơi lên hàng đầu.
    • Tránh tiêu thụ caffeine, đặc biệt là vào cuối ngày. Caffeine có thể khiến bạn tỉnh giấc và mất đi cơ hội dành vài tiếng quý giá cho giấc ngủ.
    • Trải qua buổi chiều yên bình hết mức có thể. Cố gắng tránh xem tivi hoặc dùng máy tính, điện thoại trước khi đi ngủ.
    • Biến phòng ngủ thành nơi lý tưởng cho giấc ngủ bằng cách tạo môi trường yên tĩnh, tối tăm và mát mẻ. Nếu cần, có thể đeo mặt nạ ngủ để tạo ánh sáng tối ở mức tối đa.[21]
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Uống vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của bạn và con. Tiếp tục uống vitamin cho phụ nữ trước khi mang thai trong giai đoạn cho con bú. Nếu bạn áp dụng chế độ ăn kiêng, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ khuyến nghị uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B12 hàng ngày.[22]

Cảnh báo

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thai phụ về thời điểm phù hợp để bắt đầu tập thể dục. Tùy bản chất của việc mang thai và sinh con mà bạn có thể cần chờ một thời gian sau khi sinh rồi mới bắt đầu tập luyện. Nếu bạn sinh thường và không gặp biến chứng thì việc bắt đầu tập thể dục ngay khi cảm thấy sẵn sàng là an toàn. Nếu bạn sinh mổ, vừa tái tạo âm đạo bị mở rộng hoặc gặp biến chứng sau sinh, nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu chương trình tập luyện.[23]

Bài viết wikiHow có liên quan

Làm vỡ túi ốiLàm vỡ túi ối
Sinh con tại nhàSinh con tại nhà
Giúp trẻ ợ hơi khi ngủGiúp trẻ ợ hơi khi ngủ
Khắc phục tình trạng tụt núm vúKhắc phục tình trạng tụt núm vú
Mát‐xa cho BéMát‐xa cho Bé
Xoay Ngôi thai ngượcXoay Ngôi thai ngược
Đỡ ĐẻĐỡ Đẻ
Kiểm tra độ giãn cổ tử cungKiểm tra độ giãn cổ tử cung
Pha bột ăn dặm với sữa công thứcPha bột ăn dặm với sữa công thức
Tiêu sữa nhanhTiêu sữa nhanh
Nhận ra một người đang có bầuNhận ra một người đang có bầu
Kích thích Chuyển dạ tại NhàKích thích Chuyển dạ tại Nhà
Mang thaiMang thai
Tăng Cơ hội Mang Song thai của BạnTăng Cơ hội Mang Song thai của Bạn
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Lora Luczywo, IBCLC
Cùng viết bởi:
Chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ
Bài viết này đã được cùng viết bởi Lora Luczywo, IBCLC. Lora Luczywo là chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ được ủy ban quốc tế chứng nhận, cô sống tại Los Angeles, California. Lora có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Cô đã hoàn thành chương trình học về nuôi con bằng sữa mẹ tại Đại học California, San Diego và đã theo học kỹ năng lâm sàng tại Trung tâm Y tế Kaiser Permanente Los Angeles và Trung tâm Y tế Torrance Memorial. Cô có bằng cử nhân về nghệ thuật tự do và khoa học của Đại học Arizona. Bài viết này đã được xem 14.492 lần.
Chuyên mục: Thiên chức làm mẹ
Trang này đã được đọc 14.492 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo