Bài viết này đã được cùng viết bởi Zora Degrandpre, ND. Tiến sĩ Degrandpre là bác sĩ chuyên về liệu pháp thiên nhiên được cấp phép tại Washington. Cô đã nhận bằng ND của Đại học Y khoa Quốc gia năm 2007.
Có 10 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 47.996 lần.
Axit thừa trong dạ dày có thể gây ra nhiều triệu chứng như trào ngược axit, ợ nóng và trào ngược dày – thực quản. Nếu hay gặp phải các vấn đề này thì hẳn là bạn biết nó khó chịu như thế nào. May mắn là có một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng. Bằng cách kiểm soát chế độ ăn và thực hiện một số thay đổi trong lối sống, bạn có thể phòng tránh hoặc điều trị chứng thừa axit dạ dày một cách hiệu quả. Nếu đã thử mọi liệu pháp trên mà tình trạng vẫn không cải thiện thì bạn cũng đừng mất hy vọng. Có thể bạn chỉ cần uống thuốc. Hãy đến bác sĩ để trao đổi về các phương pháp điều trị để giảm axit dạ dày.
Các bước
Thực phẩm nên ăn
Việc thay đổi chế độ ăn có thể giúp giảm axit dạ dày và ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ các triệu chứng ợ nóng. Nói thế cũng không có nghĩa là bạn không được thưởng thức các món ăn phong phú và ngon miệng! Hãy cố gắng kết hợp các loại thực phẩm này vào chế độ ăn để tránh kích thích đau dạ dày do axit.
-
1Ăn thịt nạc. Các loại thịt đỏ, thịt sẫm màu hoặc thịt chế biến sẵn thường có hàm lượng cao chất béo bão hoà, có thể khiến chứng ợ nóng càng tệ hơn. Thay vào đó, bạn nên chọn nguồn protein động vật từ các loại thịt nạc như thịt gà, gà tây, và cá. Các thực phẩm này dễ tiêu hoá hơn nhiều và sẽ không gây kích thích.[1]
- Nếu ăn thịt gia cầm, bạn nên bỏ da để giảm bớt lượng chất béo bão hoà.
- Phương pháp chiên rán làm giảm lợi ích cho sức khoẻ của thịt nạc. Ví dụ, gà rán có rủi ro gây ợ nóng hơn nhiều so với gà nướng.
-
2Tránh ăn quá nhiều bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ. Ăn quá nhiều là yếu tố kích thích ợ nóng phổ biến, vì khi đó axit dạ dày bị đẩy ngược vào thực quản. Chất xơ giúp bạn no nhanh hơn nên khó có thể ăn quá nhiều. Các nguồn chất xơ dồi dào bao gồm đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, yến mạch và quả hạch.[2]
- Nạp đủ chất xơ cũng là yếu tố quan trọng cho sức khoẻ hệ tiêu hoá nói chung, vì vậy bạn nên cố gắng ăn 25-30 g chất xơ mỗi ngày.
-
3Kết hợp các thực phẩm có tính kiềm như chuối để trung hoà axit. Các thực phẩm kiềm có độ pH cao hơn, nghĩa là chúng có thể khử axit trong dạ dày. Một số thực phẩm có tính kiềm bao gồm chuối, quả hạch, thì là, bông cải xanh và dưa gang.[3]
-
4Ăn các thực phẩm chứa nhiều nước để làm loãng axit dạ dày. Các thực phẩm có hàm lượng nước cao có thể làm loãng axit dạ dày, giảm đau hoặc nóng rát. Các lựa chọn phù hợp gồm có dưa gang, cần tây, dưa chuột, rau diếp, súp hoặc nước hầm. Bạn có thể dùng các thực phẩm này làm món ăn kèm hoặc ăn nhẹ ngoài các bữa ăn chính.[4]
-
5Bổ sung thảo mộc và gia vị tươi thay cho các loại khô hoặc bột gia vị. Các loại bột gia vị hoặc thảo mộc thường đậm đặc hơn, và hương vị nồng có thể kích thích ợ nóng. Bạn nên chọn các loại gia vị tươi để giảm nguy cơ ợ nóng.[5]
- Rau mùi tây, húng quế và kinh giới cay tươi thường nhẹ dịu với dạ dày hơn các loại rau gia vị khác.
-
6Chế biến thức ăn bằng phương pháp nướng để tăng hương vị cho món ăn. Vì phải tránh ăn các món có nhiều gia vị cay nồng, có lẽ bạn đang tự hỏi làm sao để các món ăn khỏi nhạt nhẽo. Các món nướng sẽ là lựa chọn tốt. Phương pháp nướng giúp thức ăn thơm ngon hơn và làm sém vàng chất đường tự nhiên trong nguyên liệu. Hãy thử cách chế biến này nếu bạn muốn có những bữa ăn đậm đà hương vị hơn.[6]
- Bạn có thể nướng thức ăn trên vỉ nướng ở nhiệt độ trên 204 độ C thay vì nướng trong lò.
-
7Ăn rau sống nếu rau nấu chín khiến dạ dày của bạn khó chịu. Có một số người thấy rằng rau sống giúp làm dịu dạ dày hơn rau đã nấu chín. Bạn có thể thử ăn rau sống xem cách này có giúp ích không.[7]
- Nhớ rửa rau thật cẩn thận, vì vi khuẩn sẽ không chết khi chưa nấu chín rau.
- Nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích, rau sống có thể sẽ khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Trong trường hợp này, có lẽ bạn nên nấu chín rau trước khi ăn.
-
8Uống nhiều nước để làm loãng axit dạ dày. Nước lọc là thức uống tốt nhất để dùng trong bữa ăn, vì nó giúp pha loãng axit dạ dày một cách tự nhiên, nhờ đó cũng giúp ngăn ngừa ợ nóng.[8]
- Một số người cho rằng nước kiềm đóng chai, vốn có độ pH cao hơn nước máy, sẽ giúp trung hoà axit dạ dày tốt hơn. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy loại nước này hiệu quả hơn nước lọc.[9]
Quảng cáo
Các thực phẩm nên tránh
Một số thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng thừa axit dạ dày. Các thực phẩm này đôi khi khác nhau tuỳ từng người, nhưng có một số thủ phạm phổ biến thường gây ợ nóng hoặc trào ngược axit. Bạn nên cố gắng hạn chế các thực phẩm này trong chế độ ăn để tránh gây ra các triệu chứng.
-
1Tránh ăn thức ăn béo, chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn. Các thực phẩm này tiêu hoá chậm hơn và kích thích tiết axit nhiều hơn. Hãy giảm các thức ăn chiên rán hoặc chế biến sẵn cũng như các thức ăn chứa nhiều chất béo bão hoà như thịt đỏ.[10]
- Thử chế biến món ăn bằng các phương pháp khác khi thay vì chiên rán. Nướng vỉ, nướng lửa trên hoặc đút lò đều là các cách chế biến giúp giảm hàm lượng chất béo bão hoà trong thực phẩm.
-
2Bớt ăn hoa quả và rau củ có tính axit. Đặc biệt, hoa quả họ cam quýt và cà chua có thể làm tăng axit dạ dày. Bạn nên cố gắng hạn chế các thực phẩm này trong chế độ ăn.[11]
- Các sản phẩm sử dụng các nguyên liệu này, chẳng hạn như sốt cà chua hoặc nước ép cam, cũng có thể gây khó chịu, vì vậy bạn cũng nên tránh.
- Một số người dung nạp cà chua sống tốt hơn cà chua đã chế biến. Bạn có thể thử ăn cà chua sống xem có đỡ hơn không.
-
3Hạn chế ăn sô cô la và bạc hà. Sô cô la, bạc hà lục và bạc hà cay thường kích thích đau dạ dày do thừa axit. Hãy kiêng ăn những thứ này nếu chúng làm bạn khó chịu.[12]
-
4Thêm gia vị nhẹ dịu vào món ăn. Các thức ăn nhiều gia vị là yếu tố kích thích ợ nóng phổ biến, đặc biệt là ớt cayenne hoặc ớt đỏ. Thay vào đó, hãy tăng hương vị cho món ăn bằng các gia vị nhẹ dịu hơn như bột ớt ngọt hoăc tiêu đen.[13]
- Bạn có thể dung nạp được một lượng nhỏ gia vị. Hãy thêm từng chút một vào thức ăn nếu bạn thích. Như vậy, bạn sẽ biết được ngưỡng dung nạp của mình đến đâu.
-
5Dùng ít tỏi hơn khi nấu ăn. Tỏi là yếu tố kích thích ợ nóng phổ biến, kể cả tỏi tươi và bột tỏi. Nếu bạn bị ợ nóng sau khi ăn các món ăn có tỏi, hãy giảm lượng tỏi trong thức ăn hoặc kiêng hoàn toàn.[14]
- Khi đi ăn nhà hàng, bạn có thể bảo người phục vụ bàn rằng bạn bị mẫn cảm với tỏi để họ báo với đầu bếp dùng ít tỏi khi chế biến món ăn.
-
6Tránh các thức uống chứa gas. Ngay cả nước uống có gas không đường cũng có thể kích thích trào ngược axit vào thực quản. Tốt nhất là bạn nên tránh uống tất cả các loại thức uống có gas trong khi ăn để giúp tiêu hoá thức ăn suôn sẻ.[15]
- Bạn có thể uống nước có gas ngoài các bữa ăn, vì lượng axit trong dạ dày sẽ ít hơn khi bạn không ăn.
-
7Giảm lượng caffeine và cồn nạp vào. Cả caffeine và cồn đều có thể kích thích trào ngược axit, do đó bạn cần kiểm soát lượng nạp vào. Giới hạn lượng caffeine ở mứ 2-3 cốc mỗi ngày, và không uống quá 1-2 cốc rượu mỗi ngày.[16]
- Nếu caffeine và cồn gây ra triệu chứng, có thể bạn cần phải kiêng hoàn toàn.
-
8Theo dõi các thực phẩm gây ra các triệu chứng. Mặc dù một số loại thực phẩm kích thích chứng trào ngược axit, nhưng tình trạng của mỗi người một khác. Một số loại thức ăn có thể khiến bạn khó chịu, một số thì không. Cách tốt nhất là lập một danh sách các thực phẩm làm các triệu chứng trầm trọng hơn để tránh.[17]Quảng cáo
Điều chỉnh lối sống
Bên cạnh việc kiểm soát chế độ ăn, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống để giảm lượng axit trong dạ dày. Ăn uống và di chuyển quá nhiều sau khi ăn là các nguyên nhân phổ biến gây ợ nóng, vì vậy bạn nên chú ý cảm giác no trong lúc ăn. Với các phương pháp kiểm soát này, bạn có thể ngăn ngừa ợ nóng sau khi ăn.
-
1Ăn chậm để tránh ăn quá nhiều. Ăn quá nhanh thường là nguyên nhân khiến người ta ăn quá nhiều, vì vậy bạn nên ăn chậm lại trong suốt bữa ăn. Ăn từng miếng và nhai kỹ trước khi nuốt. Đừng gắp thêm miếng khác khi chưa nuốt xong miếng trước.[18]
- Một mẹo thường được sử dùng để ăn chậm là đếm số lần nhai từng miếng. Bạn hãy thử áp dụng mẹo này nếu ăn chậm lại là việc khó khăn với bạn.
-
2Ngừng ăn khi cảm thấy no. Đừng ép mình tiếp tục ăn khi bạn đã bắt đầu cảm thấy no. Nếu không, bạn có thể ăn quá mức cần thiết và kích thích triệu chứng ợ nóng.[19]
- Nếu ăn ở nhà hàng, bạn có thể yêu cầu phục vụ đem hộp ra để đựng thức ăn mang về. Như vậy, bạn sẽ tránh được tình trạng ăn quá nhiều, mà sau đó lại có đồ ăn nhẹ ở nhà.
-
3Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn ít bữa no. Các bữa ăn no sẽ tạo áp lực lớn hơn lên dạ dày và có thể kích thích ợ nóng. Thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, bạn nên ăn 5 bữa nhỏ. Cách này sẽ giúp bạn không ăn quá no trong các bữa ăn.[20]
- Một bữa ăn lý tưởng có 400-500 calo. Như vậy, bạn sẽ giữ được lượng calo nạp vào mỗi ngày ở mức 2.000-2.500 calo.[21]
-
4Đứng hoặc ngồi thẳng người trong vòng 2 tiếng sau khi ăn. Tư thế nằm sẽ đẩy ngược axit lên thực quản và có thế kích thích ợ nóng. Thay vì nằm xuống, bạn nên đứng hoặc ngồi thẳng để trọng lực kéo axit xuống.[22]
-
5Chờ 2-3 tiếng sau khi ăn mới tập thể dục. Tập thể dục quá sớm sau khi ăn có thể gây khó chịu trong dạ dày. Bạn nên chờ vài tiếng để cho thức ăn có đủ thời gian tiêu hoá trước khi tập luyện.[23]
- Thời gian chờ chính xác sẽ tuỳ thuộc vào bài tập luyện. Các bài tập hiếu khí như chạy bộ đòi hỏi dạ dày phải rỗng, nhưng nếu bạn tập nâng tạ mà không phải chuyển động lên xuống quá nhiều thì không cần đợi lâu đến vậy.
-
6Mặc trang phục rộng rãi để không tạo áp lực lên dạ dày. Quần áo chật có thể ép vào dạ dày hoặc bụng và đầy axit vào thực quản. Bạn nên mặc trang phục không ép chặt bụng để tránh đau.[24]
-
7Nằm cao đầu khi ngủ để ngăn ngừa trào ngược axit trong đêm. Tư thế nằm ngang cũng có thể khiến axit chảy ngược. Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng ban đêm, hãy thử đặt thêm một chiếc gối nữa dưới vai để nằm ở tư thế dốc.[25]
- Bạn cũng có thể mua giường nâng đầu để điều chỉnh cho dễ hơn.
-
8Duy trì cân nặng khoẻ mạnh. Cơ thể thừa cân sẽ tạo nhiều áp lực lên dạ dày, vì vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ để biết bạn có cần giảm cân không. Nếu có, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục để giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.[26]
-
9Cai thuốc lá hoặc không tập hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày – thực quản. Tốt nhất là bạn nên cai thuốc lá càng sớm càng tốt hoặc không hút thuốc ngay từ đầu.[27]
- Khói thuốc thụ động cũng có thể gây ra nhiều vấn đề như trên, do đó bạn đừng cho ai hút thuốc lá trong nhà.
Quảng cáo
Các liệu pháp tự nhiên
Có nhiều liệu pháp tại nhà chữa trị ợ nóng được ghi nhận. Tuy nhiều liệu pháp trong số đó không công hiệu lắm, nhưng cũng có một vài liệu pháp dựa trên bằng chứng khoa học. Nếu bạn đã cố gắng kiểm soát nhưng vẫn bị ợ nóng, các liệu pháp này có thể sẽ giúp ích. Hãy thử áp dụng xem có hiệu quả không. Nếu không, bạn có thể uống thuốc kháng axit.
-
1Uống trà gừng khi bạn cảm thấy cơn ợ nóng sắp đến. Gừng có tác dụng xoa dịu dạ dày tự nhiên, do đó một chút trà gừng có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Hãy pha một tách trà gừng và uống từng ngụm nếu bạn cảm thấy sắp bị trào ngược axit.[28]
- Trà gừng có bán với dạng gói, hoặc bạn có thể tự pha bằng cách đun sôi một mẩu gừng tươi trong nước và lọc lấy nước uống.
-
2Uống dung dịch nước pha với muối nở để trung hoà axit. Muối nở, còn gọi là natri bicacbonat, là một chất kiềm và có thể trung hoà axit dạ dày. Đó là lý do mà muối nở được sử dụng trong nhiều loại thuốc kháng axit. Bạn có thể khuấy ½ thìa cà phê muối nở với một cốc nước và uống hết. Lặp lại 3-4 lần mỗi ngày nếu cần.[29]
- Bạn nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp này để đảm bảo an toàn.
-
3Thử dùng mật ong và nước chanh để làm dịu dạ dày. Thức uống này cũng giúp trung hoà axit dạ dày. Vắt một thìa nước chanh tươi vào cốc nước và hoà thêm một thìa mật ong. Uống từng hớp nước chanh hoà mật ong thử xem các triệu chứng có thuyên giảm không.[30]
- Bạn cũng có thể pha mật ong và chanh vào trà gừng để kết hợp hai phương pháp trị liệu.
Quảng cáo
Điều trị y tế
Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát lượng axit trong dạ dày bằng một số thay đổi trong chế độ ăn và lối sống. Nhiều người chỉ cần như vậy là đủ để kiểm soát chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nếu đã thực hiện các thay đổi mà bệnh vẫn không thuyên giảm, bạn nên đến bác sĩ để khám bệnh. Có thể bạn cần sử dụng thuốc kê toa để ức chế sản sinh axit dạ dày. Bất kể là các liệu pháp tại nhà có hiệu quả hay cần uống thêm thuốc, bạn sẽ kiểm soát được các triệu chứng ợ nóng, và nó sẽ không gây phiền toái cho bạn nữa.
Tham khảo
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what-to-eat-when-you-have-chronic-heartburn
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what-to-eat-when-you-have-chronic-heartburn
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what-to-eat-when-you-have-chronic-heartburn
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what-to-eat-when-you-have-chronic-heartburn
- ↑ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18473176/
- ↑ https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/alkaline-water/faq-20058029
- ↑ https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/what-to-eat-when-you-have-chronic-heartburn
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn
- ↑ https://ufhealth.org/heartburn
- ↑ https://ufhealth.org/heartburn
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/11-stomach-soothing-steps-for-heartburn
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/11-stomach-soothing-steps-for-heartburn
- ↑ https://health.clevelandclinic.org/heartburn-lifestyle-changes-to-reduce-acid-reflux-symptoms/
- ↑ https://www.health.harvard.edu/digestive-health/9-ways-to-relieve-acid-reflux-without-medication
- ↑ https://www.health.harvard.edu/digestive-health/9-ways-to-relieve-acid-reflux-without-medication
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://health.clevelandclinic.org/heartburn-lifestyle-changes-to-reduce-acid-reflux-symptoms/
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/diagnosis-treatment/drc-20361959
- ↑ https://www.health.harvard.edu/digestive-health/9-ways-to-relieve-acid-reflux-without-medication
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn
- ↑ https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/sodium-bicarbonate-oral-route-intravenous-route-subcutaneous-route/side-effects/drg-20065950?p=1
- ↑ https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/gerd-diet-foods-that-help-with-acid-reflux-heartburn